Cảnh sát Anh xin lỗi vì yêu cầu cung cấp tên người mua Charlie Hebdo
Cảnh sát Anh đã buộc phải lên tiếng xin lỗi sau khi yêu cầu một số quầy báo ở thị trấn Corsham, Wiltshire cung cấp tên người mua tạp chí châm biếm Charlie Hebdo.
Hành động này của một số nhân viên cảnh sát đã gây ra sự giận dữ trong dân chúng ở thị trấn Corsham. Nhiều người cho rằng giới an ninh đã can thiệp quá sâu vào tự do ngôn luận của họ. Tuy nhiên, cảnh sát Wiltshire lại bào chữa cho hành động của mình là đang tiến hành một cuộc điều tra dư luận sau vụ xả súng đẫm máu ở tòa soạn trào phúng Charlie Hebdo.
Hôm qua (9-2), cảnh sát khu vực này xin lỗi và thừa nhận một sĩ quan đã hỏi ít nhất 3 quầy báo chi tiết tên người mua, và công bố tên 4 độc giả mua tạp chí có hình ảnh châm biếm Nhà tiên tri Mohammed ở trang bìa.
Cảnh sát Wiltshire buộc phải xin lỗi vì hành động của mình
Một phát ngôn viên của cơ quan cảnh sát nói rằng: “Sĩ quan đã đến các cửa hàng và quầy báo để tìm hiểu đánh giá của cộng đồng sau vụ khủng bố Pháp nhưng họ đã gây ra bức xúc khi yêu cầu thông tin của người mua. Cảnh sát Wiltshire muốn xin lỗi các độc giả và những người bị ảnh hưởng. Những thông tin này sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn”.
Ông David Jones, 63 tuổi, người đã mua một bản Charlie Hebdo cho con trai trong quầy báo ở Beddau, Pontypridd, nói rằng ông đã bị cảnh sát hỏi tên. “Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi điều đó xảy ra, tôi tự hỏi cảnh sát muốn kiểm tra chúng tôi đang đọc cái gì trên tờ báo này ư? Tôi nghĩ họ nên dành thời gian đó đi săn tìm những kẻ khủng bố đang lảng vảng trên đường phố”, ông Jones bức xúc nói.
Sau vụ khủng bố, Charlie Hebdo đã gây ra một làn sóng biểu tình toàn cầu
Ông Jones cho biết, các sạp báo ở những thị trấn gần đó cũng bị cảnh sát thẩm vấn và yêu cầu cung cấp tên khách hàng mua tạp chí châm biếm. “Tôi không thể hiểu nổi tại sao cảnh sát lại nghĩ rằng có mối liên kết giữa một người địa phương ở thị trấn nhỏ miền nam xứ Wales với tạp chí châm biếm của Pháp và những kẻ khủng bố”, ông Jones nói.
Video đang HOT
Trong khi đó, bà Ann Keat, 77 tuổi bị cảnh sát hỏi tên bức xúc cho rằng đó là một sự xâm phạm quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận của dân chúng.
Sau vụ khủng bố vào đầu tháng trước, tờ Charlie Hebdo đã phát hành một số lượng ấn bản khổng lồ trên khắp thế giới. Ở Anh, hàng trăm người xếp hàng chờ đợi chỉ để mua một bản với giá lên đến 3,5 bảng Anh.
Emma Carr, giám đốc tổ chức bảo vệ quyền riêng tư Big Brother Watch, cho rằng: “Cuộc tấn công Charlie Hebdo đã đem hàng triệu người trên thế giới gần lại với nhau để chống lại những người tìm cách bịt miệng tự do ngôn luận. Vì vậy, hành động của cảnh sát Wiltshire cần phải xem xét khi họ cố gắng quá nhiều để tìm ra những người mua một tờ báo hoàn toàn hợp pháp. Chúng tôi hy vọng đây chỉ là những trường hợp cá biệt”.
Ông Shami Chakrabarti, giám đốc của tổ chức nhân quyền Liberty đánh giá rằng có thể cảnh sát có ý định tốt nhưng cách họ tiếp cận với công chúng là không đúng đắn.
