Cảnh giác khi cho trẻ xem phim 3D
Cứ cuối tuần, bé Bo lại ngồi nghiền mấy bộ phim 3D trên tivi màn ảnh rộng ở nhà. Khi bé nói mắt không nhìn rõ chữ trên bảng, chị Hương đưa con đi khám, mới biết bé đã cận 2,5 đi ốp.
Kể từ khi xem phim 3D “Avatar” lần đầu tiên năm 2009, lần nào có phim 3D mới ra mắt, bé Bo, 6 tuổi nhà chị Linh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) lại nằng nặc đòi mẹ cho ra rạp xem phim. Hình ảnh sống động, rõ nét… khiến chị Hương cũng cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, mỗi lần xem xong chị cảm thấy hơi đau đầu, choáng váng và mỏi mắt. Nhưng vì cảm giác đó cũng nhanh chóng qua đi nên chị không quan tâm, nghĩ rằng mình ít xem nên mới bị như vậy. Bé Bo vẫn hồn nhiên và nói rằng không hề có cảm giác giống mẹ.
Chiều theo sở thích của con, nhà chị Hương năm nay còn sắm hẳn một tivi 48 inch màn ảnh rộng, có tặng kèm 2 cặp kính 3D để cu cậu xem cho thỏa thích. Ngày cuối tuần, bé Bo lại ngồi “nghiền” mấy bộ phim 3D. Thế nhưng thời gian gần đây, mắt bé kém đi nhiều, bé nói ngồi xa không thể nhìn thấy chữ trên bảng. Cho con đi khám, bác sĩ nói bé Bo đã cận 2,5 đi ốp.
Bố mẹ đều mê phim nên cứ mỗi lần có phim mới ra rạp, Linh Anh (8 tuổi) lại được đến rạp xem. Cô bé đặc biệt thích những bộ phim hoạt hình 3D, cảm giác hứng khởi như được đồng hành cùng chú vẹt Rio hay Alice ở xứ sở thần tiên… Xem ở rạp chưa chán, về nhà Linh Anh còn đòi bố mẹ sắm kính 3D để xem lại nhiều lần phim nào bé thích. Hậu quả là sau nửa năm, mắt bé bị loạn thị.
Trẻ em xem nhiều phim 3D sẽ dẫn đến mệt mỏi thị giác, có thể bị cận thị, loạn thị…. Ảnh:123rf.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện mắt trung ương cho biết, xem nhiều phim 3D rất có hại cho mắt của trẻ. Khi xem, mắt liên tục phải điều tiết và quy tụ, dễ gây ra mệt mỏi thị giác. Xem phim 3D dễ làm lệch lạc diện quy tụ tĩnh của trẻ, ảnh hưởng đến thị giác sau này.
Video đang HOT
Con mắt trẻ hàng ngày đã quá mệt mỏi với chuyện học hành, làm bài, xem TV, chơi game… Mặt khác thần kinh của trẻ khi xem phim thường rất phấn khích không tốt cho não bộ vốn đang rất cần tỉnh táo để hấp thu kiến thức và học hành. Trẻ xem nhiều tất nhiên sẽ dẫn đến mệt mỏi thị giác, sau đó là cận thị, loạn thị… Trường hợp của bé Bo và bé Linh Hương chính là hậu quả sau một thời gian dài xem phim 3D.
Công nghệ làm phim 3D và kính đeo để xem phim (bản chất là kính phân cực) khiến cho con mắt mất đi bản chất tự nhiên là có khả năng nhìn hội tụ vào một điểm và hợp nhất hai ảnh của mắt phải và mắt trái thành một hình duy nhất. Hai mắt sẽ có tiêu điểm và tiêu cự lệch nhau gây ra nhận thức hình ảnh khác nhau tùy theo khoảng cách.
Năm 2011, thời điểm một loạt phim 3D bom tấn được tung ra thị trường như Những cuộc phiêu lưu của Tintin, Bước chân hạnh phúc (2) hay Captain America… các nhà khoa học thuộc ĐH Berkeley (California, Mỹ) đã đưa ra kết luận xem phim 3D gây ra hiện tượng căng và mỏi mắt. Phim 3D khiến người xem phải tập trung và chuyển động mắt nhiều hơn để thu nhận được hết các hiệu ứng mà công nghệ này mang lại.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa cũng như chính các nhà sản xuất phim 3D như Samsung và Sony cũng chưa đưa ra kết luận là không nên xem phim 3D vì còn chưa có bằng chứng rõ ràng. Hiện nay, nhiều hãng phim đang muốn thúc đẩy việc phổ biến công nghệ 3D, nhưng họ lại tập trung vào việc nâng cao nội dung, chất lượng hơn là lo làm giảm căng và mỏi mắt cho người xem.
Đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ mắt cho trẻ là hãng sản xuất game Nitendo, họ khuyến cáo trẻ dưới 6 tuổi không nên xem phim 3D do các em đang ở độ tuổi phát triển thị giác.
Theo VNE
Khi hội chứng "mất trí nhớ tạm thời" tấn công người trẻ
Hội chứng mất trí nhớ này nguyên nhân là do đâu nhỉ?
Ảnh minh họa
Mấy tháng nay không hiểu sao mà đầu óc em lúc nào cũng trong trạng thái lơ mơ kém minh mẫn, người thì cứ mất thăng bằng như ở trên mây. Đặc biệt em cảm giác như trí nhớ của mình có vấn đề vì em rất hay quên, từ những việc nhỏ nhặt như đã tắt đèn, chốt cửa khi ra khỏi nhà chưa... đến những việc quan trọng như lịch thi, lịch học thêm... mà em cũng quên tuốt. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có bị bệnh gì nghiêm trọng lắm không ạ? Em xin cảm ơn! (cacanh...@yahoo.com).
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi với biểu hiện đặc thù là mất trí nhớ ngắn hạn.
Bước đầu tiên của quá trình hình thành trí nhớ là thông tin được ghi nhận qua những giác quan, ví dụ như mắt nhìn hình ảnh, tai nghe âm thanh... Sau đó, thông tin được mã hóa, lưu trữ trong não. Khi người sử dụng cần bất cứ thông tin nào, não sẽ giúp truy xuất ngược trở lại từ kho lưu trữ này.
Ở người trẻ tuổi, giảm trí nhớ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Con người ngày nay có hàng ngàn việc để nhớ, kèm theo áp lực học tập gây ra nhức đầu, đau vai cổ, mất ngủ, stress... Hậu quả của một hoặc tất cả nguyên nhân trên làm cho độ tập trung kém đi và bệnh nhân mất dần khả năng ghi nhớ đầy đủ những sự kiện xảy ra xung quanh.
Ngoài ra, sự ghi nhận thông tin kém còn có thể do một số bệnh lý như cận thị, khi tầm nhìn bị mờ ảo và có giới hạn. Hoặc khi đã ghi nhận nhưng quá trình lưu trữ lại bị trục trặc do những sang chấn trong cuộc sống làm tổn thương não như nghiện chất kích thích, chấn thương sọ não...
Hội chứng giảm trí nhớ ở người trẻ thường là giảm trí nhớ gần, mới xảy ra hay còn gọi là trí nhớ công việc. Đây có thể là hiện tượng của người bắt đầu bước vào giai đoạn stress hoặc rối loạn trầm cảm. Bản chất của trầm cảm là khiến người bệnh thờ ơ, không chú ý đến xung quanh, giảm sự quan sát, có cảm giác mất năng lực trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân trầm cảm không buồn để ý đến bất cứ thứ gì, và đương nhiên sẽ không nhớ.
Bên cạnh đó, suy giảm trí nhớ ở người trẻ còn do lạm dụng các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ, nhóm thuốc corticoid (nhất là ở bệnh nhân hen suyễn).
Khi bắt đầu có những rối loạn về trí nhớ gần, người bệnh cần phải xác định được đó là biểu hiện bình thường hay bệnh lý. Biểu hiện bình thường nếu chỉ thỉnh thoảng mới quên. Suy giảm trí nhớ trở nên nặng hơn nếu tình trạng quên này trở thành quên hoàn toàn, ngay cả khi được gợi nhớ. Việc bị quên ngày càng tăng lên nhiều hơn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống.
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để xác định sự giảm trí nhớ này là lành tính hay bệnh lý, suy giảm nhận thức nhẹ hay sa sút trí tuệ do tổn thương não, di truyền có tính chất gia đình hay đột biến gen... Từ đó nhận được chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời cho tình trạng của mình.
Ngoài ra, để duy trì trí nhớ, đầu tiên em cần phải loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây ra chuyện "quên" bằng cách thu xếp thời gian biểu hợp lý, tránh căng thẳng stress. Tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những phương cách cải thiện trí nhớ. Cuối cùng em cũng có thể tập luyện khả năng ghi nhớ bằng cách tăng cường quan sát, ghi nhận các đồ vật xung quanh bằng mắt, dùng trí tưởng tượng để liên hệ, so sánh, ghi chép những việc cần làm...
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
Theo VNE
Vệ sinh tai đúng cách cho bé yêu Có cần chăm sóc tai cho bé không? Chăm sóc và vệ sinh tai cho bé là rất cần thiết. Vì bé thường nằm nhiều, tai lại có ngấn sâu, dễ lắng đọng vi khuẩn và các mầm bệnh ở đây. Do đó, vệ sinh tai cho bé cần được tiến hành hàng ngày. Vệ sinh, chăm sóc tai cho bé như nào?...