Căng thẳng Trung Mỹ, giới quyết sách Bắc Kinh: “Cứ để núi lửa phun hết rồi hãy giải quyết”
Sau khi Phó Tổng thống Mike Pence nói huỵch toẹt toàn bộ logic của chính sách kiềm chế Trung Quốc của nước Mỹ ra, giới quan sát quốc tế càng quan tâm tìm hiểu thái độ của giới quyết sách cấp cao ở Bắc Kinh như thế nào…
Phát biểu của ông Mike Pence tại Viện Hudson hôm 4/10 đã bộc lộ toàn bộ logic trong chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ
Với những phát biểu gần đây của các nhà lãnh đạo Mỹ, nhất là bài diễn văn của Phó tổng thống Mike Pence tại Viện Hudson; quan điểm và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cơ bản đã bộc lộ hết. Rốt cục phát biểu của ông Mike Pence đã ảnh hưởng lớn đến thế nào đối với tầng lớp quyết sách ở Bắc Kinh, người ngoài không thể nào biết được. Điều duy nhất người ta có thể xác định được là thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ đã dần sáng tỏ.
Cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ do Mỹ phát động hiện đang ở giai đoạn hai bên giằng co chưa ngã ngũ; đồng thời chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc đã không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà đã bộc lộ ý định “vây và chặn” trong các vấn đề quan hệ kinh tế – mậu dịch, Biển Đông và Đài Loan.
Mâu thuẫn giữa hai nước Trung – Mỹ thể hiện ở các thời điểm, với mức độ khác nhau. Trong quá trình diễn ra chiến tranh thương mại, giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần bị bên ngoài cho là phán đoán sai tình hình, đánh giá sai quyết tâm của chính phủ Donald Trump trong cuộc chiến mậu dịch. Sau khi Phó Tổng thống Mike Pence nói huỵch toẹt toàn bộ logic của chính sách kiềm chế Trung Quốc của nước Mỹ ra, giới quan sát quốc tế càng quan tâm tìm hiểu thái độ của giới quyết sách cấp cao ở Bắc Kinh như thế nào…
Trang tin Đa Chiều (DWNews) ngày 12/10 đã đăng bài phân tích về vấn đề nhận thức của giới quyết sách ở Bắc Kinh về quan hệ Trung – Mỹ. Theo Đa Chiều thì bao gồm mấy điểm sau:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ có tính kết cấu
Theo giới quyết sách Bắc Kinh, mâu thuẫn giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ không đơn thuần chỉ là chênh lệch về cán cân mậu dịch như ông Donald Trump nói; cũng không thuần túy là xung đột về hình thái ý thức như một số người thuộc phe “diều hâu” trong chính giới Mỹ nhận thức. Giới quyết sách cấp cao Bắc Kinh luôn nhận thức tỉnh táo về tính kết cấu của mâu thuẫn Trung – Mỹ. Họ cho rằng, những khác biệt giữa hai nước về thể chế chính trị và kinh tế, lịch sử văn hóa, tính cách dân tộc đã khắc họa nên sự va đập giữa hai nền văn minh.
Trong logic của Mỹ, họ tự cho mình là lãnh tụ của “ thế giới tự do”, là người định ra các quy phạm và chuẩn tắc quốc tế, là hình mẫu của “thể chế dân chủ” và người bảo vệ trật tự quốc tế. Hiển nhiên, nước Trung Quốc đang trỗi dậy không chấp nhận thái độ đó. Đặc biệt là Trung Quốc không muốn thấy Mỹ nhúng tay vào các vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan và vấn đề Biển Đông. Ngày nay khi Mỹ và Trung Quốc đã trở thành hai thực thể kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, Mỹ đang cảm thấy áp lực bị đuổi kịp và vượt lên thì mâu thuẫn có tính kết cấu đó lại càng nổi bật.
Video đang HOT
Tầng lớp quyết sách của Trung Quốc biết rõ phía sau cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ và những xung đột trên các mặt khác, thực chất của mâu thuẫn trong quan hệ hai nước. Vì vậy họ không xử lý va chạm mậu dịch như sự kiện riêng rẽ, vì trong vấn đề đơn lẻ thì Trung Quốc có thể nhượng bộ, nhưng mâu thuẫn có tính kết cấu thì có nghĩa là sự nhượng bộ của họ trong cuộc chiến tranh thương mại sẽ không giúp giải quyết được vấn đề cốt lõi của mâu thuẫn Trung – Mỹ.
Ngay từ thời Đặng Tiểu Bình, giới quyết sách Trung Quốc đã biết rõ mâu thuẫn Trung – Mỹ không thể hóa giải được trong thời gian ngắn
Thứ hai, các mâu thuẫn đã bộc phát không thay đổi theo ý chí của Trung Quốc
Giới quyết sách cấp cao Trung Quốc cho rằng, sự tích lũy mâu thuẫn giữa hai nước Trung – Mỹ đã bắt đầu từ lâu; sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, hai nước tuy thành công trong việc lập quan hệ ngoại giao và trở thành đối tác của nhau, nhưng sự tích lũy mâu thuẫn vẫn tiếp tục. Ông Đặng Tiểu Bình từng nói, quan hệ Trung – Mỹ “Tốt cũng chả tốt đến mấy, xấu cũng chả xấu đến đâu”, ý nói Trung – Mỹ tồn tại trong mâu thuẫn, việc bộc lộ tốt và xấu chính là quá trình tích lũy và bộc lộ mâu thuẫn.