Theo_An ninh thủ đô
Tranh luận về tự do ngôn luận lan khắp thế giới
Việc tạp chí trào phúng Charlie Hebdo tiếp tục đăng biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi làm dấy lên tranh cãi về giới hạn của tự do ngôn luận và sự tôn trọng với đức tin tôn giáo.
Một người đàn ông bị ngất giữa cuộc biểu tình tại Amman, Jorrdan, phản đối việc tạp chí Charlie Hebdo đăng biếm họa nhà tiên tri trên bìa. Ảnh: Reuters
Phát biểu trên đường đến Philippines hôm 15/1, Giáo hoàng Francis cho rằng bảo vệ tự do ngôn luận không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ để nói lên suy nghĩ của mình vì lợi ích chung, nhưng điều gì cũng có giới hạn. "Không ai có thể khiêu khích, không ai có thể xúc phạm đức tin của người khác, không ai có thể lấy đức tin của ra làm trò đùa", AP dẫn lời Đức Thánh Cha nói.
Tuyên bố của Giáo hoàng được đưa ra một ngày sau khi tạp chí trào phúng Charlie Hebdo lại đăng tải bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Ngày 7/1, hai tay súng Hồi giáo cực đoan đã tấn công tòa soạn tạp chí này, gây ra cái chết của 12 người, trong đó có tổng biên tập Stephane Charbonnier.
Ấn bản mới nhất này dấy nên sự phẫn nộ tại các nước Hồi giáo ở Trung Đông. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ra lệnh cấm phát hành tất cả các tạp chí nước ngoài có nội dung mạo phạm tôn giáo, mặc dù chính khách này nổi tiếng với những nỗ lực chống sự can dự của đạo Hồi sang lĩnh vực chính trị.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Iran cho biết đấng thánh thần cần được tôn trọng và mọi sự bất đồng chỉ có thể được giải quyết bằng đối thoại nghiêm túc. "Thế giới này có rất nhiều quan điểm, văn hóa và nền văn minh khác nhau. Trừ phi chúng ta học cách tôn trọng lẫn nhau, nếu không sẽ rất khó khăn để tồn tại trên thế giới này", ông nói.
Theo Hadith, tài liệu ghi lại câu nói của nhà tiên tri Mohammed và những người thân cận nhất, việc khắc họa ông là điều bị cấm. Điều này nhằm tránh việc thờ phụng ông, vốn đã lan rộng tại nơi "khai sinh" của Hồi giáo ở thế giới Arab. "Dù cho bức họa có vẻ không mang tính công kích, nó vẫn sẽ bị coi là báng bổ và cố tình khiêu khích", Dawud Walid, giám đốc điều hành tăng hội Michigan của Hội đồng quan hệ Mỹ - Hồi giáo nói.
Ngay tại Pháp, nửa số người dân nước này cho rằng các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, như những hình ảnh mà tạp chí Charlie Hebdo đăng tải, xúc phạm tới người Hồi giáo và không nên được xuất bản công khai.
Quyết định trên của ban biên tập Charlie Hebdo cũng không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp quốc tế. Tờ New York Times, một trong các báo có sức ảnh hưởng lớn nhất Mỹ, không đăng lại bức biếm họa nhà tiên tri của đạo Hồi. "Chúng ta có một nguyên tắc kiên trì xưa nay và cũng rất có ích, đó là luôn có giới hạn giữa sự nhục mạ không lý do và nghệ thuật trào phúng", ông Dean Baquet, tổng biên tập báo này, cho biết. "Đa số những bức biếm họa đó là sự nhục mạ không lý do".
Tổng biên tập tờ Washington Post Martin Baron tuyên bố, báo này "không đăng tải những nội dung nhục mạ người theo đạo một cách cố ý và không cần thiết".
Phản ứng lại với quyết định trái chiều của các đồng nghiệp Mỹ, Tổng biên tập Charlie Hebdo, ông Gerard Biard lên tiếng chỉ trích và cho rằng, bức biếm họa "là biểu tượng của tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, dân chủ và chủ nghĩa thế tục".
