Căng thẳng tại Trung Đông: IMF cảnh báo nguy cơ lớn đối với kinh tế toàn cầu
Ngày 3/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) cảnh báo xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông có thể gây ra những hệ quả kinh tế đáng kể đối với cả khu vực và toàn cầu.
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 3/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn IMF, bà Julie Kozack, nhấn mạnh: “Nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có nguy cơ gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa”.
Theo người phát ngôn Kozack, xung đột tác động đến kinh tế toàn cầu chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, bao gồm cả dầu và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao khi các tàu tránh nguy cơ lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đối với kinh tế thế giới, bà lưu ý các nền kinh tế trong khu vực đã chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là ở Gaza, nơi người dân đang phải vật lộn với điều kiện kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và thiếu hụt viện trợ.
Theo ước tính của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm 86%, trong khi GDP của Bờ Tây khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng. Israel chứng kiến GDP giảm khoảng 20% trong quý IV/2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một phần nhỏ trong nửa đầu năm nay.
Bà Kozack cho biết IMF đang theo dõi sát sao tình hình tại miền Nam Liban. Tại Liban, xung đột leo thang gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và xã hội vốn đã mong manh. Xung đột gây thương vong nghiêm trọng và làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất của nước này.
Năm 2022, Liban đã đạt được thỏa thuận cấp chuyên viên với IMF về một chương trình vay tiềm năng, song bà Kozack cho rằng tiến độ về các cải cách cần thiết của nước vẫn chưa đủ để tiến xa hơn. Hiện IMF đang hỗ trợ Liban thông qua các chương trình phát triển năng lực và các lĩnh vực tiềm năng khác.
IMF dự kiến cập nhật các dự báo kinh tế cho tất cả các quốc gia và nền kinh tế toàn cầu vào cuối tháng 10, khi tổ chức này cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức các cuộc họp mùa Thu tại Washington (Mỹ).
Căng thẳng Trung Đông đe dọa kinh tế toàn cầu
Diễn biến căng thẳng tại Trung Đông đang tác động đến các thị trường toàn cầu và đe dọa đến nguồn cung dầu mỏ nếu xung đột leo thang.
CNN hôm qua đưa tin giá dầu tiếp tục tăng lên vì những lo ngại leo thang xung đột tại Trung Đông. Giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 74,8 USD/thùng, tăng gần 2% trong khi dầu WTI tăng 2% lên 71,2 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều chốt phiên hôm 1.10 tại Mỹ với mức tăng khoảng 2,5% sau khi tăng 5% ở một số thời điểm. Nhà phân tích Stephen Innes tại Hãng quản lý tài sản SPI (Thụy Sĩ) cho biết căng thẳng gia tăng tại khu vực đã dội gáo nước lạnh vào tâm lý lạc quan đã thúc đẩy thị trường tài chính trong tuần qua và mối lo ngại thật sự là khả năng Israel tấn công ngành dầu mỏ của Iran, nước xuất khẩu lớn thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Iran xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày và hầu hết là sang Trung Quốc, song các nhà phân tích đánh giá rằng việc giảm sản lượng có thể gây tác động lớn đến thị trường toàn cầu.
Điểm xung đột: Iran dội mưa tên lửa xuống Israel; Ukraine mất thị trấn then chốt
Theo tờ Financial Times, các nhà giao dịch và phân tích cảnh báo về nguy cơ gián đoạn xuất khẩu năng lượng nếu xung đột Trung Đông lan rộng, bởi khu vực này chiếm khoảng 1/3 nguồn sản xuất dầu mỏ toàn cầu. Ngoài việc là nhà xuất khẩu lớn, Iran còn có vị trí án ngữ eo biển Hormuz, nút thắt cổ chai mà sản lượng dầu khí xuất khẩu của các nước vùng Vịnh như Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait hay UAE đi qua. "Do đó, khi Iran liên quan một cuộc chiến với các láng giềng của họ, bạn phải đối mặt với một số rủi ro gián đoạn địa chính trị", theo ông Bob McNally, nhà sáng lập Hãng phân tích Rapidan Energy Group và từng là cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush.
Thiết bị bơm dầu gần TP.Bakersfield (Mỹ). ẢNH: REUTERS
Sự biến động tại Trung Đông còn ảnh hưởng đến các thị trường cổ phiếu và các hàng hóa khác trên toàn cầu. Ngoại trừ chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng điểm nhờ các chính sách kích thích của Trung Quốc, hầu hết thị trường chứng khoán tại châu Á đều phủ sắc đỏ trong ngày 2.10, theo sau đợt bán tháo tại Phố Wall, theo CNN.
Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty quốc phòng đồng loạt tăng lên khi nguy cơ xung đột leo thang. Theo CNBC, cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng châu Âu gồm Saab và BAE Systems hôm qua tăng 2,2% trong khi Thales và Rheinmetall tăng hơn 1,3%. Trước đó, cổ phiếu của các nhà thầu Mỹ như Lockheed Martin, RTX (trước đây là Raytheon), Northrop Grumman và L3Harris đều tăng hơn 2,6% trong ngày 1.10. Trong đó, cổ phiếu của Lockheed Martin và RTX chạm mốc cao kỷ lục trong khi hai hãng còn lại đạt mức cao nhất từ năm 2022, theo Forbes.
Ngoài ra, các tài sản mang tính an toàn cao cũng đều tăng giá. USD được giao dịch ở mức cao nhất trong 3 tuần so với euro.
Căng thẳng Hezbollah- Israel: Trên 100.000 người di cư từ Liban sang Syria Ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết có trên 100.000 người đã di tản từ Liban sang Syria và trên 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở miền Nam Liban do lệnh sơ tán của quân đội Israel. Người dân sơ tán khỏi Liban di chuyển qua cửa khẩu biên giới Jdeidat...