“Canh bạc” mạo hiểm
Với 51,5% số phiếu ủng hộ, phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được thắng lợi sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hôm 16-4.
Đây được xem là cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua bởi kết quả sẽ quyết định diện mạo chính trị của đất nước cũng như tái định hình các mối quan hệ quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
Tuy nhiên, việc chỉ giành được thắng lợi sít sao được dự báo sẽ đem lại cả cơ hội lẫn thách thức về mặt đối nội và đối ngoại đối với chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan cũng như tham vọng củng cố quyền lực của ông.
Về mặt đối nội, chiến thắng thuộc về phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Tayyip Erdogan dẫn đầu sẽ mở đường cho những cải cách mạnh mẽ nền chính trị, nhất là về hệ thống lãnh đạo quốc gia.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tạo cơ sở pháp lý để Tổng thống Tayyip Erdogan hiện thực hóa tham vọng chính trị của mình, đó là tập trung quyền lực vào tay tổng thống. Cho dù trên thực tế, ông đã trở thành nhân vật chính trị quyền lực nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt một thập kỷ qua.
Những người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan míttinh sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thậm chí, với Hiến pháp sửa đổi, ông Tayyip Erdogan sẽ trở thành một “siêu tổng thống” cả về quyền lực lẫn thời gian tại vị. Hiến pháp sửa đổi quy định một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm và được tái cử một lần. Vì vậy, nếu tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới vào năm 2019, ông Tayyip Erdogan có thể nắm quyền lực đến tận năm 2029.
Từ chế độ Nghị viện, Quốc hội thực quyền hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển sang chế độ Tổng thống thực quyền và chức danh Thủ tướng sẽ bị xóa bỏ. Tổng thống có quyền điều hành quốc gia bằng các sắc lệnh song song với các luật do nghị viện soạn thảo và ban hành, khiến vai trò đối trọng của nghị viện bị hạn chế.
Video đang HOT
Tuy nhiên, kết quả sít sao đã phản ánh sự chia rẽ lớn và mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là dấu hiệu cảnh báo việc thực thi Hiến pháp sửa đổi của ông sẽ không hề dễ dàng trong bối cảnh phe đối lập không cam chịu thất bại.
Bài toán hòa giải dân tộc đối với chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ không dễ tìm lời giải bởi mâu thuẫn sắc tộc, phe phái vẫn luôn âm ỉ đe dọa tới nỗ lực ổn định và đoàn kết dân tộc của bất kỳ chính quyền nào ở Ankara. Những cuộc biểu tình phản đối kết quả trưng cầu dân ý đã sớm xuất hiện ngay sau khi có kết quả là bằng chứng cho thấy thắng lợi không chỉ mang lại “trái ngọt” cho Tổng thống Tayyip Erdogan.
Ở giai đoạn nhạy cảm trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước hiện nay, những thay đổi mang tính bước ngoặt trên trong nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo theo những hệ lụy ra sao về mặt đối ngoại đang là mối quan tâm hàng đầu.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, không loại trừ khả năng quan hệ giữa Ankara với Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải trải qua giai đoạn thử thách mới sau những thăng trầm trong quan hệ đôi bên thời gian gần đây.
Quan hệ giữa hai bên ngày càng trượt dốc từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây nhất, mọi việc trở nên tồi tệ hơn sau khi một số nước EU ban hành lệnh cấm các chính khách Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành vận động chính trị ở châu Âu và ông Tayyip Erdogan đáp trả bằng cách tuyên bố những nước này “hành xử như phát xít”.
Tuy nhiên, tương lai quan hệ giữa Ankara và EU là điều chưa thể chắc chắn bởi những thay đổi chính trị ở Ankara sau trưng cầu dân ý sẽ mâu thuẫn với những chuẩn mực về chính trị, dân chủ và nhân quyền của châu Âu.
Cần phải nhấn mạnh rằng, việc thắng lợi thuộc về phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp sẽ mở đường cho việc tái áp dụng án tử hình và tập trung quyền lực vào tay tổng thống-những thay đổi sẽ không dễ chấp nhận đối với “lục địa già”.
Điều có thể cứu vãn, tránh làm quan hệ hai bên đổ vỡ sau trưng cầu dân ý là Ankara và EU còn có những lợi ích chung cần phải cân nhắc trước khi đưa ra những quyết định bất lợi. Dù đã xích lại gần Moskva, nhưng với Thổ Nhĩ Kỳ, EU vẫn là một đối tác thương mại, đầu tư và nhà tài trợ quan trọng.
Chưa kể giấc mơ gia nhập khối thịnh vượng này của Ankara vẫn còn dang dở bởi những cuộc “mặc cả” khó khăn trên bàn đàm phán. Lợi ích ràng buộc trong thỏa thuận về người nhập cư ký hồi tháng 3-2016 giữa Ankara và EU khiến cả hai trong thời gian qua đã phải rất kiềm chế để tránh đổ vỡ hoàn toàn quan hệ.
