Cảnh sắc đắm say ở vùng đất phía tây nam Tổ quốc
Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với điều kiện tự nhiên phong phú, có rừng, núi, sông, suối, biển đảo, đồng bằng. Nơi đây ngày càng có sức hút đối với du khách mọi miền.
Cảnh sắc đa dạng như Việt Nam thu nhỏ
Kiên Giang ai vẽ thành tranh núi rừng xanh nhìn nước biển xanh.
Bao nhiêu biển rừng bao chiến tích lẫy lừng nào ai du khách về thăm nặng tình miền quê khó rời.
Lời bài hát Đất biển Kiên Giang của nhạc sĩ Lý Dũng Liêm nổi tiếng khiến mỗi người con mảnh đất Kiên Giang đều biết đến, hoặc từng ngân nga một vài câu hát. Nói đến Kiên Giang, điểm nhấn rõ nét nhất trong lòng du khách bốn phương là một vùng đất biển với cảnh quan biển đảo tươi đẹp, những cánh rừng xanh thẳm hoang sơ.
Kiên Giang cũng có hàng chục ngọn núi, phân bố nhiều tại Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và Hòn Đất. Nơi đây cũng được thiên nhiên ưu ái, ban tặng những ngọn núi đồi xinh đẹp phủ bóng cây xanh. Điểm đặc biệt là vùng đất có vị thế nằm sát biển, tạo khung cảnh biển đảo kết hợp đồi núi tươi đẹp hút hồn du khách.
Với thế mạnh biển đảo, tỉnh xây dựng đề án phát triển du lịch phân thành 4 vùng trọng điểm gồm Phú Quốc, Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Kiên Hải – Hòn Đất và U Minh Thượng. 3/4 vùng du lịch (ngoại trừ U Minh Thượng) ưu tiên tuyệt đối phát triển du lịch biển đảo, đồi núi.
Khung cảnh biển đảo trong lành, hoang sơ của Phú Quốc, Hà Tiên.
Bên cạnh biển đảo, đồi núi, Kiên Giang cũng rất thu hút du khách với những khung cảnh làng quê đậm chất miền Tây, cánh đồng lúa trĩu vàng, ô ruộng đầu vụ. Nhiều du khách thích thú điều này. Họ cho rằng ít nơi nào trong cả nước vừa có biển đảo, lại có đồng bằng, với những cánh đồng lúa mênh mông.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những dòng sông mượt mà nơi đất biển Kiên Giang. Sông trong nội đồng, hay trên đảo đều có. Đặc trưng của những con sông ở Kiên Giang là nước khá tĩnh lặng, in bóng những căn nhà, bóng cây ven sông.
Video đang HOT
Những năm gần đây, ngành du lịch Kiên Giang ngày càng phát triển, doanh thu tăng trưởng ấn tượng. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh từ năm 2016 đến tháng 9/2019 đạt khoảng 26,3 triệu lượt.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch khoảng 20%/năm, doanh thu du lịch tăng khoảng 40%/năm. Doanh thu du trực tiếp về du lịch từ năm 2016 đến tháng 9/2019 đạt gần 21.000 tỷ đồng. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đô thị biển lung linh ánh đèn đêm
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế Kiên Giang đạt mức khá so với bình quân cả nước, duy trì trung bình trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng tăng dần tỷ trọng cộng nghiệp và dịch vụ du lịch.
Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm chỉnh trang, xây dựng. Cuối năm 2018, Hà Tiên được công nhận là thành phố. Huyện đảo Phú Quốc cũng đang xin ý kiến Trung ương xem xét đề án trở thành thành phố trong tương lai gần. Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc hiện là 3 đô thị năng động, phát triển và hiện đại nhất của tỉnh Kiên Giang.
Rạch Giá là trung tâm kinh tế – chính trị của Kiên Giang. Đây là một trong những thành phố giàu có và sầm uất bậc nhất miền Tây. Đến đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi khu lấn biển ở TP Rạch Giá đã trở thành khu đô thị mới khang trang, với nhiều kỳ vọng sẽ là đô thị biển tiêu biểu của cả nước.
