Cảnh báo những trò lừa đảo trên mạng xã hội dịp Tết
Dịp Tết đến xuân về cũng là thời điểm những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội nở rộ. Những món quà trúng thưởng hấp dẫn bỗng dưng từ trên trời rơi xuống đã khiến không ít người sập bẫy bọn lừa đảo giấu mặt…
Muôn mặt bẫy trúng thưởng
Hai nạn nhân của trò lừa đảo trúng thưởng trên mạng là anh Nguyễn Văn Tráng và Phạm Ngọc Hùng ở Hà Nội cho biết, bất ngờ các anh nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng từ một tài khoản trong hệ thống trò chơi trên website Garena.vn với nội dung thông báo tài khoản của anh Tráng và anh Hùng là 1 trong 100 tài khoản may mắn trúng thưởng chương trình tri ân của Garena.
Tin nhắn hướng dẫn để biết chi tiết về phần thưởng thì đăng nhập vào website: www.sukienonline-garena.com. Khi truy cập vào website này theo hướng dẫn, 2 anh thấy xuất hiện hộp hội thoại với nội dung: “Hệ thống Garena chào mừng bạn đến với website sukienonline-garena.com”, “Hệ thống nhận quà cùng sự kiện đang diễn ra trên Garena Việt Nam”, sau đó hiện giao diện đăng nhập giống với giao diện đăng nhập của website Garena.vn (website của Công ty Giải trí và thể thao điện tử Việt Nam).
Thực hiện các thao tác đăng nhập, anh Tráng và Hùng thấy trong web có đăng thông báo khuyến mại khi nạp thẻ qua website sẽ nhận được quà của chương trình tri ân khách hàng gồm: Các gói quà trong game online của hệ thống Garena và tài khoản điện thoại đăng ký để nhận trúng thưởng sẽ nhận được x10 giá trị thẻ cào (trong đó 50% giá trị thẻ cào được x10 vào tài khoản chính, 10% giá trị thẻ cào được x10 vào tài khoản khuyến mại) và giá trị tương ứng khi mua các gói quà ưu đãi.
Cảnh sát công nghệ cao đấu tranh với các đối tượng.
Tin là mình trúng thưởng, hai anh đã mua thẻ cào điện thoại nạp vào website như hướng dẫn. Kết quả là việc nạp thẻ thì thành công, nhưng chờ mãi chẳng thấy quà trúng thưởng đâu. Liên hệ tổng đài chính thức của Công ty Giải trí và thể thao điện tử Việt Nam, hai anh mới biết đã sập bẫy lừa đảo bởi công ty không có chương trình khuyến mại nào và cũng không có website www.sukienonline-garena.com.
Sau khi anh Nguyễn Văn Tráng và Phạm Ngọc Hùng trình báo, Đội 3 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, làm rõ “tác giả” của chương trình trúng thưởng lừa đảo trên là Nguyễn Trường Xuân (19 tuổi, ở Duy Xuyên, Quảng Nam), đang là sinh viên công nghệ thông tin một trường cao đẳng công nghệ tại Đà Nẵng.
Theo khai nhận của Nguyễn Trường Xuân, cuối năm 2015, khi chơi game tại một quán Internet ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, Xuân thấy nhiều khách chơi tại quán lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lập các website giả mạo các đơn vị phát hành game gửi tin nhắn trúng thưởng lừa người chơi nạp thẻ nên đã học cách làm theo. Xuân mua tên miền hethongriot-garena.com với giá 50.000 đồng, thuê đối tượng quản trị xây dựng website giả mạo giống với giao diện của website Garena.
Trên website đăng tải thông tin nạp thẻ được hưởng gấp 10 lần giá trị thẻ nạp và các vật phẩm có giá trị trong game giá 500.000 đồng. Sau khi khách hàng đăng nhập tài khoản, mật khẩu thì website sẽ tự động gửi thông tin này vào hộp thư điện tử của Xuân.
