Cảnh nghèo của gia đình cầu thủ U19 Công Phượng
Sinh ra ở vùng bán sơn địa nghèo thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), tài sản nhà Công Phượng không có gì giá trị ngoài chiếc TV do đồng đội ở U19 Việt Nam tặng.
Ngôi nhà ngói và khoảng sân từng là nơi Công Phượng cùng anh trai đá bóng bằng những trái bòng hay giấy cuộn chặt. Ảnh: Nghệ Yên.
Ở vùng đất cày lên sỏi đá, làm kinh tế rất khó khăn nên người dân làng Vồng Vổng chủ yếu ly hương để tránh cái đói, cái nghèo. Bố mẹ của Phượng là ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa vì nhiều lý do nên phải ở lại bám trụ với mảnh đất quê hương. Nhà thuộc diện hộ nghèo lại phải nuôi tới sáu miệng ăn nên mãi tới những năm sau 2000, nhiều bữa cơm của gia đình vẫn còn phải độn ngô, khoai, sắn, vốn là những sản phẩm nông nghiệp do gia đình làm ra.
Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ba anh chị đầu của Phượng phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Phượng và anh trai Nguyễn Công Khoa ở nhà phải thả trúm bắt lươn và làm đủ thứ nghề để phụ giúp bố mẹ. Ông Bảy làm nghề thợ xây, nhiều hôm đi làm không có người phụ giúp, đành phải bắt Phượng đi xách hồ, nhặt đá. Thương con phải xách xô hồ cao gần đến hông nhưng bởi hoàn cảnh gia đình, ông Bảy cũng đành phải nén nước mắt vào trong.
Tài sản giá trị nhất trong nhà Công Phượng là chiếc TV do đồng đội ở U19 tặng. Ảnh: FB.
An ủi lớn nhất của Phượng là người anh trai Nguyễn Công Khoa. Những buổi chơi bóng cùng anh trai đã thực sự làm cho Phượng thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nhưng cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ, trong một buổi trưa hè đi tắm khe, Khoa chết đuối, ra đi mãi mãi. Bà Hoa sụt tới 12kg vì cú sốc quá lớn, trong khi Phượng vốn đã trầm tính lại càng trở nên lầm lỳ.
Sau cái chết của anh trai, Phượng cả tuần liền không đến trường, bóng banh là niềm đam mê, Phượng cũng bỏ. Cậu bé chín tuổi bị bố đánh cho một trận no đòn vì dám cả gan xin bỏ học để vào miền Nam làm thuê. Chia ly, nghèo đói bao trùm khiến cho ngôi nhà nghèo dột nát càng trở nên bi đát hơn. Phượng đã gày yếu, lại suy sụp tinh thần nên còi xương, hệt như đứa trẻ suy dinh dưỡng.
Cuộc giống gia đình bà Hoa gần đây khá hơn trước khi các con đã lớn và dần tự lập. Ảnh: Nghệ Yên.
Thương con, bà Hoa phải bán cả tạ lúa mới đủ lên thị trấn mua một quả bóng da về cho Phượng. Có quả bóng trong mơ nhưng nỗi nhớ người anh trai vẫn khiến Phương chưa thể lấy lại được niềm đam mê. Bà Hoa lại tiếp tục động viên con và đạp xe 18 km đưa Phượng lên thị trấn mỗi ngày để theo học lớp năng khiếu bóng đá của huyện.
Có năng khiếu, được đánh giá cao nhưng thử việc ở lò Sông Lam, Phương lại bị loại vì… thiếu cân. Xóm làng xì xào bàn tán Phượng bị suy dinh dưỡng nên không thể trúng tuyển khiến bà Hoa nhiều đêm khóc ròng, trong khi Phượng lần này nhất quyết bỏ học để vào Nam ở với anh chị và đi làm thuê.
Nhưng rồi, cuộc đời vốn công bằng, sau những ngày tháng cay đắng, niềm vui, hạnh phúc cũng mỉm cười với Phượng khi cậu biết được thông tin về tuyển dụng của Học viện HA.GL – Arsenal JMG và tham gia, rồi trúng tuyển.
