Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị quấy rối khi học online
Một số học sinh nhận được tin nhắn rủ tham gia cuộc thi người đẹp cho lứa tuổi teen, với yêu cầu chụp 4 tấm ảnh không được mặc gì gửi cho kẻ lừa đảo.
Chiều 8/4, Tổng đài Bảo vệ Trẻ em 111 ra cảnh báo trên trang Facebook về một loại tin nhắn nhảy vào smartphone của trẻ, nói là “mời tham dự cuộc thi sắc đẹp” nhưng thực chất là để dụ dỗ và lấy hình ảnh nhạy cảm của các em.
Đối tượng nhắn: “Để tham gia, trước tiên em phải chụp cho chị 4 tấm hình (một tấm chính diện toàn thân mặt trước, một tấm chính diện toàn thân mặt sau, 2 tấm mặt nghiêng 2 bên). 4 tấm hình này không tham gia thi và yêu cầu khi chụp không được mặc gì cả, do chị đích thân kiểm tra sẹo. Kiểm tra sẹo xong chị sẽ quyết định em mặc trang phục gì để thi hình thể. Em nên đọc kỹ, xem có thi được không? Nếu thi được thì chị sẽ hướng dẫn cách làm 2 clip dự thi”.
Khi em học sinh hỏi lại “là cuộc thi gì” thì đối tượng nói: “Đây là cuộc thi người đẹp lứa tuổi 12-15 tổ chức hàng năm…”.
Tin nhắn kẻ xấu gửi cho học sinh.
Ông Nguyễn Công Hiệu – Phó giám đốc trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, đây là một hình thức mới xuất hiện trong thời gian trẻ phải học online. Kẻ xấu có thể dùng những bức ảnh cơ thể trần của trẻ để tống tiền hoặc đưa lên các trang web không lành mạnh.
Ngoài hình thức này, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được những cuộc gọi phản ánh con em bị rủ tham gia các web, mạng xã hội không lành mạnh hoặc tham gia mua bán.
Những đối tượng xấu còn xâm nhập vào phòng học chung, văng tục, chửi bậy giáo viên, học sinh. Hoặc chúng sử dụng công cụ tô vẽ, xoá lên màn hình, khiến học sinh hoảng sợ.
Video đang HOT
Vì Covid-19, hơn 2 tháng qua nhiều trường trong cả nước chuyển sang hình thức dạy học online. Theo ông Hiệu, chỉ một số trường áp dụng phương pháp này từ trước có những công cụ hỗ trợ ổn định thì mới không gặp vấn đề gì. “Còn đa phần các trường hiện nay đang học trên phần mềm miễn phí hoặc mất phí rất ít. Đi liền với đó là nguy cơ bị lộ thông tin”, ông nói.
Thêm vào đó, nhận thức của cha mẹ và học sinh về bảo mật chưa cao. Trong quá trình học, có những trẻ còn mở thêm tài khoản (nick) khác, hoặc cho người khác ID đăng nhập, mật khẩu, giúp các đối tượng xấu lấy được các thông tin cá nhân, phá phách giờ học.
Trung bình mỗi tháng Tổng đài Bảo vệ Trẻ em nhận được 13.000 cuộc gọi. Riêng trong thời gian này, xuất hiện thêm các cuộc gọi phản ánh bị quấy rối khi học online và những mâu thuẫn cha mẹ với con cái trong thời gian ở nhà cách ly xã hội. “Các cuộc gọi phản ánh bị quấy rối khi học không nhiều nhưng chúng tôi liên tục nhận được. Một ngày có khoảng vài cuộc”, ông Hiệu cho hay.
Đã xuất hiện những tin nhắn quấy rối hoặc kẻ xấu xâm nhập ứng dụng học online đánh cắp thông tin cá nhân người dùng. Phụ huynh cần theo sát con, để kịp thời bảo vệ con. Ảnh minh hoạ: P.D.
Khi gặp phải những tình huống tương tự, các bậc phụ huynh và học sinh nên bấm số 111 để được các chuyên gia tư vấn miễn phí. Nhất là trong các trường hợp nguy hại tới con em cần phải liên hệ ngay để tổng đài phối hợp cùng cơ quan chức năng truy tìm dấu vết kẻ xấu.
Cục Bảo vệ trẻ em cũng vừa phối hợp với các tổ chức quốc tế soạn thảo hướng dẫn bảo vệ trẻ trong môi trường trực tuyến, đặc biệt trong thời gian đang cách ly xã hội. Dự thảo này có thể phát hành vào đầu tuần tới.
Phan Dương
Bố mẹ lập kế sách thông minh "chống chán" cho trẻ qua mùa dịch bệnh
Bệnh dịch khiến trẻ em phải nghỉ học dài ngày ở nhà và không được ra ngoài vui chơi, khám phá thế giới xung quanh. "Làm thế nào "chống chán" cho trẻ?" là câu hỏi mà nhiều phụ huynh quan tâm.
Chị Nguyễn Thu Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hai vợ chồng tôi làm online tại nhà và tất nhiên 2 đứa con cũng không thể đến trường. Vậy là cả ngày bọn trẻ chỉ có thức dậy, ăn sáng, học online, ăn trưa, ngủ trưa, học online, ăn tối... là hết ngày.
