Cảnh khốn cùng ở ‘xóm cái bang’
Hơn 30 con người trong xóm, mỗi người một hoàn cảnh, một quán nhưng giống nhau một điều: đều là những thân phận cùng khổ.
Xóm gồm 13 túp lều với hơn 30 người sinh sống nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bạt ngàn lau sậy bên ven đê con sông Cấm thuộc xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hễ thấy có xe và người lạ vào xóm, đám trẻ con lại nháo nhác chạy theo, người lớn cũng nhấc những tấm liếp là cánh cửa ọp ẹp ló đầu ra ngoài nhòm. Họ tưởng có vị khách hảo tâm nào vào làm từ thiện, hoặc ít ra cũng là người giàu trong thành phố tìm đến phát đồ từ thiện. Hơn 30 con người trong xóm, mỗi người một hoàn cảnh, một quán nhưng giống nhau một điều: đều là những thân phận cùng khổ.
30 con người, một cảnh sống cùng khổ
80 tuổi đời nhưng vợ chồng ông Hoàng Ngọc Khải và bà Lõm đã có đến 65 năm sống bằng nghề ăn xin. Bà Lõm thậm chí còn không biết họ tên đầy đủ của mình. Cái tên Lõm ra đời từ đặc điểm của bà là vết lõm to bằng cái bát con trên trán, người ta gọi tên từ ấy.
Bà Lõm kể: “Tôi chỉ nhớ quê ở tỉnh Hải Hưng (cũ), năm 15 tuổi cả gia đình chết hết trong nạn đói năm 1945, chỉ còn mình tôi lang bạt đi ăn xin”. Năm 1972, khi đang ăn xin ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) đúng thời điểm Mĩ thả bom B52, bà Lõm bị một mảnh bom văng vào phạt mất một mảnh xương trên trán. Vết thương đã làm mất đi đến 95% trí nhớ, không nhớ mình là ai. Bà tiếp tục kiếp hành khất nay đây mai đó, rồi khi lang thang đến ga Hải Dương thì gặp ông Khải. Hai người sống chung với nhau từ đó.
Ông vốn quê ở Thanh Hóa, bố mẹ chết sớm nên cũng đi ăn xin từ nhỏ. “Đám cưới của chúng tôi được tổ chức khi ấy với khách mời toàn là ăn mày, tiệc cưới là những phần bánh mì xin được”, ông Khải nhớ lại.
Vợ chồng ông Khải, bà Lõm
“Hơn 10 năm vợ chồng sống lang thang ở dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, cuối cùng 2 vợ chồng tìm bãi đáp là xóm ven đê sông Cấm. Vợ chồng ở mấy chục năm nay vẫn chưa có một mụn con nào, mà tôi cũng chẳng biết tại ông đấy hay tại tôi. Nhưng cũng may mà không có con. Nếu có con chắc gì sống nổi với cảnh bữa ăn, bữa nhịn; nếu có sống cũng chẳng thoát kiếp con ăn mày lại chống gậy ăn xin đâu”, bà lão cười mà khóe mắt long lanh nước.
Cuộc đời của ông Lê Thế Minh, hàng xóm của vợ chồng ông Khải, bà Lõm cũng không kém phần khổ cực. Cả nhà chết đói sau nạn đói năm 1945, không còn ai thân thích, ông một mình phiêu bạt ăn xin khắp nơi rồi năm 1964 dạt về Hải Phòng. ông cũng lấy vợ là một phụ nữ ăn xin, dắt díu nhau về đây dựng lều ở, sinh được một đứa con trai. Bất hạnh chưa tha ông, vợ con ông lần lượt chết vì bệnh tim, ở cái tuổi ngoài 80 ông vẫn là gã ăn mày cô độc như lời ông nói.
Cách đó vài bước chân là túp lều của bà cụ Nguyễn Thị Minh, hơn 100 tuổi. Cụ là một trong những người đầu tiên khai sinh ra xóm ăn mày cách đây 30 năm. Quê cụ ở Ninh Bình, phiêu bạt ra Hải Phòng kiếm sống bằng nghề ăn xin rồi phải lòng một người đàn ông. Bị mù lòa sớm, những năm trước đây mỗi lần đi ăn xin cụ phải nhờ con cháu dắt đi. Cụ buồn rầu: “Nay có muốn đi ăn xin cũng chẳng được nữa, con cháu lớn đều phiêu bạt đi xa nên chẳng ai dắt tôi đi”.
