Cánh buồm
Vợ chồng bạn tôi, đều tốt nghiệp đại học danh giá, hai bên thông gia đều có của ăn của để, tư gia đàng hoàng, ngoài 30 đã có nhà có xe không thiếu thứ gì. Thế mà đùng đùng xách nhau sang Anh, vợ chồng, với 2 đứa con bé tí.
Một cánh buồm cô đơn đang dần trắng
Trong màn sương của nước biển ngời xanh
Buồm đi tìm chi ở nơi xa vắng?
Và tại vì sao từ giã quê mình?…
(Trích bài thơ Cánh buồm – Mikhail Lermontov. Bản dịch Huyền My).
Ngày ngày, vợ đi làm neo (nail), chồng ở nhà nội trợ. Họ có người nhà đã nhập tịch nên được bảo lãnh sao đó, cứ đợi thẻ thôi, làm tiết kiệm mà sống.
Rồi sau 2 năm, 2 vợ chồng cũng mở được 1 tiệm neo. Thế là nhanh đấy, rất nhanh. Họ cảm ơn Trời Phật, ngập tràn hạnh phúc. Sau đó sẽ là gì? Ai biết được, có thể là thu nhập cao gấp mấy lần Việt Nam. Hoặc gì?
Người bạn khác của tôi, làm một cuộc di tản kéo dài nửa thập kỷ chồng Ngưu vợ Chức, cho đến khi có thể đoàn tụ gia đình ở Úc châu. Những đứa trẻ được đi học trường Tây, líu lo ngoại ngữ. Vợ chồng tiếp tục tần tảo chung lưng đấu cật làm đủ thứ việc từ mua bán đồ online đến làm farm cho nông dân Úc (thu hoạch hoa quả, cắt cỏ làm vườn…).
Bạn tôi nhớ Việt Nam quay quắt, anh không giấu diếm điều đó. Nhưng từ khi anh còn ở nhà, chúng tôi đều cũng đã hiểu nhất định anh sẽ đi.
Vì sao? Họ đều là những trí thức, có trình độ nhận thức cao, có thu nhập tốt, có công việc ổn định và được xã hội tôn trọng. Vì sao nhất định phải đi?
Có một buổi sáng nọ, tôi ngồi uống trà với một nhà quay phim già. Ông đã đi nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, trầm tĩnh ngắm nhìn và lắng nghe.
Ông bảo, cái quan trọng của một đất nước, một xã hội phát triển và ổn định, đó là an sinh.
An sinh là gì? Là sáng đi ra đường, mình biết chắc không có thằng nào đâm xe vào mình, rồi sừng sộ quát, mày biết tao là ai không?
Là mình làm thì mình hưởng, mình đúng thì không ai bắt nạt. Mọi quyền của con người được đảm bảo công bằng trước pháp luật, như nhau.
Lúc đó tôi đã nghĩ, Ồ thế thì đơn giản, có khó gì đâu?
Nhưng sau này tôi hiểu, khó lắm. Rất khó.
Nhưng mà khó, thì đó vẫn là quê hương mình.
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI) của Việt Nam năm ngoái xếp hạng 116/189 quốc gia.
Không hề tồi. Tất nhiên, chúng ta biết mình không hài lòng với điều gì. Nhưng bảo bỏ xứ mà đi bằng mọi giá, đó vẫn là điều tranh cãi.
Sang Âu sang Mỹ, có những người bỏ cả tỷ đồng để đổi lấy kiếp người rơm, người chuột. Có những người, đặt cây bút xuống một lần, và cầm cây kéo 10 năm. Chúng ta không là cá, sao biết cá vui?
Một người bạn khác nữa của tôi, sau khi bán mọi thứ để ra nước ngoài, thì giờ đang loay hoay để mua mọi thứ chuyển về Việt Nam bán, lấy lãi. Lãi ít lắm, bây giờ hàng hóa có khó khăn như xưa đâu. Bán được là nhờ cái uy tín cá nhân, người mua yên tâm hàng xịn. Nhưng chỉ một kiện hàng thất lạc, là lỗ nặng, là ngồi bật khóc hoang mang không biết mình đang ở đâu và làm gì…
Tôi viết những dòng này, khi đang ngồi cà phê đợi con trai học võ. Hôm nay quên ví, và hóa ra quán cho trả tiền bằng app. Cuộc sống mà, thấy ổn là vì mình thấy ổn.
Lát nữa con học xong lại gọi xe công nghệ 2 bố con về.
Còn sau này nó có muốn lớn lên ở đất nước này không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ nói về chuyện này trên một đỉnh núi mù sương ở Tây Bắc. Một cái nhìn thoáng rộng hơn, tại sao không thể là nhìn vào chính đất nước mình?
Phạm Gia Hiền
Theo ngaynay.vn
Vlog gây xúc động của Giang Ơi khi nói về giấc mơ Anh Quốc của phận "người rơm": Nó cay đắng đến mức không biết gọi họ là nạn nhân của điều gì?
Từng là du học sinh ở Anh, mới đây, Vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ từ những hiểu biết của mình về cuộc sống chui lủi của những "người rơm" ở Anh sau khi vượt biên trót lọt.
Những ngày gần đây, vụ việc 39 nạn nhân bao gồm 31 đàn ông và 8 phụ nữ, được phát hiện đã chết trong thùng đông lạnh ở Anh đã khiến nhiều người bàng hoàng.
Dù chưa có thông cáo chính thức, nhưng mỗi ngày số gia đình trình báo người thân bị mất liên lạc ở Anh ngày một tăng lên. Dẫu biết có nhiều nguy hiểm đang chờ đợi phía trước, nhưng họ, nhưng người dân lao động vẫn bất chấp ra đi để đổi lại với mục đích kiếm nhiều tiền hỗ trợ cuộc sống gia đình tại quê nhà.
Hiện trường vụ phát hiện 39 thi hài trên xe tải ở Anh. Ảnh: The Guardian.
Vlogger Giang Ơi chia sẻ về cuộc sống của "người rơm" - những người sống chui lủi, nằm ngoài pháp luật
Vlogger Giang ơi tên thật Trần Lê Thu Giang sinh năm 1991 năm nay 28 tuổi. Cô sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng hiện tại sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cô từng là du học sinh tại United Kingdom. Giang ơi làm nghề Marketing và sáng tạo nội dung Youtube.
Cô nổi tiếng với các clip vlog về cuộc sống thực trên kênh Youtube "Giang Ơi" với gần 1 triệu người đăng ký chỉ trong thời gian 2 năm. Chủ đề chính của kênh mà cô muốn hướng tới là ghi lại những hành trình mà cô bước vào thế giới người lớn.
Trong khi mọi người vẫn xôn xao trước vụ việc 39 người chết trong một chiếc container ở Anh, hot Vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ của mình về số phận của những người nhập cư bất hợp pháp và hành trình sinh tử mà họ phải trải qua trước khi đặt chân vào nước Anh.
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, VL Giang Ơi viết, " Là một du học sinh Anh và đã có một thời gian sống ở đây đủ lâu, mình đã có những tiếp xúc với những thông tin nhất định về những gì đã xảy ra với "người rơm" - những người liều mạng sống của mình, bất chấp nằm ngoài pháp luật, không được thừa nhận những quyền cơ bản của một con người để đến gần với giấc mơ đổi đời của họ".
Bên cạnh đó, Giang Ơi cũng bày tỏ tiếc thương và mong muốn mọi người hay cảm thông cho những gia đình nạn nhân. "Mình mong rằng chúng ta hãy dừng những phán xét, trách móc hay thậm chí thoá mạ họ bằng những lời cay đắng. Hãy dành một chút im lặng để cảm thông hơn cho những gia đình này và hãy biết ơn vì bạn đang có những lựa chọn tốt hơn họ...".
Vlogger Giang Ơi nói về giấc mơ Anh Quốc của "người rơm" - những phận người rời bỏ quê hương sang Anh sống chui lủi, không có danh phận không được bảo vệ
Trong đoạn clip dài hơn 20 phút của mình, Vlogger Giang Ơi cho biết, "Nói thì khá là đau đớn, nhưng 39 người trong thùng xe tải này như là "một đợt hàng". Sự việc lần này xảy ra con số thương vong qúa lớn nên người ta cảm thấy bàng hoàng và chuyện này cũng được làm lớn lên. Thế nhưng số người chết trong rừng rú trên đường trốn từ các nước Châu Âu sang Anh thì thực sự minh không thể biết được".
Nữ Vlogger này cũng cho biết, tuy cô không tiếp xúc với báo chí hay cơ quan chức năng ở Anh, tuy nhiên vì từng là du học sinh bên Anh và từng tiếp xúc với những người từ Việt Nam qua một nước trung chuyển Châu Âu rồi sang Anh nên cố quyết định làm một video để chia sẻ về thông tin hạn chế mà cô biết.
