Căng thẳng Trung-Ấn tại biên giới: Có khả năng xảy ra chiến tranh?
Chuyên gia Hribernik cho rằng, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không muốn gióng lên hồi trống trận trừ khi 2 bên có những tính toán sai lầm.
Giới phân tích cho rằng, khả năng xảy ra xung đột vũ trang trên diện rộng giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ rất khó xảy ra bất chấp việc các vụ đụng độ gia tăng ở Himalaya, gây thương vong cho binh sỹ của cả 2 nước. Đây là đợt căng thẳng biên giới tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong hơn 40 năm qua.
Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại một khu vực dọc theo biên giới với Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình PTI.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết một “cuộc đối đầu bạo lực” đã xảy ra vào tối 15/6 (giờ địa phương), dọc theo biên giới giữa hai nước ở Thung lũng Galwan. “Cả 2 bên đều chịu thiệt hại mà lẽ ra đã có thể tránh được nếu phía Trung Quốc thực hiện nghiêm túc thỏa thuận cấp cao đã đạt được”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết. Quân đội Ấn Độ thông báo, 20 binh sỹ của nước này đã thiệt mạng.
“Chúng tôi không hề có thương vong tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) trong ít nhất 45 năm qua. Đây có lẽ là một sự thay đổi cuộc chơi, là sự khởi đầu của việc kết thúc mối quan hệ mà Ấn Độ đã gây dựng với Trung Quốc trong 45 năm qua”, ông Happymon Jacob – nhà phân tích chính trị tại Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi cho biết.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận đã xảy ra xung đột tại biên giới nhưng không đề cập con số thương vong và cho biết đã có sự vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận mà cả 2 bên đạt được, theo Reuters.
Quân đội Trung Quốc cáo buộc các binh sỹ của Ấn Độ tại khu vực biên giới “từ bỏ cam kết của họ”, “vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận và quy định” về các vấn đề biên giới giữa 2 bên.
Căng thẳng đã gia tăng tại dãy Himalaya, dọc theo đường biên giới đất liền chưa được phân định rõ ràng dài nhất thế giới kể từ tháng 5/2020. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) ngăn cách 2 nước, xâm phạm lãnh thổ nước bên kia. Khu vực này đã xảy ra nhiều cuộc xung đột nhỏ cũng như những tranh cãi ngoại giao kể từ cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962.
Nguy cơ chiến tranh?
Video đang HOT
Kelsey Broderick – nhà phân tích về Trung Quốc tại nhóm tư vấn Eurasia Group lưu ý, khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, sẽ khó khăn hơn để thúc đẩy các động thái giảm leo thang căng thẳng.
“Vụ việc xảy ra vào ngày 15/6, mặc dù có nhiều trường hợp thương vong, nhưng đã không dẫn đến 1 cuộc xung đột lớn hơn. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các quan chức cấp cao ở cả 2 bên không mong muốn thổi bùng lên bất cứ cuộc chiến tranh nào”, chuyên gia Kelsey Broderick đánh giá.
Bà Kelsey Broderick cho rằng, cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ quay trở lại trạng thái “hạ nhiệt” nhưng quá trình này sẽ “mất thời gian dài đáng kể”, trong khi đó nguy cơ đụng độ vẫn gia tăng khi nhiều nhân vật trong chính phủ của 2 nước bày tỏ lập trường cứng rắn với phía bên kia và chống lại lời kêu gọi tái hòa giải.
Bất chấp lời kêu gọi giảm căng thẳng, nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ Ấn Độ vẫn thể hiện thái độ gay gắt. Phát biểu trước các thành viên của Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền hồi đầu tháng 6/2020, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah khẳng định “bất kỳ hành vi nào xâm phạm biên giới của Ấn Độ cũng cần phải bị trừng phạt”.
“Nếu các cuộc đàm phán ở cấp Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng chưa đạt được kết quả như mong đợt thì một cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi sẽ có khả năng ngăn chặn xung đột lớn xảy ra”, bà Broderick nói.
Cùng chung quan điểm này, Tướng về hưu của Ấn Độ, ông Singh cho biết: “Ở cấp độ chiến lược và hoạt động, quân đội hai bên đã rất kiềm chế. Nhưng ở cấp độ chiến thuật, đụng đội xảy ra do sự nhận thức khác nhau về vị trí biên giới thực tế. Dù xung đột có thể được giải quyết một cách cục bộ, nhưng những vấn đề liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường sá sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý, đòi hỏi sự kết hợp giữa sáng kiến quân sự và ngoại giao”.
AP cho biết, Ấn Độ đang xây dựng một con đường chiến lược đi qua Thung lũng Galwan và kết nối khu vực này với một phi trường. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối hoạt động này. Ấn Độ coi thung lũng Galwan là một phần của khu vực Aksai Chin mà New Delhi tuyên bố là lãnh thổ của họ. Trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với Galwan.
Ông Harsh V Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát (Observer Research Foundation) ở New Delhi cho biết: “Đụng độ diễn ra bất ngờ trong bối cảnh 2 bên đang có cuộc đối thoại nghiêm túc về việc rút quân. Rõ ràng khủng hoảng đã xảy ra tại khu vực biên giới nhưng hai bên đang cố gắng giải quyết nó. Trong một vài ngày qua, tiến trình rút quân đã bắt đầu”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đụng độ biên giới vẫn có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột vũ trang lớn hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc nếu hàng nghìn binh sỹ tiếp tục đối mặt nhau dọc theo khu vực biên giới tranh chấp.
