Cảnh phim như tra tấn của Jake Gyllenhaal và Jennifer Aniston
Năm 2002, Jake Gyllenhaal và Jennifer Aniston cùng góp mặt trong tác phẩm lãng mạn “ The Good Girl”. Nam diễn viên chia sẻ việc quay phim của họ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Theo The Independent , trong số mới lên sóng của chương trình The Howard Stern Show, Jake Gyllenhaal đã chia sẻ về khoảng thời gian đóng phim The Good Girl (2002) cùng Jennifer Aniston. Nam diễn viên tiết lộ anh cảm thấy “như tra tấn” khi quay cảnh thân mật cùng nữ diễn viên.
“Việc quay cảnh giường chiếu ấy như tra tấn vậy. Nhưng thành thật mà nói, đó là cảm giác pha trộn giữa địa ngục và thiên đường”, Gyllenhaal nói. Tài tử giải thích: “Quá trình quay phân cảnh tình cảm ấy khá kỳ quặc, bởi bạn phải diễn trước khoảng 30 hay 50 cặp mắt luôn nhìn mình chằm chằm. Như vậy thì sao mà nhập tâm cho nổi”.
Cảnh thân mật của Gyllenhaal và Aniston trong The Good Girl . Ảnh: Fox Searchlight.
Nam diễn viên mô tả: “Hãy coi cảnh tình cảm ấy như vũ điệu. Bạn đang trình diễn một điệu múa hình thể trước máy quay. Nó tương tự các cảnh giao chiến, cần phải lên kế hoạch từ trước. Chúng tôi đã phải sử dụng đến gối để hỗ trợ lúc ghi hình. Tôi nghĩ đó là ý tưởng của Jennifer. Chị ấy nhã nhặn gợi ý việc này trước khi chúng tôi ghi hình. Jennifer đã nói vài điều, đại ý ‘giờ tôi sẽ đặt một cái gối ở đây’”.
The Good Girl là bộ phim tình cảm, lãng mạn ra mắt năm 2002. Nhân vật chính của phim là Justine Last (Jennifer Aniston), một nữ thu ngân đã lập gia đình từ rất sớm. Cuộc sống thường nhật của Justine đảo lộn khi cô bắt đầu ngoại tình với cậu nhân viên quầy giảm giá Holden Worther (Jake Gyllenhaal). Worther tính tình cổ quái, thường nghĩ mình là Holden Caulfield – nhân vật hư cấu trong cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh .
Trong vài bài phỏng vấn, Jake Gyllenhaal tiết lộ anh từng có một thoáng rung động trước Jennifer Aniston. Thời điểm cùng đóng The Good Girl , Jennifer Aniston 33 tuổi còn Gyllenhaal mới 22.
Video đang HOT
'Tổng đài truy vết' - khi tội lỗi định hình con người
"The Guilty" tái hiện 90 phút căng thẳng và nhiều thách thức của nhân viên trực tổng đài 911 do Jake Gyllenhaal thủ vai.
Tác phẩm trinh thám - giật gân được làm lại từ phim Đan Mạch cùng tên ra mắt năm 2018. Joe Baylor (Gyllenhaal) là viên cảnh sát đang trực tại tổng đài khẩn cấp 911. Đêm trực trước ngày ra tòa để xét xử lỗi lầm trong quá khứ của Joe, một trận cháy rừng bao phủ đồi Hollywood đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương.
Trong số các cuộc gọi hỗn loạn ở thời điểm đó, Joe bắt gặp Emily, một phụ nữ đang hoảng sợ. Có vẻ cô đã bị bắt cóc, và anh là hy vọng duy nhất của cô.
Phim gốc của Đan Mạch được đánh giá cao và nằm trong danh sách rút gọn tranh cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar lần thứ 91. Cùng với sự góp mặt của các diễn viên tên tuổi khác, phần remake do Antoine Fuqua đạo diễn càng không tránh khỏi sự mong đợi từ giới phê bình và công chúng yêu phim.
Tạo dấu ấn riêng so với người tiền nhiệm
Bộ phim bắt đầu với một câu trong Kinh Thánh: "Và sự thật sẽ giải phóng ngươi" - phần nào khắc họa cuộc đời phức tạp của vai chính. Joe được thể hiện có phần cộc cằn và rắc rối trong hành động. Tuy nhiên bộ phim biết cách xử lý vừa đủ để khán giả cảm nhận được sự lo lắng và quan tâm của nhân vật, góp phần xây dựng một quá khứ mơ hồ, buộc người xem phải liên tục đưa ra phán đoán về đời tư của Joe.
Không gian phim chật hẹp trong một văn phòng tổng đài khẩn cấp giúp làm tăng mức độ tập trung cho người xem. Những phân cảnh thể hiện sự bất lực và lo sợ của Joe được làm nổi bật trong bốn bức tường ngột ngạt dưới ánh đèn ống trắng mờ. Cảnh tìm kiếm thông tin trong phim gợi nhắc khán giả về tác phẩm trinh thám Searching (2018) - có tình tiết được thể hiện gần hết qua màn hình máy tính.
