Cảnh báo từ 6 trường hợp sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Ngày 6/7, Thượng tá Lê Đồng Úy, Phó trưởng Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm – tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã có thông báo gửi đến các xã, phường nội thị về thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”.
Theo thông báo này, trong tháng 5 và 6/2022 trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã có hai trường hợp sập bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao”. Trường hợp thứ nhất là Đoàn Văn T (SN 2001, trú ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu). Thông qua mạng xã hội, T bị một Facebook câu nhử “việc nhẹ” tại cửa khẩu Mộc Bài ( Tây Ninh) với mức lương mỗi tháng 20 triệu đồng. Nhẹ dạ cả tin nên T đi xe khách vào TP Hồ Chí Minh gặp một số đối tượng lạ lần lượt sử dụng ô tô, xe máy chở đến tỉnh Đồng Tháp rồi vượt biên sang Campuchia bằng đường sông.
Sau đó T bị giam lỏng trong căn nhà ở thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng – Campuchia rồi bị ép buộc sử dụng mạng internet trên máy tính thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thấy bất ổn nên T đòi về Việt Nam thì nhóm người lạ yêu cầu gia đình trả tiền “chuộc” 70 triệu đồng. Trong lúc các cơ quan chức trách ở Việt Nam đang điều tra sau khi tiếp nhận tin báo thì chiều 21/5 T trở về nhà khi chưa trả tiền “chuộc” mà chưa rõ vì sao.
Trong 15 ngày Nguyễn Thị Thu N “mất tích”, người cha ruột cùng gia đình đã đi nhiều nơi và đăng tải thông tin tìm kiếm.
Trường hợp thứ hai là Nguyễn Thị Thu N (SN 2006, trú ở thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu) được tài khoản Facebook “Kiều Duyên” giới thiệu “việc nhẹ, lương cao”. Chiều ngày 5/6, Ngọc đi xe khách từ Phú Yên vào đến 537 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thì được một số đối tượng lạ sử dụng ô tô, xe máy chở đến tỉnh Tây Ninh rồi vượt biên sang Campuchia bằng đường bộ giao cho một nhóm giam lỏng trong căn nhà không rõ địa chỉ. Tại đó, N bị ép buộc ký hợp đồng lao động, sử dụng mạng internet trên máy tính thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các ứng dụng mua sắm qua mạng. Lo sợ nên Ngọc tìm cách điện thoại cầu cứu gia đình thì bị nhóm người giam lỏng yêu cầu bồi thường hợp đồng 1.000USD. Đến ngày 17/6, N được Cảnh sát Campuchia giải cứu, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an đưa về nhà.
Công an thị xã Sông Cầu đề nghị chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể xã, phường và người dân cảnh giác thủ đoạn hoạt động của tội phạm nêu trên, chủ động phòng ngừa và khẩn báo cho cơ quan công an đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Nguồn tin từ Công an tỉnh Phú Yên cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh này có 6 người dân “mất tích” nhiều ngày sau khi sập bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao” và đã bị đưa sang Campuchia. Trong đó có 2 người ở thị xã Sông Cầu, 2 người ở huyện Tuy An, 2 người ở TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa. Đến thời điểm này 6 người đều trở về nhà, trong đó có 2 trường hợp được các cơ quan chức trách Việt Nam và Campuchia phối hợp giải cứu, đưa về gia đình; 1 trường hợp ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An gia đình nạn nhân đã phải nộp 69 triệu đồng tiền “chuộc” vào một tài khoản trong nước đang được truy xét, 3 trường hợp tự trở về bằng cách nào chưa rõ mà không phải nộp tiền “chuộc”.
Theo Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia bằng thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội Zalo, Facebook…hoặc bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu.
Video đang HOT
Sau khi đưa qua Campuchia trái phép bằng đường bộ, đường sông, nạn nhân giam lỏng, cưỡng ép sử dụng máy tính tổ chức đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, lừa đảo mua bán hàng hóa… trên không gian mạng… Khi nạn nhân kêu đòi về nhà, gia đình đăng tải thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội và báo chí thì bị ép buộc điện thoại cho người thân ở Việt Nam nộp tiền “chuộc”, tiền phạt “vi phạm hợp đồng” từ 3.000 – 30.000 USD mới được cho về Việt Nam. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền “chuộc”, đã bị các đối tượng lừa đảo đánh đập, ngược đãi, bán sang cho nhóm khác.
Những điểm cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản nạn nhân là người Việt Nam tập trung chủ yếu ở Bavet, tỉnh Svay Rieng; TP Poipet, tỉnh Banteay Meanchay, TP Shihanoukville, tỉnh Preah Shihanouk; làng Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal và TP Phnôm Pênh. Các đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của một số đối tượng người Việt ở Campuchia.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức trách Việt Nam và Campuchia đã phối hợp giải cứu hơn 250 trường hợp sập bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao” bị đưa sang Campuchia trái phép và bị cưỡng bức lao động tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, lừa đảo mua bán hàng hóa…trên không gian mạng.
Việc nhẹ lương cao, nhiều phụ nữ ở Tây Ninh bị lừa bán sang Campuchia
Nhiều người "mắc bẫy" việc nhẹ, lương cao, nhưng khi sang đến Campuchia mới "ngã ngửa" khi bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, đánh đập thậm chí bị bán cho công ty khác.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều trường hợp là công dân Việt Nam, thông qua mạng xã hội bị các đối tượng dụ dỗ xuất cảnh trái phép qua Campuchia để lao động. Sự thật là đa số những người này khi qua đến Campuchia đều bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, buộc phải làm việc 11 giờ/ngày, bị ngược đãi, đánh đập thậm chí bị chủ công ty mua bán sang công ty khác... đến khi phát hiện thì chỉ còn trông chờ gia đình gửi tiền sang chuộc thân về Việt Nam.
