Cảnh giác với tai biến sản khoa luôn “rình rập”
Trong một thời gian ngắn, liên tiếp gần 10 ca tử vong mẹ, con do tai biến sản khoa. Điều đáng chú ý là trước khi vào viện, các sản phụ vẫn khỏe mạnh bình thường.
Các loại tai biến sản khoa nguy hiểm
9 tháng mang thai là 9 tháng hạnh phúc xen lẫn lo lắng của người phụ nữ, bởi những tai biến sản khoa nguy hiểm có thể đang “rình rập” và xảy ra bất kì lúc nào.
- Thuyên tắc ối
Thuyên tắc ối là bệnh lý rất hiếm gặp, thường xuất hiện ở thời kì chuyển dạ. Tuy nhiên, dạng tai biến này có thể xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước, cũng như không có khả năng phòng ngừa. Vì vậy, hiện nay thuyên tắc ối được xếp vào loại tai biến sản khoa nguy hiểm nhất. Sản phụ không may bị thuyên tắc ối sẽ phải đối diện với nguy cơ tử vong rất cao.
Cái chết của sản phụ Đào Thị Hạnh (SN 1981, ở thôn Vân Ngoại, xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên) tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên ngày 20/4 là trường hợp điển hình của tai biến sản khoa thuyên tắc ối. Sau khi sự việc xảy ra, các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân tử vong là do tắc mạch ối với các triệu chứng như trụy mạch, hôn mê và rối loạn đông máu diễn ra quá nhanh.
Theo các chuyên gia sản khoa, thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của chuyển dạ với diễn biến là vỡ nước ối, bệnh nhân đột ngột tím tái, trụy tim mạch và tử vong nhanh chóng. Nhẹ hơn, sẽ có hiện tượng rối loạn đông máu nhưng cũng chỉ giữ tính mạng được vài giờ và bệnh nhân vẫn tử vong.
Video đang HOT
Tai biến sản khoa nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể
ảnh hưởng cả tính mạng thai nhi. Ảnh minh họa.
- Băng huyết
Băng huyết sau sinh là hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ. Trên thực tế, dạng tai biến này khá phổ biến chiếm đến 10% số trường hợp đẻ và có đến 25% trường hợp sản phụ tử vong do băng huyết (Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Phó GĐ BV Phụ sản TƯ).
Ngày 15/3 sản phụ Trần Thị Hưởng (SN 1980, ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, được xác định là bị băng huyết. Chồng chị Hưởng cho biết, thấy vợ có dấu hiệu chảy máu nhiều nên đã đưa chị thẳng đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau khi khám 2 lần, các bác sĩ thông báo là cổ tử cung của sản phụ đang mở, sẽ tiến hành truyền dịch và yêu cầu người nhà mang quần áo em bé vào. Nhưng ngay sau đó, người nhà nhận được tin chị Hưởng bị ngất vì máu ra nhiều và không lâu sau bệnh viện thông báo sản phụ đã tử vong cùng thai nhi.
Ngoài trường hợp của sản phụ Hưởng, tháng 10/2011, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ đến trạm y tế phường để sinh con. Sau khi sinh bé trai nặng 3,5kg, khi về phòng bệnh chị vẫn tỉnh táo bình thường, nhưng 15 phút sau chị thấy bụng đau và ra máu không ngừng. Bác sĩ trạm y tế cầm máu bằng nhiều cách nhưng không được, tình trạng kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ, lên đến viện Huyện được 30 phút thì người nhà nhận được thông báo chị Dung tử vong.
- Tiền sản giật
Tiền sản giật là một trong những bệnh lý nguy hiểm cũng có khả năng gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Do vậy, khi mang thai các bà mẹ cần có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này. Tiền sản giật và sản giật với dấu hiệu đặc trưng là cao huyết áp, phù, có protein trong nước tiểu, có thể dẫn đến co giật, hôn mê.
