Cảnh sát bắt cóc thuê cho băng đảng ‘cá mập’ TQ ở Philippines
Sự nở rộ của các sòng bài ở Philippines đã tạo ra “cơ hội” việc làm ám muội cho các cảnh sát ở nước này, khi họ được các băng nhóm cho vay nặng lãi thuê để bắt cóc tống tiền.
Làn sóng người Trung Quốc bay đến Manila để thử vận may trong các sòng bài đã tạo ra cơ hội việc làm mới cho các cảnh sát biến chất: làm tay chân cho các băng nhóm cho vay nặng lãi – hay còn còn là “cho vay cá mập” của người Trung Quốc.
Vào ngày 18/5, Li Chao đi ăn tối và hát karaoke gần một sòng bài nằm bên vịnh Manila. Khi đi đến chỗ đậu xe sau bữa tối, anh bị chặn bởi bảy người đàn ông mặc cảnh phục. Một người đưa ra lệnh bắt giữ giả và nói rằng họ là đặc vụ của Cục Điều tra Quốc gia.
Sau đó là những chuỗi ngày Li bị ngược đãi, trong khi gia đình anh ở Trung Quốc thương lượng với những kẻ bắt cóc người Trung Quốc ở Manila.
Anh được thả vào ngày 2/7 sau khi gia đình anh chuyển 23 triệu nhân dân tệ (3,2 triệu USD), ít hơn số tiền chuộc được yêu cầu ban đầu – 50 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD).
Thuê người bắt cóc đồng hương
Các công dân Trung Quốc có thể bắt cóc đồng hương của họ ở Philippines, mặc dù chỉ biết một ít tiếng Anh hoặc tiếng Tagalog, là nhờ vào một nhóm người địa phương tài năng, sẵn sàng cung cấp cho họ các dịch vụ hỗ trợ, theo hồ sơ cảnh sát.
Việc này bao gồm mọi thứ từ tìm kiếm các ngôi nhà an toàn đến cướp giật nạn nhân và sau đó bảo vệ họ.
“Những người kinh doanh sòng bài, họ thuê cựu quân nhân và cảnh sát để làm việc”, thiếu tá Rannie Lumactod, giám đốc chiến dịch của Nhóm Chống bắt cóc thuộc Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP-AKG), cho biết hồi đầu tháng này trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Thiếu tướng cảnh sát Guillermo Eleazar (phải) lắng nghe trong khi Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng của tổng thống Dante Jimenez (trái) nói chuyện với ba trong số 277 công dân Trung Quốc bị bắt trong khi thực hiện các hoạt động bất hợp pháp trên mạng. Ảnh: AFP.
PNP-AKG dự tính trấn áp hoạt động này bằng cách theo dõi một trong những người cung cấp dịch vụ khét tiếng nhất – cựu trung sĩ cảnh sát Magdaleno Pacia, người dính líu đến ít nhất sáu vụ bắt cóc liên quan đến 11 công dân Trung Quốc, chủ yếu là vì nợ cờ bạc.
“PNP-AKG đã theo dõi nhóm của tên Pacia này trong nhiều tháng qua vì nhóm này tình nghi liên quan đến một loạt vụ bắt cóc”, đại tá Jonnel Estomo, người đứng đầu PNP-AKG, cho biết.
Video đang HOT
Thủ lĩnh của nhóm, Pacia, bị đuổi khỏi lực lượng cảnh sát vào tháng 4 năm ngoái vì tội cướp và sở hữu chất nổ.
Tuy nhiên, hóa ra anh ta đã thực hiện các vụ bắt cóc vào năm 2017 khi vẫn đang làm nhiệm vụ tại đơn vị cảnh sát phía nam Manila, đại bản doanh của tất cả các sòng bạc lớn. Đây là nơi anh ta dàn dựng vụ bắt cóc đầu tiên được biết đến vào đêm 27/3/2017.
