Cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng
Theo báo cáo của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), VN có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hằng năm đứng thứ ba trong khu vực, chỉ sau Malaysia và Trung Quốc. Trẻ bị suy dinh dưỡng nếu không được can thiệp sớm sẽ gặp các vấn đề về phát triển thể chất.
Ảnh: Shutterstock
Tác hại của suy dinh dưỡng
Số liệu thống kê về tình trạng dinh dưỡng trẻ em của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, mặc dù tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm đáng kể, từ 34% năm 2007 xuống còn 24,9% năm 2014, nhưng tỷ lệ này vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, suy dinh dưỡng là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là tình trạng bệnh lý, mà nguyên nhân chính do chế độ ăn thiếu hụt các chất dinh dưỡng sinh năng lượng và các chất dinh dưỡng không sinh năng lượng, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu và chuyển hóa các chất, tác động đến quá trình tăng cân, phát triển khối cơ, xương và các tổ chức nội tạng trong cơ thể.
Trẻ bị suy dinh dưỡng nếu không được can thiệp sớm sẽ gặp các vấn đề về phát triển thể chất như: thấp, lùn; chậm phát triển ý thức và trí tuệ. Đặc biệt, sức khỏe cũng bị đe dọa do hệ miễn dịch suy giảm khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, dễ ốm vặt mỗi khi thời tiết thay đổi.
Video đang HOT
Trong cuộc hội thảo bàn về vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở VN, Lào và Campuchia tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12.2014, các chuyên gia cũng cảnh báo hằng năm trên thế giới, suy dinh dưỡng gây tử vong cho 3,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 162 triệu trẻ khác bị suy dinh dưỡng thấp còi phải chịu những hậu quả suốt đời về sức khỏe và lao động. Riêng tại VN, trong khoảng 6,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, có tới gần 1,7 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất đưa trẻ đến tình trạng suy dinh dưỡng, ngoài việc thiếu protein (chất đạm), thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng, còn có một số nguyên nhân tuy không phải là chính nhưng lại góp phần tác động vào khiến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ thêm trầm trọng, đó là: trẻ sinh non, trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai, trẻ đa thai – tức sinh đôi sinh ba, trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh, như rối loạn di truyền, nhiễm trùng (lao), rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, trẻ bị bệnh tim, sứt môi, chảy vòm hầu, trẻ được sinh ra từ những bà mẹ quá trẻ, tuổi dưới 18 hoặc những bà mẹ quá lớn tuổi hay những bà mẹ bị suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bác sĩ Ngọc Diệp cho biết, về mặt phổ biến trong cộng đồng VN, một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng hiện nay là các bà mẹ thiếu kiến thức về thực hành nuôi con, mặc dù yếu tố này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Cách phát hiện trẻ suy dinh dưỡng
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, ước tính hiện nay suy dinh dưỡng chiếm 53% các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Vì vậy, việc phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời vô cùng quan trọng.
Để phát hiện sớm suy dinh dưỡng ở trẻ, các bà mẹ nên cân và đo chiều cao cho bé hằng tháng và đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng. Trẻ dưới 2 tuổi cần được cân đo hằng tháng (nếu thấy trẻ đứng cân, cần cảnh giác, can thiệp ngay). Trẻ trên 2 tuổi mỗi quý cân đo 1 lần. Biểu đồ thường được đính kèm trong sổ khám bệnh của trẻ. Trẻ được xem có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng, đường phát triển cân nặng theo độ tuổi đi theo hướng nằm ngang.
Suy dinh dưỡng nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ nhanh chóng phục hồi. Nếu không phát hiện, dần dần trẻ chuyển sang suy dinh dưỡng mãn tính rất dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây khi lớn lên, như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Riêng những trường hợp các bà mẹ không có điều kiện cân đo con hằng tháng, muốn nhận biết con có nguy cơ suy dinh dưỡng hay không, cần quan sát một cách khách quan. Khi nhận thấy con mình nhỏ con hơn so với những đứa trẻ đồng trang lứa, con kém linh hoạt, ăn ít, ăn không ngon miệng, da nhợt nhạt, chân tay nhão, thậm chí teo cơ, ngủ nhiều, ủ rũ, cần đưa đến chuyên khoa dinh dưỡng khám để các bác sĩ hướng dẫn hoặc giúp đứa trẻ có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cũng như kịp thời phát hiện rõ nguyên nhân nào gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Nếu đứa trẻ bị suy dinh dưỡng do nhiễm trùng thì chữa bệnh nhiễm trùng, nếu đứa trẻ thiếu năng lượng thì các bà mẹ sẽ được tư vấn cách bổ sung hợp lý.
