Cảnh giác với chiêu lừa bán thuốc diệt muỗi
Gần đây, nhiều người dân ở xóm 10, Thi Sơn, Kim Bảng (Hà Nam) bị mất tiền oan bởi chiêu lừa bán thuốc diệt muỗi của một nhóm người lừa đảo.
Bà Trương Thị Hiền Lương, 53 tuổi ở xóm 10, Thi Sơn, Kim Bảng (Hà Nam) phản ánh, vào khoảng 9h ngày 23/8, bà vừa mở cửa nhà hàng đón khách thì xuất hiện đôi nam nữ đến tự giới thiệu mình là cán bộ kinh doanh cho một công ty chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm thuốc diệt muỗi và bột thông bể phốt ở Cầu Giấy, Hà Nội. Họ ngỏ ý muốn thuê mặt tiền và khoảng không gian trống trong nhà làm nơi treo biển quảng cáo, dán tờ rơi giới thiệu các sản phẩm của họ với giá 5 triệu đồng một tháng. Liền sau đó họ tiến hành dán tờ rơi quảng cáo khắp nhà và hẹn ngày giám đốc của họ từ Hà Nội sẽ về Hà Nam ký kết hợp đồng với bà về việc thuê mặt bằng nói trên.
Bà Hiền Lương với những gói sản phẩm bị lừa mua
Ngày hôm sau, vào khoảng 8h có một người phụ nữ xưng tên Duyên, khoảng 30 tuổi, giới thiệu mình đang công tác ở Phòng Giáo dục Phủ Lý vào nhà hàng của bà đặt tiệc (20 mâm cỗ) cho cơ quan. Sau khi đặt tiệc, người phụ nữ nhìn quanh thấy biển quảng cáo có bán thuốc diệt muỗi và bột thông bể phốt liền nói đang cần mua 200 gói diệt muỗi và 20 gói bột xử lí vệ sinh môi trường để phục vụ cho công tác y tế dự phòng ở các xã mà “chưa biết tìm mua ở đâu”. Cô ta nán lại năn nỉ nhờ chủ nhà mua giùm số hàng nói trên và không quên đặt cọc ít tiền làm tin, hẹn 15h hôm sau sẽ quay lại lấy và thanh toán nốt số tiền còn lại.
Vì cả nể người đàn bà nọ là khách đặt tiệc, lại thấy vẻ ngoài của cô ta đàng hoàng cộng thêm khoản tiền thuê nhà mà bà sẽ thu được sau này nên bà Lương đã không ngần ngại nhận lời giúp đỡ “bà cán bộ Giáo dục”. Buổi trưa ngày hôm đó bà Hiền Lương liền gọi điện về “công ty” ở Hà Nội đặt 220 gói diệt muỗi và thông bể phốt theo đặt hàng của khách. Ngay chiều hôm đó “hàng về”, số tiền bà phải thanh toán ngay cho “công ty” tổng cộng là 10,3 triệu đồng.
Ngày hôm sau đến giờ hẹn giao hàng mà không thấy bà cán bộ nọ lên lấy hàng, bà Hiền Lương nóng ruột liền lấy số điện thoại ra liên lạc thì tất cả các số đều không liên lạc được, kẻ bán người mua “bặt vô âm tín”. Kiểm tra lại số hàng, gia đình bà phát hiện một số nằm trong danh mục được cấp phát miễn phí của tổ chức y tế dự phòng, còn lại là đồ giả, lúc này bà mới ngã ngửa mình vừa bị lừa.
Tìm hiểu thêm chúng tôi còn được biết bà Vũ Thị Thắng, ở xóm 10, thị trấn Quế (Kim Bảng) cũng bị lừa mất 3 triệu đồng với thủ đoạn tương tự.
Theo Báo Đất Việt
Video đang HOT
Đầu hè, nhiều người mất ăn mất ngủ vì muỗi
Hai tuần nay, vì nhà bỗng nhiên có quá nhiều muỗi, nên cứ tối đến, dù nóng, chị Lưu (đường K3, Cầu Diễn, Hà Nội) vẫn phải mặc quần áo dài cho con rồi vừa cho bé ăn, vừa cảnh giác xem bé có bị muỗi châm không.
Cậu con trai chị bị muỗi đốt nhiều, ngứa ngáy, hay gãi khiến các nốt càng đỏ, sưng. Bản thân chị, dù tối ngủ đã buông màn nhưng sáng ra tay chân vẫn chi chít nốt. Lo lắng, cuối tuần vừa rồi, vợ chồng chị mua thuốc diệt muỗi về phun, và đưa con sang nhà người chị ở gần đó tá túc hai ngày vì sợ thuốc ảnh hưởng không tốt đến bé.
Dù ở tận tầng 12 của một tòa nhà chung cư ở Mỹ Đình nhưng gia đình chị Kiều cũng mệt mỏi vì có nhiều muỗi.
"Thời gian này mọi năm nhà mình ở cao vậy không hề có muỗi, quanh năm không phải mắc màn, năm nay không hiểu sao lại có. Chúng rất dạn, đuổi không đi, dùng vợt muỗi có vẻ không ăn thua, mà bôi thuốc chống muỗi cho con nhiều sợ không tốt, nên hôm rồi ông xã phải đi sắm cái máy bắt muỗi", chị Kiều kể.
