Cảnh báo thủ đoạn “chế” ma túy từ thuốc cảm cúm
Trong 2 ngày 2 – 3/3/2012, tại Hải Phòng, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012.
Theo Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, năm 2011, đã phát hiện, bắt giữ 18.623 vụ với 26.687 đối tượng có liên quan đến tội phạm về ma túy (tăng hơn 2.500 vụ và 3190 đối tượng so với cùng kỳ). Qua đó, thu giữ 309,16kg; 36 bánh heroin; 76,2kg thuốc phiện; gần 7 tấn cần sa tươi và 500 kg cần sa khô; 121,38kg và 365.988 viên ma túy tổng hợp …
Dùng TIFFY “chế” ma túy
Tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình … còn phát hiện một số vụ đối tượng đã “chiết xuất” thuốc ho, thuốc cảm cúm TIFFY thành methamphetamin, một dạng ma túy gây nghiện.
Điển hình, ngày 18/5/2011, CA tỉnh Thái Bình đã bắt Nguyễn Đức Chơm (quốc tịch Ba Lan), thu giữ 20 lít dung dịch chứa chất Methamphetamin; ngày 9/7/2011, CA tỉnh Thanh Hóa bắt giữ Lê Sỹ Thiệu (Việt kiều Séc) và vợ Lê Thị Thanh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, thu giữ 40 gam ma túy tổng hợp, 380 gam ma túy tổng hợp bán thành phẩm, 58.500 viên và 94 kg thuốc TIFFY cùng nhiều hóa chất, dụng cụ để sản xuất ma túy tổng hợp.
Một số gái mại dâm bị phát hiện
Trên các tuyến biên giới đường bộ, cũng phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn do các đối tượng người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang lẩn trốn ở nước ngoài điều hành. Các đối tượng này hết sức manh động, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ. Điển hình như Lầu Bá Tồng (Nghệ An) dùng súng AK bắn lại lực lượng công an để giải cứu đồng bọn. Tại Đăk Nông, các đối tượng dùng súng chống trả quyết liệt khiến 03 cán bộ chiến sĩ CA bị thương …
Video đang HOT
Gái mại dâm “trẻ hóa”
Tại các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu vực có nhiều tụ điểm vui chơi, du lịch, giải trí như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồ Sơn, Sầm Sơn … hoạt động mại dâm có chiều hướng gia tăng, hoạt động hết sức tinh vi. Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền nhận định, nhiều đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ cao như Internet hình thành các website, biến thành “diễn đàn” bình luận, giới thiệu hoạt động tình dục với hành trăm địa chỉ gái bán dâm; lợi dụng điện thoại di động để nhắn tin mời chào, quảng cáo, thỏa thuận, hò hẹn điểm mua bán dâm.
Ông Hiền cũng cảnh báo tình tình trạng “trẻ hóa” gái bán dâm, đối tượng là người mẫu, ca sỹ, diễn viên, sinh viên, học sinh…. ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, lại xuất hiện thêm loại mại dâm mới: mại dâm cho người già (50-60 tuổi, đã bỏ vợ hoặc vợ chết).
Cần những giải pháp quyết liệt
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần phải coi việc phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tính quyết định thuộc về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các ban ngành liên quan phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, báo cáo đầy đủ, đúng số lượng về người nghiện ma túy, tỷ lệ tái nghiện, số người nhiễm HIV còn sống, số bệnh nhân HIV, số người bán dâm. Cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Phó Thủ tướng kêu gọi các ngành, các cấp cần vào cuộc một cách nghiêm túc, không qua loa, hời hợt, hình thức và thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực này. Đồng thời, huy động sự tham gia và sức mạnh của cộng đồng, đẩy mạnh truyền thông đến mỗi người dân trên mọi miền nhằm nâng cao nhận thức và chuyển biến trong hành động, giảm thiểu những tác động xấu đối với sự phát triển của xã hội…
Gia tăng nhóm nữ giới nhiễm HIV
Mại dâm và tình dục không an toàn đang là nguy cơ tiềm ẩn làm lây nhiễm HIV/AIDS. Tính đến 31/12/2011, cả nước hiện có 197.335 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 48.720 người đang ở giai đoạn AIDS; đã có 52.325 người tử vong do HIV/AIDS. Trong năm qua, cả nước phát hiện được 14.125 trường hợp nhiễm HIV; 6432 bệnh nhân AIDS và có 2413 trường hợp tử vong được báo cáo.
