Cảnh báo nguy cơ lũ lụt toàn cầu do băng tan
Nhiệt độ gia tăng kéo theo việc các sông băng trên Trái Đất tan chảy. Nước từ băng tan chảy có thể tạo thành các hồ gần sông băng, đẩy khoảng 15 triệu người ở những vùng núi cao rơi vào nguy cơ lũ lụt.
Đây là kết luận được các nhà khoa học New Zealand và quốc tế đưa ra trong nghiên cứu, đăng tải trên Tạp chí Nature ngày 8/2.
Băng trôi trên sông băng ở gần Kulusuk, Greenland. Ảnh tư liêu: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu, các hồ băng tan này là mối nguy hiểm tự nhiên lớn cho người dân sinh sống ở hạ lưu, do lũ lụt có thể xảy ra bất ngờ khi đập tự nhiên bị vỡ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người sinh sống ở vùng núi cao châu Á và dãy Andes ở Nam Mỹ đối mặt với nguy cơ này cao nhất, trong khi các khu vực có mật độ dân số cao và ít tài nguyên để đối phó nguy cơ gặp nguy hiểm nhiều nhất.
Ông Thomas Robinson, Giảng viên cao cấp Khoa Trái Đất và Môi trường thuộc Đại học Canterbury, cảnh báo lũ lụt bắt nguồn từ các hồ băng tan có thể xảy ra mà không có cảnh báo trước. Do đó, cần có sự quan tâm khẩn cấp đối với vấn đề này nhằm giảm thiểu thiệt hại về người trong tương lai.
Ông Robinson cho biết, kể từ năm 1990, số lượng và kích thước các hồ băng tan đã tăng nhanh và hiện 15 triệu người trên thế giới có nguy cơ chịu tác động từ lũ lụt từ các hồ băng tan. Theo ông, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng có nguy cơ để ngăn ngừa các thảm họa lớn có thể xảy ra.
Greenland trải qua thời tiết ấm nhất trong 1.000 năm qua
Một nghiên cứu của Giáo sư vật lý khí hậu Bo Mollesoe Vinther thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy nhiệt độ ở nhiều nơi tại đảo Greenland đã ấm hơn cách đây 1.000 năm.
Băng trôi trên Vịnh Baffin ở gần Pituffik, Greenland, ngày 20/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới, Giáo sư Vinther cho biết: "Phát hiện mới đã khẳng định tin xấu mà chúng ta đã biết từ lâu... rõ ràng là chúng ta cần kiểm soát sự ấm lên toàn cầu để ngăn chặn tình trạng băng tan ở Greenland".
Nghiên cứu dựa trên việc tái lập các điều kiện thời tiết bằng cách khoan sâu xuống vùng băng lạnh giá này để lấy mẫu tuyết và băng từ cách đây hàng trăm năm. Các nhà khoa học đã lập ra được bản đồ nhiệt độ ở miền Bắc và Trung đảo Greenland từ năm 1.000 sau Công nguyên đến năm 2011.
Kết quả nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Nature, cho thấy trong thập kỷ từ 2001-2011, nhiệt độ "đã ấm hơn 1,5 độ C so với thế kỷ 20".
Tình trạng băng tan gần đây ở Greenland đã dẫn tới mực nước biển dâng cao, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người ở vùng duyên hải trong những thập kỷ hoặc thế kỷ tới. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), băng ở Greenland hiện là nhân tố chính cho thấy mực nước trong các đại dương trên Trái Đất đang tăng lên bởi vùng Bắc Cực nóng lên với tốc độ nhanh hơn các nơi khác trên Trái Đất.
Trong một báo cáo năm 2021 về khoa học khí hậu, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết băng ở Greenland sẽ khiến nước biển tăng 18cm vào năm 2.100 theo kịch bản thải khí nhiều nhất. Tảng băng lớn, dày 2 km, chứa đủ nước đóng băng để làm dâng nước biển toàn cầu thêm 7 m.
Cơn bão mới đổ bộ vào bang California (Mỹ) khiến lũ lụt thêm trầm trọng Cơn bão thứ 8 liên tiếp đã đổ bộ vào bang California (Mỹ) hôm 14/1, khiến lũ lụt thêm nghiêm trọng tại các khu vực vốn đã ngập sâu, trong khi tiềm ẩn nguy cơ tuyết rơi dày đến 2m tại nhiều khu vực. Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão tại Merced, California, Mỹ, ngày 10/1/2023....