Canh bạc chính trị của châu Âu
Các vòng đàm phán đã qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp một lần nữa cho thấy những lỗ hổng cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU), cụ thể là thiếu tính pháp lý dân chủ.
Kỳ nghỉ hè chính trị của Đức đã bắt đầu với sự không thoải mái. Sau một thời gian dài giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel, dường như đang kiệt sức, đã cắt giảm chương trình giải trí bình thường của bà, trong khi Bộ trưởng tài chính Đức, ông Wolfgang Schuble, đang tìm cách tập hợp sức mạnh trên đảo Sylt ở Biển Bắc.
Trong khi đó, phần còn lại của châu Âu đang tự hỏi liệu các vấn đề đau đầu của châu lục này bao giờ sẽ giảm. Châu Âu đã đắm chìm quá lâu trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp, và điều này đã để lộ ra những sự thật khó chịu.
Các vòng đàm phán đã qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp một lần nữa cho thấy những lỗ hổng cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU), cụ thể là thiếu tính pháp lý dân chủ. Ở cấp độ châu Âu, một số cơ chế cơ bản bị hủy hoại. Tất cả bắt đầu từ những cuộc đối thoại thất bại giữa các chính phủ và cử tri của họ.
Thủ tướng Đức Merkel (trái) trao đổi với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (giữa) về vấn đề nợ của Athens. (Ảnh: CEU)
Trong những tuần dài đàm phán về vấn đề Hy Lạp, việc thảo luận về các chính sách theo thường lệ – chính phủ đưa ra một ý tưởng, các phương tiện truyền thông đăng tải, nó được thảo luận tại các khu vực công cộng và những quan điểm này được phản ánh lại với giới chức chính trị thông qua các cuộc thăm dò ý kiến – đã bị gián đoạn. Nó đã được thay thế bằng việc trao đổi theo kiểu chơi bài “poker”: Thay vì nói những gì họ muốn, các nhà lãnh đạo châu Âu đều đưa ra những nhận định mơ hồ, nói những điều theo hướng mở để tăng cường vị thế đàm phán của mình tại Brussels, ngay cả khi những điều đó thường mâu thuẫn với ý định và suy nghĩ thực tế của họ.
Trong vấn đề này, ông Schuble đã chứng tỏ là một “con bạc” bậc thầy. Ông đã tiết lộ đúng thời điểm, thông qua một bài viết cho tờ Die Welt am Sonntag, tranh luận về một “Grexit” (khả năng Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu) tạm thời chỉ vài ngày sau khi Hy Lạp tiến hành cuộc trưng cầu dân ý và trong một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu tại Brussels. Đề cập đến các nguồn tin trong chính quyền Đức, tờ báo trên cho rằng Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Sigmar Gabriel cũng đã biết đề xuất này.
Video đang HOT
4 tuần sau, bài viết về Grexit của ông Schuble vẫn là một chủ đề bình luận ở Đức. Liệu điều này được xác định là một mối đe dọa? Có phải ông Schuble đang tìm cách nhằm tăng sự rủi ro đối với thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, để buộc chính phủ nước này chấp thuận những cải cách đau đớn hơn? Liệu ông Schuble thực sự đã “khoa chân múa tay” ở Pháp, nhằm mục đích tạo tiền lệ cho các vòng đàm phán khẩn cấp trong tương lai liên quan đến các con nợ khác? Có phải bà Merkel và ông Schuble đang chơi trò cảnh sát tốt/cảnh sát xấu?
Có lẽ các cử tri châu Âu cần có một ảnh hưởng trực tiếp hơn vào quá trình ra quyết định của châu Âu, thông qua Nghị viện châu Âu.
Đây có thể là một chiến lược đàm phán tốt, nhưng lại là tin xấu đối với nền dân chủ châu Âu. Đó là bởi vì các nhà chính trị lạnh lùng của Đức không phải là một ngoại lệ, mà là một phần cố hữu của hệ thống. Quá trình ra quyết định trong Liên minh châu Âu là một hành động được khuyến khích công khai đối với trò chơi chính trị tiêu chuẩn kép. Dù các quyết định quan trọng được đưa ra bởi Hội đồng Liên minh châu Âu, các nguyên thủ quốc gia hoặc các bộ trưởng, truyền thông chính trị và cử tri của họ vẫn ở thế hình tam giác: Chính phủ giao tiếp và đàm phán với các chính phủ khác; cử tri trong nước của họ chỉ ở bên lề.
Trò chơi “đa cấp” này cho phép cho một tập hợp toàn bộ các chiến lược chơi “poker” khác nhau. Đôi khi, các cử tri có vai trò quan trọng. Việc Thủ tướng Anh David Cameron thúc đẩy cuộc trưng cầu về vấn đề “Brexit” trong năm tới là một ví dụ điển hình. Ông Cameron quyết định để người dân của mình lựa chọn việc rời khỏi hay ở lại Liên minh châu Âu nhằm buộc phần còn lại của châu Âu thừa nhận những cải cách có lợi cho nước Anh. Nhưng về mặt cá nhân, liệu ông Cameron muốn Brexit? Không ai biết điều này.
