Căng thẳng với Triều Tiên, giới chức Hàn Quốc vẫn vô tư đi nghỉ hè
Bị chỉ trích gay gắt vì đi nghỉ hè dài ngày trong bối cảnh thùng thuốc súng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ phát nổ, một số quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao Hàn Quốc buộc phải hủy bỏ hoặc cắt ngắn lịch trình.
Người dân Hàn Quốc theo dõi một bản tin về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Hwa, người vừa bắt đầu chuyến nghỉ hè ban đầu dự kiến kéo dài 6 ngày vào thứ Sáu (11.8) đã tuyên bố sẽ trở lại làm việc vào thứ Hai tuần sau (14.8), cắt giảm 3 ngày nghỉ theo kế hoạch, theo truyền thông Hàn Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong hôm 12.8 cũng nói với các phóng viên rằng, ông đã quyết định hủy bỏ kỳ nghỉ hè của mình vì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nguy hiểm.
Động thái trên của 2 quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh các đảng đối lập ở Hàn Quốc chỉ trích gay gắt “sự vô cảm và thiếu trách nhiệm của các quan chức hàng đầu” trong chính quyền Seoul khi họ vô tư đi nghỉ hè trong bối cảnh cả thế giới đang quan ngại nguy cơ chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.
“Một loạt các mối đe dọa từ Triều Tiên đã khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang lên một tầm cao mới, nhưng chính quyền Moon Jae In vẫn thờ ơ”, ông Jun Hee Kyung, người phát ngôn của Đảng Tự do Hàn Quốc đối lập cáo buộc hôm 12.8.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Hwa đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ hè vì căng thẳng Triều Tiên.
Video đang HOT
Tương tự, Yang Soon Pil, thuộc Đảng Nhân dân (Hàn Quốc) cũng nhấn mạnh: “Tổng thống Trump tuyên bố các lực lượng Mỹ đã “sẵn sàng, khóa mục tiêu và lên nòng”, có nghĩa là hành động chống lại Triều Tiên có thể sắp xảy ra, nhưng Ngoại trưởng Kang vẫn vô tư tận hưởng kỳ nghỉ của bà ấy, trong khi Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong gần đây mới quyết định hủy kỳ nghỉ dài ngày”.
Căng thẳng leo thang mạnh trên bán đảo Triều Tiên dẫn tới quan ngại chiến tranh bùng nổ từ tuần trước với chính quyền Trump và Bình Nhưỡng không ngừng đe dọa lẫn nhau.
Nhưng trong tình huống “nước sôi lửa bỏng” đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyu vẫn vô tư nghỉ phép một tuần và mới chỉ vừa quay trở lại văn phòng hôm 10.8.
Hôm 9.8, trong khi ông Cho vẫn đang nghỉ phép, Triều Tiên đã đe dọa nhấn chìm lãnh thổ Mỹ Guam trong biển lửa. Ngày hôm sau, Bình Nhưỡng tiết lộ kế hoạch tấn công Guam chi tiết hơn, khi tuyên bố sẽ bắn 4 tên lửa Hwasong-12 hủy diệt hòn đảo này. Ông Kim Young Woo của đảng đối lập Bareun nhỏ hơn 2 đảng trên đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Bộ trưởng Cho và tuyên bố rằng, chính quyền đang “không có cảm giác cấp bách để giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia sắp xảy ra”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã có kỳ nghỉ hè kéo dài 1 tuần từ ngày 30.7 từng nhấn mạnh rằng, các bộ trưởng và quan chức cấp cao nên sử dụng kỳ nghỉ để tạo ra văn hóa làm việc, nơi công chức có thể nghỉ phép nhiều hơn.
Nhà Xanh đã bác bỏ những chỉ trích và cáo buộc các đảng đối lập đang gây hoang mang sợ hãi và nhấn mạnh, vấn đề an ninh luôn là ưu tiên số 1 của chính phủ Seoul.
Theo Danviet
Trump lệnh phóng tên lửa hạt nhân nhanh nhất trong bao lâu?
Trump đã đe dọa sẽ khiến Triều Tiên chìm trong "biển lửa và sự cuồng nộ". Nhưng Tổng thống Mỹ có dễ dàng ra lệnh phóng một tên lửa hạt nhân chỉ trong vòng vài phút hay không?
Tên lửa hạt nhân của Mỹ có thể được phóng chỉ 15 phút sau khi Tổng thống Trump ra lệnh
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang leo thang đỉnh điểm trong những ngày gần đây. Tổng thống Trump những ngày qua liên tục gửi đi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên.
Hôm 9.8, ông cảnh báo Mỹ sẵn sàng trút "biển lửa và sự cuồng nộ" lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có các hành vi đe dọa. Sau đó, Trump tiếp tục cảnh báo Triều Tiên nên "biết sợ" những hậu quả nếu tấn công lãnh thổ Mỹ. Ông còn tuyên bố rằng các biện pháp quân sự với Triều Tiên đã "sẵn sàng, khóa và lên nòng".
Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố đang nghiên cứu kế hoạch tấn công tên lửa đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Những lời đe dọa lẫn nhau của Mỹ và Triều Tiên làm dấy lên quan ngại thùng thuốc súng trên bán đảo Triều Tiên phát nổ, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho khu vực.
Nhưng Tổng thống Mỹ có dễ dàng ra lệnh phóng một tên lửa hạt nhân chỉ trong vòng vài phút hay không?
Trong một cuộc phỏng vấn, một cựu sĩ quan phóng tên lửa Minuteman của Mỹ đã tiết lộ chính xác những bước Tổng thống Trump phải làm để kích hoạt một phóng vũ khí hạt nhân.
Theo đó, cựu sĩ quan Bruce Blair, hiện là một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton cho biết, trước khi kích hoạt một phóng vũ khí hạt nhân, Trump sẽ phải tổ chức một cuộc tham vấn các cố vấn quân sự và chính trị. Cuộc họp này có thể kéo dài ít nhất trong 30 giây. Thời gian họp càng ngắn thì càng tăng nguy cơ phóng tên lửa hạt nhân vội vào vì một cảnh báo nhầm lẫn.
Một khi Trump ra lệnh, tên lửa hạt nhân của Mỹ sẽ được phóng đi.
Một khi ông Trump đã có quyết định cuối cùng của mình, Lầu Năm góc sẽ buộc phải tuân theo, cho dù các cố vấn có thể cố gắng làm Tổng thống đổi ý hoặc từ chức để phản đối.
Khi ông Trump gọi cho Lầu Năm góc để chính thức ra mệnh lệnh phóng tên lửa hạt nhân, một sỹ quan cấp cao phải chứng thực người đang gọi điện chính là Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Viên sĩ quan sẽ đọc "mã thách thức" và ông Trump sẽ phải lấy "thẻ bánh quy" - tấm thẻ ghi mã xác thực luôn ở bên cạnh tổng thống Mỹ và đọc mã số phù hợp với "mã thách thức".
Một thông điệp được mã hóa, dài hoảng 150 ký tự sau đó sẽ được gửi trực tiếp tới các sĩ quan vận hành tên lửa hạt nhân và các tư lệnh quân đội Mỹ trên khắp thế giới. Kíp vận hành tên lửa hạt nhân của Mỹ nhận được lệnh của Trump chỉ vài giây sau khi nó được gửi đi.
Lúc này, quá trình khởi động tên lửa bắt đầu, chỉ một vài phút sau cuộc họp tham vấn ban đầu.
Kíp vận hành tên lửa, bao gồm kíp trưởng, sĩ quan vận hành và 2 người xác nhận lệnh khác sẽ tiến hành hàng chục bước nhằm kích hoạt hệ thống tên lửa, nạp dữ liệu mục tiêu, bảo đảm khả năng vận hành của tên lửa. Để tên lửa có thể rời bệ phóng, mỗi người phải vặn hai chìa khóa của mình cùng lúc và giữ trong khoảng 5 giây. Các chìa khóa được đặt cách xa nhau, tránh việc một người có thể tự ra lệnh phóng.
Các tên lửa sẵn sàng được phóng khoảng 15 phút sau khi nhận được lệnh. Một khi đã rời bệ phóng, không ai có thể điều khiển các tên lửa hạt nhân "quay đầu lại".
Minuteman III là tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên mặt đất duy nhất còn trong biên chế của Mỹ. Nước này đang sở hữu 450 tên lửa đặt trong các hầm phóng rải rác tại 3 bang Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Minuteman III là một phần trong "bộ 3 răn đe hạt nhân" của Mỹ, bên cạnh tên lửa Trident III trên tàu ngầm lớp Ohio và các vũ khí hạt nhân trang bị cho máy bay B-2 và B-52.
Tên lửa Minuteman III có tầm bắn khoảng 13.000 km, tốc độ pha cuối 28.700 km/h, độ cao bay tối đa 1.120 km. Mỗi tên lửa mang được một đầu đạn W87 với sức công phá tối đa 475 kiloton, gấp 31 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945.
Theo Danviet
Tướng Nga: Mỹ nghiền nát Triều Tiên nếu chiến tranh bùng nổ Một tướng 3 sao của Nga nhận định, Triều Tiên đấu với Mỹ là cuộc chiến hoàn toàn "không cân sức". Mỹ sẽ nghiền nát Triều Tiên nếu khủng hoảng leo thang thành chiến tranh. Một tướng Nga đã về hưu cho rằng, Triều Tiên sẽ bị Mỹ nghiền nát nếu chiến tranh bùng nổ Tướng 3 sao Nga đã về hưu Leonid...