Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở TP.HCM
Theo ghi nhận của PV, đến hơn 19 giờ 30 ngày 19-10, triều cường ở một số tuyến đường khu vực phía nam TP.HCM vẫn ở mức cao. Điển hình như đường Trần Xuân Soạn (quận 7) có nơi nước lên đến hơn 50 cm.
Triều cường bắt đầu xuất hiện ở tuyến đường này vào khoảng 16 giờ. Ban đầu mực nước tràn từ từ ra đường, sau đó dâng lên rất nhanh. Đến 17 giờ 15, mực nước triều đã dâng cao khoảng 30-40 cm, có nơi đến hơn 50 cm. Một số nhà dân gần đường bị nước tràn vào nhà, người dân phải liên tục tát nước ra ngoài.
Việc triều cường dâng cao là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM nói chung và các khu vực có triều cường nói riêng. Thông thường, triều cường dâng cao vào giờ tan tầm nên hay xảy ra tình trạng kẹt xe. Đồng thời, nhiều người dân mỏi mệt vì xe chết máy, phải dắt bộ.
Chị Huỳnh Thị Xuân Trà, ngụ trên đường Trần Xuân Soạn, chia sẻ: “Nghe thông tin triều cường sẽ dâng cao trong những ngày này, tôi tranh thủ tan làm sớm hơn để đón con. Đi dưới dòng nước sâu cộng thêm nhiều ổ gà rất nguy hiểm nhưng cuối cùng vẫn phải dắt xe. Mỗi lần thế này chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi”.
Anh Nguyễn Quang Viễn (người dân khu vực) cũng cho biết sống chung với triều cường nhiều năm nay anh đã dần thích ứng. “Tuy nhiên, mỗi lần triều cường lên đỉnh thì đồ đạc, trang thiết bị phải được di dời chứ không thì hư hết” – anh Viễn nói.
Cùng ngày, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch và hiện đang ở mức cao.
Video đang HOT
Trung tâm này còn thông tin mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai còn lên nhưng ở mức chậm và rút nhanh. Đặc biệt, mực nước cao trên báo động II tại Nhà Bè (TP.HCM), Phú An (Bình Dương) còn duy trì hết ngày mai (21-10).
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ khuyến cáo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ 3. Đây là kỳ triều cao nhất trong năm, cần đề phòng khả năng triều cao kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt các vùng trũng, thấp.
Để chủ động phòng tránh, người dân nên hạn chế đi vào các tuyến đường trũng, thấp như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát… vào giờ thủy triều dâng cao để tránh ngập úng, hư hỏng xe. Tại những khu vực ngập úng, người dân cần chú ý an toàn điện, đề phòng nước dâng làm hư hỏng đồ đạc.
Cũng trong ngày 19-10, nhiều tỉnh ở ĐBSCL ghi nhận triều cường dâng ở ngưỡng cao, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Điển hình như TP Cần Thơ mực nước dâng cao 20-50 cm.
Tại Vĩnh Long, sáng 19-10, khu vực thị xã Bình Minh, triều cường dâng cao tới hơn 50 cm. Lực lượng chức năng thị xã này phải dùng xe tải chuyên dụng để hỗ trợ người dân vượt qua vùng ngập.
Hiện mực nước ở thượng nguồn sông Cửu Long đang lên cao và có khả năng đổ về hạ nguồn cùng với thời điểm triều cường đang dâng nên có thể gây ngập sâu cho các địa phương vùng trũng thấp, vùng ven sông.
Cứu viện nước ngọt cho miền Tây
Xây dựng hồ chứa, nạo vét kênh mương, đầu tư tuyến cống mới... là những giải pháp cấp bách cứu hạn cho nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long .
Dự báo, lượng mưa năm nay ít hơn trung bình nhiều năm nên hạn, mặn vào đầu mùa khô năm sau sẽ diễn ra trầm trọng như năm 2016. Trước tình hình này, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đang khẩn trương áp dụng nhiều giải pháp để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Mở rộng đường ống, nạo vét kênh
Cà Mau là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Cửu Long, mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời vào mùa mưa. Đây cũng lý do mỗi khi hạn hán khốc liệt, tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt của người dân tái diễn. Riêng mùa khô 2020, toàn tỉnh có gần 21.000 hộ dân thiếu nước ngọt.
Để giải quyết nhu cầu tối thiểu của người dân, trước mắt, Cà Mau ưu tiên mở rộng hệ thống đường ống các công trình hiện có để cấp nước, đồng thời vận động hỗ trợ công trình nước tập trung, dụng cụ chứa nước (bồn, can nhựa, túi dẻo...) để giúp cư dân những nơi sống phân tán chưa tiếp cận được nguồn nước có nước ngọt sử dụng.
