Cảnh báo thiếu hụt lương thực do giá phân bón tăng vọt
Giá phân bón tăng vọt buộc nông dân trên toàn thế giới phải dùng ít đi và thu hẹp diện tích đất gieo trồng, dẫn đến một số chuyên gia nông nghiệp cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lương thực.
Một nhà kho lúa mì tại Hasbaya, nam Liban, ngày 28/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nước xuất khẩu chính kali, amoniac, u-rê và các chất dinh dưỡng khác của đất, đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu các nguyên liệu đầu vào quan trọng này trên thế giới.
Phân bón là nguyên liệu chủ chốt để giúp ngô, đậu tương, gạo và lúa mỳ đạt sản lượng cao. Các nhà trồng trọt đang phải cố gắng điều chỉnh tình hình.
Sự thay đổi này có thể nhận thấy tại cường quốc nông nghiệp Brazil, khi người nông dân bón ít phân bón hơn cho cây ngô, và một số nhà lập pháp đang thúc đẩy việc mở rộng các vùng đất được bảo vệ để khai thác kali.
Tại Zimbabwe và Kenya, các hộ nông dân nhỏ hơn đang quay lại sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Trong khi đó tại Canada, một hộ nông dân trồng cây cải dầu đã dự trữ phân bón cho mùa vụ năm 2023 với dự đoán giá còn cao hơn trong tương lai.
Các hộ nông dân ở các nước khác trên thế giới cũng đang thực hiện các biện pháp tương tự. Hãng tin Reuters đã trò chuyện với các nhà sản xuất ngũ cốc, các nhà phân tích nông nghiệp, các nhà giao dịch và các nhóm nông trại trên thế giới, tất cả đều bày tỏ sự quan ngại về chi phí và nguồn cung phân bón.
Theo số liệu của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chi phí phân bón tại nước này dự kiến sẽ tăng 12% trong năm nay, sau khi tăng 17% trong năm 2021.
Một số hộ trồng trọt đang tìm cách chuyển đổi sang cây trồng cần ít chất dinh dưỡng hơn. Một số hộ có kế hoạch canh tác ít hơn, còn một số hộ cho biết họ sẽ sử dụng ít phân bón hơn. Một chuyên gia cây trồng dự đoán điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 19/3, Peru đã thông báo tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực nông nghiệp do lo ngại mất an ninh lương thực. Thông báo này cho biết diện tích đất trồng trọt của nước này đã giảm 0,2% kể từ tháng 8/2021 do giá phân bón tăng và lượng ngũ cốc Peru nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi cũng giảm do lo ngại vấn đề chi phí. Chính phủ Peru hiện đang soạn thảo một kế hoạch nhằm tăng nguồn cung thực phẩm trong nước.
Giá phân bón thế giới vốn đã ở mức cao trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, do giá khí đốt tự nhiên và giá than cao kỷ lục buộc một số nhà sản xuất phân bón cắt giảm sản lượng tại lĩnh vực “đói” năng lượng đó.
Các quốc gia phương Tây đã phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga. Ngoài ra, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã hỗ trợ cho chiến dịch của Nga.
Ngân hàng Rabobank của Hà Lan cho biết Nga và Belarus chiếm tổng cộng hơn 40% tổng lượng kali xuất khẩu toàn cầu trong năm 2021, một trong ba chất dinh dưỡng quan trọng được sử dụng để tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, Nga chiếm khoảng 22% lượng amoniac, 14% lượng urê và khoảng 14% monoammonium phosphate (MAP), tất cả các loại phân bón chủ chốt xuất khẩu của thế giới.
Các biện pháp trừng phạt đã làm gián đoạn việc bán phân bón và cây trồng từ Nga. Nhiều ngân hàng và thương nhân phương Tây đang “né” nguồn cung từ Nga do lo sợ vi phạm các quy tắc đang thay đổi nhanh chóng, trong khi các công ty vận tải biển đang tránh khu vực Biển Đen do lo ngại về an toàn.
Những điều này trở thành đòn giáng vào nguồn cung ứng lương thực toàn cầu đang mong manh.
Các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen đã bị gián đoạn. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN
Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc lớn. Hai nước này chiếm khoảng 30% lúa mỳ và 20% ngô xuất khẩu trên thế giới. Các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen đã bị gián đoạn. Việc giao hàng bị đình trệ từ hai nước này đã góp phần thúc đẩy lạm phát lương thực toàn cầu tăng phi mã.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết một số nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mỳ trong thời gian ngắn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Ukraine. Tuy nhiên, Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cho rằng cuộc khủng hoảng phân bón đáng lo ngại hơn bởi nó có thể kìm hãm sản xuất lương thực ở các nước khác trên thế giới.