Để rút tiền của khách hàng, Xuân sử dụng một số điện thoại lập tài khoản “lam giau thoi” trên website Vippay.vn và tích hợp vào website lừa đảo. Khi khách hàng nạp thẻ cào điện thoại vào website thì website tự động nạp vào tài khoản vippay này. Sau đó Xuân dùng tài khoản ngân hàng kết nối với tài khoản vippay để rút tiền.
Lúc đầu, Xuân dùng các tài khoản game garena ở quán Internet để gửi tin nhắn spam thông báo cho các tài khoản khác với nội dung “Bạn đã nhận được phần quà trên hệ thống garena, click vào đường link để xem chi tiết gói quà”. Sau khi người chơi cả tin đăng nhập và bị Xuân chiếm đoạt thông tin tài khoản cũng như thẻ cào điện thoại, Xuân còn dùng chính tài khoản game của người bị hại để tiếp tục spam tin nhắn trúng thưởng đến các tài khoản khác.
Đến tháng 6-2016, website hethongriot-garena.com bị chặn do các nhà cung cấp trình duyệt web phát hiện việc lừa đảo, Xuân tiếp tục mua tên miền khác để hoạt động lừa đảo. Trong quá trình hoạt động, cứ một website bị đóng, Xuân lại lập một website khác. Tổng cộng Xuân đã lập và quản trị 6 website gồm: hethongriot-garena.com, sukienonline-garena.com, phatquaonlinegarena.com, game24hgarena.com, toppaygarena.com, riotgamesgarena.com để chiếm đoạt 1.410 thẻ cào điện thoại trị giá gần 92 triệu đồng và 66.000 tài khoản game garena của người chơi.
Theo PC50 Công an Hà Nội, hành vi của Nguyễn Trường Xuân có dấu hiệu của tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS. Vụ việc đang được Đội 3 PC50 phối hợp Công an TP Đà Nẵng điều tra, xử lý theo pháp luật.
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội khuyến cáo, dịp tết Nguyên đán chính là thởi điểm các đối tượng lừa đảo trên mạng tung ra các chiêu trò lừa đảo bẫy người sử dụng. Phổ biến nhất vẫn là thủ đoạn thông báo chương trình khuyến mại nạp thẻ cào điện thoại x10 giá trị thẻ nạp; thủ đoạn gọi điện thoại, nhắn tin trên mạng xã hội lừa đảo trúng thưởng các phần quà có giá trị, sau đó yêu cầu chuyển tiền, nạp thẻ cào điện thoại rồi chiếm đoạt. Các đối tượng gọi điện thoại giả danh là giám đốc, phó giám đốc hay nhân viên các ngân hàng có uy tín, các nhà mạng… thông báo với bị hại đã trúng thưởng các giải thưởng có giá trị như xe máy SH, sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng… sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền bằng mã thẻ cào để làm thủ tục nhận giải, chi phí vận chuyển.
Ngoài ra còn thủ đoạn thông tin có người thân làm việc tại công ty xổ số cho trúng lô đề. Các đối tượng đánh vào tâm lý muốn trúng thưởng của bị hại, tự xưng có người nhà làm ở công ty xổ số muốn kết hợp làm ăn với bị hại. Đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, chuyển thẻ cào điện thoại rồi cung cấp số trúng thưởng để đánh lô đề, sau đó chiếm đoạt tiền và thẻ cào hoặc cung cấp số không trúng thưởng.
Video đang HOT
Bẫy trúng thưởng trên mạng xã hội đánh vào lòng tham của người sử dụng.
Thực ra, những trò lừa đảo này không mới, chỉ là “bình mới rượu cũ”. Bản chất của các trò lừa trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… từ đầu năm 2015 đến nay vẫn là lừa đảo trúng thưởng, lừa đảo khuyến mại nạp thẻ. Đặc biệt trong những ngày giáp tết, đầu năm mới, chiêu lừa thông báo trúng thưởng qua hình thức nhắn tin, gửi thư, email càng rộ lên nhằm lừa gạt tiền của những ai nhẹ dạ, cả tin.
