Cảnh đẹp Dung Quất -Sa Cần (Quảng Ngãi)
Tên gọi Dung Quất bắt nguồn từ Vũng Quýt. Nhiều cụ già ở Bình Đông, Bình Thuận (Bình Sơn) còn thuộc lòng câu ca: “Vũng Quýt ghé tựa vào chơi/Hiu hiu gió thổi lòng khơi thế nào?”.
Thuở xưa, thuyền biển chạy bằng buồm. Gió lặng, thuyền ghé vào Vũng Quýt yên lòng như một cuộc dạo chơi.
Sa Cần là cửa biển lớn áp sát Vũng Quýt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn chép “Tấn Thái Cần ở cách huyện Bình Sơn 10 dặm về hướng đông bắc, cửa biển rộng 45 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng, thủy triều xuống sâu 8 thước. Có 2 ghềnh đá, một là ghềnh Ông, một là ghềnh Thạch Bàn, cửa lạch rộng, nước sâu, tàu thuyền có thể đi lại; về phía nam ghềnh, cửa lạch hẹp, nước cạn, tàu thuyền không thể qua lại. Phía nam có vịnh gọi là Vụng Quýt”. Sa Cần có tên gọi khác là Thái Cần, Thể Cần (nghĩa Hán Việt là hái rau câu) bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian kể rằng khi đại quân của Vua Lê Thánh Tông đến đây vào mùa xuân năm 1471 quân sĩ thấy có nhiều rau câu đã hái để làm lương thực dự trữ nên có tên như vậy.
Sa Cần là cửa biển đẹp, cảnh sắc nên thơ, nhất là vào lúc hoàng hôn mập mờ khói sóng. Nằm án ngự ngay cửa biển bên này là Hòn Ông, bên kia là Hòn Bà. Trên ngọn Hòn Bà có ngôi miếu cổ thờ Võ Hậu không biết xây dựng từ thời nào. Hòn Bà không lớn, diện tích chỉ chừng 400m2 nhưng đứng ở đây có thể bao quát khắp cả một vùng. Phía trước là cửa sông Trà Bồng ghe thuyền ra vào tấp nập. Quanh cửa biển là nhà cửa chen dày như phố. Không chỉ có cảnh quan kỳ thú, Sa Cần còn là cửa biển nổi tiếng về sự giao thương từ rất sớm với bên ngoài, nhất là với thương nhân buôn bán gốm sứ Trung Hoa.
Cách cửa biển Sa Cần không xa có hòn Nam Châm (Nam Trâm) vạm vỡ, cao 141mét được sách cổ ghi nhận là đỉnh núi cao nên thuyền buôn đời Minh Thanh đều lấy làm điểm ngắm để đi trên biển qua vùng này. Từ trên núi Nam Châm nhìn ra xung quanh mới thấy hết vẻ đẹp tuyệt vời của vùng biển Dung Quất-Sa Cần. Bên này là Vịnh biển Dung Quất trong xanh, mềm mại, bồng bềnh và quyến rũ. Phía bên kia là Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Cò, Hòn Đình, Hòn Lũy, Hòn Cóc mà tên gọi mỗi hòn đều gắn liền với sự tích và truyền thuyết dân gian thú vị.
Sa Cần không xa, chỉ cách Quảng Ngãi chừng 40 cây số, Chu Lai 7 cây số và Lý Sơn chừng 20 cây số. Đến đây du khách sẽ được nhìn ngắm thỏa thích khung cảnh nên thơ của một vùng cuối sông tiếp biển có núi, có đồi, có mênh mông biển cả với những làng quê yên bình, mơ màng mỗi khi chiều xuống. Nằm gần cửa biển Sa Cần là nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước với những tầng tháp sừng sững vươn cao và nhiều nhà máy công nghiệp. Ở đây không chỉ có biển, có cảnh đẹp thiên nhiên và nhân tạo mà còn có nhiều dấu tích lịch sử đan xen huyền thoại. Xuôi thuyền về cửa biển Sa Cần vào những đêm trăng du khách sẽ có cảm giác như lạc vào chốn không gian huyền ảo.
Nối liền với Sa Cần, Dung Quất về phía Bắc là bãi biển khe Hai, bãi tắm Thiên Đàng, biển Rạng (Quảng Nam). Đi về phía nam là gặp vịnh Nho Na xinh đẹp và một vùng biển còn hoang sơ với tên gọi Thanh Thủy, Lệ Thủy, An Cường, mũi Ba Làng An (Batangan) và vịnh Mỹ Hàn với làn nước xanh biếc, sóng nhẹ êm và rất nhiều động cát.