Video đang HOT
Luẩn quẩn kiếp ăn mày
Ông Lê Thế Minh – “gã ăn mày cô độc”
“Những đứa con của tôi chúng đều sinh ra từ bờ đê, bãi sú”, đó là tâm sự đầu tiên của bà Nguyễn Thị Thảo, 65 tuổi, người mẹ của 4 đứa con trong xóm ăn mày. Bố mẹ mất sớm, từ nhỏ bà đã phải đi làm thuê kiếm miếng ăn rồi lưu lạc lên Hà Giang làm công nhân chè và lấy chồng. Ở với nhau được một thời gian, chồng bà phát bệnh tâm thần, thường xuyên đánh đập chửi bới vợ rồi ngày ngày lang thang ngoài đường. Thương chồng, bà khăn gói đi theo ông rồi cũng phát điên theo người điên lúc nào không hay. Những lúc tỉnh táo, ông bà lại sống cuộc sống vợ chồng. Bốn lần bà ôm bụng to vượt mặt đi ăn xin, 4 lần bà một mình vượt cạn sinh con trên bờ đê. ở xóm ăn mày này, nhà nào cũng sinh con cái kiểu như vậy đấy các chú ạ!. Bụng to vượt mặt vẫn phải đi kiếm miếng ăn, chẳng cần bà đỡ cũng chẳng cần giường chiếu gì đâu, cứ thế nằm ở bãi sú cũng đẻ tuốt, bà kể lại.
Không điện, không nước, không đường, và không luôn cả giấy tờ tùy thân, không có giấy chứng minh thư để chứng tỏ mình tồn tại trên cõi đời này. Những đứa trẻ cứ thế sinh ra trong nghèo đói và tồn tại ở “ xóm cái bang” để tiếp nối nghề gia truyền của xóm, nghề ăn xin.
Nhiều người ở Hải Phòng biết đến xóm đặc biệt này. Khách lạ đến chơi thường mang theo đồ cũ phân phát cho người trong xóm khi thì cái chăn, cái chiếu, có khi là cả một chiếc giường. Bà Thảo cười: “ấm lòng hơn khi thấy nỗi khổ của mình vẫn được mọi người thông cảm, sẻ chia”.
Theo Đời sống & Pháp luật
Hàng cứu trợ bị biến thành... giẻ rách
Nhận được cú điện thoại trong đêm bí hiểm, đầu dây bên kia giục giã: "Người ta bán quần áo cứu trợ để làm giẻ lau xe ô tô, lau máy". Chúng tôi không tin nên cuộc điều tra bắt đầu.
Kho hàng nằm sát nơi tiệm sửa chữa ô tô. Phía trong cơ man là quần áo cũ. Một số còn nguyên gói hoặc y nguyên trong bì. Khó khăn lắm mới tìm được chiếc bì chứa đầy quần áo có ghi đơn vị quyên góp hàng cứu trợ. Tài xế chở xe hàng này cho biết, số quần áo cũ ấy chở từ ga Vinh (Nghệ An) và đây là hàng cứu trợ từ phía Bắc gửi vào.
Đột nhập vào tiệm sửa xe ô tô
Cổng Ga Vinh náo nhiệt. Khách đi tàu xe, kẻ buôn bán nhộn nhịp. Địa điểm mà người đưa tin thông báo nằm ở trên đường Trường Chinh (Phường Lê Lợi, TP Vinh) - Cách ga Vinh không xa. "Nơi chứa quần áo cứu trợ đã bị xới tung hết rồi. Họ mua về cả xe quần áo để lau ô tô đấy. Nhưng tiếc của nên nhiều người đã chọn lấy cái mới để dùng", người dân phản ánh.
Kho chứa quần áo cứu trợ ở tiệm sửa chữa ô tô
10h sáng, kho hàng nằm trước tiệm sửa xe nên rất khó để chúng tôi tiếp cận. Gần 1h chiều nắng, tiệm vắng hoe, kho hàng trước tiệm cửa sắt hé mở đủ lọt người chui vào. Qua ánh sáng khe cửa cũng đủ thấy đống quần áo nằm ngổn ngang trong đó.
Mới nhìn qua thì đây chỉ là đống quần áo cũ rất bình thường. Lao vào bới tung nó lên mới thấy những chiếc hộp, cái bì đựng quần áo cũ nằm ẩn nấp phía dưới. "Bị bới tung là vì một số cửu vạn thấy tiếc quá nên xin vào tìm đồ lành. Chứ mới chở về còn nguyên đai nguyên kiện lắm", người dẫn đường giải thích.
Quả thật khi PV trực tiếp lao vào đống hỗn độn quần áo thì thấy xuất hiện những gói nilon nhỏ, dán cẩn thận, bên trong là nhiều loại quần áo đã cũ nhưng có thể dùng được. Những gói nilon này được xếp cẩn thận trong những chiếc bì xắc rắn loại lớn.
Trong kho còn nhiều bao quần áo cũ "nguyên đai nguyên kiện" Bao bì có ghi địa chỉ nơi gửi hiếm hoi trong kho.