Chuyện thành công của Công Phượng giờ đây được người dân địa phương nhắc đến hệt như một câu chuyện cổ tích. Chàng trai xứ Nghệ đang khoác chiếc áo số 10, cùng đội tuyển U19 Việt Nam đi tập huấn ở châu Âu và vừa có chiến thắng 3-0 trước U19 Arsenal.
Theo VNE
Cầu thủ dân tộc đam mê tốc độ của U19 Việt Nam
Ksor Úc là một trong những cầu thủ đặc biệt nhất của U19 Việt Nam không chỉ vì nguồn gốc xuất thân mà còn bởi đam mê thời thượng.
Ksor Úc thuộc biên chế của Học viện HAGL-Arsenal JMG. Anh được gọi bổ sung vào đội U19 Việt Nam tham dự vòng loại U19 châu Á, tham dự giải U19 quốc tế cũng như chuẩn bị tham dự chuyến tập huấn kéo dài 2 tháng tại Anh, Bỉ. Ksor Úc là cầu thủ dân tộc thiểu số duy nhất bước vào Học viện HAGL-Arsenal JMG trong 2 khóa đầu tiên.
Cầu thủ có nụ cười rất tươi này là người dân tộc Gia Rai, sinh tại làng Pleiluroh, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, Gia Lai. Ksor Úc là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em. Cha mẹ vốn là nông dân nên từ nhỏ Ksor Úc không được học hành đến nơi đến chốn.
Nhưng bù lại, Ksor Úc đam mê bóng đá và bộc lộ năng khiếu ngay từ nhỏ. Năm 2007, Ksor Úc là cầu thủ trụ cột giúp đội bóng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Gia Lai vô địch giải toàn quốc.
Chiếc xe Chaly độ của Ksor Úc. Anh cho biết mình phải bỏ ra rất nhiều công sức để săn tìm và độ lại theo đúng ý thích
Thành tích này giúp anh được tuyển vào Học viện HAGL-Arsenal JMG. Vì là cầu thủ dân tộc thiểu số duy nhất đỗ vào học viện trong 2 khóa đầu nên anh được các HLV rất ưu ái. Đó là động lực giúp Ksor Úc rèn giũa tài năng bóng đá, học văn hóa. Ksor Úc là cầu thủ đa năng, có thể chơi tốt ở vị trí trung vệ lẫn tiền vệ.
Ngoài tài năng bóng đá, Ksor Úc còn là cây văn nghệ của đội học viện cũng như U19 Việt Nam. Anh thường là người bắt bè cho các đồng đội hát theo khi được yêu cầu trình diễn văn nghệ.
Nhưng ca hát không phải đam mê lớn nhất của Ksor Úc sau những giờ tập luyện bóng đá. Anh đặc biệt thích siêu xe tốc độ, thường lân la tìm hiểu những mẫu xe mới, thời thượng. Mặc dù vậy, Ksor Úc không có nhiều tiền để sở hữu một chiếc siêu xe đắt tiền.
Bù lại, cầu thủ U19 VN cũng có cho mình một chiếc xe Chaly độ cá tính. Đây là chiếc xe mà trung vệ của U19 Việt Nam đã phải bỏ ra rất nhiều công sức tự đi tìm trước khi nhờ thợ "độ" lại theo ý mình với chi phí 7 triệu đồng.
Ksor Úc tâm sự, anh chỉ mới đam mê xe từ cách đây không lâu và đang là thành viên không chính thức của hội những người mê xe Gia Lai. Hiện tại, anh vẫn chưa có bằng lái xe nên chưa dám đi xe độ ngoài đường cũng như đầu tư nhiều vào thú vui tốn kém này.
Theo VNE
"Hãy gọi tôi là Nguyễn Công Phượng" Không màu mè, không thích phô trương cũng chẳng muốn ví von với ai, Công Phượng chỉ muốn được NHM gọi anh bằng chính cái tên của mình. Nguyễn Công Phương, cầu thủ mang áo số 10 của U19 Việt Nam, luôn là người được đánh giá có chất lượng hàng đầu trong lứa cầu thủ trẻ thuộc lò đào tạo HAGL Arsenal...