TP Rạch Giá hiện là nơi có hoạt động thương mại năng động bậc nhất của tỉnh. Đô thị TP Rạch Giá từng bước được chỉnh trang, diện mạo dần khang trang.
Hiện TP Rạch Giá đã hình thành 2 khu lấn biển với tổng diện tích khoảng 520 ha, giải quyết đất ở cho hơn 60.000 người dân. Cùng với đó, khu vực lấn biển này đã và đang triển khai xây dựng các công trình công cộng, quảng trường, bệnh viện, trường học, các địa điểm vui chơi giải trí…
Bên cạnh đó, Phú Quốc đã được quy hoạch và đang phát triển thành khu kinh tế biển – trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Với cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời, cùng với những nỗ lực trong nhiều năm gần đây về đổi mới cơ chế, chính sách, về tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị… đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thị trấn Dương Đông – đô thị lớn nhất tại Phú Quốc.
Ai đã qua Hà Tiên, chắc hẵn không khỏi xuyến xao bởi vẻ đẹp của vùng đất này. Hà Tiên từng đi vào thơ ca, nhạc họa, là vùng đất lành, xinh đẹp nhiều người muốn tìm về khám phá.
Hà Tiên nổi tiếng với thập cảnh hữu tình như Thạch Động, Đá Dựng, Mũi Nai, đầm Đông Hồ, núi Bình San… Với cảnh quan tươi đẹp, Hà Tiên thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, đứng thứ nhì trong tỉnh Kiên Giang (chỉ sau Phú Quốc).
Thị xã Hà Tiên chính thức trở thành thành phố Hà Tiên cuối năm 2018. Thành phố này nằm ven con sông Tô Châu hiền hòa, xung quanh là những ngọn núi xanh thẳm bóng mây.
Năm 2018, Hà Tiên đón 2,6 triệu lượt khách. 10 tháng đầu năm 2019, thành phố này đón trên 2,3 triệu lượt khách, doanh thu 1.300 tỷ đồng. Lượng khách đến Hà Tiên khá bình ổn, năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%, chứng tỏ được sức hút du lịch của vùng đất này.
Những đặc sản chân quê bình dị
Ngoài những thắng cảnh biển đảo, đồi núi tươi đẹp, những khu phố lấn biển đặc trưng, Kiên Giang còn được biết đến là “đất chiến” của giới nhiếp ảnh trong cả nước, khi tỉnh có nhiều đề tài sáng tác ảnh đặc trưng, thậm chí có một không hai.
Nghề làm khô cá ngân chỉ ở TP Rạch Giá.
Vào những tháng đầu năm, từng đàn chim hải âu bay về trước cửa sông Kiên (TP Rạch Giá) để săn mồi. Thói quen săn mồi này của chim hải âu đã trở thành thường xuyên hàng năm. Những cú đảo chân, đướp mồi ngoạn mục dưới làn nước trở thành đề tài sáng tác ảnh nghệ thuật. Đây là đề tài “có một không hai” mà giới nhiếp ảnh rất thích thú sáng tác.
Kiên Giang cũng là tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên bị tác động bởi nước lũ thượng nguồn. Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi, hoạt động mưu sinh của người dân như đặt dớn, chài lưới… khá đa dạng. Công việc này gắn bó với người dân từ nhiều đời. Có những năm con nước về muộn hoặc không về, người dân lại mỏi mòn ngóng chờ.
Nông dân mưu sinh mùa nước nổi.
Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức tại thành phố Hà Tiên vào tháng 2 hàng năm. Một trong những hoạt động của lễ hội là phần diễu hành xe đạp hoa của thiếu nữ và người dân Hà Tiên. Hình ảnh này tạo thích thú cho nhiều người. Họ nói rằng hoạt động này giúp gợi nhớ một nét văn hóa của nhiều năm về trước, thông qua hình ảnh nữ sinh với xe đạp, với áo dài duyên dáng.
Nữ sinh diễu hành xe đạp hoa trong dịp lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên.