Ngoài ra, bác sĩ Diệp còn nói rõ các bà mẹ tuyệt đối không nên nhìn con mình nhỏ hơn con người khác đã vội kết luận con bị suy dinh dưỡng, và liên tục ép con ăn, khiến đứa trẻ rơi vào tình trạng sợ hãi. Thật ra, đây chỉ là một trong những dấu hiệu nghi ngờ trẻ suy dinh dưỡng, còn người xác định trẻ có suy dinh dưỡng hay không chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới xác định được.
Cẩm Nhung
Theo Thanhnien
Chế độ ăn nhiều chất béo gây hại nhanh hơn ta tưởng
Theo nghiên cứu của Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ), 5 ngày dùng thực phẩm nhiều chất béo làm thay đổi cách thức cơ của cơ thể hấp thu và xử lý chất dinh dưỡng.
Ảnh minh họa - Ảnh: Shutterstock
Nhóm chuyên gia nói rằng kết quả thu thập được là lời nhắc nhở thêm rằng ngay cả những cuộc "xâm nhập" ngắn hạn vào những thói quen không lành mạnh có thể đem lại những tác động lâu dài, theo hãng tin UPI.
"Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ có thể thoải mái dùng thực phẩm béo ngậy trong vài ngày và qua phà an toàn", ông Matt Hulver, một giáo sư tại Đại học Bách khoa Virginia và là chuyên gia về chế độ ăn uống và tập luyện, giải thích. "Nhưng chỉ cần 5 ngày là cơ của bạn bắt đầu lên tiếng phản đối".
Cơ chiếm 30% trọng lượng cơ thể của một người bình thường. Khi mức đường huyết gia tăng trong và sau khi ăn, các cơ tiến hành xử lý đường thừa và quyết định liệu có sử dụng hay "lưu kho" số năng lượng đó. Nếu khả năng biến dưỡng đường của hệ thống cơ bị tổn hại, hậu quả đối với phần còn lại của cơ thể có thể rất tồi tệ.
Trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã yêu cầu các sinh viên Đại học Bách khoa Virginia thực hiện một chế độ ăn bao gồm 55% chất béo. Hầu hết chế độ ăn chỉ chứa khoảng 30% chất béo. Các bữa ăn bao gồm bánh quy xúc xích, mì ống, phô mai, cùng nhiều thứ khác. Các đối tượng được tùy nghi tăng cường thêm bơ.
Sau 5 ngày, nhóm chuyên gia tiến hành soát xét và nhận thấy người dùng nhiều chất béo tỏ ra ít hiệu quả hơn trong việc ô xy hóa glucose. Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này dẫn đến hậu quả là thu hẹp khả năng điều tiết sự gia tăng đột biến insulin của một cá nhân và làm tăng rủi ro bị tiểu đường và các bệnh biến dưỡng khác.
"Điều này cho thấy cơ thể chúng ta có khả năng phản ứng triệt để với những thay đổi trong chế độ ăn uống trong một khung thời gian ngắn hơn chúng ta nghĩ trước đây", ông Hulver nói.
"Nếu bạn nghĩ về điều đó, 5 ngày là một quãng thời gian không dài. Có nhiều thời điểm chúng ta dùng thực phẩm nhiều chất béo trong vài ngày, có thể là vào những ngày nghỉ, những chuyến đi nghỉ mát và các hoạt động hội hè khác. Nhưng nghiên cứu này cho thấy các chế độ ăn nhiều chất béo đó có thể can thiệp vào quá trình biến dưỡng của một cá nhân trong một khung thời gian ngắn", ông Hulver nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Obesity. Ông Hulver và các cộng sự dự định sẽ tìm hiểu thêm những tác động lâu dài của sự gián đoạn khả năng biến dưỡng của hệ cơ.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Bỏng ngô gây tác hại gì cho sức khỏe? Bỏng ngô là món ăn ưa thích của trẻ nhỏ và người lớn. Tuy nhiên, tác hại của bỏng ngô đối với sức khoẻ không phải ai cũng biết. Cùng tìm hiểu những tác hại của bỏng ngô. Bỏng ngô được chế biến trong lò vi sóng và ở trong các túi đựng kín. Điều này sẽ gây nguy hại đến sức khoẻ...