Tuy nhiên, sau khi các trò lừa cũ bị lật tẩy, các đối tượng không ngừng thay đổi phương thức trúng thưởng, thay đổi quà trúng thưởng, thay đổi liên tục địa chỉ website lừa đảo… để đánh vào lòng tham trước mắt của người sử dụng. Tâm lý người Việt muốn gặp may mắn trong dịp năm mới chính là “điểm yếu” để những kẻ lừa đảo bám vào, tung ra các chiêu trò lừa người sử dụng mạng.
Cảnh giác mua hàng online
Theo Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội 3 PC50 Công an Hà Nội, thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian gần đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo bán hàng online hoạt động, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Thủ đoạn của các đối tượng là yêu cầu chuyển tiền nhưng không giao hàng theo thỏa thuận, giả mạo trang web, Facebook bán hàng để chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lập ra tranh fanpage giả mạo các trang bán hàng online uy tín, rao bán các sản phẩm có giá trị như quần áo thời trang, túi xách, điện thoại, vé máy bay, bàn ghế, mỹ phẩm… Khi bị hại mua hàng, đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.
Dịp trước và sau tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lập các trang web giả mạo để lừa bán vé tàu, vé máy bay. Cuối tháng 12-2016, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát hiện một loạt trang web có tên miền gần giống với website của ngành đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé Đường sắt Việt Nam cung cấp để trục lợi.
Khi hành khách liên hệ đặt vé thông qua các website giả mạo, chủ các website này sẽ lấy thông tin của họ, sau đó vào website của ngành Đường sắt đặt mua vé rồi gửi mã vé cho hành khách và lấy giá cao gấp nhiều lần.
Đối với vé máy bay cũng vậy, càng vào dịp lễ tết, các website giả mạo bán vé ngày càng nhiều. Cảnh báo của ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA thì các website giả mạo tên các hãng hàng không tại Việt Nam chỉ khác biệt duy nhất 1 chữ cuối, thậm chí chỉ khác 1 chữ cái “s”. Không ít khách hàng mua vé máy bay tại các trang giả mạo này đã bị mua vé hết hạn hoặc vé giả.
Những ngày giáp tết Đinh Dậu, một trò lừa đảo mới xuất hiện là gọi điện thoại thông báo trúng quà tặng, yêu cầu trả phí chuyển hàng hàng trăm ngàn đồng hay trúng thưởng phiếu mua điện thoại xịn nhưng phải đóng thêm một khoản tiền để nhận về 1 chiếc điện thoại rởm. Nạn nhân là chị Phạm Thu H. ở Thanh Xuân, Hà Nội vào chiều 5-1 vừa qua đã nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên công ty sản phẩm Việt có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thông báo chị H. trúng thưởng 1 phần quà của công ty trong chương trình quà tặng cuối năm gồm toàn hàng nhập ngoại: 1 chai nước hoa Chanel, 1 máy đuổi muỗi, 1 bộ mặt nạ đắp mặt. Nhân viên này xin tên, địa chỉ để chuyển quà qua đường chuyển phát nhanh và yêu cầu chị H. thanh toán cước phí chuyển phát là 280.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì địa chỉ công ty mà đối tượng thông báo chỉ là địa chỉ “ma”.
Một trò lừa tương tự như vậy là giả mạo các kênh truyền hình bán hàng, các công ty (lấy địa chỉ “ma”) thông báo lừa người dân trúng thưởng phiếu quà tặng mua điện thoại thông minh đắt tiền, tuy nhiên phiếu quà tặng không đủ nên yêu cầu người trúng thưởng gửi thêm tiền mặt để gửi điện thoại về, sau đó chiếm đoạt tiền, hoặc chỉ gửi điện thoại rởm…
Cảnh sát công nghệ cao Công an TP Hà Nội khuyến cáo, thủ đoạn lừa đảo trên mạng của các đối tượng ngày càng tinh vi, đòi hỏi người sử dụng Internet và mạng xã hội phải cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình. Do chủ quan, không coi trọng bảo mật thông tin cá nhân niên nhiều người thường sử dụng cùng một tên tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau. Chỉ cần để lộ những thông tin này trên một dịch vụ có thể khiến người dùng mất quyền kiểm soát đối với tất cả tài khoản số của mình.