Tại TP Rạch Giá, văn hóa lễ hội được duy trì và phát huy thông qua lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ giỗ năm 2019 vừa qua, có hơn 1 triệu lượt nhân dân các nơi về khấn viếng cụ Nguyễn. Đây là lễ hội lớn nhất của tỉnh Kiên Giang cả về quy mô tổ chức lẫn số lượng người tham gia, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của địa phương.
Người dân tụ họp gói bánh làm lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Mùa biển cạn, người dân Phú Quốc cho ghe đánh cá nằm bến.
Nhịp sống vẫn êm trôi. Người Kiên Giang mến đất, quý người luôn cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần nhân văn và gần gũi nhất. Giả từ đất biển Kiên Giang, những người xa quê không khỏi chạnh lòng nhớ…
Theo news.zing.vn
Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tháo điểm nghẽn
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện là khu vực đông dân cư, đất đai phì nhiêu, sông ngòi trải rộng, tiềm năng dư thừa nhưng kém phát triển nhất về du lịch so với các vùng, miền khác của cả nước.
Tuy nhiên, nỗ lực tháo điểm nghẽn đáng kể nhất trong năm vừa qua lại chính là việc đã nhìn nhận ra 3 tồn tại lớn: Khâu quảng bá xúc tiến kém, nhân lực yếu, dịch vụ du lịch đơn điệu.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ trong số rất ít các di tích kiến trúc trên bản đồ du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTH
Không sở hữu hành trình di sản đồ sộ như miền Trung, vùng biển đảo nắng gió tuyệt đẹp như Nam Trung bộ và cảnh sắc hùng vĩ thơ mộng như Tây Bắc, Đông Bắc bộ, Nam bộ bằng lòng với các từ khóa cũ kỹ về du lịch cả thập kỷ không thay đổi như: Chợ nổi, mùa lũ lành, ẩm thực đất phương Nam... Vùng đất rộng lớn như chiếc bánh tráng cán mỏng, không có điểm nhấn, thiếu sự khác biệt.
Du khách nếu đáp xuống thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần chạy xe chưa đầy 1 giờ đồng hồ xuống cù lao An Thới, Tiền Giang, hoặc Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Tân An, Long Xuyên là đã có thể biết đủ về Nam bộ: Thưởng thức văn hóa cù lao, miệt vườn cây ăn trái, đi thuyền trong vàm dừa nước, thưởng thức đặc sản Nam bộ. Các tỉnh khác cũng lặp lại cách làm du lịch không mới, bình dị, đơn điệu kiểu "cà rịch -cà tang" không đi đâu mà vội - như chính những người Nam bộ thường nói về lối sống của bản thân mình.
Các vùng miền khác tăng trưởng du lịch tính hàng năm biến động 2 con số, riêng đồng bằng sông Cửu Long tính hàng chục năm qua, tốc độ tăng trưởng mới là 13%. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu kinh tế Nam bộ đã lần đầu tiên tổ chức diễn đàn liên kết du lịch toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm vừa qua. Cho đến đầu năm 2020, cục diện đã có biến chuyển ban đầu với sự đáp ứng của các tỉnh, thành.
Một số biện pháp được đề xuất là tiến hành ngay công tác rà soát, chuẩn hóa và nâng cấp các di tích lịch sử thành điểm du lịch. Việc xây dựng thương hiệu riêng của vùng, của từng địa phương ấn tượng và có bản sắc. Du lịch xanh là hướng đi nhiều địa phương tiếp cận vì cho đến thời điểm này, lối sống gần gũi với thiên nhiên vẫn được đề cao. Và một cái đích đến không thể né tránh mà chỉ có thể đi tới nhanh nhất, đó là sử dụng công nghệ thông tin vào số hóa để tạo ra môi trường du lịch thông minh.
Trong xu thế chung, việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch là điều phải làm, liên kết quy mô vùng cũng là tất yếu. Chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất quyết định sự phát triển bền vững là yếu tố con người phát huy trên nền di sản văn hóa. Nguồn nhân lực cần chất lượng hơn, năng lực dồi dào để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, làm chủ di sản văn hóa và bản thân họ phải trở thành thực thể bảo tồn các giá trị văn hóa.