Theo PLVN
Ý kiến Bộ Y tế trước dư luận về tiền chất PSE
Trước thông tin về việc tiền chất Pseudoephedrine (PSE) có trong thành phần của thuốc cảm cúm bị lạm dụng để sản xuất ma túy tổng hợp được dư luận quan tâm, PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Bộ Y tế đang khẩn trương kết hợp cùng cơ quan Công an làm rõ nội dung trên.
Sáng ngày 13/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành (Luật Phòng chống Ma túy năm 2000).
Tiền chất không phải là chất gây nghiện hay ma túy như các báo đã nêu. Tiền chất luôn có tính hai mặt, vừa được buôn bán, sử dụng công khai nhằm phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, song nó cũng dễ bị lợi dụng vào sản xuất ma túy bất hợp pháp. Trên cơ sở thông lệ Quốc tế (Công ước 1988) pháp luật Việt Nam quy định 40 tiền chất cần quản lý, kiểm soát. Bộ Y tế quản lý 8 tiền chất, trong đó có tiền chất Pseudoephedrine, Bộ Công Thương quản lý 32 tiền chất.
Từ nhiều năm qua, trên cơ sở Công ước quốc tế 1988 và pháp luật Việt Nam, Tổ công tác liên ngành kiểm soát tiền chất gồm những đơn vị: Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Cục Hóa chất - Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý kiểm soát tiền chất.
Bộ Y tế đã bắt đầu ban hành Quy chế quản lý tiền chất từ năm 1997. Việc quản lý tiền chất dùng làm thuốc của Bộ y tế trong suốt thời gian qua đến nay là rất chặt chẽ, chưa để xảy ra thất thoát hay bị lạm dụng. Bộ Y tế khẳng định việc cấp phép nhập khẩu trong thời gian vừa qua là chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.
Việc xuất khẩu, nhập khẩu, dự trù mua, bán nguyên liệu, thuốc thành phẩm đều phải được đồng ý của cơ quan quản lý: Ủy Ban phòng chống Ma túy Quốc tế (INCB) Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và Ma túy (Bộ Công an) ...
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phải được gửi Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và Ma túy - Bộ Công an Hải quan cửa khẩu quốc tế nơi tiền chất nhập khẩu hay xuất khẩu và chỉ được xuất khẩu/nhập khẩu qua đúng cửa khẩu này
Sau khi có Giấy phép xuất khẩu hay nhập khẩu, đơn vị, doanh nghiệp trong nước chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu khi có thông báo tiền xuất khẩu (Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu/xuất khẩu, đồng ý cho phép nhập khẩu sau khi được sự đồng ý của Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và Ma túy nước xuất khẩu và nước nhập khẩu).
Về số lượng PSE có tăng hơn so với đầu năm 2010 tập trung các lý do sau: Thuốc thành phẩm ở dạng phối hợp nhập khẩu giảm Thay thế tiền chất Phenylpropanolamine đã bị cấm sử dụng và lưu hành ở Việt Nam Thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường, dịch cảm cúm bùng phát nên nhu cầu sử dụng tăng.
Về thông tin tiền chất Pseudoephedrine có trong thành phần thuốc cảm cúm bị lạm dụng để sản xuất ma túy tổng hợp. Thông tin đăng tải trên báo vừa qua dễ gây hiểu lầm và gây hoang mang cho nhân dân vì tiền chất PSE không phải là chất gây nghiện - ma túy và càng không nên quy đổi lượng tiền chất PSE dùng để sản xuất thuốc cảm cúm ra lượng ma túy, viết như vậy sẽ làm cho nhiều người không dám sử dụng thuốc cảm cúm dùng để chữa bệnh. Các nhà sản xuất, kinh doanh không muốn kinh doanh các sản phẩm cảm cúm có chứa tiền chất PSE và sẽ dẫn đến không đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời triệt tiêu sản xuất thuốc trong nước và có thể có nguy cơ buôn lậu qua biên giới gây khó khăn cho công tác quản lý.
Mặt khác, thông tin trên báo như vừa qua cũng dễ làm cho các tổ chức quốc tế hiểu không đúng về công tác quản lý tiền chất của cả hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng có sự tăng đột biến, đó mới chỉ là suy diễn, chưa có cơ sở vì hiện nay chưa có bằng chứng về việc tăng là do tội phạm ma túy lạm dụng và chưa có khảo sát nhu cầu của nhân dân về thuốc cảm cúm.
Trước thông tin có sự lạm dụng chiết tách chất PES đang được Bộ Y tế và Cơ quan Công an điều tra và làm rõ.
Theo Dân Trí