Vào tháng 4 mùa khô vừa qua, tại ấp Quyền Thiện (xã Biển Bạc Đông, huyện Thới Bình), Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã bàn giao công trình xử lý nước sinh hoạt đạt chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho chính quyền địa phương quản lý, góp phần cung cấp thêm nguồn nước miễn phí cho người dân "vùng đất khát" ở Cà Mau. Tuy nhiên, công trình xử lý nước nói trên chỉ mới giải quyết được cho khoảng 500 hộ dân trên địa bàn xã Biển Bạch Đông, trong khi nhiều nơi khác thiếu nước ngọt trong mùa khô suốt mấy chục năm qua.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, để giải hạn cho "vùng đất khát", trước mắt sẽ kéo dài tuyến ống tại những nơi gần trạm cấp nước và hỗ trợ phương tiện trữ nước cho bà con khó khăn, giải quyết nhu cầu cho khoảng 8.000 hộ dân.
Tỉnh Đồng Tháp đã triển khai hệ thống thủy lợi trên địa bàn là hệ thống mở với các kênh rạch đan xen nhau. Toàn tỉnh có 833 công trình kênh trục, kênh cấp 2... với chiều dài 4.073 km, diện tích phục vụ 485.132 ha; có 2.216 cống các loại; 1.219 trạm bơm điện, với mạng lưới công trình thủy lợi dày đặc, do vậy việc lấy nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tương đối thuận tiện vào mùa khô. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng lập các trạm nước mặt cho vùng dựa trên nguồn nước thực tế, để từng bước thay thế trạm cấp nước ngầm bảo đảm nước sinh hoạt của nhân dân trong mùa hạn hán.
Để chuẩn bị cho các vụ lúa trong năm, Sở NN-PTNT tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất năm 2020 trên địa bàn. Trong đó có việc tập trung đẩy nhanh tiến độ nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn nước, đến nay cơ bản đã hoàn thành hạng mục nạo vét lòng kênh, với tổng chiều dài 702 km, khối lượng 2,16 triệu m3, kinh phí trên 200 tỉ đồng.
Hồ chứa nước ngọt Dương Đông ở huyện đảo Phú QuốcẢnh: HOÀNG TUẤN
Xây hồ trữ nước ngọt
Để giải quyết ổn định và lâu dài tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch xây dựng một hồ trữ nước ngọt tập trung tại vùng đệm rừng U Minh Hạ. Quy mô của hồ này rộng khoảng 100 ha, dự trữ được hơn 5 triệu m3 nước phục vụ cho hơn 250.000 hộ dân trong mùa khô. Và trong tương lai, nếu đấu nối được với nguồn nước ngọt từ sông Hậu dẫn về sẽ bảo đảm được lượng nước ngọt phục vụ người dân quanh năm.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre vừa có chủ trương đầu tư 352 tỉ đồng (kinh phí của trung ương) để xây dựng hồ chứa nước ngọt tại khu Lạc Địa, huyện Ba Tri. Đây là vùng đất nuôi trồng thủy sản nhưng từ năm 2016 đến nay, khu vực này liên tiếp bị xâm nhập mặn, đáng quan tâm là độ mặn ngày càng cao và xâm nhập sâu, kéo dài làm cho nguồn nước ngọt thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Trước tình hình trên, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Ba Tri, tỉnh chủ trương khai thác khu Lạc Địa cho phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn. Dự án này được khởi công từ năm 2021 và đưa vào sử dụng vào năm 2025. Khi công trình hoàn thành sẽ cung cấp đủ nước trong 5 tháng cho 59.000 hộ dân toàn huyện Ba Tri, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có 5 hồ chứa, trong đó hồ chứa nước Dương Đông đã khai thác. Hồ này đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng để nâng công suất từ 20.000 m3 lên 30.000 m3/ngày đêm, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành. Còn hồ Cửa Cạn và hồ Rạch Cá (Hàm Ninh) đã có chủ đầu tư; hồ Suối Lớn (Dương Tơ) và hồ Rạch Tràm (Bãi Thơm) đang tìm chủ đầu tư.
Nhiều năm người dân chờ thông hẻm Nhiều hộ dân khu phố 4, phường Tân Hưng, quận 7 đang chờ được mở thông hẻm ra đường lớn để thuận tiện đi lại. Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, tập thể người dân ngụ tổ 23, khu phố 4, phường Tân Hưng, quận 7 bức xúc về tình trạng hẻm 861/72/11 đường Trần Xuân Soạn bị rào chắn nhiều năm....