Cánh diều vàng 2017: Phim truyền hình thoả đáng nhưng điện ảnh chưa thuyết phục
Là 2 tác phẩm trên tầm so với mặt bằng và được kỳ vọng lên ngôi ở 2 hạng mục Truyền hình và Điện ảnh, nhưng “ Thương nhớ ở ai” và “Đảo của dân ngụ cư” nhận 2 kết cục khác nhau tại lễ trao giải Cánh diều vàng tối ngày 15.04.
Ở khu vực giải thưởng dành cho phim truyền hình, bộ phim Thương nhớ ở ai của đạo diễn kỳ cựu Lưu Trọng Ninh chiến thắng giòn giã với 4 chiếc cúp. Ngoài giải Phim hay nhất, phim còn mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất (cho Lưu Trọng Ninh – Bùi Thọ Thịnh), giải Quay phim xuất sắc nhất (cho NSƯT Hoàng Tích Thiện) và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (cho Jimmy Khánh). Đó là một sự tưởng thưởng rất xứng đáng cho tài năng và tâm sức của ekip, mà theo như lời đạo diễn chia sẻ lúc lên nhận giải tối qua là “đoàn phim đã phải đi tới 7 tỉnh, thành để ghi hình”.
Đạo diễn Thương nhớ ở ai nhận giải thưởng lớn.
Trong khi đó, ở lãnh địa dành cho các bộ phim chiếu rạp, tác phẩm xuất sắc nhất đã không có được sự ghi nhận tương tự. Bộ phim đầu tay Đảo của dân ngụ cưcủa Hồng Ánh chỉ được BGK trao giải Bằng khen, thua cuộc trước một tác phẩm đơn giản hơn khá nhiều là Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Kay Nguyễn – Trần Bửu Lộc) và thậm chí xếp sau 2 bộ phim giải trí đơn thuần là Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) và Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh).
Phim chỉ được trao giải cá nhân ở 2 hạng mục quá nổi bật, vốn không có đối thủ là giải Quay phim (dành cho tay máy Lý Thái Dũng) và Nam phụ (dành cho Nhan Phúc Vinh). Lý Thái Dũng, không phải nói nhiều, chính là nhà quay phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt trong 20 năm qua. Việc năm ngoái anh bị tuột giải này (cho Cha cõng con) tại Cánh diều là một cú sốc lớn với những người am hiểu nhiếp ảnh và quay phim. Và năm nay, anh đã được đền bù xứng đáng.
Nhan Phúc Vinh, như đã nhận định ở bài trước, đã có một màn diễn xuất sắc thể hiện một nhân vật quá hay. Việc Vinh dành giải là điều biết trước, nhưng đáng lẽ anh phải được ghi nhận với giải Nam chính thì hợp lý hơn. Vì vai của anh vừa độc đáo vừa sâu sắc so với vai diễn của Kiều Minh Tuấn trong Em chưa 18.
Nhan Phúc Vinh tại lễ trao giải.
Sẽ là hợp lý và lý tưởng hơn, khi “đôn” vai Miên của Nhan Phúc Vinh lên vai chính và dành cho anh giải Nam chính xuất sắc. Còn vai Nam phụ dành cho NSƯT Lê Bình trong Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (đạo diễn Mai Thế Hiệp – Bình Nguyên) hoặc NSƯT Trung Dân trong Ngày mai Mai cưới (đạo diễn Nguyễn Tấn Phước).
Giải Biên kịch cho Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn) tạm chấp nhận được, dù nó chỉ ngang bằng với kịch bản Em chưa 18 (về ý tưởng sáng tạo, cách thức triển khai câu chuyện) và thua một bậc về độ sâu sắc so với Đảo của dân ngụ cư.
Kay Nguyễn nhận giải Biên kịch cho Cô Ba Sài Gòn.
Trong khi đó, giải Đạo diễn dành cho Lê Thanh Sơn cũng là một tiếc nuối rất lớn cho Hồng Ánh. Vị đạo diễn Em chưa 18 có công chỉ đạo diễn xuất tốt, điều Hồng Ánh làm không kém nếu không muốn nói là tốt hơn. Nhưng đạo diễn Lê Thanh Sơn thua Hồng Ánh ở việc xây dựng ngôn ngữ điện ảnh cho tác phẩm, khi Em chưa 18 chỉ là kể chuyện đơn thuần còn Đảo của dân ngụ cư là sự kết hợp nhuần nhị quay phim, âm nhạc, âm thanh… như những ngôn ngữ biểu đạt “vẽ” nên nhân vật, tình huống.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Giải Âm nhạc cũng là một hạng mục đáng nói. Đức Trí trong Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) cũng là một trong những phim có âm nhạc tốt kỳ này, bên cạnh nhạc phim Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Nhưng, những ca khúc có phần dễ nghe ấy khi đặt bên cạnh phần nhạc không lời chất chứa của nhạc sĩ tài năng Nguyễn Mạnh Duy Linh trong Đảo của dân ngụ cưthì “trẻ con” hơn hẳn.