Tại Việt Nam hiện nay, mỗi ngày có hàng triệu người kết nối Internet để mua sắm, thực hiện các giao dịch ngân hàng. Đặc biệt dịp lễ, tết là thời điểm các trang web bán hàng trực tuyến tung ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh việc đề phòng các website giả mạo thì người dùng cần tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, đặc biệt không tiết lộ mã PIN tài khoản. Máy tính và điện thoại thông minh khi kết nối Internet cần được bảo vệ bằng các phần mềm bảo mật cập nhật nhất và phần mềm chống virus có bản quyền. Lựa chọn các trang web, Facebook bán hàng có uy tín và đã được kiểm chứng.
Đối với các chương trình khuyến mại, trúng thưởng khi nạp thẻ cào, theo quy định của Nhà nước, giá trị khuyến mại thẻ nạp không vượt quá 50%. Do đó khi nhận thông tin từ trang điện tử lạ, không chính thống hoặc tin nhắn từ số không phải của nhà mạng, người dùng cần cảnh giác kiểm tra, không làm theo hướng dẫn ngay. Bên cạnh đó, các cuộc gọi nhỡ từ số máy cố định hoặc di động lạ cũng có thể là cái bẫy tinh vi bởi khi gọi lại sẽ bị trừ cước với giá rất cao.
(Theo Công An Nhân Dân)
Tội phạm trình độ cao có xu hướng gia tăng
Có kiến thức về công nghệ thông tin, hiểu biết về pháp luật, xã hội nhưng không ít người đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học đã sử dụng "chất xám" của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tội phạm công nghệ cao là giới trẻ có xu hướng gia tăng đang là một thực trạng đáng buồn hiện nay về lối sống hưởng thụ, muốn làm giàu nhanh bất chấp đạo đức và pháp luật...
Các đối tượng kinh doanh web đen tại cơ quan Công an.
Làm giàu từ giấy khám sức khỏe giả
"Hầu hết những vụ án sản xuất và buôn bán giấy khám sức khỏe giả do đơn vị khám phá, các đối tượng tham gia đều là trí thức trẻ, đang là sinh viên hoặc là cử nhân các trường đại học. Một số đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không ít đối tượng kinh tế khá giả, có công việc ổn định và thu nhập cao vẫn tham gia vào việc làm bất hợp pháp này. Quá trình xác minh, làm rõ nhân thân của các đối tượng, chúng tôi thấy hết sức đáng tiếc cho những trí thức trẻ như vậy" - đồng chí Lê Khắc Trường, Đội phó Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội chia sẻ.
Dẫn chứng cho nhận định này, Đội phó Lê Khắc Trường cho biết ngày 11-1 vừa qua, PC50 Công an Hà Nội đã khám phá ổ nhóm 4 đối tượng chuyên sản xuất, buôn bán giấy khám sức khỏe giả giấy của Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương, chuyển CQĐT khởi tố vụ án về tội "Làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức".
Theo đó, đối tượng cầm đầu ổ nhóm này là Ngô Quang Bình (26 tuổi, quê Bắc Giang, tạm trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và 3 đồng phạm là Nguyễn Kim Anh (32 tuổi, ở phường Thịnh Quang, Đống Đa); Nguyễn Đăng Hiếu (26 tuổi, ở khu liền kề đô thị Mỗ Lao, Hà Đông) và Nguyễn Văn Minh (24 tuổi, quê Hà Nam, ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội).
Thông tin từ cơ quan Công an, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Ngô Quang Bình rất chăm học và học giỏi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dược hệ chính quy, Bình mở một công ty kinh doanh tân dược. Tuy nhiên, việc làm ăn không thuận lợi, công ty làm ăn thua lỗ, Bình phải "cắm" sổ đỏ của gia đình để trả nợ. Khoản nợ trên 400 triệu đồng khiến Bình làm liều.
Nắm được nhu cầu nhiều người cần mua giấy khám sức khỏe, Bình đã chọn cách kiếm tiền và làm giàu từ việc sản xuất giấy khám sức khỏe giả mạo Bệnh viện GTVT Trung ương rồi bán buôn cho các đối tượng kinh doanh giấy tờ giả trên Internet.