Bối cảnh chật hẹp mang đến sự ngột ngạt trong các cuộc gọi khẩn cấp.
Với lợi thế về những cuộc gọi khẩn cấp, bộ phim có những đoạn dồn nhịp tạo được sự căng thẳng vốn có của dòng phim thriller. Người xem có thể liên tưởng đến The Call (2013) với sự góp mặt của Halle Berry trong bối cảnh và chủ đề tương tự. Mặc dù 10 phút đầu phim còn chưa được hấp dẫn, bộ phim trở nên gấp gáp và tính hồi hộp cũng tăng dần.
Cách tiết chế thông tin đặc thù của các cuộc gọi khẩn cấp giúp tác phẩm trở thành bộ phim trinh thám mang đậm tính hồi hộp mà vẫn dễ theo dõi.
Khác những dự án trước đó như Training Day, Shoote r và Olympus Has Fallen, quá trình làm phim được Antoine Fuqua chia sẻ trên Variety là "rất nhiều năng lượng". Tác phẩm được quay trong khoảng 11 ngày giữa đại dịch, gói gọn vào bối cảnh ngột ngạt ở văn phòng tổng đài, hành lang và nhà vệ sinh.
Jake Gyllenhaal giữ vững phong độ với vai tâm lý nặng
Sau lần hợp tác ở phim Southpa w, Fuqua tự tin khi Jake Gyllenhaal một lần nữa thủ vai chính trong tác phẩm của mình, khắc họa thành công viên cảnh sát Joe với nét tính cách có phần cục súc, hay nóng vội.
Gyllenhaal ghi điểm ở ánh mắt sâu nhiều tâm trạng, cùng phân cảnh anh cười nhếch mếp trước tai nạn oái oăm của một người gọi cho mình - thể hiện được góc tối trong tính cách nhân vật.
Trong phỏng vấn với Screen Rant, Jake Gyllenhaal khiêm tốn nói vai của anh trong phim khá tự nhiên và đơn giản. Với kịch bản và cách lựa chọn lời thoại hợp lý, anh chỉ việc nghe và diễn trọn vẹn cảm xúc của mình dưới máy quay. Các tác phẩm thriller như Donnie Darko, Prisoners hay nổi bật nhất là Nightcrawler cho thấy nam diễn viên người Mỹ hợp đóng những vai có nội tâm khó lường.
Jake Gyllenhaal gần như là diễn viên duy nhất lộ mặt trong phim.
Diễn xuất của những diễn viên còn lại đều chỉ được thể hiện qua giọng nói, đan xen tài tình với âm thanh xe cộ, tiếng còi cứu thương, tiếng người la hét giúp người xem mường tượng một cách rõ nét tình cảnh rối ren trong phim. Việc tối giản diễn xuất trong phim giúp người xem bị cuốn hút hoàn toàn bởi lời thoại của nhân vật, một hiệu ứng có thể tìm thấy trong Locke (2013) của Tom Hardy.
The Guilty thành công với cách tiếp cận chủ đề và xây dựng nhân vật. Tuy nhiên, nhịp phim còn chưa đủ độ dồn nén ở vài phân đoạn khiến người xem có thể cảm thấy hụt hơi về mặt cảm xúc, dẫn đến nhiều đoạn thoại trong phim có phần thừa thãi.
Một điểm đáng tiếc là phần âm thanh trong phim chưa để lại sức nặng. Một vài phân đoạn nếu không có nhạc nền sẽ trở nên chân thật và gay cấn đúng tinh thần của bộ phim. Cách sử dụng âm thanh trong phim có lẽ sẽ tăng phần hiệu quả nếu tôn trọng hơn những âm thanh thực tế như tiếng gõ phím, tiếng thở dài hoặc tiếng còi cứu thương.
Ngoài ra, The Guilty có thể lược bớt 10-15 phút trong phim để làm nhịp phim cô đọng và căng thẳng hơn cho người xem. Tuy vẫn còn nhiều tình tiết chưa thực sự trọn vẹn và một vài sự thiếu hụt trong nhịp phim, tác phẩm vẫn nhận được nhiều phản hồi tích cực với diễn xuất ổn định của Jake Gyllenhaal cùng phong cách dựng phim tối giản.
Với cốt truyện hấp dẫn, nhịp phim theo thời gian thực, khán giả có thể thưởng thức bộ phim với tâm trạng thoải mái mà không cần kỳ vọng nhiều.
Cảnh nhạy cảm bị cắt trong phim Không phải phân đoạn nào trong kịch bản cũng được lên phim. Thậm chí, nhiều cảnh phim hoàn chỉnh vẫn bị cắt khỏi bản công chiếu. Hệ thống phân loại khán giả, gán mác độ tuổi được ra đời nhằm đảm bảo các tác phẩm như phim ảnh, ca kịch, game... được thưởng thức bởi đối tượng phù hợp, bảo vệ trẻ em...