Cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine tác động đến an ninh lương thực tại Đông Phi
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 5/5 cảnh báo cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra những tác động tiêu cực đối với an ninh lương thực ở khu vực Đông Phi do nguồn cung giảm khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón gia tăng.
Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo WFP, những biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật và phân bón ngày càng thắt chặt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, quy mô đã đạt đến mức của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 về tỷ trọng thương mại toàn cầu. Nhấn mạnh khu vực Đông Phi phụ thuộc lớn vào nguồn lương thực và phân bón nhập khẩu, WFP cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm tồi tệ hơn tình hình an ninh lương thực vốn đã nghiêm trọng ở khu vực này. WFP cảnh báo nếu tình trạng lạm phát tiếp diễn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine có thể đẩy thêm 7 đến 10 triệu người ở khu vực Đông Phi vào nạn đói trong năm nay.
WFP cho biết khu vực Đông Phi đang chứng kiến giá cả các mặt hàng như lúa mì, bánh mì, nhiên liệu và phân bón tăng vọt trong ngắn hạn và tình trạng thiếu nhiên liệu trên diện rộng, trong đó các nước như Kenya, Somalia, Uganda, Ethiopia, Nam Sudan và Burundi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Video đang HOT
Theo WFP, giá nhiên liệu đã tăng 5%, mức cao nhất trong lịch sử ở Kenya, trong khi giá lúa mì tăng kỷ lục 59% tại Ethiopia, mức cao nhất kể từ năm 2016, chỉ trong vòng 2 tuần sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Giá phân bón cũng tăng gấp đôi ở Kenya và gấp ba ở Ethiopia, điều này có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng mùa vụ 2022, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá lương thực.
Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu hàng đầu về lúa mì, ngô, dầu hạt cải và dầu hoa hướng dương. Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu khí đốt và phân bón lớn nhất thế giới, nhưng nước này đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đảm bảo tương lai tiếp cận lương thực công bằng và bền vững
Đại dịch COVID-19 đã len lỏi ở khắp mọi nơi trên thế giới, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực và việc tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên toàn cầu.
Trẻ em Syria nhận lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở gần làng Yazi Bagh, phía bắc tỉnh Aleppo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Florence, Italy trong 2 ngày 17-18/9, là cơ hội để G20 thúc đẩy hợp tác đa phương nhằm tránh lãng phí lương thực và đảm bảo tương lai tiếp cận lương thực công bằng và bền vững.
Hội nghị kết thúc với Tuyên bố Florence về tính bền vững của hệ thống lương thực, trong đó đưa ra những điểm cơ bản để đạt được mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, các nội dung hành động trên lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Bộ trưởng Chính sách nông nghiệp và lương thực Italy, Stefano Patuanelli nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải đưa ra các chính sách một cách dứt khoát để đảo ngược tiến trình, không xét tới tính đồng thuận hay hiệu quả tức thì, mà hành động của chúng ta sẽ có hiệu quả trong nhiều năm nữa".
Theo báo cáo về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hợp quốc (tháng 7/2020), trước đại dịch COVID-19, ước tính khoảng 690 triệu người phải chịu cảnh thiếu ăn. Và đại dịch có thể khiến thêm 83 đến 132 triệu người suy dinh dưỡng tùy thuộc vào kịch bản tăng trưởng kinh tế. Do đó, Bộ trưởng Stefano Patuanelli nhấn mạnh cam kết "không còn nạn đói" (Zero Hunger), cùng việc chuyển giao công nghệ và chuyển đổi sinh thái. Ông Stefano Patuanelli cho biết, với Italy, trẻ em vẫn được đảm bảo bữa ăn ở trường, song một số khu vực trên thế giới không được như vậy, do đó cần tăng cường tính đa phương trong quan hệ và hợp tác giữa các quốc gia để tránh lãng phí và cho phép sản xuất thực phẩm đảm bảo.
Để làm được điều này, Tuyên bố Florence nêu rõ: chú trọng vào việc chuyển giao công nghệ, không theo chiều dọc mà theo chiều ngang, giữa các quốc gia phát triển và các nước đang phát triển, đồng thời tạo ra một bước nhảy vọt về công nghệ đối với công nghệ mới. G20 khẳng định "đổi mới phương thức sản xuất" đóng vai trò quan trọng, như một công cụ để "tăng khả năng phục hồi và tính bền vững của hệ thống nông nghiệp và thực phẩm".
Những lo ngại về lãng phí lương thực cũng là trọng tâm thảo luận tại hội nghị. Nghiên cứu do Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) cho thấy mỗi năm hàng tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng. "Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm" đã được 20 nhà lãnh đạo G20 xác định là "thách thức toàn cầu, cần hành động khẩn cấp và mang tính tập thể". G20 cũng chỉ ra thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là đảm bảo lương thực cho một hành tinh đang đối mặt "nạn đói", trong khi vẫn phải đảm bảo sức khỏe.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đe dọa hệ thống lương thực, kéo theo hệ lụy thiếu lương thực và làm trầm trọng thêm sự biến động về giá. Do đó, tại hội nghị, các bộ trưởng G20 cho rằng cần có sự can thiệp mang tính toàn cầu, đặc biệt đối với giá lúa mì. Ngoài ra, vấn đề thu nhập cũng là một trong những trọng tâm của hội nghị, Tuyên bố Florence khẳng định: "Không có tăng trưởng bền vững nếu không có một nền nông nghiệp được hỗ trợ về kinh tế, có khả năng tạo ra thu nhập ổn định và đủ, cũng như tạo ra công việc đảm bảo".
Với những kết quả đạt được trên cương vị chủ tịch G20, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc đánh giá cao Italy và những nỗ lực mang tính xây dựng của nước này trong năm 2021, bao gồm việc thúc đẩy an ninh lương thực trong suốt chương trình nghị sự. Đồng thời, ông Khuất Đông Ngọc cũng cho rằng đại dịch đã "nới rộng bất bình đẳng hiện có", nới rộng khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong khi tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng từ 8,4% lên khoảng 9,9% dân số trên toàn thế giới. Theo FAO, nhiều minh chứng cho thấy "hệ thống nông sản thực phẩm là chìa khóa để giảm bớt những bất bình đẳng này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn".
Trên cương vị chủ tịch G20, cùng chương trình hành động của Chính phủ Italy trên 3 mục tiêu "Con người, Hành tinh và Thịnh vượng", Italy tiếp tục nỗ lực tăng cường và mở rộng các công cụ chủ nghĩa đa phương dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Sau thành công của Hội nghị G20 tại Matera về an ninh lương thực hồi tháng 6, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hành động hợp tác quốc tế về lương thực, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận lương thực một cách công bằng và bền vững trên toàn thế giới, hướng đến mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030.
Nỗi lo gián đoạn chuỗi cung ứng đè nặng lên khu vực Trung Mỹ Chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa lại đối mặt "bóng ma" gián đoạn trước những sự kiện đang dần trở thành chu kì, như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở các cảng biển lớn của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, điều này gây nên hậu quả trực tiếp ở Trung Mỹ là giá cả leo thang và nhiều mặt...