Hiện nay, Mỹ đã đe dọa sẽ tăng thuế quan đối với tất cả các hàng hóa Trung Quốc và thông qua luật pháp để siết chặt sự thẩm tra đối với đầu tư nước ngoài, tăng cường giao lưu với Đài Loan. Trong 3 văn kiện quan trọng là “Thông điệp tình hình đất nước”, “Báo cáo về chiến lược an ninh quốc gia” và “Báo cáo chiến lược quốc phòng ” đều nói rõ Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và định vị rõ Trung Quốc là thế lực “chủ nghĩa xét lại”. Bài diễn văn của ông Mike Pence càng làm rõ thêm những logic phía sau nó.
Tầng lớp quyết sách của Trung Quốc biết rất rõ, những mâu thuẫn tích tụ liên tục giữa Trung Quốc và Mỹ trong suốt 30 năm qua phần lớn xuất hiện trong các vấn đề va chạm mậu dịch, nhân quyền, Tây Tạng và Tân Cương ở phạm vi nhỏ. Nhưng những mâu thuẫn này tất có ngày tập trung bùng phát, đó chỉ là vấn đề thời gian, không sớm thì muộn, không thể tránh khỏi.
Và thời điểm đó đã tới. Đó không phải là nguyên nhân quyết sách của chính phủ Mỹ và cá nhân Donald Trump, cũng không hoàn toàn do ảnh hưởng của phái “diều hâu” tồn tại từ lâu, mà là thời điểm lịch sử của quan hệ Trung – Mỹ, bất kể là chiến tranh thương mại hay xung đột trong lĩnh vực khác, cuối cùng đều trở thành cuộc chiến lâu dài trên nhiều mặt, cần phải đối mặt bằng sức mạnh và sự kiên trì.
Nếu nói khi ông Trump đe dọa chiến tranh thương mại, Trung Quốc còn chưa xác định được rõ vấn đề. Tuy nhiên sau khi công bố “Sách Trắng về Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và lập trường của Trung Quốc”, điều đầu tiên trong lập trường của Trung Quốc là “kiên định bảo vệ tôn nghiêm và lợi ích cốt lõi của quốc gia” và bày tỏ bất cứ nhân tố bên ngoài nào cũng đều không thể ngăn cản được Trung Quốc phát triển lớn mạnh. Qua đó có thể thấy Trung Quốc đã có nhận thức tỉnh táo về sự bùng phát mâu thuẫn Trung – Mỹ.
Thời điểm lịch sử bùng phát những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ đẫ đến, nhưng nguyên nhân không phải do cá nhân ông Donald Trump
Thứ ba, hãy để núi lửa phun hết
Sự bất bình và chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay có thể ví như sự giải phóng năng lượng của núi lửa đang hoạt động. Từ vấn đề tiền vốn Trung Quốc, công ty và nhân viên nghiên cứu khoa học kỹ thuật, rồi đến giới cao cấp của quân đội đều bị Mỹ đe dọa trừng phạt.
Thái độ của Bắc Kinh hiện nay là, cứ để núi lửa phun hết, để cho mọi mâu thuẫn giữa hai nước bộc lộ ra hết rồi mới giải quyết.
Ngày 8/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Trung Quốc, không được gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, chỉ ở Bắc Kinh 3 giờ rồi vội vàng rời đi. Có thể thấy rõ cả hai bên đều biết hai nước hiện nay đã không có cơ sở để đàm phán. Xét từ cuộc hội đàm giữa Mike Pompeo với Ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì thì thấy tựa hồ cả hai bên Trung – Mỹ đều không muốn đóng kín cánh cửa đối thoại.
Giới quyết sách của Trung Quốc cho rằng, sự tập trung bộc phát mâu thuẫn Trung – Mỹ hiện nay tuy chỉ là bắt đầu, nhưng mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là đàm phán với Trung Quốc, giành được sự thỏa hiệp lớn nhất của Trung Quốc. Còn điều Trung Quốc muốn làm là, một mặt tiếp tục phát triển theo phương châm đã định, đi sâu cải cách mở cửa. Mặt khác đồng thời với việc phản kích thích đáng, giữ được sự bình tĩnh và ổn định, im lặng chờ thời cơ đàm phán.
Bài báo của Đa Chiều kết luận: Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời các vấn đề liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ luôn nhấn mạnh: cánh cửa đàm phán trước sau luôn được mở, nhưng đàm phán phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nói cách khác, sự phẫn nộ và bất bình của Mỹ hiện nay trong tình hình Trung Quốc không hành động gì, cuối cùng sẽ dịu lại. Tức là tất có ngày núi lửa sẽ ngừng phun; đến lúc đó cuộc đàm phán Trung – Mỹ mới có thể thực sự diễn ra trong không khí “bình tâm tĩnh khí”, còn trước đó Trung Quốc sẽ không dễ dàng thỏa hiệp.
