Cảnh báo về thuốc finasterid chữa phì đại lành tính tiền liệt tuyến
Rất nhiều thuốc được nghiên cứu có tác dụng chữa bệnh tốt, được tín nhiệm trong nhiều năm. Nhưng trong quá trình sử dụng người ta lại phát hiện ra những khiếm khuyết của thuốc. Finasterid là một trong những thuốc như vậy.
Finasterid là một trong những thuốc được dùng chữa phì đại lành tính tiền liệt tuyến. Dùng finasterid trong 1 năm làm giảm thể tích tuyến tiền liệt khoảng 24% và làm tăng lưu lượng dòng tiểu tối đa (Qmax) khoảng 23%, cải thiện khoảng 30% các triệu chứng rối loạn tiểu. Với trường hợp kích thước tuyến tiền liệt to, thuốc làm giảm tới 50% nguy cơ bí tiểu cấp. Đã có nghiên cứu dùng thuốc để dự phòng ung thư tuyến tiền liệt song kết luận cuối cùng cho rằng thuốc chỉ tạm thời thu nhỏ khối u làm chậm sự tiến triển bệnh, chứ không ngăn ngừa được ung thư tuyến tiền liệt.
Hình ảnh tiền liệt tuyến bình thường (trái) và tiền liệt tuyến phì đại
Một vài tác dụng phụ của thuốc cũng đã được biết đến như gây liệt dương, xuất tinh bất thường, giảm khối lượng xuất tinh… Năm 2005, Cơ quan điều tiết các sản phẩm chăm lo sức khỏe Thụy Điển đưa ra cảnh báo, finasterid gây rối loạn cương không thể đảo ngược được. Mới đây nhất, các nhà khoa học lại phát hiện ra tác dụng phụ mới làm tăng nguy cơ ung thư của thuốc này. FDA đã có thông báo, finasterid làm tăng nguy cơ ung thư xâm lấn, cụ thể là tăng nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt và cảnh báo: “Các bác sĩ không nên kê đơn khởi đầu dùng thuốc này cho người phì đại lành tính tiền liệt tuyến cho đến khi tìm được bằng chứng loại trừ ung thư tiền liệt tuyến”. FDA cũng yêu cầu nhà sản xuất phải ghi cảnh báo này lên tờ hướng dẫn dùng thuốc. Bình luận về cảnh báo này của FDA, BS. Anthony D’Amicro, Trưởng khoa Ung thư xạ trị niệu sinh dục ở Brigham tuyên bố: “Cảnh báo này là hợp lý. Điều thuyết phục mà các nghiên cứu cho thấy người bệnh dùng finasterid thì tỷ lệ được chẩn đoán ung thư ở mức cao, tăng hơn 1%. Cần cân nhắc vì thuốc làm giảm 24% những vấn đề triệu chứng phì đại lành tính tiền liệt tuyến nhưng lại làm tăng nguy cơ ung thư”. Finasterid tuy được coi là thuốc đặc trị song không chữa khỏi phì đại lành tính và cũng không phòng ngừa được ung thư tiền liệt tuyến mà chỉ là thuốc chữa triệu chứng trong khi có thể tăng nguy cơ ung thư. Do đó, khi sử dụng cần thận trọng cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc. DSCKII. Bùi Văn Uy Theo Suckhoedoisong.vn
U xơ tuyến tiền liệt - Bệnh lý phổ biến ở đàn ông trung niên
Cho đến tuổi từ 45 trở đi thì tuyến tiền liệt (TTL) ngừng phát triển và có hướng tăng sản theo dạng bệnh lý để hình thành gọi là bướu lành TTL.
U xơ tuyến tiền liệt (TTL) thường được các bác sĩ niệu khoa viết tắt trong chẩn đoán là BPH, còn được gọi với tên khác như: phì đại TTL hay bướu lành TT. Đây là tình trạng có sự tăng kích thước của TTL ở nam giới từ tuổi trung niên đến tuổi già.
Video đang HOT
TTL là gì?