Cảnh sát làm tay chân cho băng đảng
Ba người bạn – Yan Wen Long, Lin Long Hu và Lin Xiao Sen – đã đến dùng bữa tại nhà hàng Ma La Youhuo, nơi phục vụ các món ăn Hồ Nam. Khi họ rời đi, năm người đàn ông Philippines, một người mặc áo xanh và cầm súng lục, đẩy họ vào trong chiếc Range Rover của Lin.
Họ được đưa đến một tòa nhà ba tầng được bảo vệ bởi ba con chó lớn. Lin Xiao Sen sau đó được phép liên lạc với cha mình, với yêu cầu tiền chuộc là 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD).
Cuối cùng, gia đình Lin đã trả 35 triệu nhân dân tệ (5 triệu USD) trong ba đợt, và các nạn nhân đã được thả ra sau mỗi đợt trả tiền từ tháng 5 đến tháng 9/2017.
Kể từ khi bị sa thải năm ngoái, Pacia được cho là đã dàn dựng năm vụ bắt cóc khác với số tiền chuộc khác nhau lên đến hàng triệu nhân dân tệ.
Tổ hợp resort và casino Okada Manila ở thành phố Paranaque. Ảnh: AFP.
Một trong số vụ đó đã có thương vong khi hai du khách Trung Quốc, Fangmei Zhu, 50 tuổi và Faqiang Guo, 46 tuổi, bị bắt cóc sau khi rời Bayview Towers ở Manila vào đêm 14/1.
Hai ngày sau, Fangmei được tìm thấy bên vệ đường tại một ngôi làng ở Las Pinas, cách Bayview Towers 12 km về phía nam, chảy máu do chấn thương nặng. Anh ta chết sau đó. Faqiang đã được thả hai giờ sau đó trên một con đường nằm cách Bayview 11 km về phía đông.
Vụ cuối cùng mà nhóm Pacia dàn dựng là vụ bắt cóc Li Chao hồi tháng 5 năm nay.
Vào tháng 7, cảnh sát đã đột kích nơi ẩn náu của Pacia, và bắt đồng bọn của anh ta là Andrelyn Naldoza vì tội tàng trữ vũ khí bất hợp pháp. Một khẩu súng phóng lựu M203, một quả lựu đạn, ba khẩu súng lục, đạn và 1,3 triệu peso (25.000 USD) tiền mặt đã bị tịch thu.
Vào ngày 21/8, một nơi ẩn náu khác của Pacia đã bị đột kích. Ba tay chân của anh ta bị giết nhưng anh ta đã trốn thoát.
Cảnh sát đang tiến hành truy nã để bắt giữ Pacia và đồng bọn của anh ta, một sĩ quan cảnh sát xác nhận hôm 20/9.
Sự tham gia của các cựu sĩ quan trong các vụ bắt cóc không phải là mới.
Vào giữa cuối những năm 1990, khi hàng chục cảnh sát bị đuổi khỏi ngành để thanh lọc hàng ngũ, nhiều người trong số họ đã chuyển sang làm công việc bắt cóc các doanh nhân người Philippines gốc Hoa và con của họ.
Theo Zing.vn
Ngồi tù, trùm ma túy Trung Quốc vẫn điều hành đường dây ma túy khắp Philippines
Dù đang thụ án chung thân trong nhà tù canh gác nghiêm ngặt, các trùm ma túy Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ đạo đường dây buôn bán ma túy ở Philippines.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng mặc dù bị giam giữ ở Bilibid, các tay trùm ma túy này vẫn tiếp tục điều khiển đường dây hoạt động buôn bán ma túy trên khắp Philippines từ xa", ông Benjamin Magalong, cựu chỉ huy tình báo Cảnh sát Quốc gia Philippines nói trong phiên điều trần Quốc hội hôm 19/9.
Ông Magalong cho biết các cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy tất cả các con đường đều đẫn tới nhà tù.
Kể từ khi Tổng thống Philippines phát động cuộc chiến chống ma túy từ năm 2016, nhiều công dân Trung Quốc sa lưới. Số lượng chính xác không được công bố, nhưng Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu giám đốc Cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines cho hầu hết các tên trùm ma túy "có máu mặt" tại Bilibid đều là người Trung Quốc.
