Cảnh báo rủi ro liên quan đến ‘hộ chiếu vaccine’
Trong nỗ lực nhằm mở cửa lại nền kinh tế, chính phủ và các hãng phát triển công nghệ trên khắp thế giới đang xem xét khả năng phục hồi kinh tế thông qua sử dụng “ hộ chiếu vaccine” xác định những người được bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, các hãng công nghệ cũng cho rằng những công cụ này có thể gây ra một số hậu quả như sự kỳ thị xã hội đối với nhóm người không được tiêm vaccine, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp cân nhắc kỹ về cách thức sử dụng chúng.
Trong bối cảnh ngành du lịch và giải trí đang gặp nhiều khó khăn khi các nước áp đặt quy định giãn cách xã hội, các ngành này đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để nhanh chóng phát hiện những người đã được bảo vệ khỏi virus. Trong số các hãng công nghệ phát triển “hộ chiếu vaccine”, công ty sinh trắc học iProov và công ty an ninh mạng Mvine là hai doanh nghiệp được chính phủ tài trợ và có sản phẩm được cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh kiểm tra.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của iProov, ông Andrew Bud cho rằng thông tin trên hộ chiếu vaccine không cần danh tính, mà chỉ cần xác nhận người mang hộ chiếu đã được tiêm phòng hay chưa và đặc điểm ngoại hình.
Theo ông Andrew Bud, một số nước đang triển khai các giấy chứng nhận tiêm vaccine, trong khi tại Mỹ, các loại giấy phép y tế cá nhân đang được sử dụng cho những khán giả tham gia các sự kiện thể thao. Tuy nhiên, ông cảnh báo các chứng nhận tiêm vaccine có thể gây ra nhiều vấn đề chính trị – xã hội như nạn phân biệt đối xử, tình trạng đặc quyền và sự kỳ thị đối với nhóm người trẻ tuổi do họ sẽ là nhóm cuối cùng trong danh sách tiêm phòng.
Ông Andrew Bud nhấn mạnh nhiệm vụ của các hãng công nghệ là cung cấp nền tảng cơ bản để tạo ra hộ chiếu vaccine và các loại chứng nhận liên quan, chứ không đánh giá xem đó có phải là ý tưởng tốt hay không, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ đang cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng công nghệ này.
Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định việc xác nhận tình trạng tiêm vaccine có thể giúp ích cho hoạt động kinh tế đêm, hiện là nguồn sinh kế của khoảng 420.000 người tại miền Bắc thành phố Manchester, phía Bắc vùng England. Ông Sacha Lord, cố vấn công nghiệp và là nhà đồng sáng lập lễ hội âm nhạc Parklife của thành phố này cho biết ban tổ chức đang phải tìm cách để lễ hội hoạt động bình thường trở lại. Ông chia sẻ mặc dù đã có nhiều thử nghiệm liên quan đến các buổi hòa nhạc đảm bảo giãn cách xã hội, song chúng không thực sự khả quan về mặt tài chính. Ông cho rằng không nên buộc người dân tham gia chương trình hộ chiếu vaccine, thay vào đó nên sử dụng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19.
Hoạt động tại sân bay lớn nhất nước Đức giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ
Ngày 18/1, đơn vị vận hành sân bay Frankfurt của Đức (Fraport) thông báo số lượng hành khách mà sân bay này phục vụ trong năm 2020 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980 trong bối cảnh ngành du lịch lữ hành chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Frankfurt, Đức, ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, Fraport cho biết trong năm 2020, sân bay lớn nhất tại Đức phục vụ 18,8 triệu hành khách, giảm 73% so với năm 2019 và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1984. Giao thông hàng không ngừng trệ trong thời gian từ tháng 4-6/2020 do tác động của các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh đầu tiên, khiến lưu lượng hành khách sử dụng sân bay Franfurt giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoài. Hoạt động của sân bay bắt đầu hồi phục trong quý III/2020 nhưng sau đó lại giảm so các biện pháp hạn chế được tăng cường nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh thời điểm cuối năm.
Chỉ riêng trong tháng 12/2020, lưu lượng hành khách của sân bay Franfurt đã giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức chỉ khoảng hơn 890.000 người. Dù vậy, vận tải hàng hóa là một điểm sáng hiếm hoi trong năm 2020, với khối lượng vận chuyển chỉ giảm 8,3% trong năm này.
Giám đốc điều hành của Fraport Stefan Schulte cho rằng năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn với toàn ngành giao thông hàng không. Mùa Hè năm 2020, công ty thông báo cắt giảm từ 3.000 đến 4.000 việc làm, tương đương 15% toàn lực lượng lao động của công ty. CEO của Fraport nhấn mạnh việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp khôi phục hoạt động của công ty, đồng thời tin tưởng rằng lưu lượng hành khách tại sân bay Franfurt sẽ hồi phục ấn tượng trong nửa cuối của năm 2021. Tuy nhiên, CEO này thận trọng cảnh báo rằng năm 2021 sẽ vẫn là năm khó khăn khi lưu lượng giao thông hàng không sẽ chỉ phục hồi lên mức khoảng 35-45% lưu lượng năm 2019.
Các hãng hàng không lớn nhất ở Đức cũng là nhóm chịu hậu quả nặng nề nhất. Hãng hàng không hàng đầu của Đức là Lufthansa và hãng lữ hành TUI, lớn nhất tại châu Âu, đều đã phải nhờ đến các chương trình cứu trợ của Chính phủ Đức để duy trì hoạt động trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.
COVID-19 tại ASEAN hết 10/12: Toàn khối phát sinh 11.001 ca bệnh; Ca mắc mới ở Malaysia cao kỷ lục Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 10/12, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 11.001 ca mắc COVID-19 và 219 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.291.889 ca, trong đó 29.761 người tử vong. Có 4 quốc gia có số ca mắc mới trên 1.000 ca ở ASEAN trong ngày 10/12 là: Indonesia, Philippines, Malaysia...