"Rất đau đớn khi có những người đã chết trong hoàn cảnh ngặt nghèo mà mình không biết. Đúng là "mắt không thấy thì tim không đau", có thể mình không nhìn thấy nhưng không có nghĩa là nó không xảy ra. Nhân dịp chuyện đau lòng này xảy ra, mình cũng muốn nói điều gì đó. Thật ra, khi mình sang Anh thì mình là 1 trong số những người "Ăn trắng mặc trơn" vì mình có giấy tờ, có tiền bạc ở nhà gửi sang. Tất cả những gì mình phải làm là đi học, đi chơi và thỉnh thoảng đi du lịch. Nếu có làm thêm thì mình cũng đi làm thêm nhưng ở mức 20 tiếng/tuần để kiếm thêm thu nhập.
Buôn người trở thành vấn nạn nhức nhối ở Anh và nhiều nước châu Âu
Tuy nhiên, là một người sống và học ở đó nên mình có tiếp xúc với những người sang Anh nhưng không có giấy tờ. Có thuật ngữ riêng để gọi những người này là "người rơm"- tức là người ta đã từ bỏ quyền sống và quyền được bảo vệ như một con người khi trốn từ Việt Nam sang.
Tức là khi người ta trốn trong những thùng hàng đó thì trước khi lên đường, những tấm hộ chiếu đã bị đốt, bị xé bỏ đi rồi. Tại vì nếu họ sang đến nơi mà không may bị cơ quan chức năng bắt cũng như thu giữ được cuốn hộ chiếu thì sẽ biết được lai lịch, gốc gác của họ thì sẽ bị trục xuất thẳng về Việt Nam. Trong khi nếu họ không có giấy tờ, kể cả họ bị bắt ở Anh thì họ sẽ bị trục xuất về đất nước cuối cùng họ ở trước khi đến Anh, tức là Pháp, Đức, Bỉ... Và họ vẫn có cơ hội làm việc chui ở các nước Châu Âu hoặc có thể tiếp tục tìm đường quay lại Anh.
Việc chui vào container là một đường dây khá phổ biến, rất nhiều người qua Anh bằng cách này, bất kể người Việt Nam hay là những người quốc tịch khác".
Những "người rơm" làm việc chui từ những tiệm nail, quán ăn và tệ hơn là phục vụ mại dâm hoặc đi trồng cần sa trái phép
Chia sẻ về cuộc sống của những người trốn trót lọt sang Anh, Vlogger Giang Ơi cho hay, "Những người trốn được sang Anh thì người ta phải sống và làm việc một cách chui lủi. Khi không có giấy tờ thì các bạn sẽ phải sống chui, làm việc chui và các giao dịch đều phải bằng tiền mặt. Các bạn sẽ không thể nào sinh hoạt như người bình thường và không có địa chỉ ở chính thức. Họ sẽ phải đi thuê nhà chui hoặc nhờ sinh viên đi thuê nhà và đứng tên giùm, thẻ đi tàu, thẻ ngân hàng đều phải đi mua của người khác.
Trong giới du học sinh, sau khi hoàn thành việc học họ thường để lại những chiếc thẻ ngân hàng còn giá trị sử dụng thì có thể bán lại cho những "người rơm". Những "người rơm" ở đó thường đi làm chui cho các cơ sở của người Việt Nam, phổ biến nhất có thể nói đến là đi làm nail hoặc đi phục vụ ở nhà hàng (làm ở phía trong bếp chứ không được phục vụ ở phía trước). Tệ hơn nữa là phục vụ mại dâm hoặc đi trồng cần sa trái phép ở những nhà kín đáo trong rừng.
Trong suốt đoạn clip của mình, để nói về những nạn nhân đã tử vong trên chiếc xe tải sang Anh, cũng như cuộc sống chui lủi của những "người rơm", nhiều lúc Vlogger đã không nén được sự xúc động.
Khi bạn là "người rơm" thì bạn chấp nhận bạn không còn là con người nữa rồi và không được pháp luật hay bất cứ ai bảo vệ".