Hai giải dành cho diễn viên nữ cũng không mấy thuyết phục. Nhã Phương có khả năng diễn xuất, nhưng nhân vật của cô không hay so với nhiều vai diễn thú vị hơn mà diễn xuất cũng không kém như Diệu Nhi (Ngày mai Mai cưới), NSƯT Kim Xuân (Có căn nhà nằm nghe nắng mưa), Minh Hằng (Sắc đẹp ngàn cân), Ninh Dương Lan Ngọc (Cô Ba Sài Gòn) hay Kaity Nguyễn (Em chưa 18).
Nhã Phương nghẹn ngào nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Trong khi đó, Midu có màn thể hiện dễ dàng (chỉ “vác” vẻ ngây thơ của cô ngoài đời) vai Tuyết Mai vốn quá đơn giản. Giải Nữ phụ cho cô không chính xác, khi cô thậm chí chưa so được với Kiều Trinh (Có căn nhà nằm nghe nắng mưa), Cát Phượng (Ngày mai Mai cưới) hay Hồng Vân (Cô Ba Sài Gòn) chứ chưa nói đến vai diễn ám ảnh của Ngọc Hiệp (Đảo của dân ngụ cư).
Nhan Phúc Vinh và Midu nhận giải Nam nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Giải thưởng Cánh diều vàng 2017 đã khép lại, dẫu cho vẫn có nhiều điều chưa được giới chuyên môn và khán giả hài lòng, thế nhưng nhìn chung thì đây vẫn là một đêm trao giải khá ổn nhất so với những năm trước đây, khi không có nhiều phát sinh sai sót bất ngờ trên sân khấu. Hy vọng rằng năm sau, Cánh diều sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa, vinh danh những cái tên xứng đáng trong lĩnh vực phim ảnh Việt Nam.
A. Hạng mục phim truyền hình:
1. Nữ diễn viên nữ phụ xuất sắc:
Video đang HOT
- Thanh Hương (vai Hương – Người phán xử)
- Thanh Vy (vai bà Tư Mai – Lẩn khuất một tên người)
2. Nam diễn viên phụ xuất sắc:
- Jimmi Khánh (vai Đột – Thương nhớ ở ai)
- NSUT Trung Anh (vai Lương Bổng – Người phán xử)
- Đinh Mạnh Phúc (vai Sáu Thái – Lẩn khuất một tên người)
3. Nữ diễn viên chính xuất sắc:
- Phương Oanh (vai Sùng Thị Súa – Lặng yên dưới vực sâu)
- Xuân Văn (vai Di – Lẩn khuất một tên người)
3. Nam diễn viên chính xuất sắc:
- Quốc Cường (vai Tâm Xe Ôm – Sống trong bóng đêm)
- Trương Minh Quốc Thái (vai Dương – Tử thi lên tiếng)
4. Quay phim xuất sắc: NSUT Hoàng Tích Thiện (Thương nhớ ở ai)
5. Đạo diễn xuất sắc: NSUT Lưu Trọng Ninh – Bùi Thọ Thịnh (Thương nhớ ở ai)
6. Biên kịch truyền hình: Lê Anh Thúy (Tử thi lên tiếng)
7. Phim xuất sắc
- Tử thi lên tiếng (đạo diễn Dũng Nghệ)
- Thương nhớ ở ai (đạo diễn NSUT Lưu Trọng Ninh – Bùi Thọ Thịnh)
- Lặng yên dưới vực sâu (đạo diễn Đào Duy Phúc)
- Sống trong bóng đêm (đạo diễn Nguyễn Phương Điền)
B. Hạng mục phim ngắn:
- Câu chuyện về ông tời (đạo diễn Trương Minh Nhựt) – Cánh diều bạc
- Vô diện (đạo diễn Nguyễn Phan Thảo Đan) – Cánh diều vàng
- Lẫn (đạo diễn Nguyễn Ngọc Mai) – Cánh diều bạc
- Buông (đạo diễn Trần Minh Ngân – Bùi Ngọc Anh Quân) – Cánh diều bạc
C. Hạng mục phim điện ảnh:
1. Diễn viên trẻ triển vọng: Bé Hà Mi (vai Tiểu Ly – Cô gái đến từ hôm qua)
2. Nhạc phim xuất sắc: Đức Trí (Dạ cổ hoài lang)
3. Âm thanh xuất sắc: Võ Trung Nhân – Nguyễn Trọng Thanh (Ngày mai mai cưới)
