Cảnh giác với những chiêu lừa mua bán người
Cô gái không lý giải được có một thứ “bùa mê” nào đó đã sai khiến chân cô bước theo họ. Chỉ khi bước chân vào địa ngục thực sự, cô mới hoàn toàn thoát khỏi cơn mê đó.
Cô gái được công an Việt Nam phối hợp với công an Trung Quốc cửu trở về từ động mại dâm nằm sâu trong lục địa Trung Quốc khẳng định cô không hề chấp nhận lời rủ rê của người lạ đi biên giới đòi nợ. Nhưng cô không lý giải được có một thứ “bùa mê” nào đó đã sai khiến chân cô bước theo họ. Chỉ khi bước chân vào địa ngục thực sự, cô mới hoàn toàn thoát khỏi cơn mê đó.
MẮC PHẢI “BÙA MÊ” Ở NHÀ TRỌ CÔNG NHÂN
Cô gái trẻ chúng tôi gặp ở Trung tâm tư vấn ngày hôm ấy không có gì khác với những người khác, từ cách ăn mạc, đi đứng, nói năng. Người tinh ý sẽ thấy cô vào phòng mà vẫn đội sùm sụp chiếc mũ vải như muốn che mặt. Ai hỏi gì, cô chỉ trả lời rất ngắn gọn. Ánh mắt cô không nhìn vào ai, nó như đôi chim hốt hoảng, dáo dác và e dè trước tất cả mọi người lạ. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới làm cô hiểu được ở đây không có gì đe dọa cô. Câu chuyện của cô qua 18 tháng ở địa ngục trần gian khiến cho bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải rùng mình ghê sợ. Kẻ đẩy cô đến nơi ấy lại là một người xa lạ cô chỉ gặp ở nhà trọ công nhân khoảng 20 phút.
Ảnh chỉ có tính minh hoạ
Cô gái có tên rất mộc mạc, Nguyễn ThịThơm, quê ở Kinh Môn, Hải Dương. Cô lên khu công nghiệp NB làm cho công ty N. và được sắp xếp ở trọ trong khu nhà ở công nhân. Ngày nghỉ, cô đến thăm bạn cùng quê ở khu nhà trọ thuê của dân địa phương. Không may, cô bạn này đi vắng. Khu nhà trọ hôm đó cũng vắng vẻ. Thơm đứng đợi bạn ở khu sân chung. Có một người phụ nữ ăn mặc theo lối thôn quê đến hỏi Thơm muốn gặp ai. Chị ta tự xưng cũng đến đây để tìm người thân. Vốn nhút nhát, Thơm không bắt chuyện. Chị ta hỏi quê quán, chỗ làm, lương tháng của Thơm… rồi khoe mình đi buôn ở biên giới được nhiều tiền lắm. Chị ta hỏi Thơm có muốn đi buôn cùng với chị ta để kiếm chút vốn về quê lấy chồng hay không. Thơm lắc đầu. Cô không thích đi xa và cũng không thích kết bạn kiểu này. Cô quay người định dắt xe đạp ra về thì người đàn bà gọi giật lại. Chị ta nói sẽ bắt hộ con vật gì bám vào tóc. Thơm chưa kịp phản đối thì chị ta cầm chiếc khăn có mùi hăng hắc phất phất qua mặt Thơm. Thơm lơ mơ thấy người đàn bà cầm tay mình kéo đi. Cô ú ớ nhưng không kêu được.
Video đang HOT
Khi hồi tỉnh, Thơm thấy mình đang ngồi trên xe ô tô, bên cạnh là người đàn bà. Thơm muốn cựa quậy mà không sao nhúc nhích được chân tay. Phía ngoài xe, cô không còn thấy nhà cửa phố xá, làng mạc nữa, mà chỉ thấy núi rừng, sông suối vùn vụt lướt qua. Ông tài xế luôn liếc nhìn về phía Thơm và người đàn bà, hỏi chuyện hai người đi đâu, làm gì. Người đàn bà nhanh nhảu đỡ lời “Cháu gái nó theo tôi đi buôn vải”. Nhằm lúc xe dừng ăn trưa ở một thị trấn, người đàn bà xuống xe đi vệ sinh, người lái xe bảo Thơm: “Cháu đừng đi theo nó sang Trung Quốc mà khổ đấy. Bây giờ bỏ về còn kịp”. Thơm muốn nghe theo ông ta nhưng miệng không nói được, chân không bước được, đành chỉ nhìn ông bằng ánh mắt khẩn cầu. Người lái xe không hiểu, tưởng Thơm không chịu nghe lời ông, lẩm bẩm bỏ đi: “Không nghe lời người lớn thì tàn đời thôi con ạ”.
ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
Chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Đến tối, người đàn bà lại vờ lấy khăn lau mặt cho Thơm. Cô lại ngửi thấy mùi hăng hắc ấy xộc vào mũi và lịm đi. Cô chỉ tỉnh dậy khi bị một dòng nước lạnh toát dội vào mặt cùng tiếng chửi léo xéo, lơ lớ: “Nằm trương xác ở đấy mãi à. Dậy tiếp khách cho bà”. Thơm nhìn quanh, chỗ cô nằm là một chiếc phản nằm lọt thỏm giữa những vách gỗ. Một chiếc đèn vàng vọt ở trên cao giúp cô nhận ra thân hình mình gần như lõa lồ trong bộ trang phục hở hang. Thơm không hiểu mình đang ở đâu thì một người đàn ông lực lưỡng, xăm trổ đầy mình bước vào nói tiếng Việt: “Mày đã bị bán cho chúng tao rồi. Bây giờ mày phải ở đây “tiếp khách” để trả lại món nợ chúng tao đã bỏ ra mua mày”.
Thơm lắc đầu, quỳ xuống chắp tay vái hắn nói: “Chú bắt cháu làm gì cũng được, đừng bắt cháu tiếp khách. Cháu còn chưa lấy chồng. Cháu sợ lắm”. Hắn cười “Rồi mày sẽ quen thôi”. Hắn vẫy tay, một người khác đến xốc nách cô lên, lôi đi, mặc cô vùng vẫy, khóc gào. Chúng tống cô vào một căn phòng có chăn đệm, trắng tinh. Một người đàn ông ăn vận như trong phòng tắm chờ sẵn. Người khách kia một tay túm lấy tay cô, một tay tóm gáy, ấn xuống giường, cưỡng bức cô. Hắn giữ cô lại phòng đó mấy ngày, rồi mới gọi điện kêu người đón cô về.
Sau lần đó, những tên ma cô đem cô ra chau chuốt, tĩnh dưỡng cho lành những vết thương do người khách kia gây ra, rồi lại đem cô đi chỗ khác. Khoảng 3 tháng như vậy chúng bắt cô tiếp khách ngay tại chỗ ngủ của cô. Lúc này thì thượng vàng, hạ cám, loại đàn ông nào cô cũng phải tiếp. Mỗi ngày, cô tiếp từ 5 – 14 khách. Cô thường xuyên ngất đi và bị dội nước vào mặt. Khi cô mệt quá, chúng tiêm thuốc vào người để cô có sức “làm việc” tiếp. Cô không còn phân biệt được ngày đêm, giờ giấc. Khi nào hết khách thì ngủ. Khách đến thì cô bị lôi dậy. Áo quần không phải mặc, thức ăn có người mang đến tận nơi.
Một lần, một phụ nữ buồng bên gõ vách thì thào hỏi cô có phải người Việt Nam không. Cô trả lời phải. Cô ta cho biết họ sẽ phải ở đây lúc nào kiệt sức thì chết, chúng sẽ ném xác đi như ném một khúc củi khô. Thơm cũng chỉ muốn tự sát. Nhưng cô sợ bố mẹ cô không biết cô đi đâu, còn sống hay đã chết. Cô quyết sống để tìm cơ hội trở về.
CỨU TINH LÚC NỬA ĐÊM
Người đàn bà nói tiếng Việt kia chỉ ở đó độ một tháng thì biến mất không một lời nhắn lại. Thơm gọi thì không thấy trả lời. Nhưng cô để ý có mùi gây gây kỳ lạ, sau đó có tiếng động lịch kịch trong đêm, tiếng chửi thề, cáu gắt, tiếng bao nilon sột soạt và tất cả lại im lặng. Người đàn bà kia có lẽ đã chết.
Rùng mình lạnh sống lưng trước thảm cảnh của người đồng cảnh, Thơm nung nấu ý định trốn thoát. Nhưng cô chỉ quanh quẩn trong 6m2 phòng giam. Trước đó, Thơm biết đã có cô gái bị chúng đập gãy chân vì dám chạy ra ngoài phố. Thơm chuyển hướng tìm người cứu mình ở phía khách làng chơi. Biết là mạo hiểm, nhưng cô vẫn liều. Cô thường tìm cách giữ khách lại lâu hơn để trò chuyện. Họ là những người đi làm ăn xa, không dại gì đi dây với bọn côn đồ. Thơm nhờ họ chuyển thư về Việt Nam. Có người đã nhận lời cô. Cô hồi hộp chờ đợi. Nhưng đợi mãi cũng chỉ vô vọng. Rồi cô bị tên ma cô lôi ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.
