Cảnh báo thử thách nguy hiểm trên TikTok khiến người làm theo gãy cổ và tử vong ngay tức khắc
Với sự phổ biến của mạng xã hội TikTok, người dùng mạng đã được cập nhật thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực mà nó mang lại thì cũng có khá nhiều các xu hướng nguy hiểm đang diễn ra trên nền tảng này.
Mới đây, các chuyên gia tại Mỹ đã phải lên tiếng cảnh báo về một thử thách nguy hiểm trên TikTok mà người dùng KHÔNG NÊN LÀM THEO vì có thể dẫn đến các tai nạn nguy hiểm, thậm chí là tử vong ngay lập tức.
Trào lưu đáng sợ nhưng lại được nhiều người làm theo
Theo thông tin trên tờ Daily Mail, thử thách này đã xuất hiện trên TikTok từ vài năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, người tham gia sẽ đi trên một con tàu chạy trên sông hoặc biển với tốc độ cao, phía sau có lắp một chiếc cầu nhảy, sau đó, khi tàu vẫn đang di chuyển, người tham gia sẽ nhảy từ trên chiếc cầu nhảy này xuống mặt nước.
Thường sẽ có nhiều người tham gia cùng lúc và người này sẽ cầm điện thoại hoặc máy ảnh để ghi lại cảnh người kia đang nhảy trong tiếng reo hò, cổ vũ của họ.
Người tham gia sẽ nhảy xuống từ chiếc cầu nhảy khi con tàu di chuyển với tốc độ cao.
Con tàu đi với tốc độ cao sẽ tạo ra một “con đường sóng” trắng xóa và người tham gia sẽ nhảy vào đúng “con đường sóng” này. Nhìn qua thì thử thách này có vẻ rất vui, có tác dụng tạo không khí náo nhiệt trong những kỳ nghỉ hè của một nhóm bạn thân. Chính vì thế, nó đã thu hút được sự chú ý của nhiều bạn trẻ với không ít người lựa chọn tham gia thử thách.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là hành động cực kỳ mạo hiểm vì có thể khiến người tham gia gãy cổ ngay lập tức sau cú nhảy và thậm chí gây tử vong.
Các quan chức ở bang Alabama của Mỹ cho biết trong 6 tháng qua, trào lưu này chính là nguyên nhân gây ra cái chết cho 4 người ở đây. Tất cả các nạn nhân đều bị gãy cổ ngay sau cú nhảy và bị đuối nước.
Chính vì thế, họ đã lên tiếng cảnh báo để nâng cao nhận thức của mọi người.
Video đang HOT
Nhiều người tham gia chỉ để thể hiện trước bạn bè và sống ảo trên MXH.
Những con số biết nói liên quan đến các trào lưu nguy hiểm trên TikTok
Đại úy Jim Dennis tới từ Đội cứu hộ Childersburg phát biểu với hãng tin WPDE: “Trong 6 tháng qua chúng tôi đã có 4 vụ đuối nước mà lẽ ra đều có thể phòng tránh được một cách dễ dàng. Họ đều tham gia một thử thách trên TikTok mà theo đó, bạn lên một con tàu đi với tốc độ cao rồi nhảy xuống phía sau con tàu, bạn không lặn, mà bạn nhảy khỏi tàu trước, sau đó lao xuống mặt nước. Bốn trường hợp được báo với chúng tôi đều là những người nhảy khỏi tàu và bị gãy cổ, đó là những cái chết gần như ngay lập tức”.
“Tôi nghĩ nếu được quay clip thì người ta sẽ có xu hướng thực hiện những hành động điên rồ, vì họ muốn thể hiện trước bạn bè để sống ảo trên mạng xã hội”, ông Jim nói thêm.
Ông Jim cũng cho biết những người tham gia thử thách này ở nhiều lứa tuổi, chứ không chỉ có giới trẻ. Vào tháng 2 năm nay, nạn nhân của trào lưu này là một người cha đã có 3 con. Chính vợ và người thân của nạn nhân cũng có mặt trên tàu và ghi lại cái chết của người này.
Đại úy Jim Dennis tới từ Đội cứu hộ Childersburg
Hãng tin WPDE cho biết vụ việc mới nhất ở Alabama xảy ra vào tháng 5 vừa qua và nạn nhân là một người đàn ông trung niên.