Ở điều kiện sinh lý bình thường, TTL được hình thành chỉ có ở nam giới từ tuần lễ thứ 12 của thai kỳ và phát triển theo quá trình biệt hóa đến khi trẻ ra đời. Đến tuổi dậy thì, TTL tiếp tục phát triển và hoạt động như một tuyến sinh dục phụ, có trọng lượng khoảng 20g. TTL cùng với mào tinh hoàn, bóng tinh, túi tinh tiết ra huyết tương - tinh dịch để nuôi dưỡng và kích thích sự di chuyển của tinh trùng.
Cho đến tuổi từ 45 trở đi thì TTL ngừng phát triển và có hướng tăng sản theo dạng bệnh lý để hình thành gọi bướu lành TTL. Bệnh phát triển thường từ tuổi 50 trở đi, càng lớn tuổi thì xuất độ càng cao.
Về phương diện giải phẫu, TTL là một tổ chức bao quanh niệu đạo, có trọng lượng khoảng 15 - 20g, nằm ngay sát cổ bàng quang, phía sau xương mu và trước trực tràng, chia thành 2 hoặc 3 thùy, bọc xung quanh một phần niệu đạo, là đoạn dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài khi đi tiểu, đoạn niệu đạo này còn được gọi là niệu đạo TTL. Khi bướu lành TTL phát triển, gây chèn ép đoạn niệu đạo này từ đó gây cản trở khi đi tiểu, từ tiểu khó, lắc nhắc nhiều lần, có khi bí tiểu.
U xơ tuyến tiền liệt là căn bệnh ngày càng phổ biến
Nguyên nhân và biểu hiện
Hiện tại vẫn chưa biết rõ nguyên nhân, nhưng các nhà khoa học đều thống nhất với nhau rằng bệnh có liên quan mật thiết đến yếu tố nội tiết tố sinh dục nam.
Về triệu chứng, điển hình cho khởi đầu của bệnh là tình trạng rối loạn về tần suất đi tiểu. Người bệnh thường đi tiểu lắc nhắc, nhiều lần, có cảm giác tiểu không hết nước tiểu, nhất là về đêm. Nặng hơn nữa là tình trạng tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu rắt, tiểu đêm nhiều lần với số lần nhiều hơn, khiến người bệnh mất ngủ. Nặng hơn nữa có thể gây bí tiểu mạn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu thậm chí suy thận, hoặc bí tiểu cấp tính.
Chẩn đoán u xơ TTL
Về phát hiện bệnh, hiện tại có nhiều phương pháp, trong đó siêu âm là phương pháp được áp dụng rộng rãi ở nước ta. Siêu âm TTL là kỹ thuật dùng sóng âm thanh có tần số cao đưa vào trong cơ thể rồi ghi nhận và phân tích sóng dội ngược về để tạo nên hình ảnh ở màn hình máy siêu âm.
Đây là một phương tiện khám an toàn, nhanh chóng, đơn giản, là thủ thuật không xâm lấn vào TTL, không đau, rẻ tiền, không gây độc hại. Nếu siêu âm qua đường bên ngoài da vùng bụng, thì người bệnh chỉ cần nhịn đi tiểu để cho bàng quang căng to đẩy TTL lên sẽ cho hình ảnh rõ và chính xác hơn, hoặc có thể siêu âm đầu dò qua ngã trực tràng.
Siêu âm không những đánh giá về mặt hình thể mà còn giúp đánh giá được khối lượng của TTL, kích thước, tính chất như của khối u đồng nhất hay không đồng nhất, đo được lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang. Tuy nhiên, siêu âm chỉ là cảm nhận có tính chất chủ quan của bác sĩ, nên kết quả còn phụ thuộc vào chất lượng của máy và kinh nghiệm của bác sĩ. Vì vậy, nên phối hợp thăm khám TTL qua đường hậu môn - trực tràng, khi cần thiết có thể áp dụng một số kỹ thuật khác như chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ.