Các trùm ma túy Trung Quốc bị áp giải tới nhà tù Philippines. (Ảnh: EPA)
Cũng trong phiên điều trần, ông Magalong ra làm chứng về vấn nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát liên quan tới các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Ông cáo buộc nhiều sỹ quan "tái chế" ma túy đá ở dạng tinh thể, dùng số ma túy thu được trong vụ truy quét này để dàn dựng các vụ truy quét khác và vòi gần 1 triệu USD từ các trùm ma túy nếu các đối tượng muốn được trả tự do.
Theo ông Magalong, hoạt động tái chế bắt đầu từ nhiều năm trước khi cảnh sát cần ma túy để bẫy các đối tượng nhưng lại không đủ tiền để mua.
Dần dần nó phát triển như một "doanh nghiệp" tái chế và bán thuốc.
"Trước đây nếu họ nhận được 10kg methamphetamine hydrochloride, họ sẽ tái chế 1kg. Giờ thì họ tuyên bố thu giữ được ít và che giấu lượng lớn còn lại", ông Magalong tiết lộ.
Magalong cho biết khi còn điều hành các hoạt động của Cơ quan Thực thi Ma túy tại khu vực Metro Manila, ông phát hiện ra rằng cảnh sát không khai báo tất cả các tang chứng thu được trong các vụ đột kích. Một số được giấu tại các điểm khác và họ lại đột kích tại điểm đó.
"Một phần trong các chiến dịch là bắt giữ các tay buôn bán ma túy người Trung Quốc và thu giữ số ma túy bất hợp pháp. Sau đó, họ sẽ thả những tên này ra đổi lấy tiền, và bắt giữ một người Trung Quốc khác thay thế các tay trùm đã được trả tự do", ông này tiết lộ.
Vitaliano Aguirre, cựu Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Duterte từ năm 2016-2018 xác nhận các hoạt động buôn bán ma túy được thực hiện bên trong Bilibid trong nhiệm kỳ của mình. Một trong các biện pháp mà giới chức Philippines áp dụng là cài đặt thiết bị gây nhiễu tín hiệu điện thoại di động để ngăn tù nhân sử dụng. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ có tác dụng trong vài tháng.
Những tiết lộ động trời này được đưa ra trong bối cảnh Cục Cải chính Philippines đang vướng vào vụ bê bối thi hành luật lỏng lẻo, phóng thích tù nhân sớm hơn thời hạn vì cải tạo tốt dẫn tới trường hợp một cựu thị trưởng bị bắt vì tội hiếp dâm và giết người được trả tự do.
Trường hợp này được công bố làm vỡ lở việc 1.914 tội phạm đặc biệt nguy hiểm được mãn hạn tù quá sớm.
Tổng thống Duterte mới đây ra tối hậu thư yêu cầu những tù nhân này phải trở về nhà tù trước 12 giờ trưa 20/9. Tuy nhiên, mới chỉ có 579 tù nhân ra đầu thú, 26 đối tượng trong số đó bị kết án vì tội buôn ma túy, 160 trường hợp phạm tội giết người, và 162 người quay lại để thụ án nốt vì tội hiếp dâm.
Các thượng nghị sỹ Philippines hôm 19/9 cho biết quyết định giảm án vì cải tạo tốt có thể đã được các tù nhân ngã giá với các quan chức. Vợ một đối tượng thừa nhận trả 1.000 USD cho các quan chức của Cục Cải chính để đưa chồng mình ra ngoài trước thời hạn.
(Nguồn: SCMP)
SONG HY
Theo VTC
TT Duterte nói 'ra lệnh ám sát 1 chính trị gia', văn phòng đính chính Người phát ngôn của tổng thống Philippines cho biết ông Duterte đã nói nhầm khi sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, gây hiểu lầm rằng ông ra lệnh ám sát một chính trị gia. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như thừa nhận rằng ông đã ra lệnh ám sát một chính trị gia vào năm ngoái, tuyên bố gây...