Ankara là một đối tác an ninh quan trọng của EU trong vai trò “vùng đệm” tạo an toàn hơn cho châu Âu trước dòng người nhập cư đang ồ ạt đổ về tị nạn. Khoản viện trợ 3 tỷ euro/năm gắn liền với việc thực hiện thỏa thuận trên cũng là điều không dễ buông bỏ đối với Ankara.
Và EU cho dù bất mãn cỡ nào cũng không thể phá bỏ mối quan hệ với một đồng minh quan trọng trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh đang nỗ lực đương đầu với một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn.
Có thể nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý là một phép thử uy tín đối với Tổng thống Tayyip Erdogan và kết quả đã quá rõ ràng. Việc không giành được đại đa số sự ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý là kết quả tương xứng với những thành tựu rất khiêm tốn trong suốt những năm cầm quyền vừa qua của nhà lãnh đạo này.
Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang ở vào tình thế bấp bênh cả trong lẫn ngoài do những chính sách đối nội và đối ngoại sai lầm, gây chia rẽ của chính quyền đương nhiệm. Tình hình chính trị bất ổn bởi các phe phái tranh giành quyền lực, bạo lực sắc tộc, khủng bố gia tăng trong bối cảnh đất nước bị cô lập vì quan hệ ngoại giao sứt mẻ với một loạt quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là EU.
Lựa chọn bước đi nhằm thâu tóm quyền lực đồng nghĩa với việc Tổng thống Tayyip Erdogan đang chơi một “canh bạc” mạo hiểm. Trong giai đoạn biến động hiện nay, việc tập trung quyền lực được cho là sẽ giúp chính quyền bảo đảm cho sự ổn định chính trị bằng các biện pháp điều hành tập trung, quyết đoán.
Nhưng nếu quyền lực không được kiểm soát sẽ dễ đẩy chính quyền tới những hành động cực đoan và chuyên quyền, góp phần thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn âm ỉ bấy lâu, kéo theo những hệ lụy khôn lường không chỉ đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà toàn khu vực.
Lịch sử bất ổn ở quốc gia này đã được ghi dấu bằng những cuộc đảo chính xảy ra khá thường xuyên do mâu thuẫn nội bộ bùng phát và không được xử lý phù hợp. Đặc biệt, ở vị trí địa chính trị quan trọng, nơi giao thoa giữa Đông và Tây, mọi biến động ở Thổ Nhĩ Kỳ luôn có tầm ảnh ảnh vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Bởi vậy, sắp bước vào một giai đoạn mới với những cải cách chính trị nếu được thực thi thành công sau cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ phải lựa chọn những bước đi cực kỳ khôn khéo cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại để ổn định tình hình đất nước và dần lấy lại hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm ở khu vực Trung Đông.
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội nhân dân
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sắp được gia tăng quyền lực
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giành thắng lợi sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp ngày 16/4, qua đó có thể gia tăng đáng kể quyền lực cho ông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Turkish Presidential Press Office
Trong 99,45% số phiếu đã qua kiểm đếm, 51,37% số phiếu nói "Có" ủng hộ cải cách hiến pháp so với 48,63% số phiếu nói "Không", theo BBC. Lãnh đạo ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận chiến thắng dành cho phe ủng hộ cải cách hiến pháp. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong 11 đến 12 ngày nữa.
Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ mới có một số thay đổi quan trọng, điển hình như việc quyền hành pháp được chuyển giao từ thủ tướng sang tổng thống, nhờ đó quyền lực trong tay Tổng thống Erdogan gia tăng đáng kể.
Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan cho rằng cải cách hiến pháp sẽ góp phần hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hai đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ khiếu nại kết quả trưng cầu dân ý.
Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) yêu cầu đếm lại 60% số phiếu. CHP không đồng tình với quyết định của ủy ban - chấp nhận những lá phiếu không dán tem là hợp lệ. Ngược lại, ông Erdogan yêu cầu tất cả các bên tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý.
Ủy ban châu Âu cùng ngày kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ "tìm kiếm sự đồng thuật quốc gia rộng rãi nhất có thể" khi thực hiện cải cách hiến pháp.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Sao Iraq vẫn tan nát sau 14 năm Mỹ lật đổ Saddam? Từ sự "hoang tưởng kép", Washington đã xâm phạm chủ quyển quốc gia của Iraq, xem nhẹ lợi ích dân tộc của Iraq, đưa đất nước Iraq vào vòng xoáy vô định... Theo Iraqi News ngày 30/3, người phát ngôn của Chính phủ khu vực Kurdistan (KRG) cho rằng đã tới lúc KRG và chính quyền Iraq phải xúc tiến các cuộc thảo...