Hôm qua cậu út ỉ ôi xin mẹ cho ra ngoài chỉ vì 1 tuần nay ở trong nhà không vận động và cậu quá chán, quá cuồng chân. Vậy là hai vợ chồng mình phải động não để nghĩ xem làm gì cho con ở nhà mà lại không thấy tẻ nhạt".
Vậy là chị Thu Phương đành nghĩ cách luyện cho con làm việc nhà. Nào là lau bàn ghế, lau nhà, dọn bếp, lau bàn ăn, rửa chén, tưới cây, nhặt rau, phơi quần áo... Hai con có thể tự chọn việc mình sẽ làm.
Em Trọng Tâm (lớp 3G1 trường Newton) thực hành trồng cây mùa dịch.
Chị Phương in bảng kế hoạch làm việc của các con ra và yêu cầu giờ nào việc đó. Đầu tuần chị tặng cho mỗi con 10 điểm, sẽ tương đương với hiệu quả làm việc của các con, nếu không làm hoặc làm chậm sẽ bị trừ điểm từ 0,5 - 1 điểm. Hết 1 tuần ai còn từ 9 điểm trở lên sẽ được thưởng món quà mà mình thích (trong khả năng cho phép). Ai còn dưới 7 điểm sẽ bị phạt là không được chơi điện thoại 1 tuần.
Thế là hai con chị Phương răm rắp ai việc nấy. Chồng nhìn chị với ánh mắt đầy khâm phục: "Mẹ gian thật đó, vừa chữa được bệnh hết chán cho các con mà lại vừa rảnh tay vì đã có các con làm việc nhà giúp".
Cùng cảnh ngộ cả nhà ở nhà, chị Vũ Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết 2 con trai của chị (1 bé lớp 6 và 1 bé lớp 4) đã ở nhà từ Tết đến nay nên xem tivi hoặc chơi game quá nhiều. Lo ngại thiết bị điện tử ảnh hưởng đến mắt và sự linh hoạt của con trẻ, chị tìm đến các trò "chống chán" cho các con.
Chị Vân Anh chia sẻ: "Tôi bèn tận dụng cái chậu đất, thùng xốp cũ, bình xịt, dao xẻng nhựa và mấy túi hạt giống cho các con thực hành làm bác nông dân cũng khiến chúng đủ vui cả ngày. Đầu tiên tôi tận dụng ban công, bệ cửa sổ, chỗ phơi đồ dùng làm chỗ để mấy chậu cây. Sau đó cùng các con xới lại đất, tưới nước, gieo hạt cây xuống đất.
Tôi phân công đứa lớn chăm sóc ghi chép lại tiến trình phát triển của cây. Còn nhiệm vụ của đứa nhỏ là tưới tắm hàng ngày. Chả mấy chốc mà chậu cải đã mọc mầm, còn mấy cây hoa cúc mua hồi tết cũng đã trổ bông rực rỡ".
Em Quân Hùng được mẹ hướng dẫn gieo hạt cây mồng tơi
Thấy các con rất thích động vật, chị Vân Anh gợi ý xem các con có muốn nuôi không. Ai dè, hai đứa con chị Vân Anh gật đầu lia lịa.
"Tôi đặt mua online một chú chó dòng poodle có khuôn mặt rất baby và ngoan nữa cho các con. Tất nhiên là cũng yêu cầu các con tuân thủ các điều kiện là các con phải tự chăm nuôi và vệ sinh sạch sẽ hằng ngày cho thú cưng và nhà cửa. Bởi tôi không muốn con mình vì sở thích mà hình thành thói quen nhất thời sau đó bố mẹ lại là người xử lý "đống rác".
Vậy là hàng ngày ngoài viêc học online, các con tíu tít vui vẻ chia nhau chăm sóc chó, tưới cây. Thế là chữa khỏi bệnh "chán" ở nhà của bọn trẻ", chị Vân Anh tâm sự.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo lớn và tiểu học thường có tâm lý rất thích làm việc nhà để tỏ ra mình là người lớn.
Nắm bắt được tâm lý đó, các mẹ hãy biến những ngày các con ở nhà thành cơ hội vàng để hướng dẫn con làm những việc nhà đơn giản như lau bàn, tự dọn phòng của mình, gấp chăn gối, sắp xếp đồ chơi, cùng con trồng cây và nhìn chúng lớn lên mỗi ngày. Quan trọng là cha mẹ phải biết biến những việc trong nhà thành niềm vui và sẵn sàng hướng dẫn các con.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần sắp xếp cho con lịch học tập, vui chơi hợp lý bằng cách cùng con lên thời gian biểu hợp lý, giờ học giờ chơi rõ ràng. Một điều tối kỵ là cha mẹ cần tránh lạm dụng mạng xã hội, lạm dụng các thiết bị công nghệ để con "giết" thời gian trong đó. Nó sẽ hình thành thói quen đến nghiện thiết bị công nghệ rất nhanh mà hiểm họa khôn lường".
Hoàng Thanh
Du học sinh cách ly chung với Chí Tài: 'Chú hoà đồng và vui tính' Cũng giống như nhiều người khác trở về Việt Nam rồi vào khu cách ly, Nguyễn Hoàng Nam, một du học sinh ở Úc, cảm thấy rất đặc biệt khi có 14 ngày sống cùng nghệ sĩ hài Chí Tài mà mình mến mộ. Nghệ sĩ hài Chí Tài trong những ngày ở khu cách ly KTX ĐHQG TP.HCM - Đậu Tiến Đạt...