4. Biên kịch xuất sắc: Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn)
5. Nữ diễn viên phụ xuất sắc:
- Ngọc Hiệp (vai Xiếm Hoa – Đảo của dân ngụ cư)
- Midu (vai Mợ Tuyết Mai – Mẹ chồng)
6. Nam diễn viên phụ xuất sắc
- Trung Dân (vai Tư Cào – Ngày mai Mai cưới)
- Nhan Phúc Vinh (vai Miên – Đảo của dân ngụ cư)
7. Quay phim xuất sắc: NSND Lý Thái Dũng (Đảo của dân ngụ cư)
8. Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Họa sĩ Trịnh Thiên Thanh (Yêu đi đừng sợ)
9. Đạo diễn xuất sắc: Lê Thanh Sơn (Em chưa 18)
10. Nữ diễn viên chính xuất sắc:
- Nhã Phương (vai Phương – Yêu đi đừng sợ)
- Kaity Nguyễn (vai Linh Đan – Em chưa 18)
11. Nam diễn viên chính xuất sắc:
- Ngô Kiến Huy (vai Tùng – Yêu đi đừng sợ)
- Kiều Minh Tuấn (vai Hoàng – Em chưa 18)
12. Phim xuất sắc nhất:
- Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) – Cánh diều bạc
- Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) – Cánh diều bạc
- Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc – Kay Nguyễn) – Cánh diều vàng
- Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) – Bằng khen
- Mẹ chồng (đạo diễn Lý Minh Thắng) – Bằng khen
- Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) – Bằng khen
Theo Saostar
Cánh diều vàng 2017 liệu có tôn vinh phim nghệ thuật?
Dòng phim nghệ thuật vốn đã luôn thiệt thòi so với dòng phim thương mại tại các rạp chiếu của khán giả đại chúng. Ở lãnh địa của mình là các giải thưởng điện ảnh, chúng có được đối xử đúng tầm? Hãy chờ câu trả lời tại lễ trao giải Cánh diều vàng tối 15/4 tới đây.
Phim thương mại chiếm sóng trên mọi mặt trận
Điện ảnh muốn phát triển tích cực phải đi bằng cả 2 chân: Phải có dòng phim thương mại phục vụ đại chúng để xây dựng thị trường, đồng thời không thể thiếu những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị xã hội và chiều sâu văn hoá. Như một lẽ tất yếu, phim thương mại (cũng như nhạc thị trường, sách giải trí) với những đề tài, nội dung, cách thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp nhận luôn có cơ hội đạt được lượng khán giả đông đảo hơn. Lãnh địa của chúng là những rạp chiếu phổ thông, với khả năng thắng lợi về doanh thu phòng vé.
Trong khi đó, những bộ phim nghệ thuật (cũng như nhạc chính thống, sách nghiêm túc) với những tìm tòi, sáng tạo trong thể hiện thường khu biệt ở đối tượng khán giả chọn lọc hơn. Và nơi tôn vinh chúng là những liên hoan phim, những đánh giá, những giải thưởng điện ảnh của giới chuyên môn.
Trên thế giới là thế, chứ chưa nói đến những liên hoan phim hàng đầu của châu Âu, nơi những phim thương mại hầu như cực hiếm cơ hội xuất hiện. Ngay ở một nơi "thị trường" như Mỹ, những bom tấn Hollywood dù doanh thu tỷ đô thường cũng chỉ có cơ hội "lên tiếng" trong các bảng xếp hạng phim ăn khách của Box Office Mojo, chứ rất hiếm chen chân được vào các bảng đề cử của giải thưởng điện ảnh danh tiếng như Quả cầu vàng, Oscar...