Đầu tháng 10-2016, Ngô Quang Bình lên mạng đặt mua "đồ nghề" làm giấy tờ giả gồm 1 dấu tròn và 8 dấu chức danh của các bác sỹ Bệnh viện GTVT. Sau đó Bình lấy mẫu giấy khám sức khỏe của bệnh viện này, photo thành nhiều bản, tự ký và đóng dấu chức danh các bác sỹ vào mục khám, ký tên lãnh đạo bệnh viện và đóng dấu tròn, để trống thông tin người khám sức khỏe. Những giấy khám sức khỏe khống này được Bình bán buôn với giá 40.000 đồng/tờ khổ A3 và 20.000 đồng/tờ khổ A4.
Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Đăng Hiếu và Nguyễn Văn Minh là 3 "đại lý" chính tiêu thụ thường xuyên giấy khám sức khỏe giả do Bình sản xuất. Các đối tượng này đã lập một loạt tài khoản Facebook rao bán giấy khám sức khỏe giả, đăng tin quảng cáo kèm số điện thoại để liên lạc, giao dịch. Nội dung quảng cáo bán giấy khám sức khỏe hết sức hấp dẫn như khách hàng không cần chờ đợi, xếp hàng làm thủ tục, chỉ sau 30 phút đã có được giấy khám sức khỏe như ý muốn, đảm bảo có đầy đủ dấu đạt chuẩn của Bộ Y tế.
Giấy khám sức khỏe giả được Kim Anh, Hiếu và Minh bán với giá 50.000 đồng/giấy khổ A4, 100.000 đồng/giấy khổ A3. Nếu khách yêu cầu đóng dấu giáp lai ảnh, chỉ cần gửi ảnh qua email cho các đối tượng, sau đó ảnh được chuyển lại cho Ngô Quang Bình để đóng dấu. Giá giấy khám sức khỏe khổ A3 có ảnh giáp lai là 140.000 đồng/tờ. Các đối tượng thường chọn địa điểm giao dịch tại quán cà phê. Nếu khách yêu cầu mang đến tận nơi, các đối tượng sẽ thuê shipper giao "hàng". Khách ở tỉnh ngoài sau khi chuyển tiền sẽ được gửi giấy khám sức khỏe giả qua dịch vụ bưu điện.
Các đối tượng sử dụng Facebook để rao bán giấy tờ giả.
Ngày 21-12-2016, khi 4 đối tượng Bình, Kim Anh, Hiếu, Minh đang tụ tập tại một quán cà phê trên phố Hoàng Ngân (quận Thanh Xuân) để giao dịch, mua bán giấy khám sức khỏe giả đã bị PC50 phối hợp PC45 và Công an quận Thanh Xuân kiểm tra, bắt giữ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Ngô Quang Bình, Cơ quan công an thu giữ tang vật gồm 1 dấu tròn ghi tên Bệnh viện GTVT Trung ương, 8 dấu chức danh của các bác sĩ, hàng trăm giấy khám sức khỏe khống đã được ký, đóng dấu sẵn.
Theo cán bộ Đội 4 PC50, đáng chú ý trong ổ nhóm sản xuất, buôn bán giấy khám sức khỏe trên, cả 4 đối tượng tham gia đều là trí thức, tốt nghiệp đại học. Ngoài Ngô Quang Bình có hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn lại 3 đối tượng Kim Anh, Hiếu và Minh đều có kinh tế khá giả. Minh và Hiếu tốt nghiệp một trường đại học chuyên về công nghệ thông tin, hiện đang làm quảng cáo trên mạng Internet với thu nhập khá, từ 10-20 triệu đồng/tháng. Riêng Hiếu được gia đình mua riêng cho một căn hộ liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao, cuộc sống khá sung túc.
Do làm công việc quảng cáo nên khi lập các trang Facebook bán giấy khám sức khỏe giả, Hiếu và Minh đã sử dụng "công nghệ cao" vào việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, làm tăng lượng người truy cập. Chính vì thế chỉ trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều người biết và đặt mua giấy khám sức khỏe giả của các đối tượng để phục vụ các thủ tục hồ sơ như xin việc, thi sát hạch lái xe, đi du học...