Ngày 20/5/2012, người nhà sản phụ Nguyễn Thị Anh Thư, 27 tuổi ở Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội đã khiếu nại việc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm việc tắc trách dẫn đến cái chết của chị Thư. Theo lời kể của người chồng, thấy chị Thư bỗng dưng kêu đau đầu, buồn nôn, liền đưa chị đi viện cấp cứu. Lúc này, chị được chỉ định mổ đẻ vì bị tiền sản giật, thai lại khá to. Ca mổ thành công, đưa sản phụ về phòng hậu phẫu sức khỏe hoàn toàn bình thường. Sau đó chị hôn mê, bất tỉnh và diễn biến bệnh ngày càng xấu. Chị Thư được chuyển đến khoa Việt Nhật, Bệnh viện Bạch Mai điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.
- Nhau thai bong sớm (nhau bong non)
Dạng tai biến này không phổ biến như các tai biến nói trên nhưng tình trạng nhau bong non cũng không phải là hiếm, nếu mắc phải sản phụ và thai nhi đều có thể tử vong. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và kịp thời xử lý vẫn có thể cứu được.
Phần lớn các trường hợp nhau thai bong sớm thai phụ sẽ bị ra máu, từng giọt máu rải rác có thể quan sát bằng mắt thường hoặc máu đột nhiên trào ra. Cũng có khi, máu ra ít, bị giữ lại trong tử cung nên thai phụ không thấy triệu chứng ra máu.
Thường xuyên đi khám và siêu âm đúng hẹn trong thai kì để
sớm biết các rủi ro đối với cả sản phụ và em bé. Ảnh Tienphong
Tai biến sản khoa luôn rình rập
Dù y học đã có nhiều tiến bộ nhưng tai biến sản khoa vẫn luôn là thách thức đối với ngành y và các bác sĩ. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Sản – Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Tai biến sản khoa xuất hiện ở cả thời kỳ mang thai, lúc chuyển dạ và sau sinh. Trước lúc chuyển dạ, thai phụ có thể bị rong huyết tử cung. Đây là một trong những biến chứng nặng của tình trạng nhiễm độc thai nghén. Tình trạng này xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh, trong một số trường hợp có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con. Vì nhau thai là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi sống từ mẹ sang thai nhi nên khi nhau bong sớm thì nguồn dinh dưỡng này bị ngưng, nếu không mổ lấy thai kịp thời thì thai nhi sẽ chết.
Một tai biến nguy hiểm khác trong giai đoạn này là nhau tiền đạo. Có thể vì lý do đa thai, viêm niêm mạc tử cung, sinh nhiều lần hay tiền sử nạo phá thai… mà bánh nhau bám thấp xuống vùng eo tử cung và che lấp một phần hay toàn bộ lỗ trong cổ tử cung, cản trở đường ra của thai dẫn đến xuất huyết ồ ạt gây nguy cơ tử vong cả mẹ và con.
Ngoài ra, tai biến vỡ tử cung do sẹo mổ cũ, sang chấn, cơn co tử cung quá mạnh, ngôi thai lệch… cũng vô cùng nguy hiểm. Song hiện nay, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ, tay nghề của bác sĩ được nâng cao nên tai biến sản khoa đã hạn chế rất nhiều.
“Điều đáng nói là kể cả khi thai phụ ‘thoát’ những tai biến nói trên lúc mang thai thì trong lúc chuyển dạ vẫn có thể gặp lại. Với những người có kèm các bệnh lý như suy thận, hẹp van hai lá, bệnh tim… thì nguy cơ tai biến cũng tăng gấp nhiều lần. Thậm chí, ngay sau khi chuyển dạ, thai phụ vẫn có thể gặp những tai biến khác như: thuyên tắc mạch ối, chảy máu, đờ tử cung” – Bác sĩ Dung khuyến cáo.
Tuy nhiên, tai biến sản khoa có thể giảm nếu sản phụ tuân thủ khám thai định kỳ để bác sĩ tiên lượng cuộc chuyển dạ, hạn chế tối đa tai biến. Duy chỉ có thuyên tắc ối thì không dự báo trước được, nó thường xảy ra đột ngột nên việc chẩn đoán rất khó và không có biện pháp điều trị đặc hiệu riêng cho loại tai biến này.
Theo VNE