Thời tiết bắt đầu vào hè, với nhiệt độ không quá cao, muỗi phát triển nhanh, gây không ít phiền toái cho người dân ở nhiều nơi. Xịn thuốc là cách được nhiều gia đình lựa chọn. Ảnh minh họa: Nam Phương.
Theo tiến sĩ Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thì sự tăng nhiệt độ môi trường trong thời gian gần đây (có thể một phần do tác động của biến đổi khí hậu) là một trong những yếu tố rút ngắn vòng đời của muỗi, dẫn đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của các loài muỗi nhanh, khiến mật độ loài này tăng cao.
Tiến sĩ Trung cho biết thêm, vòng đời của muỗi có 4 giai đoạn: trứng, bọ gậy, quăng và muỗi trưởng thành. Cũng như các loài côn trùng khác, sự phát triển của các giai đoạn trong vòng đời của muỗi rất nhạy cảm với biến đổi nhiệt độ. Nhiệt độ môi trường thích hợp cho muỗi phát triển là khoảng trên dưới 25 độ C. Nhiệt độ càng cao (nhưng không quá 35 độ C thì vòng đời phát triển của muỗi càng ngắn.
Hiện tại, ở nhiều nơi, mật độ muỗi rất cao, do đang giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ vừa phải, có những cơn mưa nhỏ đầu hè góp phần hình thành nhiều ổ nước, thích hợp cho nhiều loài muỗi đẻ trứng.
Muỗi có khả năng truyền một số bệnh nguy hiểm cho người như bệnh sốt xuất huyết, giun chỉ, viêm não Nhật Bản, sốt vàng da... Muỗi cũng được "kết tội" là thủ phạm giết người khủng khiếp nhất trên trái đất, khi số người tử vong vì nhiễm bệnh do muỗi truyền có thể lên tới hàng triệu trong một năm. Nhiều loài muỗi không truyền bệnh nhưng khi đốt người cũng gây nhiều phiền toái, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng.
Tiến sĩ Trung cũng cho biết người dân có thể dùng biện pháp phòng chống muỗi sau:
- Xua, diệt muỗi bằng hóa chất: Phun thuốc diệt muỗi trong và xung quanh nhà, không gian sống, đốt hương muỗi.
- Dùng thiên địch để diệt muỗi: Thả cá vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt bọ gậy. Cách này có ưu điểm là không gây độc hại cho người và môi trường sống.
- Cải tạo môi trường sống: Nạo vét cống rãnh, vũng nước. Phát quang bụi rậm. Sử dụng bồn chứa nước sinh hoạt kín.
- Sử dụng đèn bẫy muỗi: Đèn bẫy muỗi được chế tạo với một đèn phát ánh sáng hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời.
- Dùng vợt điện: Vợt được thiết kế như vợt bắt muỗi cầm tay, chỉ gồm lưới kim loại có điện thế, chạy pin. Vợt này đòi hỏi kỹ thuật sử dụng của người bắt muỗi, có thể có ích trong nhà, nhưng hiệu quả không cao.
- Buông màn: Cách này dùng đơn giản, hiệu quả, có thể sử dụng cả ban ngày (ngủ trưa) và ban đêm (ngủ buổi tối).
- Lưới chống muỗi: Sử dụng lưới cửa, là các lưới kim loại có lỗ nhỏ, không cho muỗi hay các loại côn trùng vượt qua và xâm nhập vào nhà ở, nhưng vẫn đảm bảo thoáng khí và ánh sáng.
Cách này không độc hại, hiệu quả chống muỗi tốt, nhưng có nhược điểm là chi phí cao, không phù hợp với tất cả thiết kế nhà.
- Dùng thuốc xua muỗi: Thuốc bôi lên da để xua muỗi không cho muỗi đậu lên da, tiện dụng khi đi du lịch đến vùng đất nhiều muỗi. Những thuốc này thường chứa các hóa chất như deet, tinh dầu bạc hà mèo, nepetalactone, tinh dầu xả hay tinh dầu bạch đàn (còn gọi là dầu khuynh diệp)...
- Máy phát siêu âm xua muỗi: Các máy này được chế tạo nhỏ như đồng hồ, đeo ở tay, chạy pin, phát ra sóng siêu âm khiến muỗi không muốn lại gần, nhưng tai người không nghe thấy gì. Tiện dụng khi đi du lịch các vùng đất nhiều muỗi.
Theo tiến sĩ Hồ Đình Trung, tùy từng hoàn cảnh, không gian sống mà người dân có thể sử dụng một hoặc kết hợp các biện pháp phòng chống muỗi trên. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến tư vấn của những cá nhân, tổ chức có chức năng và được phép hoạt động trong lĩnh vực phòng chống côn trùng để lựa chọn một biện pháp hiệu quả. Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng các hóa chất, chế phẩm, dụng cụ... diệt muỗi đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong y tế và gia dụng (thông tin này được in trên nhãn chai lọ, gói đựng hóa chất). Phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc an toàn khi sử dụng hóa chất, chế phẩm... diệt côn trùng ghi trên nhãn. Ngoài ra, không nên lưu trữ các hóa chất này trong nhà vì rất nguy hiểm nếu trẻ em lấy được, vì vậy, chỉ nên mua đủ dùng mà thôi.
Theo VNExpress