Lý do tham gia mua bán giấy tờ giả trên mạng của các đối tượng này, chính là việc kiếm tiền bất chính quá nhanh, quá dễ, không mất nhiều thời gian và công sức đầu tư. Chỉ cần ngồi một chỗ, đăng tin quảng cáo trên Facebook và giao dịch qua Intenet, qua điện thoại, ngày "đắt hàng", mỗi đối tượng có thể thu về vài triệu đồng. Đây cũng chính là lý do khiến buôn bán giấy khám sức khỏe giả đã trở thành "nghề làm giàu" của không ít sinh viên, cử nhân đại học khác.
Trước đó, tháng 5-2016, Đội 4 PC50 cũng đã chuyển CQĐT khởi tố 5 bị can trong ổ nhóm sản xuất giấy khám sức khỏe giả gồm Phan Đức Anh (29 tuổi, ở Vạn Phúc, Hà Đông), Hỏa Văn Hội (23 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm), Lê Văn Thành (23 tuổi, ở Ba Vì), Nguyễn Thị Ngân Hà (23 tuổi, ở Ninh Giang, Hải Dương), Bùi Thế Vũ (26 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Theo tài liệu của CQĐT, là nhân viên công ty FPT, có trình độ về công nghệ thông tin, từ tháng 12-2015, Phan Đức Anh đã mua con dấu giả để làm giả giấy khám sức khỏe của Bệnh viện GTVT Trung ương. Tính đến thời điểm bị bắt giữ (ngày 9-5-2016), Đức Anh đã làm giả 700 chứng nhận sức khỏe và 800 giấy khám sức khỏe, bán với giá từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/tờ.
Các đối tượng còn lại mua giấy khám sức khỏe của Đức Anh sản xuất, lập Facebook rao bán trên mạng với giá từ 80.000 đồng đến 130.000 đồng/tờ. Hám lợi và muốn làm giàu nhanh, Hỏa Văn Hội là cử nhân Đại học Công nghiệp, chuẩn bị đi Hàn Quốc học thạc sĩ chuyên ngành cơ khí ô tô cũng tham gia mua lại giấy tờ giả của Đức Anh rồi rao bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo.
Tháng 1-2016, TAND TP Hà Nội cũng đã xét xử ổ nhóm sản xuất, buôn bán giấy khám sức khỏe giả do cựu sinh viên Vũ Văn Đề (24 tuổi) cầm đầu. Đồng phạm với Đề còn có Dương Văn Mạnh, đang theo học một trường đại học có tiếng trên địa bàn Hà Nội.
Chỉ vì hám lợi, hai cựu sinh viên này đã thực hiện kế hoạch "làm giàu không khó" từ việc kinh doanh giấy khám sức khỏe giả. Kết cục, Vũ Văn Đề bị tuyên phạt 36 tháng tù giam, Dương Văn Mạnh 42 tháng tù giam cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".
Mẫu giấy khám sức khỏe được làm giả.
Kiếm tiền tỷ từ "web đen"
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, nếu như trước đây, các đối tượng phạm tội công nghệ cao là trí thức trẻ chủ yếu trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản thì thời gian gần đây, hiện tượng "làm giàu" từ giấy khám sức khỏe giả và kinh doanh "web đen" trở thành phong trào của không ít người trẻ có kiến thức, hiểu biết về công nghệ thông tin.
Đây là một thực trạng rất đáng lên án bởi hành vi kiếm tiền bất chính này đã và đang góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội và nguy cơ tiếp tay cho tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm ấu dâm đang gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận.
Mới đây, tháng 12-2016, PC50 Công an Hà Nội đã phối hợp C50 Bộ Công an và Công an quận Đống Đa triệt phá ổ nhóm tội phạm 9X chuyên kinh doanh website phim ảnh lạm dụng tình dục trẻ em do Nguyễn Duy Hải (SN 1993, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an, đầu tháng 7-2015, Hải tìm hiểu trên mạng Internet thấy có nhiều người trả tiền mua tài khoản tại các website đồi trụy để tải các video clip có nội dung lạm dụng tình dục trẻ em nên đã nảy ý định xây dựng website tương tự để kiếm tiền. Hải lên mạng mua tên miền, thành lập trang web "hz..." mua dịch vụ máy chủ tại nước ngoài và quản trị trang web, tải các phim khiêu dâm trẻ em.