Phương pháp điều trị
Hiện tại có nhiều phương pháp để điều trị. Phương pháp điều trị nội khoa được ưu tiên với u nhỏ, triệu chứng mới xuất hiện, rối loạn tiểu tiện chưa nhiều hoặc chưa có chỉ định phẫu thuật. Có 2 nhóm thuốc chính được sử dụng rộng rãi hiện nay:
Nhóm ức chế alpha blockers: bao gồm các thuốc như tamsulosin dùng với liều 0,4mg, uống một lần duy nhất trong ngày. Hoặc alfuzosin dùng với liều 10mg, uống 1 lần trong ngày, viên 5mg thì dùng với liều 5mg, uống 2 lần trong ngày. Ngoài ra, còn các thuốc khác như: tadenan, terazosin, doxazosin. Các thuốc này có tác dụng làm giãn cơ ở TTL và cổ bàng quang, từ đó làm tăng dòng nước tiểu và làm giảm nhẹ các triệu chứng của u xơ TTL.
Hầu hết các thuốc trên đều có tác dụng nhanh sau khi dùng. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là: có thể làm cho người bệnh bị choáng váng, mệt mỏi, rối loạn chức năng dạ dày ruột, nghẹt mũi, nhức đầu, một số ít trường hợp có thể gây hạ huyết áp.
Thuốc thuộc nhóm ức chế 5-alpha reductase: các nhà khoa học thấy rằng, enzyme 5-alpha reductase chuyển đổi testosteron thành dihydrotestosteron chất này kích hoạt các thụ thể androgen trong TTL làm chuyển mã, giải mã một số yếu tố tăng trưởng như yếu tố tăng trưởng biểu mô - EGF, làm phát sinh bệnh. Thuốc ức chế enzyme này làm chậm quá trình tăng sinh TTL.
Hiện có các thuốc như dutasterid uống với liều 0,5mg uống 1 lần trong ngày hoặc dùng finasterid với liều 5mg, uống 1 lần duy nhất trong ngày. Khi dùng nhóm thuốc này với thời gian ít nhất từ 3 - 6 tháng sau mới thấy kết quả, tác dụng phụ có thể gặp ở hai thuốc trên như rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục và giảm lượng tinh dịch.
Khi điều trị nội khoa tỏ ra kém hiệu quả thì điều trị phẫu thuật vẫn là biện pháp tối ưu, giải quyết triệt để nguyên nhân. Trước đây, người ta phải mổ hở, bóc lấy khối u. Phương pháp này thường gây mất máu nhiều, người bệnh phải nằm viện kéo dài, tốn kém, sức khỏe phục hồi chậm.
Hiện nay, phương pháp mổ nội soi qua đường niệu đạo để cắt u xơ TTL được áp dụng phổ biến rộng rãi nước ta cũng như các nước trên thế giới. Phẫu thuật này với ưu điểm là ít gây mất máu và ít đau nên người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Như vậy, u xơ TTL không phải là bệnh lý ác tính, mà là sự phì đại lành tính của TTL. Bệnh bắt đầu vào độ tuổi trung niên, tiến triển từ từ và thường chỉ gây ra triệu chứng sau tuổi 50. Bệnh chiếm tỷ lệ cao trong xã hội.
Theo thống kê ở nước ta có tới 45 - 70% số nam giới trong độ tuổi từ 50 - 75 mắc căn bệnh này, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Nam giới lớn tuổi được bác sĩ chẩn đoán là bướu lành TTL chớ nên quá lo lắng và được xem đây là tiến trình phát triển bình thường, trong khi chờ đợi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và lý giải một cách sáng tỏ hơn.
Theo Cẩm nang gia đình
Hung thủ giấu mặt trong bệnh phì đại tuyến tiền liệt Dù không ai dại gì yêu cầu, tuyến tiền liệt vẫn tìm cách tăng kích cỡ khi "gia chủ" bước vào tuổi trung niên. Đáng sợ hơn, sự gia tăng này có khuynh hướng càng lúc càng nhanh... Ai dễ bị phì đại tuyến tiền liệt? "Có vay có trả", tuyến tiền liệt không vô cớ bỗng phì đại làm chi khiến nạn...