Những thách thức từ trong nước
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ở trong nước khiến chính phủ 2 bên phải tập trung ứng phó, trong đó có sự sự sụt giảm kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng Covid-19 tái bùng phát, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh, nơi ghi nhận hơn 100 ca mắc mới trong những ngày gần đây. Nhà chức trách đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng. Chưa hết, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này cũng đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng với Mỹ.
Về phần mình, Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới trước dịch bệnh Covid-19 với hơn 340.000 ca mắc, dù đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5/2020.
Ông Miha Hribernik, chuyên gia phân tích về khủng hoảng châu Á tại công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho biết: “Ngoại trừ nguy cơ tính toán sai lầm, còn lại chúng tôi cho rằng 2 nước hầu như không muốn gióng lên hồi trống trận. Tuy vậy, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi đều không lùi bước trong một cuộc tranh chấp biên giới lâu dài và phức tạp. Chúng tôi dự đoán căng thẳng sẽ tiếp tục sôi sục từ giờ cho đến cuối năm nay khi không bên nào sẵn sàng rút lui hoàn toàn, nhưng các bên cũng không muốn đẩy căng thẳng lên thành một cuộc xung đột quy mô lớn”.
Tương lai của quan hệ song phương
Cuộc đụng độ mới nhất tại khu vực biên giới sẽ khiến quan hệ giữa hai nước trở nên xấu hơn. Chuyên gia Broderick cho rằng, các vụ việc tương tự như những gì đã diễn ra ngày 15/6 có thể xảy ra thường xuyên hơn khi “Trung Quốc ngày càng muốn khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp còn New Dehli quyết tâm đáp trả Bắc Kinh”.
Ông Jonathan Ward – người sáng lập công ty tư vấn chiến lược Atlas Organization nhận xét, Trung Quốc đang đánh mất quan hệ với 2 trong số các quốc gia quan trọng nhất trên thế giới.
“Trung Quốc đã đánh mất quan hệ với Mỹ trong cuộc chiến thương mại và trong đại dịch Covid-19. Nước này cũng đang đánh mất dần quan hệ với Ấn Độ, ông Jonathan Ward nói với CNBC, lưu ý rằng, tại Ấn Độ, quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ngày càng được thể hiện một cách công khai.
Chuyên gia Pant của Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát cho biết, con số 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ tại biên giới là khá cao và điều này sẽ làm thay đổi động lực của quan hệ Trung -Ấn trong một thời gian dài, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế. Theo chuyên gia này, dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và đầu tư của Bắc Kinh vào lĩnh vực công nghệ của New Delhi là rất lớn, nhưng Ấn Độ nhiều khả năng sẽ thay đổi cách tiếp cận.
“Căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nhất định đối với Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ có thể tìm cách thúc đẩy quan hệ với Mỹ và các nước khác “có cùng chí hướng” trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Australia”./.
Tuyên bố rắn của Trung Quốc sau xung đột chết người với Ấn Độ
Trong tuyên bố đưa ra sau vụ đụng độ chết người với binh sĩ Ấn Độ, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền với toàn bộ thung lũng Galwan - khu vực tranh chấp giữa hai nước.
Theo The Week, lần đầu tiên kể từ năm 1975, thương vong đã xảy ra dọc biên giới Trung Quốc và Ấn Độ, với 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột với quân Trung Quốc tại thung lũng Galwan ở đông Ladakh. Đây là cuộc đối đầu quân sự lớn nhất trong hơn 50 năm giữa hai nước, làm bế tắc tại khu vực biên giới bất ổn này thêm nghiêm trọng.
Trong 5 tuần qua, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều tình huống mặt đối mặt ở thung lũng Galwan và nhiều khu vực khác tại đông Ladakh, gồm cả Pangong Tso, Demchok và Daulat Beg Oldie.
Hiện, cả bộ ngoại giao lẫn quân đội Trung Quốc đều buộc tội binh sĩ Ấn Độ đã châm ngòi bạo lực trước bằng cách đi vào lãnh thổ Trung Quốc.
"Chủ quyền khu vực Thung lũng Gallan luôn luôn thuộc về Trung Quốc", Global Times dẫn lời ông Zhang Shuili, một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc. Ông Zhang cáo buộc New Delhi phá cam kết và băng qua đường kiểm soát thực tế ở Thung lũng Galwan vào tối 15/6, chủ đích tấn công khiêu khích dẫn tới xung đột chết người.
Thung lũng Galwan được coi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược với cả New Delhi và Bắc Kinh. Nó là điểm nóng trong cuộc chiến giữa hai nước vào năm 1962 song kể từ đó, tình hình ở đây khá bình yên. Tới tối 15/6, một cuộc xung đột chết người đã nổ ra giữa binh sĩ hai bên.
Ấn Độ tố TQ gây chết người để âm mưu thay đổi nguyên trạng biên giới Bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ trích việc Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng tại biên giới là nguyên nhân xảy ra vụ đụng độ chết người hôm 15/6. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 16/6 lên tiếng cáo buộc âm mưu của Trung Quốc "nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng" tại khu vực biên giới là nguyên nhân dẫn...