Tuy nhiên, cựu phóng viên Glenn Greenwald của tờ Guardian đưa ra câu hỏi phản biện rằng: "Từ bao giờ, việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của ai đó là phải đăng tải, thậm chí là ủng hộ quan điểm của họ. Điều này lẽ nào phù hợp trong mọi trường hợp sao". Greenwald là người có công trong việc phanh phui kế hoạch nghe lén của chính phủ Mỹ trong vụ Edward Snowden.
Nghệ thuật trào phúng tại châu Âu
Stephane Charbonnier, cố tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo. Ảnh: Rex
Trong một bài bình luận trên Financial Times, nhà văn Edward Luce cho rằng sự khác biệt trong thái độ về mối quan hệ giữa tôn giáo và tự do của Mỹ và Pháp khiến các tờ báo lớn của Mỹ quyết định không đăng tải bức biếm họa. "Tại nhiều trường học ở Mỹ, người ta được dạy rằng Thượng đế là người sáng tạo ra nền tự do của đất nước", ông cho biết.
Hiện nay, rất ít chính khách Mỹ thừa nhận bản thân không tin vào Thượng đế, thậm chí cũng không thừa nhận mình là người theo thuyết vô thần. Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu Pew, chỉ có 2,4% người dân Mỹ tự nhận là người vô thần.
"Nếu như tờ Charlie Hebdo định phát hành các bức biếm họa của họ tại bất kỳ một trường đại học nào ở Mỹ, thì họ sẽ không trụ được quá 30 giây", bình luận viên David Brooks của New York Times cho biết. "Các tổ chức sinh viên và giáo viên sẽ chỉ trích họ là gieo rắc ngôn luận mang tính hận thù. Chính phủ sẽ cắt nguồn hỗ trợ tài chính, khiến họ phải đóng cửa".
Tuy nhiên, các học giả cho rằng nền văn hóa Pháp đương đại chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng của đại văn hào Voltaire, một triết gia vĩ đại của thời kỳ Khai sáng thế kỷ 18. Một trong những câu nói bất hủ của ông là: "Tôi không đồng ý với quan điểm của bạn, nhưng tôi nguyện bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn".
"Thế giới quan của Voltaire đã chiếm thế thượng phong. Ngày nay, các tác phẩm có nội dung mang tính xúc phạm tôn giáo đều có cơ hội xuất hiện tại các phòng tranh ở Paris", nhà văn Luce bình luận.
Huân tước Simon Schama, nhà sử học nổi tiếng người Anh, cho biết nghệ thuật trào phúng và biếm họa là truyền thống có hơn 300 năm lịch sử tại châu Âu. "Người ta coi bất kính là mạch sống của tự do. Trong suốt ba thế kỷ qua, tự do và cười cợt luôn tồn tại song song với nhau tại châu Âu", học giả này nói.
Trong lịch sử, họa sĩ chuyên vẽ biếm họa đầu tiên là Romeyn de Hooghe, người Hà Lan. Cuối thế kỷ thứ 17, Hooghe được vua William III của Anh thuê để đả kích tử thù, là vua Louis XIV của Pháp. Đến thế kỷ 18, cùng với sự thành công của các cuộc cách mạng tư sản tại châu Âu, nghệ thuật trào phúng và biếm họa càng trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết, bởi khi đó có không có một lực lượng chính trị nào đủ sức lũng đoạn quyền lực.
Theo nhà sử học Schama, những người sáng lập và vận hành tạp chí Charlie Hebdo chính đã kế thừa truyền thống trào phúng trên. "Những tạp chí như vậy lấy sự cười cợt làm công việc chính của mình", ông nói. "Các tay súng có thể đã giết chết các họa sĩ, nhưng không bao giờ tiêu diệt được nghệ thuật trào phúng".
Đức Dương
Theo VNE
Hậu tuần hành Paris: Mỹ khôn ngoan khi... vắng mặt? Hơn 40 lãnh đạo thế giới vừa tham gia tuần hành đoàn kết chống khủng bố tại Paris thì hàng loạt cuộc biểu tình chống Pháp nổ ra ở nhiều nơi. Các cuộc biểu tình chống Pháp diễn ra tại châu Phi và Pakistan sau khi báo Charlie Hebdo đăng thêm ảnh châm biếm nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad. Bốn người đã...