Chúng bán cô cho một bọn buôn người khác ở nơi có nhiều người Việt Nam qua lại buôn bán hơn. Vì thế cô được gặp nhiều người khách Việt Nam hơn. Có một lần, cô tiếp người thanh niên vẻ mặt dễ gần. Anh ta chỉ trò chuyện với cô, hỏi quê quán, chỗ ở, gia đình. Anh nhận lời báo cho gia đình cô biết để giải cứu cô.
Một đêm, tên ma cô xốc vào phòng cô bắt cô phải nhảy qua cửa sổ để chạy trốn với hắn. Cô nhảy từ trên cao xuống và bị trẹo chân. Tên ma cô không lôi cô đi được nên vứt cô lại. Cảnh sát ập tới, họ bắt cô đưa về đồn cùng nhiều cô gái khác. Cô và một cô gái Việt Nam khác đã được trao cho công an Việt Nam đưa về nước. Trên xe, cô nhận ra người thanh niên đã nhận lời giải cứu cô và anh trai ở Việt Nam. Họ kể chuyện đã trình báo công an cửa khẩu về vụ việc như thế nào. Công an Trung Quốc đã phối hợp với công an Việt Nam triệt phá động mại dâm đó, cứu thoát được một số cô gái Việt Nam bị ép bán dâm, trả về nước.
Khi cô về quê hương, cô tránh tiếp xúc với tất cả mọi người. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, đã có người lạ đến ngấp nghé trước cổng nhà cô, hỏi thăm, nhắn nhe bố mẹ cô cho cô đi làm… Bố mẹ cô đã phải ra xã trình báo với công an về những đối tượng lạ đó. Một số kẻ đã bị triệu tập đến hỏi. Gia đình cô lập tức bị dăm dọa. Không ai dám đi khỏi làng vì sợ bị trả thù. Đáng sợ nhất là tin đồn về việc cô bị bán sang Trung Quốc đã lan rộng khắp xã. Nhiều người tò mò hỏi thăm. Cô sợ hãi, xấu hổ, chỉ muốn chết. Công an xã đã phải đề nghị các cơ quan chức năng đưa cô đi tạm lánh một thời gian, để phục hồi sức khỏe và tâm lý cho cô.
Theo các chuyên gia Phòng Tham Vấn, Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ không nên đi một mình đến những khu nhà trọ vắng vẻ, không tiếp xúc với người lạ có biểu hiện khả nghi. Khi thấy họ cứ lân la, bám riết lấy mình, đưa ra những lời mời mọc, rủ rê, hoặc những công việc hấp dẫn, thì rất có thể đó là những cái bẫy nguy hiểm giăng ra để bẫy những “con mồi” nhẹ dạ, cả tin. Với những người phụ nữ ít tiếp xúc, ngại va chạm, họ có thể không đủ kỹ năng cần thiết để đối phó với những tình huống nguy hiểm ở nơi vắng vẻ.
Cũng theo các chuyên gia, một số phụ nữ khi được giải cứu trở về vẫn bị bọn buôn người săn đuổi, hòng lừa bán họ một lần nữa. Chính tâm lý ngại tiếp xúc, hòa nhập cộng đồng và không chia sẻ với người thân, với chính quyền địa phương sẽ khiến họ dễ rơi vào bẫy một lần nữa. Gia đình và chính quyền cùng các cơ quan đoàn thể cần giúp họ hòa nhập cộng đồng và bảo vệ họ khi thấy biểu hiện lạ. Một số phụ nữ bị chấn thương tâm ký nặng nề, cần phải được chăm sóc y tế và tâm lý đặc biệt, thậm chí phải đưa đến những nơi “tạm lánh” (ngôi nhà bình yên) để họ được chăm sóc, giúp đỡ.
Theo ANTD
Thí điểm bộ tiêu chuẩn hỗ trợ phụ nữ bị mua bán
Ngày 22/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chuẩn tối thiểu hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long."
Các cô gái bị môi giới lấy chồng Hàn Quốc trái phép ở TP.HCM. (Ảnh: Thế Vinh/TTXVN)
Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tại hội thảo cho biết, nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giáp ranh với Campuchia, Thái Lan với nhiều đường tiểu ngạch, cửa biển, bến cảng, sân bay vốn là địa bàn du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, nhưng đồng thời cũng là yếu tố dẫn đến việc mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài vì mục đích tình dục.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, tính từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2011, trong rất nhiều nạn nhân bị buôn bán chỉ có 50 nạn nhân từ nước ngoài trở về được tiếp nhận. Nhiều nhất là các tỉnh Sóc Trăng 17 nạn nhân, An Giang 11 nạn nhân, Đồng Tháp 7 nạn nhân...
Hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em vì mục đích tình dục ngày càng tinh vi và trở nên nóng bỏng. Riêng ở Cần Thơ, thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2005-2010 đã có 48 nạn nhân bị buôn bán trở về; trên địa bàn tỉnh cũng đã có 139 phụ nữ bị môi giới lấy chồng nước ngoài.
Theo nhiều ý kiến tham gia hội thảo, các nạn nhân trở về thường mắc các bệnh liên quan đến đường tình dục, bị kỳ thị, rối loạn tinh thần, trở về không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân... nên không có việc làm. Những nạn nhân này học vấn thấp nên việc đào tạo nghề, dạy văn hóa cho họ không phải dễ dàng. Trên thực tế, họ rất khó tìm được một công việc đảm bảo ổn định cuộc sống và dễ trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội khác.
Trong khi đó, thủ đoạn mà bọn buôn người thường sử dụng hết sức tinh vi như chọn phụ nữ có nhan sắc, hoàn cảnh khó khăn rồi "hứa hẹn" tìm việc làm ở nước ngoài. Chỉ đến khi ra nước ngoài thì nạn nhân mới biết mình bị lừa bán, sống bơ vơ và trở thành gái mại dâm, bị xâm hại nghiêm trọng về tình dục.
Dưới vỏ bọc kết hôn chồng ngoại (nhiều nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc), nhiều phụ nữ đã bị bọn buôn người lợi dụng và đem bán mà không hề hay biết. Không ít phụ nữ lên Thành phố Hồ Chí Minh làm việc nhưng sau đó "sa bẫy" vào các tụ điểm mại dâm, rồi bị ép bán ra nước ngoài. Nhiều nạn nhân đã bị lừa gạt, ép bán qua Campuchia, Trung Quốc rồi tiếp tục bị bán sang Thái Lan, Malaysia... Số ít may mắn tìm cách thoát được để hồi hương.
Trước tình hình đó, việc ban hành và thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chuẩn nói trên là một trong những giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài.
Được biên soạn dựa trên Dự án "Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn bán người" do Quỹ châu Á (The Asia Foundation) tài trợ, Bộ Tiêu chuẩn đề cập đến 8 quyền của nạn nhân bị mua bán; bao gồm quyền về tính mạng, sức khỏe; tôn trọng nhân phẩm, không phân biệt đối xử, kỳ thị; bí mật danh tính và thông tin cá nhân; bảo hộ quyền nhân thân nạn nhân; quyền được cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ; quyền tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ; quyền trợ giúp pháp lí miễn phí; các quyết định liên quan đến nạn nhân phải dựa trên cơ sở bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội các tỉnh, thành đã triển khai việc thí điểm trực tiếp Bộ Tiêu chuẩn đối với nạn nhân hiện đang lưu trú tại trung tâm hỗ trợ nạn nhân, nhà tiếp nhận hỗ trợ. Nhờ đó, quyền của nạn nhân được đảm bảo tốt hơn, họ cũng nhận thức rõ ràng hơn quyền của mình.
Tuy nhiên, việc áp dụng thí điểm Bộ Tiêu chuẩn cũng gặp không ít trở ngại, mức kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/năm/tỉnh là quá thấp, thời gian triển khai không nhiều, phạm vi hẹp (2 xã/tỉnh). Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về địa phương không qua tiếp nhận do tâm lý mặc cảm nên không khai báo chính quyền, không ở lại địa phương mà đi làm ăn xa.
Cán bộ xã hội làm công tác tư vấn vừa thiếu và yếu. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo. Vì đang còn ở dạng dự thảo, chưa được ban hành dưới hình thức một văn bản quy phạm pháp luật nên việc triển khai Bộ Tiêu chuẩn còn bị hạn chế.
Theo lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, sắp tới, Bộ Tiêu chuẩn này sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh để sớm trở thành văn bản quy phạm pháp luật và có thể sẽ được tiến hành ở một số tỉnh miền Bắc./.
Theo TTXVN
Lật tẩy những chiêu lừa của nhà ngoại cảm Chỉ vì hám lợi, nhiều nhà ngoại cảm đã bất chấp nỗi đau của các gia đình có thân nhân bị thất lạc phần mộ để lừa đảo họ bằng các chiêu thức hết sức tinh vi. Dùng hóa chất để tạo ảo giác Lợi dụng niềm mong mỏi tìm được hài cốt người thân của dân, rất nhiều chiêu thức lừa đảo...