Theo viettimes
Giải mã chiêu trò mới của Trung Quốc ở Hoàng Sa
Không chỉ lo ngại, trả lời Thanh Niên, giới chuyên gia quốc tế còn dự báo âm mưu của Trung Quốc khi nước này ngang nhiên kêu gọi tư nhân đầu tư phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN trên Biển Đông.
Trung Quốc xây dựng nhiều hạ tầng trên đảo Phú Lâm ẢNH: AMIT
Như Thanh Niên đã thông tin, Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi "mọi tổ chức hay cá nhân" đăng ký tham gia "phát triển du lịch và xây dựng" những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc còn thừa nhận kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa.
Tự vẽ "hồ sơ hành chính"
"Đây là một chiêu trò mới của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh kiểm soát Hoàng Sa. Cộng đồng quốc tế có thể lên án, nhưng Bắc Kinh có lẽ lại "bịt tai" rồi bất chấp", bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận xét như vậy khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào ngày 9.7.
Cũng trả lời Thanh Niên, theo PGS Stephen Robert Nagy (chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada): Bắc Kinh vẫn luôn ưu tiên dùng các chiêu trò "hành chính" để phục vụ tham vọng chủ quyền ở các vùng biển như Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, bất chấp sự chỉ trích của các bên, Trung Quốc tìm mọi cách tự "hợp pháp hóa" các biện pháp mang tính "bình phong". Trong trường hợp này, thông qua việc cấp phép cho doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào những thực thể ở Hoàng Sa, Bắc Kinh muốn thể hiện quyền kiểm soát hành chính tại đây. Thông qua các giấy phép đầu tư, Trung Quốc có thể tự vẽ ra một "hồ sơ hành chính" về "liên tục quản lý" các đảo nhằm bao biện cho tuyên bố chủ quyền.
TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: Nhiều năm qua, Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự, thiết lập cả bộ chỉ huy quân sự của cái gọi là "TP.Tam Sa" (do Trung Quốc lập ra và trực thuộc tỉnh Hải Nam nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN). Bộ chỉ huy này được đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Song hành cùng sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cũng luôn bày tỏ tham vọng kiểm soát bằng cả biện pháp dân sự. Và việc cấp phép đầu tư là cách thức để tăng cường kiểm soát dưới hình thức dân sự.
Mục tiêu vẫn là quân sự
TS Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Hudson, Mỹ) cho rằng sau khi triển khai các loại tên lửa cùng khí tài đến Hoàng Sa, Trung Quốc đang tiến một bước tiếp theo bằng các biện pháp dân sự khi đưa ra lời mời đầu tư vào các thực thể tại đây. TS Nagao chỉ ra các điểm nổi bật cần lưu ý trong bước đi này của Trung Quốc..
Thứ nhất, dù mang "bình phong" là hoạt động dân sự nhưng việc đầu tư dường như vẫn mang mục đích cuối cùng là tăng cường quân sự. Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh dự kiến thời hạn hoạt động của các nhóm dự án đầu tư tại đây như sau: nuôi trồng thủy sản có hạn thời gian là 15 năm, du lịch và giải trí thì 25 năm, khai thác muối và khoáng trong 30 năm, an sinh cộng đồng thì 40 năm và lâu nhất là các dự án xây dựng cầu cảng, đóng tàu có thời hạn hoạt động đến 50 năm. Như vậy, việc xây dựng cầu cảng và đóng tàu được ưu tiên hơn cả. Trong khi đó, thời gian qua, Bắc Kinh không ngừng phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về cầu cảng, đường băng, để tăng cường thực lực quân sự tại đây.
Thứ hai, nhiều năm qua, Bắc Kinh đã tiêu tốn nguồn lực quá lớn để xây dựng hạ tầng kiểm soát Biển Đông. Nay họ tận dụng thêm nguồn lực dân sự để phát triển cơ sở ở các đảo đá không người ở.
Từ thực tế về những hành động của Bắc Kinh gây căng thẳng, TS Nagao cho rằng cộng đồng quốc tế cần có những động thái mạnh mẽ hơn để hạn chế tham vọng mà Trung Quốc đang hướng tới. Theo đó, bên cạnh các hoạt động như thực thi tự do hàng hải, Mỹ cũng cần kiên quyết hơn với Trung Quốc.
Theo TNO
Mặt trái những khoản đầu tư "khủng" của Trung Quốc tại các nước Thái Bình Dương Trong khi người dân các nước khu vực Thái Bình Dương lo ngại rằng sinh kế có thể bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện ồ ạt của lao động Trung Quốc, thì giới chuyên gia lo ngại một khi các nước này rơi vào "bẫy nợ" của Bắc Kinh, họ sẽ buộc phải để Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại...