Căng thẳng tiếp tục leo thang, Biển Đỏ vẫn chưa ‘yên sóng’
Hàng loạt vụ tấn công của các tay súng Houthi ở Yemen trên Biển Đỏ đã gây rủi ro nghiêm trọng đối với hoạt động thương mại toàn cầu và sự ổn định của khu vực.
Các thành viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Yemen tuần tra trên Biển Đỏ, ngoài khơi thị trấn Mokha thuộc tỉnh Taiz, ngày 12/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, các cuộc không kích do Anh và Mỹ tiến hành nhắm vào các mục tiêu của Houthi đang leo thang thành cuộc tấn công mang tính “ăn miếng trả miếng”, là cơn gió mạnh thổi bùng “sóng dữ” trên Biển Đỏ.
Căng thẳng bùng lên
Căng thẳng bùng lên khi lực lượng Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ nhằm phản đối xung đột Hamas – Israel ở Dải Gaza. Họ coi các cuộc tấn công này nhằm hỗ trợ người Palestine ở Gaza, nơi đang hứng chịu nhiều tổn thất đau thương do chiến dịch quân sự của Israel nhằm “xoá sổ” Hamas.
Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.
Hoạt động táo bạo nhất của Houthi diễn ra vào ngày 19/11/2023, khi các tay súng cướp một con tàu có tên Galaxy Leader và đưa nó đến một cảng của Yemen, đồng thời bắt giữ 25 thành viên thủy thủ đoàn, chủ yếu là người Philippines.
Tính đến giữa tháng 1, lực lượng Houthi đã tiến hành 27 cuộc tấn công nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ và vịnh Aden được cho đang hướng tới hoặc rời khỏi các cảng của Israel.
Mỹ cho biết những hành động bất hợp pháp này đã gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng chục thủy thủ và tiếp tục cản trở dòng chảy thương mại quốc tế tự do. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ và đã tập hợp một lực lượng đặc nhiệm hải quân để cố gắng làm chủ tình thế.
Theo đó, liên minh gồm Mỹ, Anh và các đồng minh khác đã thành lập “Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng” để tham gia tuần tra Biển Đỏ, bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và vận tải đường biển.
Ngày 11/1, quân đội Mỹ, Anh cùng với sự hỗ trợ của Hà Lan, Australia, Bahrain và Canada đã tiến hành cuộc tập kích lớn bằng các loại vũ khí, khí tài hiện đại – trong đó có tên lửa Tomahawk – nhằm vào các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi ở thủ đô Sanaa của Yemen và các khu vực khác.
Cuộc không kích diễn ra ngay sau khi Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) báo cáo về việc lực lượng Houthi bắn tên lửa đạn đạo chống hạm từ Yemen vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở vịnh Aden.
Video đang HOT
Tính đến ngày 20/1, Mỹ đã tiến hành 5 đợt tấn công vào Houthi trong những tuần gần đây. Hàng chục địa điểm ở Yemen đã bị tấn công, bao gồm các căn cứ của Houthi mà Washington cho rằng gây ra mối đe dọa cho các tàu dân sự và quân sự.
Washington tuyên bố sẽ liệt Houthi vào danh sách “những kẻ khủng bố toàn cầu đặc biệt”.
Các cuộc không kích và quyết định liệt Houthi vào danh sách khủng bố đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ nhóm vũ trang này ở Yemen, những người đã tuyên bố sẽ tăng cường tấn công, nhắm vào các tàu có liên quan đến Mỹ và Anh cùng với các tàu có liên kết với Israel.
Phản ứng của các bên
Tàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ, trên đường về cảng tỉnh Hodeida (Yemen), ngoài khơi Biển Đỏ, ngày 22/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan hạ nhiệt căng thẳng nhằm thiết lập hòa bình và ổn định ở Biển Đỏ, cũng như khu vực.