Mới đây, việc các đoạn video thuộc thể loại cosplay "Spiderman Elsa" dành cho trẻ em để lộ những cảnh nhạy cảm, dung tục đang khiến cư dân mạng bức xúc.
Để thu hút thành viên tham gia mua tài khoản, Hải thành lập thêm các trang web vệ tinh, sao chép đường dẫn xem video của trang "hz...", đồng thời quảng cáo các trang "web đen" này trên các diễn đàn nước ngoài. Người xem muốn truy cập vào trang web phim khiêu dâm trẻ em của Hải bắt buộc phải đăng ký thành viên và trả tiền khi tải phim theo các gói cước do Hải đặt ra như 16,99 USD/30 ngày, 27,99 USD/60 ngày, 35,99 USD/90 ngày và 63,99 USD/180 ngày.
Khách hàng phải mở tài khoản tại các website thanh toán trung gian nước ngoài, sau đó tiền được chuyển vào các cổng thanh toán quốc tế, từ đó quy đổi thành tiền Việt Nam và chuyển vào các tài khoản ngân hàng của Nguyễn Duy Hải.
Thấy việc làm giàu từ "web đen" quá dễ, Hải đã "giúp" 3 người bạn học cùng cấp 3 là Trần Chí Chung (24 tuổi), Đỗ Văn An (24 tuổi) và Nguyễn Xuân Tùng (25 tuổi) cùng kiếm tiền bằng cách mua giúp tên miền, cài đặt website cho các đối tượng, hướng dẫn tải phim từ trang "hz..." của Hải đưa lên web.
Hải quy định, khi người dùng truy cập các đường dẫn phim từ các trang của Chung, An, Tùng đến máy chủ và trả phí thành công, Hải sẽ trả cho các đối tượng bằng 65% số tiền các thành viên đã trả cho Hải.
Quá trình hoạt động, Hải lập rất nhiều trang web vệ tinh để quảng cáo đường dẫn đến trang "web đen" chính. Thời điểm bị bắt giữ, riêng Hải quản lý 4 website vệ tinh, các đối tượng còn lại quản lý 11 website. Kết quả điều tra xác định Hải đã đăng 4.400 phim, video clip nội dung khiêu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em lên trang web "hz..." với gần 41.000 tài khoản thành viên, trong đó có 612 tài khoản trả phí, giúp Hải thu về số tiền khoảng 3,6 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Hải hưởng lợi ít nhất khoảng 2 tỷ đồng.
Hiện tượng trí thức trẻ phạm tội về công nghệ cao gia tăng đang là thực trạng báo động về cách kiếm tiền bất chấp luật pháp, đạo đức... của một bộ phận thanh niên hiện nay.
Theo kết quả đề tài nghiên cứu "Đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội" do Học viện Cảnh sát nhân dân, có đến 70% tội phạm công nghệ cao là người trẻ, chủ yếu từ 18-30 tuổi. Trong đó, nhiều người sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin rất thành thạo, chuyên nghiệp nhưng không sử dụng để phục vụ xã hội mà lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, nhận diện loại tội phạm công nghệ cao này đã đặt ra vấn đề quản lý, giáo dục cho các gia đình, nhà trường đối với những người trẻ giỏi về công nghệ thông tin để định hướng cho họ sử dụng đúng kiến thức của mình vào mục đích phục vụ phát triển xã hội. Bởi ranh giới bước chân vào thế giới tội phạm công nghệ cao, đối với những người trẻ là rất mong manh.
(Theo Công An Nhân Dân)
Một trò đùa, nhiều hệ lụy Tiếp cận, khai thác mạng xã hội nhưng không kiểm soát được hành vi dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội ngày 24-11 vẫn đang làm rõ vụ nhóm thanh niên đóng giả khủng bố để dọa người dân rồi quay clip. Việc thực hiện các trò...