Một đoạn clip được cho là được ghi lại tại Hồ Norman, bang Bắc Carolina cho thấy 5 người nhảy từ cầu tàu xuống nước. Sau khi thông tin về các ca tử vong ở Alabama được đưa ra thì đoạn clip, vốn được chia sẻ từ năm 2021 đã nhận được nhiều bình luận cảnh báo về sự nguy hiểm của nó.
“Thế này thì nguy hiểm chứ hay ho cái gì đâu”, một người viết.
“Quá nguy hiểm. Bốn người đã gãy cổ và tử vong rồi đó, mọi người đừng làm theo nữa”, một người nữa bình luận.
Được biết, đây không phải xu hướng nguy hiểm đầu tiên trên nền tảng này. Đã từng có 2 thiếu niên mất mạng khi tham gia Thử thách Benadryl, trong đó khuyến khích người xem sử dụng liều lượng lớn thuốc kháng histamine để gây ra ảo giác. Các chuyên gia y tế cho biết sử dụng Benadryl quá liều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong trong một số tình huống.
Jacob Stevens, 13 tuổi, tới từ bang Ohio đã tử vong hồi tháng 4 năm nay sau khi Chloe Marie Phillips, 15 tuổi, tới từ bang Oklahoma, cũng tử vong vào tháng 8/2020 sau khi tham gia thử thách.
Ngăn chặn tác động tiêu cực của mạng xã hội: Cần hành lang pháp lý mạnh hơn
Hệ lụy của mạng xã hội đối với cuộc sống xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó lường.
Trào lưu độc hại, video clip nhảm nhí, "câu view" bằng những chiêu trò "sốc, sex, sến", truyền bá tư tưởng và lối sống lệch lạc, phỉ báng, phân biệt giới tính, xúc phạm cơ thể, bắt nạt, bóc lột và lạm dụng trẻ em,... mới chỉ là một số trong vô vàn nội dung nhức nhối và có xu hướng gia tăng.
Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhưng để điều chỉnh các hành vi xã hội theo đúng hướng lại rất cần đến vai trò quản lý của Nhà nước, thông qua hệ thống pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh, đủ tính răn đe để phòng, chống nội dung độc hại, bảo đảm môi trường an toàn cho người dùng mạng.
Nhiều trào lưu độc hại, "xói mòn" đạo đức
Thông tin trên mạng xã hội thường có đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn để dễ dàng "níu kéo" người xem lâu hơn, dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng. Điều đáng lo ngại là thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm duyệt kỹ càng, tràn lan nhiều thông tin giả mạo, thông tin hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo...
Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, lôi kéo những người dân nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội. Ngoài ra, họ cũng lợi dụng các tiện ích của mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, từ đó định hướng dư luận, thậm chí truyền bá lối sống ích kỷ, bạo lực, lừa đảo trên mạng, khiến một bộ phận thanh niên phát triển tư tưởng lệch chuẩn trong lối sống. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trang mạng sử dụng các chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng sự việc, bóp méo bản chất vấn đề, kích thích trí tò mò của công chúng, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi trong dư luận. Với nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động, kích động bạo lực... được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức trên các trang mạng xã hội để tiếp cận tới hàng triệu người dùng, gây ra những luồng thông tin trái chiều làm nhiễu loạn xã hội.
Việc tiếp cận với quá nhiều nội dung xấu, độc hại chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới nhận thức người tiếp nhận. Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xấu, độc trong giai đoạn vừa qua đã góp phần tạo nên sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của không ít người do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt trên chặng đường đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp.
Đặc biệt đối với đối tượng người dùng trẻ, cũng là lực lượng tham gia mạng xã hội đông đảo nhất, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc có thể tác động đến nhóm đối tượng này mạnh mẽ hơn hẳn các nhóm đối tượng khác, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Một số tác động có thể kể tới như làm sai lệch nhận thức của thanh, thiếu niên về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát tán tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,... làm khủng hoảng đời sống thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, những trào lưu độc hại như đùa tình dục, nhảy múa khoe thân, giả vờ nghiện ngập, truyền bá mê tín dị đoan, đặt điện thoại lên tấm che cửa sổ trên máy bay, doạ ma trẻ em,... phổ biến trên Tik Tok thời gian qua có thể làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của một bộ phận thanh, thiếu niên, dẫn tới hậu quả khó lường, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận một loạt ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần của người dùng mạng xã hội khi phải tiếp nhận quá nhiều thông tin độc hại. Nhiều trường hợp tiếp cận với thông tin độc hại đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm, sinh lý của thanh, thiếu niên, thậm chí khiến các em nghĩ quẩn, tìm đến giải pháp đau lòng nhất là tự tử. Một số nghiên cứu liên kết việc sử dụng mạng xã hội với chứng trầm cảm và lo âu, trong khi những nghiên cứu khác lại tìm thấy ít mối liên hệ. Nghiên cứu năm 2018 về đồng tính ở giới trẻ cho thấy mạng xã hội cung cấp cho họ sự xác thực và hỗ trợ nhưng cũng khiến họ tiếp xúc với ngôn từ tiêu cực.