Trong một tuyên bố chung, chính phủ các nước Anh, Mỹ, Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc nêu rõ mục đích của cuộc không kích nhằm “giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ”. Liên minh này cũng nhấn mạnh sẵn sàng hành động để bảo đảm dòng chảy thương mại tự do tại Biển Đỏ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Mỹ sẽ thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen nếu lực lượng này tiếp tục tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh cuộc không kích nhằm vào các cơ sở của Houthi tại Yemen là “cần thiết và phù hợp”.
Về phần mình, Chính phủ Yemen cho rằng các cuộc không kích của Mỹ và Anh vào các cơ sở của Houthi ở Yemen là phản ứng trước việc Houthi liên tục tấn công tuyến đường vận tải quốc tế trên Biển Đỏ. Giới chức nhấn mạnh lực lượng Houthi phải chịu trách nhiệm về việc kéo Yemen vào một cuộc đối đầu quân sự.
Ai Cập cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đỏ. Cairo mong muốn thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải ở Biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang ở phía nam Biển Đỏ và Yemen cho thấy căng thẳng ở Dải Gaza đã làm xung đột lan rộng trong khu vực.
Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kêu gọi các bên kiềm chế và tránh làm xung đột leo thang, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đỏ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng trên Biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Kuwait cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng.
Hệ luỵ khôn lường
Dẫn lời nhà quan sát Julian Borger, tờ The Guardian (Anh) ngày 31/12/2023 nhận định Trung Đông đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột khu vực kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 và các sự kiện ở Biển Đó đã cho thấy vách ngăn khu vực này rơi vào vực thẳm chiến tranh có thể nhanh chóng sụp đổ như thế nào.
Trên thực tế, kể từ khi lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại, nhiều hãng vận tải lớn đã tạm dừng di chuyển các tàu của mình qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez của Ai Cập hồi tháng 12/2023. Những con tàu này cũng phải thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Sự gián đoạn và chuyển hướng nói trên có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và dấy lên lo ngại có thể gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu. Khoảng 1/3 lượng hàng hóa tàu container toàn cầu sử dụng kênh đào Suez. Việc chuyển hướng tàu quanh mũi Hảo Vọng dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu.
Các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi nhằm vào hoạt động vận tải quốc tế ở Biển Đỏ cũng làm xáo trộn chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao, đồng thời làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt xa các quốc gia xung quanh Biển Đỏ.
Song giới chuyên gia cho rằng khi xung đột ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khủng hoảng ở Biển Đỏ chưa thể chấm dứt và còn có nguy cơ lan rộng thành cuộc chiến khu vực.
Ông Raiman al-Hamdani, nhà nghiên cứu tại ARK Group, doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Dubai, cho rằng tính đến nay, các vụ đánh chặn của Houthi chưa gây thương vong ở Biển Đỏ. Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu xảy ra một cuộc tấn công trực tiếp vào binh sĩ Mỹ hoặc Anh. Ông al-Hamdani cho biết trong kịch bản đó, Yemen sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhiều. Và điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nhà nghiên cứu người Yemen Nicholas Brumfield cũng bình luận: “Chúng ta đang ở giữa một vòng xoáy leo thang. Thật khó tránh khỏi sự leo thang rộng hơn trong khu vực!”.
Viễn cảnh Biển Đỏ ‘lặng sóng’ còn xa vời…
Tàu Genco Picardy sau khi bị tấn công trên Vịnh Aden ngày 18/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chuyên gia nhận định những can thiệp quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu khó có thể đạt được mục tiêu như bảo vệ hàng hải và quan trọng nhất là “vô hiệu hoá” mối đe doạ từ Houthi.
Ngược lại, các cuộc tập kích của Mỹ có thể dẫn đến những nỗ lực không hiệu quả, kéo dài và tốn kém, trong khi lại củng cố danh tiếng của Houthi trong khu vực.
Ông Andreas Krieg, Giảng viên cao cấp tại Đại học King’s College London cho rằng các cuộc không kích của liên minh Mỹ – Anh có thể sẽ làm căng thẳng leo thang hơn nữa.
