Cảnh báo kiểu khủng bố ‘cả gia đình’ ở Indonesia
Tại Indonesia, quốc gia có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới, các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa bất chấp chúng đã bị đánh bại ở Iraq và Syria và việc các thành viên trong gia đình cùng thực hiện hành vi khủng bố đang là xu hướng mới đáng quan ngại ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á.
Lực lượng an ninh gác tại cổng vào trụ sở cơ quan Cảnh sát quốc gia Indonesia ở thủ đô Jakarta ngày 31/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bằng chứng mới nhất là câu chuyện về một cặp vợ chồng thực hiện vụ tấn công khủng bố tại nhà thờ Công giáo tại Makassar, thuộc tỉnh Nam Sulawesi, miền Trung Indonesia, khiến 20 người bị thương. Hai đối tượng này vừa làm đám cưới vào tháng 8/2020 tại nhà của Rizaldi, người đứng đầu một nhóm tín đồ Hồi giáo ở Sulawesi. Vụ tấn công xảy ra sau khi Rizaldi bị các lực lượng chống khủng bố tiêu diệt hồi tháng 1/2021. Hai thủ phạm đều thiệt mạng trong vụ tấn công và vụ việc cho thấy IS đang thúc đẩy mô hình “gia đình khủng bố”.
Vụ đánh bom nhà thờ ở Makassar là vụ tấn công thứ 3 do một cặp vợ chồng đánh bom liều chết tiến hành từ Indonesia những năm gần đây. Trước đó, tháng 5/2018, một gia đình người Indonesia gồm hai vợ chồng và 4 người con đã thực hiện đánh bom tại một loạt nhà thờ ở thành phố Javanese (Surabya) làm 28 người thiệt mạng. Gần một năm sau đó, Ulfa Handayani Saleh và chồng là Rullie Rian Zeke, đều là người Indonesia, đã đánh bom một nhà thờ ở Jolo, miền Nam Philippines, làm 23 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Ulffa là em gái của Rizaldi.
Học giả tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, ông Noor Huda Ismail thừa nhận?; “Rất nhiều người Indonesia đã gia nhập IS theo nhóm thành viên trong cùng gia đình”.
Video đang HOT
Theo bà Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC, có trụ sở tại Jakarta), hơn 1.000 người Indonesia đã rời bỏ đất nước để gia nhập IS, đôi khi là cả gia đình, bao gồm cả trẻ em còn rất nhỏ. Một phần họ bị ảnh hưởng của những lời tuyên truyền rất hiệu quả của IS về việc lý tưởng hóa khái niệm nuôi dạy con trong một nhà nước Hồi giáo thuần túy. Hàng trăm người đã bị trục xuất và trở lại Indonesia sau khi IS bị đánh bại năm 2019.
Ông Taufik Andrie, giám đốc tổ chức hỗ trợ các tay súng từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và hòa nhập cộng đồng ở Indonesia, cho rằng việc sử dụng trẻ em trong các cuộc tấn công là hành động khủng khiếp. “Điều này cho thấy hệ tư tưởng cực đoan có thể lôi kéo trẻ em. Trẻ em không có sự lựa chọn và không thể hiểu được các hành động liên quan đến khủng bố” – ông Andrie nhận định.
Chuyên gia phân tích khủng bố Indonesia Stanislaus Riyanta cho rằng việc sử dụng một gia đình đi khủng bố nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát.
Là đất nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, Indonesia nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á hứng chịu nhiều vụ tấn công do các nhóm liên hệ với IS thực hiện trong những năm gần đây. IS đã đẩy mạnh truyền bá ở Đông Nam Á sau vụ tấn công thủ đô Jakarta năm 2016.
Indonesia tăng cường an ninh sau các vụ tấn công
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đã huy động hàng chục nghìn cảnh sát và binh sĩ bảo vệ an ninh các cơ sở tôn giáo trên khắp cả nước trong suốt các ngày lễ quan trọng của người Công giáo bắt đầu từ ngày 1/4.
Cảnh sát gác gần hiện trường vụ tấn công bên ngoài nhà thờ ở Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 28/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Đặc biệt, động thái này được đưa ra sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào một nhà thờ Công giáo tại thành phố Makasar, thủ phủ tỉnh Nam Sulawesi, ngày 28/3 và vụ nổ súng tại trụ sở Cảnh sát quốc gia (Polri) ở thủ đô Jakarta ngày 31/3 vừa qua.
Ngày 1/4, người phát ngôn Cảnh sát Vùng Đại Jakarta, Thanh tra cao cấp Yusri Yunus đã kêu gọi các tín đồ Công giáo không lo lắng khi tiến hành nghi lễ tại các nhà thờ tại thủ đô và vùng phụ cận trong Lễ Phục sinh. Theo ông Yusri, cảnh sát đã triển khai tổng cộng 5.590 nhân viên an ninh tại 833 nhà thờ Công giáo. An ninh cũng được thắt chặt tại các địa điểm tôn giáo, trung tâm kinh tế và địa điểm trọng yếu khác. Ngoài Nhà thờ Chính tòa, ba nhà thờ khác là Nhà thờ Immanuel tại khu vực Trung Jakarta, Nhà thờ Santo Petrus ở Tây Jakarta được ưu tiên bảo vệ với 155 nhân viên an ninh tại mỗi địa điểm.
Tại Đặc khu hành chính Yogyakarta, cảnh sát đã triển khai đội rà phá bom kiểm tra nhiều nhà thờ Công giáo tại địa phương này. Trong khi đó, cảnh sát tỉnh Bắc Sumatra đã triển khai 14.000 nhân viên để đảm bảo an ninh cho các nhà thờ Công giáo. Cảnh sát cũng phối hợp với Lực lượng Vũ trang quốc gia (TNI) tiến hành các cuộc tuần tra quy mô lớn xung quanh một số địa điểm tôn giáo.
Về phần mình, Tư lệnh TNI, Nguyên soái Hadi Tjahjanto cho biết lực lượng này đã tăng cường an ninh bằng cách thành lập Bộ chỉ huy chiến thuật và tổ chức các cuộc tuần tra chung tại các địa điểm đông người và cơ sở trọng yếu quốc gia.
Cùng ngày, Tổng thống Widodo đã yêu cầu Tư lệnh TNI Hadi Tjahjanto; Cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Listyo Sigit Prabowo và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nhà nước Budi Gunawan tăng cường cảnh giác sau các vụ khủng bố gần đây. Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, cảnh giác và đoàn kết chống khủng bố.
Trước đó ngày 28/3, hai kẻ đánh bom liều chết đã điều khiển xe mô tô lao vào khuôn viên một nhà thờ Công giáo tại thành phố Makasar, thủ phủ của tỉnh Nam Sulawesi, gây ra vụ nổ khiến cả 2 thiệt mạng và 20 người bị thương.
Cơ quan chức năng Indonesia xác định cả 2 đối tượng này đều có liên quan đến tổ chức khủng bố Jemaah Ansharut Daulah (JAD), chân rết của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo (IS)" tự xưng và đã bị Chính phủ Indonesia xếp vào danh sách các tổ chức bị cấm hoạt động hồi năm 2018.
Tiếp đó hôm 31/3, một phụ nữ 25 tuổi, được cho là nhiễm tư tưởng cực đoan của IS, đã mang theo súng xông vào trụ sở Cảnh sát quốc gia ở Jakarta và chĩa súng vào cảnh sát ngay tại cổng vào trước khi bị tiêu diệt.
Indonesia bắt thêm 1 nghi can trong vụ đánh bom tại nhà thờ Biệt đội chống khủng bố Densus 88 của Indonesia ngày 31/3 đã bắt giữ một nghi can khủng bố có liên quan đến vụ đánh bom nhà thờ Công giáo ở thành phố Makassar của tỉnh South Sulawesi. Lực lượng chống khủng bố Indonesia điều tra tại hiện trường vụ đánh bom bên ngoài nhà thờ ở Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 28/3/2021....