Cảnh báo về nạn tham nhũng quyền lực, ’sứ quân’ cát cứ
Để xứng đáng là đội tiên phong chính trị của giai cấp, của dân tộc về trí tuệ và đạo đức, bản lĩnh và văn hoá, Đảng phải tự mình trở thành dân tộc, không ngừng đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ.
LTS: Trong phần 3, TS Nhị Lê cảnh báo về “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, lợi ích nhóm, “sứ quân” cát cứ…
Các quyết sách chính trị phải phản ánh đúng quy luật khách quan và yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và sự phát triển của thế giới. Tất cả nhằm bảo vệ vô điều kiện lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Nói khái lược, mục tiêu chính trị cầm quyền cao nhất của Đảng là, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ đất nước.
Nghệ thuật cầm quyền chính trị
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở đây, vấn đề trở nên cấp bách hơn hết bao giờ, Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, trong xã hội, để thực thi sự cầm quyền của mình, thông qua đường lối chính trị, tổ chức đảng và đảng viên của mình, một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật, chứ không phải bên cạnh hay ở trên… một cách đơn giản, cứng nhắc, chồng chéo và cơ học – nguồn gốc nảy nòi của các bệnh hoạn cầm quyền: vừa áp đặt quyền lực nhưng vừa bỏ trống quyền lực, lại vừa buông lỏng và lạm dụng quyền lực.
Hà Nội được trang hoàng rực rỡ chào mừng Đại hội Đảng. Ảnh: Phạm Hải
Nói cách khác, đó là quá trình pháp luật hóa công việc lãnh đạo và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội.
Do đó, Đảng gương mẫu thực thi nghiêm cách quyền lực chính trị của mình và tự kiểm soát quyền chính trị theo hiến định, luật định, nguyên tắc của Đảng và sự giám sát của nhân dân; không dung thứ bất cứ ai, và tổ chức đảng nào đứng ngoài hoặc trên kỷ luật của Đảng và pháp luật, tổ chức chính trị, xã hội nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật.
Có thể khái quát, phương thức cầm quyền của Đảng được thực thi tối thiểu trên 5 bình diện: (1) cầm thời; (2) cầm đạo; (3) cầm cương; (4) cầm tướng; (5) cầm tâm.
Nhân dân làm chủ
Đảng cầm quyền để nhân dân là chủ và làm chủ trực tiếp và bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội của nhân dân, chứ tuyệt đối không phải đứng trên nhân dân, đứng trên và ngoài Nhà nước.
Video đang HOT
Đó là mục tiêu cầm quyền duy nhất và tối cao, công việc cầm quyền cốt tử của Đảng và Đảng chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhà nước và nhân dân về quyền lãnh đạo chính trị của mình, đối với Nhà nước và xã hội, được bảo đảm bằng pháp luật và trên nền tảng luật pháp.
Theo đó, Đảng tập trung lãnh đạo kiến tạo Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, giữ vững và bảo đảm toàn bộ quyền lực của thể chế chính trị và quốc gia thuộc về nhân dân, với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền. Đây là cái gốc, mục tiêu bất biến của mọi hình thức và nghệ thuật cầm quyền.
Đảng thượng tôn pháp luật, do đó, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, theo đường lối chính trị của Đảng, bảo đảm và bảo vệ cho quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm ngặt và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ một cách dân chủ theo pháp luật.
Pháp luật của Nhà nước phải là bản khế ước của đường lối chính trị của Đảng, một cách tiến bộ, văn minh và hiện đại, theo tinh thần dân chủ và pháp quyền tối cao.
Kiểm tra, giám sát dân chủ và đa diện
Về lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí cán bộ, trước hết người đứng đầu mang tầm chiến lược của các thành viên hệ thống chính trị. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo công việc này cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Đó là nguyên tắc. Vì, nếu trái thế, Đảng sẽ thất bại ngay từ bước khởi nguyên về nhân tố rường cột chính trị căn bản, càng không thể hóa thân chính trị thành công, trong điều kiện cầm quyền (hay trước kia khi chưa cầm quyền), khi thiếu hoặc buông lỏng nhân tố căn bản này.
Đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức…
Bằng mọi cách, thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng, không kể họ là, chưa là hay không là đảng viên thông qua cơ chế tuyển chọn nhân tài một cách khoa học, dân chủ với các phương thức phù hợp và cụ thể.
Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu… Không có lòng tin của nhân dân, mọi cuộc cải cách, cho dù là nỗ lực bao nhiêu, sẽ đổ vỡ không tránh khỏi.
Nói khái lược, mỗi cán bộ trong bộ máy của Đảng là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị. Lãnh đạo việc xây dựng các bộ máy của tổ chức thành viên bảo đảm: tinh, gọn, đa chức năng, liên thông, trực tiếp, hiệu lực và hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở.
Bảo đảm nghiêm ngặt chế độ lãnh đạo tập thể dân chủ đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo gắn chặt với kiểm soát quyền năng và quyền lực theo trách nhiệm cụ thể, duy nhất của và đối với từng cá nhân bằng kỷ luật và pháp luật thượng tôn, trước hết là của người đứng đầu theo chức năng và thẩm quyền.