Theo ông Torero, nếu không giải quyết được vấn đề phân bón, và việc buôn bán phân bón không tiếp diễn, thế giới sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng với nguồn cung lương thực trong năm 2023./.
Giá phân bón tăng vọt làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu
Các biện pháp trừng phạt mới nhất áp dụng đối với Nga và Belarus đã khiến giá phân bón toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại.
Hai quốc gia này là những nhà xuất khẩu kali lớn, rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp toàn cầu vốn đang lao đao vì những gián đoạn liên quan đến đại dịch.
Giá phân bón thế giới đang tăng phi mã do những bất ổn nguồn cung và giá khí đốt tăng cao.
Tuần trước, giá phân bón đã tăng gần 10% lên mức cao nhất từng được ghi nhận, theo Chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets. Chỉ số cho thấy giá phân bón hiện tại cao hơn 40% so với một tháng trước, trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Giá amoniac, nitơ, kali, urê, phốt phát, sunfat và nitrat cũng đã tăng 30% kể từ đầu năm, vượt qua cả mức cao nhất từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mức tăng đối với phân bón là do bị ảnh hưởng phần nhiều bởi nguồn cung từ Nga và Belarus. Được biết, Nga và Belarus là những nhà xuất khẩu lớn một số hợp chất bón phân quan trọng, bao gồm urê và kali. Giá urê đã tăng 60% kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai nước. Ví dụ, giá urê hạt đục tại Nola (Mỹ) đang giao dịch ở mức cao nhất trong 34 năm là 880 USD/tấn so với mức 182 USD được ghi nhận vào năm 2020.
Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lớn thứ hai về cả phân bón kali và phân lân, chiếm 14% xuất khẩu phân bón toàn cầu, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.
Thương mại giữa Nga và phần còn lại của thế giới đã bị gián đoạn nghiêm trọng từ sau cuộc tấn công Ukraine, và sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên các thị trường thực phẩm toàn cầu, theo CRU.
Các nền kinh tế trên thế giới đã và đang đối phó với tình trạng lạm phát cao trong lịch sử chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt. Chỉ số Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc cho thấy giá lương thực đang ở mức cao nhất mọi thời đại, nên tình trạng thiếu phân bón kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất canh tác dài hạn.
Trưởng bộ phận Phân bón của CRU Chris Lawson chia sẻ với CNBC: "Với thị trường ngũ cốc và hạt có dầu vốn đã eo hẹp, cũng như tầm quan trọng của cả Nga và Ukraine trong các thị trường đó, lạm phát giá lương thực là một nguy cơ ngày càng nổi bật".
Giá phân bón tăng cao cũng trở nên trầm trọng hơn do chi phí khí đốt tự nhiên tăng, vì khí đốt là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón gốc nitơ. Giá năng lượng đã tăng vọt trong bối cảnh EU có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga và các lệnh cấm do Mỹ và một số quốc gia khác áp đặt.
Không những vậy, tình hình cũng đang trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Trung Quốc, chủ yếu là nitơ và phốt phát. Biện pháp này có hiệu lực vào tháng 6/2022, được thực hiện nhằm hạn chế việc tăng giá lương thực trong nước.
Hơn nữa, tranh chấp lao động tại Đường sắt Thái Bình Dương của Canada dự kiến sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi logistic toàn cầu. Nutrien của Canada, nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, cho biết họ có thể khắc phục được tình trạng ngưng vận chuyển hàng hoá trong vài ngày, nhưng nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn, công ty sẽ phải cân nhắc tới việc giảm tốc sản xuất kali.
Trước nhiều nguy cơ liên quan tới nguồn cung phân bón và giá cả leo thang, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã cảnh báo "tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng" cho hàng chục quốc gia trải dài khắp Châu Mỹ Latinh, Trung Phi, Trung Đông và Trung Á do xung đột và điều kiện môi trường thất thường.
David M. Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cũng nói với The New York Times rằng thế giới đang trên bờ vực của tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ Hai.
Trước đó, trong một nghiên cứu hồi đầu tháng, Giám đốc Barclays Anh, nhà kinh tế cao cấp châu Âu Fabrice Montagné và Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Christian Keller cũng cảnh báo rằng quy mô và cường độ cú sốc nguồn cung phân bón có thể gây ra những tác động như cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 và trở thành mồi lửa cho những bất ổn kinh tế, chính trị và bất ổn xã hội ở các quốc gia, cả ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa nếp tăng mạnh Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, riêng lúa nếp có sự tăng giá mạnh. Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN Tại An Giang, hầu hết các loại lúa đều có giá ổn định so với tuần trước. Cụ thể: lúa tươi IR 50404 ở mức từ...