Một tác động đáng lo ngại khác của mạng xã hội là tính "gây nghiện" với người dùng. Từ việc các nền tảng mạng xã hội xây dựng các thuật toán để khiến người dùng dành nhiều thời gian hơn, đến việc những nội dung mạng xã hội được làm ra chỉ với mục đích chính là hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý; điều này khiến người dùng dễ dàng bị lôi cuốn, sa đà vào "biển thông tin" hỗn loạn lúc nào mà không hay biết. Sử dụng mạng xã hội quá nhiều cũng đồng thời khiến người dùng xao nhãng công việc, học hành, tinh thần uể oải, chìm đắm vào thế giới ảo nhiều hơn thế giới thực. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm, sinh lý, mạng xã hội cũng có thể tác động đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Mạng xã hội đang là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đông đảo người dân.
Cần hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn
Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội đặt ra rất nhiều thách thức đối với các nhà làm luật trên toàn thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam, trong việc xây dựng và ban hành các công cụ quản lý, cơ chế kiểm duyệt, chế tài xử phạt kịp thời để ngăn chặn các tác động độc hại đối với người dùng mạng.
Trẻ em dùng mạng xã hội có nguy cơ tiếp cận với nhiều thông tin độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm, sinh lý. (Ảnh: Getty Image)
Theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào ngày 17/06/2021 về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, để phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, cần điều chỉnh hành vi của cả ba nhóm đối tượng, bao gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, tất cả các bên cần phải tuân thủ bốn quy tắc ứng xử chung là "Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin và Trách nhiệm".
Theo Bộ Quy tắc này, ngoài các quy tắc xử sự chung, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong cuộc đấu tranh "làm sạch" mạng xã hội cho thấy, việc thay đổi nhận thức của cả một cộng đồng là một quá trình lâu dài, cần được thực hiện song song với các biện pháp quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đặc biệt trách nhiệm quản lý, tự kiểm duyệt và loại bỏ nội dung độc hại của chính các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Trong thời điểm hiện tại, các chính phủ đang ngày càng thắt chặt các quy định để kiểm soát sự phát triển của mạng xã hội, yêu cầu các nền tảng phải gia tăng các công cụ bảo vệ người dùng, ngăn chặn họ tiếp xúc với các nội dung không mong muốn. Nếu không tuân thủ, các nền tảng này có thể đối mặt với án phạt nặng hoặc thậm chí bị cấm hoàn toàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay chính là hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ, quyết liệt hơn để kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, thông qua các công cụ rà soát, quản lý và kiểm duyệt nội dung hiện đại. Các quy định pháp lý không chỉ dừng ở mức khuyến khích mà còn có các chế tài xử lý nghiêm minh, kịp thời để răn đe, buộc mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ để bảo đảm an ninh, an toàn xã hội tại Việt Nam. Ở một khía cạnh khác, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Do đó, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội rất cần đến công tác tuyên truyền, giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội, nhất là với các đối tượng người dùng là trẻ em, thanh, thiếu niên.
Danh tính bà nội trợ kho cá xếp thẳng tắp có tên lạ, nghe xong liền hiểu vì sao chị kho cá không giống ai Tài khoản Rảnh Thị với trào lưu xếp cá thẳng tắp, một cách giết thời gian vô cùng hiệu quả được nhiều bà nội trợ hưởng ứng. Thời gian gần đây, cộng đồng mạng lại xôn xao trước một tài khoản với cái tên độc đáo: Rảnh Thị. Đây là một một bà nội trợ được nhiều người theo dõi, bắt chước cách...