Cảnh giác bệnh tay chân miệng trong thời tiết nắng nóng
Thời tiết nắng nóng bất thường khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè gia tăng, trong đó đáng chú ý là bệnh tay chân miệng với số bệnh nhân đến khám gia tăng mạnh.
Nắng nóng kéo dài, đặc biệt mấy ngày nay nắng nóng đỉnh điểm đã khiến nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện. Tại Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, số trẻ nhập viện liên tục tăng.
Bé trai 9 tháng tuổi ở Bắc Từ Liêm, sốt trên 40 độ, uống thuốc hạ sốt không giảm, co giật, các nốt phỏng nước tập trung ở khoang miệng khiến bé không ăn được. Bác sĩ khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E, khám, chẩn đoán bé bị tay chân miệng. Hiện, sức khỏe của bé đã ổn định, tỉnh táo, hết co giật và còn sốt nhẹ.
Trường hợp khác là bệnh nhi 13 tháng tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt 40 độ C. Gia đình cho uống thuốc hạ sốt không đỡ, kèm theo co giật, các nốt phỏng nước tập trung nhiều ở khoang miệng dẫn đến ăn kém… Bệnh nhân nhi này được xác định nguồn lây nhiễm là từ anh trai bị tay – chân – miệng cách đây một tuần.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ nhiễm tay chân miệng tại Bệnh viện E.
Bác sĩ Trương Văn Quý – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho hay, từ đầu tháng 6, số bệnh nhân tay chân miệng tới khám tăng vọt. Mỗi ngày khoa khám cho 40-50 bệnh nhi, trong đó 10-15 ca tay chân miệng. Trước đó, không ghi nhận ca bệnh nào.
Theo bác sĩ Quý Trương Văn Quý, biểu hiện của bệnh tay chân miệng được xác định thông qua 4 mức độ:
Video đang HOT
Mức độ 1, bệnh nhân có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm các nốt phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, miệng hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối…Với mức độ này, sau khi khám, trẻ có thể điều trị tại nhà.
Ở mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiều trường hợp có thể bị suy tuần hoàn, phù phổi cấp, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Ở mức độ 3, bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú. Nhịp thở nhanh, thở bất thường, có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.
Ở mức độ 4, bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng tăng nhanh gần đây, bác sĩ Quý lo lắng: “Không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trải qua đợt dịch tương tự năm 2013, cao điểm của dịch tay chân miệng với nhiều trẻ bị di chứng nặng nề”.
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng, mọi người cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em)-đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Kiêng tắm khi trẻ ốm - tưởng tốt hóa ra rất nguy hại
Trẻ bị thủy đậu, sởi hay chân tay miệng thường được dặn dò phải kiêng ăn, tránh nước. Tuy nhiên, điều này không cần thiết, thậm chí nguy hại.
"Quan niệm về việc phải ăn kiêng khi trẻ ốm đã không còn chính xác ở thời điểm hiện tại", thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), khẳng định.
Quan niệm thiếu căn cứ
Theo bác sĩ này, khi bị ốm là lúc cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng hơn để chống lại bệnh tật và các yếu tố nhiễm khuẩn. Bản thân trẻ cũng có hiện tượng biếng và chán ăn. Thời điểm này, nếu cha mẹ tiếp tục cho trẻ ăn kiêng là hoàn toàn phản khoa học. Điều này khiến trẻ lâu khỏi bệnh hơn, khi kéo dài còn gây ra những nguy cơ về suy dinh dưỡng.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý cho rằng việc kiêng tắm khi bị bệnh thủy đậu, tay chân miệng là không cần thiết và mang đến nhiều nguy cơ về vệ sinh. Ảnh: Quốc Toàn.
Ngoài ra, một sai lầm khác của phụ huynh là kiêng tắm cho trẻ khi mắc sởi, thủy đậu, tay chân miệng hay các bệnh phát ban trên da nói chung. Thực tế, việc tắm lúc này không hề ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
"Trong những trường hợp trẻ nhiễm virus, đặc biệt là sởi, thủy đậu hay tay chân miệng, việc kiêng tắm trong thời gian dài khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch, rất dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng cơ hội", bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo.
Điển hình trong trường hợp bệnh thủy đậu, nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh tốt cho trẻ, chính những tổn thương trên bề mặt da sẽ trở thành nguồn lây để các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Không chỉ vậy, đối với những trẻ bị bệnh, nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội là rất cao dẫn đến bùng phát hiện tượng viêm da, thuỷ đậu bội nhiễm,... Các bệnh lý này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Duy trì thói quen hàng ngày
Bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo: "Dù trẻ bị tay chân miệng hay thủy đậu, chúng ta cũng không nên kiêng tắm cho trẻ bởi việc vệ sinh hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng giúp làm sạch cơ thể, đảm bảo vệ sinh và tránh nhiễm trùng cơ hội".
Theo bác sĩ này, hiện nay chúng ta không có bất cứ thông tin khoa học nào nhắc đến việc phải kiêng tắm. Duy trì thói quen tắm bình thường giúp trẻ hạn chế được những nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, viêm da,...
Không chỉ vậy, thạc sĩ Quý còn khuyến khích việc cho trẻ tắm như hàng ngày, không thay đổi cách thức cũng như sản phẩm làm sạch.
"Nếu bình thường trẻ đang được tắm bằng xà phòng hay sữa tắm thì khi bị bệnh, cha mẹ vẫn nên giữ nguyên loại xà phòng, sữa tắm đó", vị này nhấn mạnh.
Nguyên nhân là trong lúc ốm, trẻ sẽ có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dị ứng. Theo bác sĩ Quý, nhiều cha mẹ quyết định tắm cho con bằng nước lá thay cho sữa tắm với mong muốn con được an toàn hơn khi bị bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã xuất hiện dấu hiệu dị ứng với các thành phần nước lá sau khi tắm.
Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cũng cần được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Cha mẹ không nên thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ốm bởi việc làm này có thể tạo thành yếu tố nhiễu trong việc chẩn đoán và điều trị. Đôi khi việc thay đổi chế độ ăn, bắt trẻ ăn kiêng lại gây ra những vấn đề khác như tiêu hoá hay dị ứng khiến các y bác sĩ khó phân biệt và xử lý các triệu chứng.
Cha mẹ nên cố gắng tạo cho trẻ một môi trường và cảm giác thoải mái nhất khi bị ốm. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cố gắng duy trì chế độ ăn đều đặn như hàng ngày, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Trẻ có thể ăn các món dễ tiêu như cháo, sữa trong trường hợp biếng ăn do ốm. Cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm nâng cao sức đề kháng của trẻ như nước hoa quả, sữa chua.
Tăng nhanh bệnh tay - chân - miệng với biến chứng nguy hiểm Ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch tay-chân- miệng trong trường mầm non và khu chung cư, bệnh bắt đầu tăng nhanh trong những ngày gần đây, có nguy cơ bùng phát mạnh do tốc độ lây lan "chóng mặt" của loại virus gây bệnh này. Các bác sĩ cảnh báo, thời tiết nắng nóng bất thường khiến trẻ em mắc...