Thế nhưng ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây tình hình lại không được lành mạnh cho lắm. Các bộ phim thị trường đơn giản, phổ thông oanh tạc phòng vé đã đành, nhưng đồng thời cũng tiếp tục được vinh danh ở những sân chơi chuyên môn, vượt qua cả những tác phẩm có tìm tòi nghệ thuật, có nội dung sâu sắc và giá trị xã hội. Điều này xảy ra nhiều lần ở cả 2 giải thưởng (được tiếng là) uy tín nhất trong lĩnh vực điện ảnh - Cánh Diều Vàng và Bông Sen Vàng.
Nhiều giải thưởng nhưng thiếu thuyết phục
Năm 2012, Long ruồi của đạo diễn Charlie Nguyễn - một bộ phim mang đậm tính thị trường đã không chỉ dừng lại ở việc khuấy đảo phòng vé. Phim bất ngờ đạt Cánh Diều Bạc cùng 3 giải cá nhân khác, vượt mặt những bộ phim có đề tài xã hội sâu sắc và ngôn ngữ điện ảnh hơn hẳn là Hotboy nổi loạn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) và Tâm hồn mẹ (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang).
Hotboy nổi loạn.
Năm 2014, cũng tại giải Cánh Diều, bộ phim chiến tranh được làm chỉn chu, hấp dẫn và ấn tượng Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) gần như ra về tay trắng. Trong khi đó 2 bộ phim thương mại chất lượng thấp hơn nhiều là Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) và Tèo em (đạo diễn Charlie Nguyễn) đạt Cánh Diều Bạc và các giải cá nhân. Thần tượng (đạo diễn Nguyễn Quang Huy) đại thắng với 6 giải thưởng, trong đó có giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất cũng là một sự thiên lệch quá đà, khi đây chỉ dừng lại là một bộ phim giải trí sạch sẽ được làm nghiêm túc, chỉn chu.
Năm 2017 có thể coi là một vết đen trong lịch sử giải Cánh Diều khi Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng) - bộ phim được xem là xuất sắc nhất giải, trên tầm về mọi mặt so với những phim khác gần như ra về trắng tay chỉ với giải Bằng khen. Đạo diễn đã trả lại giải thưởng vì như anh phát biểu "Tôi cho rằng cách thể hiện khác lạ của Cha cõng con chính là nguyên nhân khiến BGK chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ".
Ở giải Bông Sen, tình hình cũng không khả quan hơn. Năm 2007, bộ phim chất lượng trung bình Hà Nội, Hà Nội của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (hợp tác Trung Quốc) "chễm chệ" ở vị trí cao nhất, trên một loạt tác phẩm thuộc dạng "top" của thập niên lưu danh lịch sử như Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông...
Năm 2013, đạo diễn vừa ăn khách vừa "mắn giải" Victor Vũ lập cú đúp với giải Bông Sen Vàng và đạo diễn xuất sắc với phim Scandal: Bí mật thảm đỏ - một bộ phim được tán thưởng nhiệt liệt, nhưng thực tế rất kém giá trị. Trong khi đó, tác phẩm được làm tâm huyết và chất lượng là Mùa hè lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải) ra về tay trắng.
Năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ một lần nữa đưa anh lập cú đúp Bông Sen Vàng cho Phim và đạo diễn xuất sắc. Trong khi đây chỉ là một tác phổ thông đại chúng, nếu so với Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) thì lại ít tinh tế hơn.
Năm 2017, tình hình không mấy khởi sắc khi bộ phim lên ngôi là Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn). Dù được làm nghiêm túc, hấp dẫn nhưng nhìn chung phim bình thường (về ngôn ngữ), kém sâu sắc (về nội dung) và ít giá trị (về mặt xã hội) so với 2 tác phẩm phim nghệ thuật là Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng) và Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh).
Lại đến một kỳ Cánh Diều Vàng mới, cùng chờ lễ trao giải sắp tới, xem những bộ phim nghệ thuật liệu có được tôn vinh trên sân chơi chính của mình?
Theo Saostar
'Hút' khán giả ra rạp, liệu các tác phẩm này có thắng giải Cánh diều Vàng 2017? Những bộ phim gây chú ý tại các phòng vé, có doanh thu khả quan giành không ít cơ hội thắng giải Cánh Diều Vàng 2017. Bởi lẽ, khi đời sống tinh thần phát triển, tiêu chí chọn phim của khán giả ngày càng gần hơn với điều kiện ở giải thưởng Cánh Diều: sự sáng tạo, bản sắc dân tộc và giá...