Từ năm 2020, kỷ nguyên mới trong việc tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cho nguồn lực con người và công nghệ sẽ ưu tiên cho số hóa các di sản văn hóa, áp dụng công nghệ thông minh trong quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó, nhân tố con người đặc biệt quan trọng. Mục tiêu là mọi người dân đều phải tham gia vào guồng quay du lịch và được hưởng thụ lợi ích từ du lịch.
Đi theo hướng phát triển đó, người dân sẽ là đối tượng thụ hưởng ưu tiên của phát triển du lịch. Gốc gác văn hóa của Nam bộ mang ra làm du lịch là lối sống khoáng đạt, thân thiện, mến khách của người dân. Người Nam bộ phần lớn không hề biết cuộc sống màu sắc phong phú, đặc trưng vùng sông nước của họ có thể trở thành thứ mang ra làm du lịch, nuôi sống con người trên chính vùng đất đó. Vượt qua được định kiến lâu nay cho rằng đồng bằng sông Cửu Long đi một ngày là hết vị, không có lý do nào để du khách ở lại qua đêm, chỗ nào cũng na ná giống nhau, đơn điệu, thiếu sự đa dạng và khác biệt.
Trên thực tế, không hẳn các tỉnh, thành Nam bộ đều giống nhau. Thực tế, mỗi địa phương tự hào về một hình ảnh riêng của chính mình. Đơn cử như Bến Tre có thể tô đậm hình ảnh cây dừa và biến đây trở thành một lợi thế không có tỉnh, thành nào so sánh được.
Trước đây, đã có thời kỳ, một số cơ quan, doanh nghiệp của Bến Tre dùng nước dừa để tiếp khách. Bất cứ ai đặt chân tới Bến Tre cũng được uống nước dừa thay nước tinh khiết. Việc này cũng như thử nghiệm dùng món mèn mén (bột ngô đồ chín) trong bữa tiệc ngoại giao của tỉnh Hà Giang từng làm. Dù gây được ấn tượng hay không, nhưng thử nghiệm là đáng giá để đo đếm phản ứng của khách du lịch, lại cũng có tác dụng rõ rệt là để lại dấu ấn riêng.
Đời sống sông nước miệt vườn Nam bộ vẫn là linh hồn của du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTH
Trong số các điểm nghẽn du lịch được bàn tới gần đây, đồng bằng sông Cửu Long "mắc cạn" với hầu hết các điểm nghẽn thống kê là nguồn lực yếu, hạ tầng thiếu, quảng bá kém và không liên kết vùng. Vì không có quy hoạch vùng du lịch nên dịch vụ du lịch vừa nhỏ, vừa manh mún. Le lói một chút ánh sáng trong sự mông lung có lẽ thuộc về một thông tin có tính chất gợi mở là Cần Thơ lọt vào danh sách các thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới - thông tin được tạp chí Departures của Mỹ công bố năm 2019.
Hành trình du lịch trên sông thăm thú chợ nổi Cái Răng và thưởng thức văn hóa miền sông nước hiện cũng đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Một vài doanh nghiệp lữ hành cũng chỉ mới dè dặt mở các tuyến du lịch đường sông đi các tỉnh lân cận, hoặc có thể từ trung tâm đồng bằng theo các cửa sông ra tới Côn Đảo và các vùng biển, đảo gần bờ. Đó cũng đã là cả một sự táo bạo trong bối cảnh du lịch vùng gần như không có đột phá.
Thúy Hằng
Theo bienphong.com.vn
Cánh đồng lúa An Giang vào mùa gặt Bước vào mùa gặt, các cánh đồng ở Mỹ Hòa, Long Xuyên, An Giang níu chân du khách bởi nét thanh bình của vùng quê. Đầu tháng 6, nếu đi dọc theo tỉnh lộ 943 từ thành phố Long Xuyên vào huyện Thoại Sơn, An Giang, bạn có thể bắt gặp những cánh đồng lúa xanh rì xen lẫn vàng óng vào vụ...