Hơn nữa, chiến dịch do Washington và London dẫn đầu có thể sẽ chuyển trọng tâm của lực lượng Houthi từ hoạt động trừng phạt sang hoạt động rộng lớn hơn nhắm vào các tàu liên kết của Mỹ – Anh. Qua đó, chiến dịch này sẽ không những không đạt được mục tiêu duy trì quyền tự do hàng hải mà còn có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.
Bà Hannah Porter, nhà nghiên cứu người Yemen, cho rằng các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu có thể nằm trong tính toán của Houthis và khó có thể ngăn chặn chiến dịch tấn công các tàu thương mại của nhóm này ở Biển Đỏ.
“Đây không phải là một tính toán sai lầm của Houthis mà là mục tiêu của Houthis. Nhóm này hy vọng được chứng kiến cuộc chiến tranh khu vực lan rộng và mong muốn được đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đó”, bà nói.
Ngoài ra, bà Porter cho rằng nếu Mỹ và Anh đáp trả Houthi bằng nhiều cuộc không kích hơn vào Yemen, thì điều này còn ảnh hưởng đến an ninh khu vực, bao gồm cả an ninh của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Saudi Arabia đang nỗ lực củng cố lệnh ngừng bắn với Houthi để chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, vốn đã kéo dài suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc trao đổi về các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể làm hỏng tiến trình hòa bình này.
Chuyên gia Courtney Freer tại Đại học Emory nhận định: Saudi Arabia có khả năng tận dụng thực tế là họ có liên lạc với cả Houthi và Mỹ để cố gắng đưa các bên vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, do Saudi Arabia đang trong quá trình đàm phán riêng về lệnh ngừng bắn với Houthi, nên khó có thể làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn tất thỏa thuận này. Do đó, hai quá trình sẽ tiến hành riêng biệt, trong chừng mực có thể và tất cả các bên sẽ phải đồng ý về các bước đầu tiên hướng tới giảm căng thẳng trong khu vực trước khi bước vào bàn đàm phán.
Chính quyền Yemen cảnh báo Houthi về hành động leo thang quân sự
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội đồng Tổng thống Yemen (PLC) ngày 21/1 triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận phương hướng giải quyết tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở trong nước và hành động leo thang quân sự của lực lượng Houthi.
Tàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ, trên đường về cảng tỉnh Hodeida (Yemen), ngoài khơi Biển Đỏ, ngày 22/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước Saba đăng tải, PLC cảnh báo Houthi về những hậu quả của ý đồ đẩy mạnh tấn công, nhắm vào các địa điểm dân sự và phá hoại nỗ lực hòa bình. Các nguồn tin từ Chính phủ Yemen tiết lộ trong những ngày gần đây, lực lượng Houthi đã huy động và tái bố trí các tay súng, phương tiện và vũ khí trên nhiều mặt trận khác nhau ở quốc gia Arab bị chiến tranh tàn phá này.
Ngoài ra, PLC bày tỏ đánh giá cao "sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Yemen và các nhóm kháng chiến bảo vệ các thể chế nhà nước và chống lại những cuộc tấn công của Houthi". PLC cũng xem xét những tác động tiềm tàng đối với hoạt động vận tải và thương mại toàn cầu do các vụ tấn công liên tiếp của Houthi trên Biển Đỏ gây ra, đồng thời bày tỏ hy vọng sự đoàn kết quốc tế sẽ góp phần nâng cao năng lực của Yemen trong công cuộc bảo vệ vùng biển và chủ quyền.
Giới quan sát đánh giá cuộc họp khẩn của PLC báo hiệu căng thẳng gia tăng và khả năng tái bùng phát giao tranh giữa Houthi và các lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen.
EU bước đầu ủng hộ đề xuất thiết lập sứ mệnh hải quân ở Biển Đỏ Các nhà ngoại giao châu Âu ngày 16/1 tuyên bố các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bước đầu ủng hộ đề xuất thiết lập sứ mệnh hải quân nhằm bảo vệ tàu thuyền trước những cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Biển Đỏ. Tàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt...