Cảnh báo Haiti đang đối mặt khủng hoảng nhân đạo chưa từng có
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, điều kiện sống ở Haiti đang xấu đi nhanh chóng và quốc gia vùng Caribe này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.
Trẻ em tị nạn tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 30/7/2022. Ảnhtư liệu: AFP/ TTXVN
Trong một tuyên bố, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Plan International, bà Daphne de Bordes, cho biết những mối nguy hiểm mà trẻ em Haiti, đặc biệt là trẻ em gái, phải đối mặt vào thời điểm này là không thể tưởng tượng được. Bà Daphne de Bordes nhận định điều kiện sống ở Haiti đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do nạn đói lan rộng, bạo lực băng đảng, trường học đóng cửa và dịch tả.
Giám đốc Plan International nhấn mạnh nhu cầu nhân đạo tại Haiti hiện đang lớn hơn bao giờ hết kể từ trận động đất năm 2010 và bày tỏ lo ngại đặc biệt về tác động tàn khốc của tình trạng thiếu lương thực, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Việc không được tiếp cận với thực phẩm bổ dưỡng sẽ tạo ra nguy cơ chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển và hạn chế khả năng học hỏi của trẻ.
Plan International kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương tăng cường tài trợ để đối phó với sự leo thang cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti.
Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo rằng khoảng 5 triệu người ở Haiti, tương đương gần một nửa dân số nước này, hiện đang bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc cho Haiti cần 720 triệu USD trong năm 2023, gấp đôi số tiền cần thiết theo tính toán cho năm 2022.
Bạo lực bởi các nhóm vũ trang đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn quốc, hạn chế việc vận chuyển thực phẩm và khiến cộng đồng khó tiếp cận trường học và bệnh viện. Hiện tại, gần 90% dân số Haiti sống dưới mức nghèo khổ và một phần ba sống trong cảnh nghèo cùng cực.
IMF phê duyệt viện trợ khẩn cấp 105 triệu USD cho Haiti
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/1 đã phê duyệt khoản viện trợ khẩn cấp 105 triệu USD cho Haiti - quốc gia đang trải qua khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hơn do lạm phát toàn cầu gần đây.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại phòng khám ở Port-au-Prince, Haiti. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, bà Antoinette Sayeh, Phó Giám đốc điều hành của IMF, cho biết khoản kinh phí này sẽ cho phép Haiti "hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá lương thực tăng cao thông qua các chương trình hỗ trợ lương thực và tiền mặt, cũng như hiện vật cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương".
Khoản viện trợ này được giải ngân thông qua Cơ chế chống sốc lương thực (Food Shock Window) - được IMF đưa ra vào cuối tháng 9/2022 trong thời hạn 1 năm. Biện pháp này nhằm giúp các quốc gia đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, đặc biệt trong trường hợp có những cú sốc bất ngờ trong việc nhập khẩu ngũ cốc hoặc giá cả tăng đột ngột, có thể tiếp cận nhanh chóng các quỹ khẩn cấp.
IMF nêu rõ với hơn 50% dân số sống dưới mức nghèo khổ, Haiti phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, đồng thời lưu ý rằng quốc gia vùng Caribe này cũng phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng sức khỏe" do dịch tả, cùng "các vấn đề an ninh nghiêm trọng".
Haiti: Nửa dân số mất an ninh lương thực nghiêm trọng, dịch tả lây lan thành thảm hoạ Theo ước tính của Liên hợp quốc, 4,7 triệu người Haiti chiếm gần một nửa dân số nước này, đã bị mất an ninh lương thực trầm trọng. Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo ở Haiti đang cố tìm những ngôn từ mạnh mẽ để nói lên nỗi lo ngại của họ về đợt dịch tả mới bùng phát và đang...