Phần lớn những chiếc bì này không ghi dòng chữ nào nên rất khó xác định được nguồn gốc. Sau gần 15 phút tìm kiếm cuối cùng PV mới phát hiện được một chiếc bì nằm dưới cùng của đống quần áo.
Bì màu trắng, phía ngoài có ghi rõ chữ màu xanh. Nội dung của dòng chữ chỉ vẻn vẹn: Hội chữ thập đỏ huyện Thanh Trì -TP Hà Nội. Phía dưới còn có biểu tượng chữ thập của Hội và ghi tháng 10/2010.
"Tấm lòng" của nhà hảo tâm để... lau ô tô, lau máy!
Lân la ở chợ ga Vinh, những tiểu thương nơi đây hết sức bức xúc cho rằng hàng cứu trợ đã bị bán hoặc cho lại làm giẻ để lau ô tô, lau máy.
"Trong khi cán bộ khối đang vận động chúng tôi đóng góp ủng hộ đồng bào gặp lũ lụt thì hàng cứu trợ lại bị ghẻ lạnh. Người dân đã mất niềm tin", chị L - Một tiểu thương trực tiếp chứng kiến những chiếc xe ô tô chực chờ ở ga tàu hàng để mang theo quần áo cứu trợ bức xúc.
Tài xế chiếc xe này thừa nhận đã chở quần áo cứu trợ vào xí nghiệp ô tô
Anh T - Tài xế chiếc xe công nông đã thừa nhận đã trực tiếp chở quần áo từ toa hàng cứu trợ về cho tiệm sửa chữa ô tô trên đường Trường Chinh mà chúng tôi đã đột nhập. "Tui thấy một anh mặc bộ quần áo chữ thập đỏ bảo chở đi thì tôi chở chứ có biết đâu. Thuê chở thì tôi lấy tiền thôi", anh T cho hay.
Hỏi cánh tài xế và người dân xung quanh chợ ga Vinh ai ai cũng cho biết đúng là có chuyện hàng cứu trợ là quần áo đã biến thành giẻ rách. Anh T và một số tài xế khác cũng đã xác nhận là có chở số hàng cứu trợ là quần áo đến các địa điểm kinh doanh ô tô hoặc sửa chữa máy móc.
Chủ nhân hàng cứu trợ là ai?
Hầu hết người dân xung quanh chợ ga Vinh đều biết hàng cứu trợ là quần áo bị "bôi nhọ" một cách rõ ràng. Tuy nhiên họ mơ hồ về việc hàng này bị bán hay cho. Và ai là người cho, ga Vinh hay một ai khác? Nhưng thông tin chắc chắn là việc làm "động trời" trên đã diễn ra từ buổi sáng đến trước 14h ngày 27/10.
Tại phòng Hóa vận (Ga Vinh), chị Bùi Thị Hương - Thư ký hóa vận khẳng định đúng là ngày 27/10 có hàng cứu trợ từ Hà Nội gửi về. Và ngay đó không chỉ có một toa mà là 3 toa được gửi về từ ga Hà Nội. Trong đó đơn vị nhận là Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An (2 toa ký hiệu 231804 và 231875) và Hà Tĩnh (1 toa 231715).
Vậy đơn vị nào là "chủ nhân" trực tiếp tuồn hàng cứu trợ quần áo vào tiệm sữ chữa ô tô. Biến "tấm lòng" của các nhà hảo tâm thành... giẻ lau ô tô, xe máy?!
Hàng cứu trợ còn nguyên kẹp chì! Phòng Hóa vận - Ga Vinh khẳng định hàng cứu trợ bị cho hoặc bán không thể do đơn vị này làm. Theo quy trình thì khi nhận hàng, ga Vinh sẽ gửi vận đơn đến nơi được nhận. Sau đó đại diện đơn vị này đến sẽ nhận giao liên 4. Sau đó ra bãi dỡ hàng để kiểm tra ký hiệu kẹp chì. Nếu kẹp chì đã bị phá hoặc không đúng thì ga Vinh sẽ lập biên bản. Còn nếu kẹp chì nguyên vẹn thì tiến hành giao toa. Trong trường hợp hàng cứu trợ được bốc dỡ sáng ngày 27/10 thì hoàn toàn do trách nhiệm và toàn quyền của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An.
Theo Bee
2 người đàn bà góa nổi tiếng vì... nghèo Sự nghèo đói, khổ sở của hai người đàn bà đã khiến cho họ trở nên nổi tiếng. Dù họ chẳng muốn vậy. Chồng chết, chẳng để lại gì ngoài đứa con thơ. Ngày giỗ, chị Hiền ở xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chỉ biết đưa con sang nhà bà nội để thắp hương, vì chị chẳng thể lập được...