Những cuộc điện thoại kêu cứu từ bên kia biên giới
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình là công dân trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức. Những lao động này nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc cho các đối tượng.
Công an Tây Ninh làm việc với gia đình các nạn nhân (Ảnh: CTV)
Theo một số gia đình, con em của họ đã trốn gia đình, tự đăng kí làm thủ tục qua Campuchia làm việc cho Công ty Thiên Đường trò chơi. Gia đình chỉ có thể liên lạc qua điện thoại và biết là nơi con mình làm việc có chỗ ăn ở, còn chi tiết cuộc sống ra sao thì không rõ. Lo lắng, bất an là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh khi tiếp nhận những cuộc điện thoại kêu cứu của con từ bên kia biên giới.
Chị Hồng, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, thấy mẹ vất vả, con gái lớn của chị năm nay chỉ mới 17 tuổi, lén tự mình làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia làm việc với mong muốn kiếm tiền phụ giúp mẹ. Thế nhưng, tiền lương của con đâu chưa thấy, chỉ thấy người mẹ giờ phải chạy đôn chạy đáo chuẩn bị tiền để chuộc con về. "Mới đây nó thấy bạn nó bị đánh chích điện bán đi chỗ này, chỗ kia nên nó hoảng loạn, gọi điện về cầu cứu để về Việt Nam sớm. Tôi có một mình, ba nó mất sớm, tôi không quản nổi và cũng bận đi làm", chị Hồng chia sẻ câu chuyện của con mình.
Được biết, thời gian gần đây tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia diễn biến phức tạp do nhu cầu tìm người làm việc cho các casino ở Campuchia tăng. Thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat, Instagram..., các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin tuyển dụng với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được người ở Campuchia chi trả trước.
Trong khi đó, hiện nay số lượng lớn thanh thiếu niên Việt Nam lại đang tìm việc làm, nên khi thấy những lời mời chào đó đã dễ dàng chấp thuận. Khi người tìm việc đồng ý thì các đối tượng này móc nối với các đối tượng ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa lao động xuất cảnh bằng đường tiểu ngạch trái phép sang Campuchia.
Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân không nghe theo lời dụ dỗ (Ảnh: CTV)
Anh Tùng và chị Sen, cùng ngụ huyện Gò Dầu, có con đang lao động tại Campuchia tâm sự: "Tiền lương làm ra thì nói là trừ vào tiền ăn, tiền ở, tháng đâu mười mấy triệu gì đó mà giam lại không cho nhận. Con tôi nó nói làm game, họ bắt làm từ 10h sáng tới 10h đêm, nhiều khi nước không có uống nữa. Cháu điện thoại cũng đòi về, kêu mẹ chuẩn bị tiền đi chuộc con về, vì có đứa bạn của nó vừa qua là bị bán đi liền, 31 hay 34 triệu trong vòng 2,3 ngày là về được thôi. Nó kêu chuẩn bị 30 đến 40 chục triệu vậy, chứ không biết là bao nhiêu".
Bên trong những chiếc bẫy "đổi đời"
Qua tìm hiểu, khi nạn nhân qua Campuchia, nếu chủ công ty thấy người lao động không đúng yêu cầu của họ thì họ sẽ bán nạn nhân cho những chủ công ty khác với giá cao hơn giá mua trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc. Các đối tượng thông báo số tiền 1.800 USD (tương đương 40 triệu đồng) để chuộc người về Việt Nam, còn không sẽ bán tiếp cho các công ty khác, lúc đó tiền chuộc sẽ tăng lên.
Hiện nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tây Ninh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền đến người dân cảnh báo việc: thông qua mạng xã hội các đối tượng mời chào nhiều hình thức hấp dẫn về việc nhẹ, lương cao làm việc tại Campuchia, với thu nhập ổn định, hơn 20 triệu đồng/ tháng; không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy... Đây thật sự là những thông tin làm nhiều người đang tìm việc mong "đổi đời" rồi tìm đến những cái bẫy đã giăng sẵn.
Còn theo Phòng An ninh đối ngoại Công an Tây Ninh, từ tháng 9/2021 đến nay, lực lượng chức năng của Campuchia cung cấp đã có 9 trường hợp tự tử, nhảy lầu, treo cổ, một số trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân...
Liên quan tội phạm xuất nhập cảnh trái phép, từ ngày 1/1 đến ngày 1/4/2022, Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý 17 vụ với 38 bị can (có một số vụ từ năm 2021 chuyển sang), truy tố 9 vụ, 16 bị can; đang điều tra 7 vụ, 22 bị can. Từ đầu năm đến nay, có 59 công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả về và thời gian tới đây sẽ có thêm 14 trường hợp.
Thượng tá Trần Minh Kiệt (Ảnh: CTV)
Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân không nghe theo lời lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm. Đồng thời không tiếp tay cho các đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép, phải thông báo cho cơ quan công an gần nhất.
Thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an Tây Ninh nhấn mạnh, người dân không nghe lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao nơi đất khách, cần tìm đến những nơi được cơ quan chức năng nhà nước cấp phép tìm việc làm và được hỗ trợ, bảo vệ quyền công dân.
Rõ ràng, nhu cầu tìm việc làm là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, người dân cũng cần tỉnh táo để không rơi vào những chiếc bẫy, trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Điều này cũng sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa phương./.
"Nữ quái" lừa chạy suất căn hộ chung cư ảo chiếm đoạt tiền thật Với lý do quen biết nhiều người làm trong các cơ quan nhà nước và có khả năng xin mua được nhà chung cư ở TP Đà Nẵng, Trinh đã lừa đảo chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của một nạn nhân ở Gia Lai. Chiều 15/6, Công an quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết, Cơ quan CSĐT Công an quận...