Đôi khi, Brussels có vai trò như là một “vật tế thần”, dường như là một tập hợp các tổ chức vô danh, nơi đưa ra những quyết định không được tất cả các chính phủ thành viên thực hiện. Nếu bạn trở lại Brussels với một kết quả khác so với điều mà bạn đã tuyên bố sẽ thúc đẩy khi bạn đến đó, bạn vẫn có thể đổ lỗi cho 27 quốc gia khác về vấn đề này – ngay cả khi, cuối cùng, bạn muốn điều tương tự như họ làm.
Ông Tsipras cũng đã kết hợp cả hai chiến lược. Ông đã tìm cách cải thiện vị thế của mình tại bàn đàm phán về cuộc khủng hoảng nợ trong khi vẫn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở trong nước mà kết quả là rất ít cử tri ủng hộ đề nghị cải cách của Liên minh châu Âu. Khi không thành công trên bàn đàm phán, ông vẫn có thể quay trở lại than thở về vận may của mình.
Những chiến lược kiểu canh bạc như vậy là nguyên liệu tuyệt vời cho phương tiện truyền thông chính trị châu Âu. Tuy nhiên, từ quan điểm của cử tri, những thông tin chiến lược là không có thông tin gì – họ đã bị “tung hỏa mù” vì những thông tin không nhất quán từ những người mà bề ngoài là đại diện cho họ.
Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Đó là một mối đe dọa cho các ý tưởng về trách nhiệm giải trình chính trị. Tuy nhiên, toàn bộ ý tưởng của trò chơi poker là không để cho bất cứ ai “đọc” khuôn mặt của bạn hoặc đoán được bạn sẽ đánh quân bài nào tiếp theo.
Câu trả lời cho vấn đề này không phải là mới và cũng không dễ dàng để nhận ra, đặc biệt không tồn tại trong bối cảnh hiện nay của châu Âu, khi mà sự tự ti và nghi ngờ vẫn tồn tại. Có lẽ các cử tri châu Âu cần có một ảnh hưởng trực tiếp hơn vào quá trình ra quyết định của châu Âu, thông qua Nghị viện châu Âu. Nếu châu Âu thực sự muốn vượt qua khủng hoảng, người dân châu Âu phải có chỗ đứng trong canh bạc chính trị này.
Theo Công Thuận / N.Y.T
baotintuc.vn
Đức có thêm 109 tỉ USD từ khủng hoảng nợ Hy Lạp
Nước Đức, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đã có thêm hàng trăm tỉ USD từ cuộc khủng hoảng nợ ở nước bạn trong 5 năm qua.
Đức có thêm 100 tỉ EUR từ cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp - Ảnh: Reuters
Russia Today hôm 10.8 dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz (IWH) cho biết mỗi khi nhà đầu tư nhận được thêm tin xấu về tình hình tại Hy Lạp, họ nhanh chóng chuyển đến "nơi trú ẩn an toàn" là nước Đức. Giới đầu tư mua trái phiếu chính phủ của Đức, vốn có lãi suất giảm và được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đánh giá là có mức rủi ro thấp.
Từ năm 2010 đến nay, ước tính ngân sách Đức đã tiết kiệm được 100 tỉ EUR, tương đương 109,8 tỉ USD. Số tiền này ứng với hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội của Đức.
Báo cáo viết: "Khoản tiền tiết kiệm này vẫn lớn hơn tổn thất của cuộc khủng hoảng, ngay cả trong trường hợp Hy Lạp không thể trả được bất cứ khoản nợ nào".
Ngoài Đức, các quốc gia như Mỹ, Pháp và Hà Lan cũng hưởng lợi tương tự nhưng với mức độ nhỏ hơn.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, người luôn không đồng tình với việc giảm nợ cho Athens, cho rằng 100 tỉ EUR mà nước này có được là nhờ ngân sách cân đối của chính phủ. Tuy nhiên báo cáo cho biết ngân sách của Đức khó có thể cân bằng nếu nước này không tiết kiệm được khoản lãi suất thông qua cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Hiện các quan chức Liên minh châu Âu (EU), chủ nợ và phía Hy Lạp đang tiến gần đến bản thỏa thuận cuối cùng về 86 tỉ EUR cứu trợ dành cho nước này. Đức vẫn là nước có quan điểm khắt khe trong vấn đề Hy Lạp.
Dự kiến, thỏa thuận giữa các bên sẽ đạt được vào ngày 20.8, khi Athens phải trả khoản nợ 3,2 tỉ EUR cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin được ủng hộ nhiều nhất tại Nga và Việt Nam Theo kết quả thăm dò ý kiến vừa được Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) có trụ sở tại Mỹ công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất tại hai quốc gia là Nga và Việt Nam. Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga ở Baltiysk,...