"Nó cay đắng đến mức mình không biết nên gọi những người này là nạn nhân của điều gì, nạn nhân của nạn buôn người hay là nạn nhân của chính quyết định của họ. Có cay đắng không khi bạn quyết định sử dụng một dịch vụ trái phép để đưa các bạn đến sống và làm giàu ở một nơi mà bạn biết nó là trái phép. Sau đó, cái dịch vụ đó lại không bảo toàn được mạng sống cho các bạn, đừng nói đến chuyện lừa tiền.
"Ngày xưa ở nông thôn còn ít thông tin hơn, bây giờ việc tiếp cận thông tin cũng rất hạn chế so với thành phố, tuy nhiên người ta cũng bắt đầu có internet và biết được nhiều thông tin hơn. Nhưng họ cũng vẫn chưa thực sự hiểu được chuyện đó sẽ như thế nào mà chỉ đơn giản là thấy anh A, chị B - anh em họ trốn trót lọt sang bên kia và gửi tiền về...
Tức là có một số trường hợp như sau, một là người ta đi làm kiếm tiền và gửi tiền về nuôi con, xây nhà ở quê trong khi ở Anh vẫn có bồ bịch và cuộc sống cứ thế trôi đi. Trường hợp thứ hai là làm và tích tiền để một ngày nào đó có thể trở về Việt Nam. Một ngày nào đó có thể ra Đại sự quán và trình bày việc tôi muốn được trục xuất, tôi muốn được về Việt Nam. Sau đó là làm thế nào đó để chuyển cục tiền về Việt Nam, có thể là một dịch vụ chuyển tiền chui nào đó. Sau đó dùng số tiền đó về Việt Nam làm ăn, sinh sống... Mình nghĩ đó là hy vọng của rất nhiều người. Không biết kế hoạch đó có thành hay không nhưng đó là kế hoạch chung của rất nhiều người khi xác định sang Anh làm "người rơm".
Có nên đánh đổi sinh mạng cho một cuộc sống như "người rơm" và những ảo tưởng đổi đời?
Tuy nhiên, nữ Vlogger Giang Ơi cũng bày tỏ quan điểm cá nhân và cho rằng mình không thể phán xét được về việc làm của họ đúng hay sao và không thể hỏi rằng tại sao họ lại quyết định sống như thế. " Chắc chắn mình không thể hỏi người ta tại sao sống như vậy... Mình cũng không thể phán xét được là họ làm thế đúng hay sai, họ nên như thế nào? Vì mình không ở trong vị trí của người ta, mình không hiểu hết nỗi niềm của người ta", Giang Ơi chia sẻ.
Cô cũng cho rằng ở vị trí của mình rất khó để đưa ra nhận định về hành động của những người này. "Ở vị trí của chính phủ Anh người ta sẽ đưa ra những chế tài như thế nào đó. Lãnh sứ quán Việt Nam ở Anh cũng có những biện pháp hỗ trợ. Còn ở vị trí của mình thì rất khó để đưa ra nhận xét, mình chỉ cảm thấy cay đắng.
Trước câu hỏi của nhiều bạn đặt ra rằng, "Tại sao lại tốn cả tỷ bạc để đi sang bên đó, tại sao lại đánh đổi đến như vậy? Tại sao lại đặt cược mạng sống của mình để sang bên kia trong khi đã có số tiền 300 triệu, 500 triệu hoặc như trường hợp bạn nữ đã nhắn tin về nhà là hơn 900 triệu mà không ở lại Việt Nam làm ăn?!
Vlogger Giang Ơi cũng chia sẻ, "Có 2 yếu tố là sang bên đó làm để trả dần vì bố mẹ cũng phải vay mượn mới có được số tiền lớn hoặc là bạn ấy đã đi Nhật và có số tiền đó rồi thì mình không biết. Nhiều trường hợp đưa sang chui hoặc làm hôn nhân giả thì tiền trả dần chứ không hề có 1 cục tiền như vậy.
Mức lương mà các bạn đi làm chui cũng như không phải nộp thuế là khá cao. Nếu các bạn đi làm cả tuần, chịu khó đi làm 6-7 ngày/tuần mà không có ngày nghỉ nào thì họ có thể kiếm đến mấy ngàn USD, hoặc mấy ngàn bảng/tháng. Số tiền mà ở Việt Nam họ chưa bao giờ mơ đến, số tiền có thể nuôi cả gia đình thậm chí cả họ hàng. Số tiền có thể trả nợ, cho con cái đi học, giúp đỡ em út. Khi họ sống trong một hoàn cảnh quá nghèo chẳng thể trách họ khi nhìn thấy cơ hội như vậy mà lại từ chối".