Ấn tượng cảnh đẹp hồ Sơn Rái, núi đá Chồng ở Quảng Ngãi
Nằm trên địa hình trung du thuộc xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), hồ Sơn Rái như nàng tiên xanh bình yên trong giấc ngủ.
Còn núi Đá Chồng như chàng trai bốn mùa gọi gió kêu mưa cho nước hồ luôn đẹp. Nơi đây thiên nhiên có pha một chút bàn tay con người kiến tạo để nên cảnh đẹp Sơn Rái - Đá Chồng ấn tượng.
Hồ Sơn Rái diện tích cả quần thể hơn 10 ha, lòng hồ chứa nước chiếm khoảng 5 ha. Bao bọc các mặt là núi, mặt nam của hồ được ngăn bởi đập nhân tạo đã có từ xưa do biện pháp trị thủy của con người. Sau năm 1975, bờ đập được đắp to và cao, nâng sức chứa của hồ đến gần 3 triệu mét khối nước. Hồ nằm ở vị trí thôn Khánh Mỹ, nhận nước từ ba nhánh chính chảy về hồ và có hai nhánh dẫn nước tưới cho đồng ruộng Trà Bình, Khánh Mỹ. Đứng trên đập nước nhìn trực diện với hồ, ấn tượng đầu tiên là sự êm ả của màu xanh và mặt nước phẳng lặng. Chân núi nhô ra mặt hồ, rồi mấy khe nước lớn lại kéo hồ vào trong núi như duyên tình non nước không thể chia xa. Lòng hồ không lớn lắm nhưng kiểu dáng của nó giống Biển Hồ của Thành phố Pleiku.
Phía nam sát với hồ là núi Đá Chồng, trên đỉnh có cụm Đá Chồng, liền dải với núi Giông Tranh và núi Cà Ty. Đá Chồng và Cà Ty là những di tích kháng chiến cấp tỉnh. Khám phá cụm Đá Chồng, mới biết gồm nhiều hòn to bằng ngôi nhà chồng lên nhau. Có chỗ như ghép liền, có chỗ để lộ khe hở. Người địa phương giới thiệu đường lên trời, đường xuống đất, bàn cờ Tiên, giếng Tiên.
Theo đường lên trời tới đỉnh núi rồi thả tầm nhìn tứ phía, du khách sẽ quan sát được nhiều khu vực lân cận, kể cả thành phố Quảng Ngãi ở cách xa mấy chục cây số. Bàn cờ tiên là tảng đá nằm rời một bên cụm đá chính, bằng phẳng như bàn cờ, tương truyền là nơi tiên ông đánh cờ. Đặc biệt, giếng Tiên từng dệt nên câu chuyện thần kỳ, rằng mỗi năm vào đêm rằm tháng bảy, tiên nữ giáng trần tắm nơi giếng ấy. Mà cũng lạ thật, giữa bề mặt một tảng đá trên đỉnh núi lại có ao nước đường kính hơn hai mét. Người địa phương cho biết vào mùa mưa nước tràn qua miệng thì giếng sâu chừng một thước. Mùa hạ lúc nắng hạn nhất giếng vẫn còn nước sâu hơn hai tấc. Chẳng biết do sương đọng thành nước, mạch ngầm trong tảng đá lộ thiên, hay từ một nguồn nước "kỳ bí" nào chăng?
Khu vực Đá Chồng-Sơn Rái từng lưu lại trong ký ức quê hương chuyện tú tài Nguyễn Văn Danh quyết bắt hổ trả thù cho cha bởi con hổ ấy đã vồ chết cha ông. Từ con đường lớn Dung Quất - Bình Long - Trà Bồng trong kế hoạch có đoạn rẽ vào Sơn Rái. Đối với địa phương, trong đề án xây dựng nông thôn mới có tuyến đường bê tông dẫn vào khu di tích thắng cảnh này. Suy nghĩ của lãnh đạo xã Tịnh Trà có thể tổ chức ngày hội đua thuyền trên hồ Sơn Rái vào dịp tết. Đó cũng là cách phát huy ưu thế địa phương, khuyến khích gìn giữ vốn quí văn hóa dân gian và tạo khí thế sôi nổi cho vùng bán sơn địa âm vang tiếng gọi mùa xuân về
Thác Trắng - Thắng cảnh đẹp của Quảng Ngãi Thác trắng là một trong những thác đẹp nhất ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Thác nằm gần thôn Tịnh ố, xã Thanh An, huyện Minh Long. Từ huyện lỵ đi đến thác khoảng 7km. Thác Trắng Minh Long nằm giữa vùng núi Trường Sơn trùng điệp. ộ cao của thác khoảng 40-50mét. Từ trên cao, nước chảy xuống trắng xóa như dát...