Trước hết, đổi mới không ngừng bộ máy đảng trên cơ sở cấu trúc lại bộ máy tổ chức trong hệ thống đảng theo hướng xác lập trụ cột căn bản và chủ yếu đa chức năng, kiên quyết cắt bỏ tầng nấc trung gian, hoạt động trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trao đủ quyền năng đúng, phù hợp và kiểm soát quyền lực một cách minh bạch được giao một cách chặt chẽ và thường xuyên từ Trung ương tới cơ sở.
Phải đo lường được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy bằng mức độ giải quyết công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ và độ hài lòng của nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công. Không có kiểm tra, giám sát dân chủ và đa diện, không có bất cứ thành công mong muốn nào trong công cuộc cầm quyền của Đảng.
“Thà ít mà tốt”
Nếu có đại họa nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, “lợi ích nhóm”, “sứ quân” cát cứ… Đảng đi tiên phong và nêu gương phòng, chống tham nhũng: tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng lòng tin; phòng, chống nguy cơ đe dọa sự thống nhất của Đảng, làm Đảng phân rã: các nhóm lợi ích, nguy cơ về các “sứ quân” trong Đảng.
Chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên, bảo đảm chất lượng, “thà ít mà tốt”. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng, trong đó phát triển bộ tiêu chí về tư cách người đảng viên theo hướng: Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính; cụ thể về định lượng; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra.
Không thể là đảng viên, tối thiểu khi: không còn trung thành với lý tưởng, xa rời các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, sống và hoạt động ngoài nhân dân, không trung thực và trong sạch, không đoàn kết và thống nhất, không gương mẫu và tự trọng… Nghĩa là như thế, không còn xứng đáng là người có phẩm hạnh và khả năng cầm quyền của một đảng cầm quyền.
Coi trọng nhân dân
Trở lại và nâng tầm mối liên hệ với nhân dân, với tư cách “là con nòi”, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đó là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng. Nhân dân là nguồn gốc sinh thành và cội nguồn sức mạnh của Đảng, nền móng sức mạnh quốc gia, dưới ngọn cờ của Đảng. Nhân dân là người sinh ra Đảng.
Từ quyết sách chính trị tới lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…, cần thiết lắng nghe ý kiến của nhân dân, định chế bằng chính sách cụ thể để nhân dân tham gia giám sát, lựa chọn và quyết định giới thiệu. Ai mơ hồ về lẽ đó tất suy bại, ai đi ngược lại điều sơ giản đó không thể không cầm chắc tiêu vong.
Nhân dân tự mình nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ văn hóa chính trị, văn hóa pháp lý, văn hóa dân chủ… để sử dụng các quyền dân chủ, thực hành dân chủ tự giác theo luật pháp nhằm bảo vệ “con nòi” của mình, một cách chủ động với tấm lòng của người sinh thành ra Đảng một cách nghiêm khắc và bao dung.
Tới lượt mình, Đảng phải làm tốt nhất không chỉ về phương diện đạo lý mà cả trên bình diện pháp lý bảo đảm thực thi tất cả những vấn đề về quyền và trách nhiệm tối thiểu đó của nhân dân, vì và cho nhân dân.
TS Nhị Lê
Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử thực sự dân chủ, khách quan
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa ban hành thông tri hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử thực sự dân chủ, khách quan, đúng luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng người được giới thiệu.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định. Căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần của Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Về tổ chức các hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử cùng cấp thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND theo đúng quy định. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động đề nghị và thống nhất với Thường trực HĐND cùng cấp dự kiến phân bổ giới thiệu người ứng cử để danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định.
Hướng dẫn nêu rõ, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo bằng văn bản để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị...
Về tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác, hướng dẫn nêu rõ, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị không có người đủ điều kiện để dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời báo cáo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp điều chỉnh cơ cấu người ứng cử.
Với việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử cư trú thường xuyên tại địa phương; thông báo đầy đủ, sớm trước 5 ngày về người ứng cử, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị cử tri, thông tin tóm tắt tiểu sử của người ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết.
Về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trường hợp đặc biệt do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phải cử cán bộ của mình tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri được thực hiện an toàn, đúng luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình.
Với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, hướng dẫn cũng nêu rõ, phải bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử để cử tri và nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử. Tóm tắt tiểu sử người ứng cử gửi đến các gia đình, phát thanh trên hệ thống loa công cộng. Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc. Số cuộc tiếp xúc cử tri đối với người ứng cử ĐBQH ít nhất là 10 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 28-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22-5).
Hướng dẫn cũng nêu rõ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử.
Người làm công tác quần chúng phải làm tốt trách nhiệm đại diện cho các tầng lớp nhân dân Nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng Công tác quần chúng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu, người làm công tác quần chúng phải làm tốt trách nhiệm đại diện cho các tầng lớp nhân dân; tập hợp, phát triển và mở rộng lực lượng trong điều kiện mới, song song với việc giữ...