"Tất cả những người khi đã sống chui lủi trong rừng và chấp nhận đốt cuốn hộ chiếu của người ta đi và lên chuyến xe tải dang Anh người ta biết có nguy cơ chết nhưng họ vẫn đi. Bởi bao nhiêu anh em họ hàng đã sang trót lọt và cuộc sống đỡ khổ hơn ở quê. Thực sự tỉ lệ sống chết là bao nhiêu thì mình không biết, chính phủ không biết, các bạn không biết... Vì những người sống có thể kể lại chuyện nhưng những người chết chẳng ai biết. Vì các bạn không có giấy tờ tùy thân người ta không thể xác minh, không thể kiện cáo, không có ai bảo vệ. Bản thân gia đình của 39 người này họ cũng đã chuẩn bị tinh thần để xa con ít nhất là chục năm. Tại vì đã đi như vậy khó có đường về lắm, chỉ mong có may mắn nào đó để gặp lại nhau thôi. Chỉ đến khi nhận được tin dữ con họ chết thì họ mới dám báo lên chính quyền để mang được xác con họ về thôi.
Và bây giờ nói đến việc trách nhiệm thuộc về những kẻ buôn người, những kẻ lừa đảo... nhưng tất cả những tổ chức này đều đánh vào lòng tham của con người trước. Tức là những người lao động chủ động trả tiền cho những nhóm buôn người với hy vọng gian lận được chính quyền. Giữa những người trốn sang đó và những kẻ tổ chức cho họ trốn sang đó thì không biết ai là nạn nhân".
Cuối đoạn clip của mình, Vlogger Giang Ơi cũng đã chia sẻ những quan điểm của mình và lên tiếng cảnh tỉnh những người trẻ, "Trong cuộc đời sẽ có rất nhiều người đến và nói với bạn rằng làm cái này đi kiếm tiền dễ lắm. Kiếm tiền theo cái cách này rất nhanh và rất nhiều nhưng nó luôn có rủi ro trong đó. Bạn đặt cuộc đời bạn vào canh bạc, có đúng là đi làm chui bên kia kiếm được nhiều tiền không. Đúng! Nhiều hơn rất nhiều so với lao động ở Việt Nam, sẽ mất rất nhiều thời gian và cống sức phấn đấu mới có thể bằng với số lương từ đồng ngoại tệ các bạn kiếm được ở nước ngoài.
Tuy nhiên nó có đáng không, nhưng mình không trả lời thay cho bạn được vì mình không ở hoàn cảnh giống vậy. Đối với mình thì mình nghĩ không có gì tốt mà dễ dàng cả. Các bạn hãy nghĩ nếu đánh một canh bạc lớn thì rủi ro cũng lớn, hãy suy nghĩ là liệu mình có sự lựa chọn khác hay không. Về lâu về dài thì con đường đi xa nhất là con đường giáo dục. Mình hy vọng các bạn, đặc biệt ở nông thôn và các vùng quê nghèo hãy suy nghĩ lại và hãy chọn đi học.
Và mình hy vọng rằng sự việc lần này sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh những gia đình ở nông thôn sẽ không còn đặt nặng trách nhiệm và kỳ vọng lên những đứa con còn quá ít tuổi, còn thiếu kinh nghiệm cuộc sống rằng sau này lớn lên sẽ gánh vác và nuôi cả gia đình nữa. Là người trẻ, bạn hãy hiểu rằng không có cái gì tốt lại vừa nhanh và vừa dễ.
Hãy dừng lại một chút để suy nghĩ liệu mình có nên đánh đổi sinh mạng cho một cuộc sống như "người rơm"? Những ảo tưởng đổi đời mà người khác đang rót vào tai bạn chỉ thực sự là một mặt của cuộc sống tồi tệ đó.
Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc và đau lòng. Mình chân thành chia buồn với nỗi đau của những gia đình, người thân của 39 người sẽ không bao giờ quay trở lại!", Giang Ơi nói thêm.
Theo Helino
'Người rơm' ở Anh và những câu chuyện buồn từ Calais "Người rơm" là một từ cay đắng! Nó chất chứa cả máu - nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi nhục không dễ nói thành lời, mà cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp. Anh Hoàng Huy (ảnh)- một người Việt sống ở Anh lâu năm, từng làm phiên dịch...