Căng thẳng phủ mờ triển vọng thượng đỉnh Mỹ – Trung
Quan hệ Mỹ – Trung hiện nay được cho là quá căng thẳng, không thuận lợi để lãnh đạo hai nước hội đàm, dù Washington để ngỏ khả năng này.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 17/6 ngụ ý Washington đang xem xét tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một ngày sau khi ông chủ Nhà Trắng gặp thượng đỉnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva.
“Ý tưởng về việc Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập gặp nhau theo cách nào đó vào tháng tới, nhằm xác định vị trí của chúng tôi trong mối quan hệ, cũng như có được cuộc đối thoại trực tiếp giá trị như với Tổng thống Putin, là điều mà chúng tôi quan tâm”, Sullivan nói khi đó.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo một ngày sau đó tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay “không có thông tin gì để cung cấp” về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo.
Theo giới quan sát Trung Quốc, mặc dù một cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden có thể giúp kiểm soát những rủi ro quân sự giữa hai cường quốc, việc họ có thể đạt được tiến bộ sẽ rất khó khăn, khi quan hệ song phương ngày càng lạnh nhạt.
Giới chức ngoại giao hai nước hồi tháng 3 đã tiến hành cuộc hội đàm đầy căng thẳng tại Alaska nhưng không giúp cải thiện được tình hình. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bất đồng toàn diện, từ thương mại, nhân quyền đến Biển Đông và nhiều vấn đề khác.
Video đang HOT
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Joe Biden, khi đó đang là phó tổng thống Mỹ, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters .
“Tôi nghĩ Trung Quốc không có hứng thú hội đàm”, Lu Xiang, chuyên gia về các vấn đề với Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định. “Mỹ đang thách thức Trung Quốc về Hong Kong và Tân Cương, những vấn đề mà Bắc Kinh coi là thử thách giới hạn cuối cùng của họ. Vậy mục đích cuộc đối thoại này là gì? Tôi không biết hai bên có thể trao đổi như thế nào”.
Bất chấp điều đó, Sullivan dường như khá lạc quan, khi cho rằng việc Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc “giờ đây chỉ là vấn đề thời gian và cách thức”. Ông cho biết hai lãnh đạo đều dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tại Rome, Italy. Đây có thể là một địa điểm tiềm năng, nhưng Sullivan cũng nói thêm rằng hiện nay Washington “chưa có bất cứ kế hoạch cụ thể nào”.
Trong chuyến công du châu Âu đầu tiên của mình, Tổng thống Biden đã tham gia họp thượng đỉnh NATO và G7, nơi các lãnh đạo bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương và Hong Kong, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19, đại dịch lần đầu xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng 12/2019. NATO cũng ra tuyên bố chung khẳng định việc sức mạnh quân sự Trung Quốc gia tăng đặt ra “các thách thức mang tính hệ thống”.
Những diễn biến này làm dấy lên phản ứng tức giận từ phía Trung Quốc. Họ cáo buộc Washington đang cố gắng gieo bất hòa trong quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Âu, đồng thời công kích NATO vì “vu khống”, “chống lại sự phát triển hòa bình của Trung Quốc”, đề nghị tổ chức này “ngừng phóng đại mọi luận điệu về mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cho rằng gần như không có chỗ cho sự thỏa hiệp giữa hai nước trong các vấn đề chủ chốt. “Ngay cả về biến đổi khí hậu, việc hợp tác cũng có nhiều phức tạp và hạn chế”, ông nhận định.
Chuyên gia này cũng đánh giá địa điểm tiềm năng nhất để lãnh đạo Mỹ – Trung gặp nhau là tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, nói thêm rằng bất cứ cuộc trao đổi nào, dù qua điện đàm hay trực tiếp, “ít nhất cũng sẽ hữu ích trong việc kiểm soát rủi ro quân sự”. Tuy nhiên, theo ông Thời, cuộc gặp không có khả năng tạo ra tác động đáng kể hoặc lâu dài trong việc xoa dịu căng thẳng.
Ông Tập và ông Biden từng gặp nhau nhiều lần trong suốt sự nghiệp của họ. Khi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama xoay trục chính sách đối ngoại từ Trung Đông sang châu Á, ông Biden, với tư cách phó tổng thống Mỹ, đã gặp ông Tập, lúc đó giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc, ít nhất 8 lần trong giai đoạn 2011-2012 nhằm thăm dò lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 16/6, khi được hỏi liệu ông có kế hoạch tiến hành cuộc trao đổi “giữa những người bạn cũ” hay không, đề cập tới Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ trả lời: “Tôi muốn làm rõ vấn đề này: chúng tôi hiểu rõ nhau, nhưng không phải bạn cũ. Đó đơn thuần là quan hệ làm việc”.
Hai lãnh đạo từng điện đàm hồi tháng 2, sau khi Biden nhậm chức. Ông chủ Nhà Trắng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề thương mại và nhân quyền, trong khi ông Tập đề nghị Washington tôn trọng những lợi ích của Bắc Kinh.
Xin Qiang, chuyên gia về các vấn đề với Mỹ tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cho rằng bất chấp bối cảnh không thuận lợi, ông Tập và ông Biden vẫn cần tiến hành các cuộc trao đổi để quan hệ “đi đúng hướng”.
“Chúng tôi đã chứng kiến Mỹ thúc đẩy đồng minh chỉ trích và công kích Trung Quốc về một loạt vấn đề, các lệnh trừng phạt cũng tiếp tục. Tuy nhiên, Washington bây giờ phải làm gì đó để tạo bầu không khí cho hai lãnh đạo gặp mặt”, Xin nêu quan điểm.
Phản ứng của Triều Tiên về đề xuất đàm phán của Mỹ
Ngày 22/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo-jong, một quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã bác bỏ triển vọng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA/TTXVN
Bà tuyên bố những kỳ vọng của Mỹ vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ chỉ đem lại "sự thất vọng lớn hơn" cho Washington và việc Mỹ đề cập tới "tín hiệu đáng chú ý" cho thấy họ đang kỳ vọng "sai lầm".
Tuyên bố của bà Kim nhằm đáp lại đánh giá trước đó của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, người mô tả tuyên bố mới đây của ông Kim Jong-un tại hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên, là "các dấu hiệu đáng quan tâm".
Tại một hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên tuần trước, ông Kim Jong-un đã phân tích chính sách Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và ra lệnh cho các quan chức cấp dưới chuẩn bị cả hai kịch bản đối đầu và đối thoại, "đặc biệt sẵn sàng cho đối đầu" để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, bình luận công khai trên của ông Kim không có những ngôn từ nặng nề chống Washington và Seoul. Giới chuyên gia nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn gợi ý rằng ông có kế hoạch gây thêm sức ép để Mỹ nới lỏng chính sách về Triều Tiên, trong khi một số chuyên gia khác cho rằng ông đang nhấn mạnh đến khả năng nối lại đối thoại.
Bình luận của bà Kim Yo-jong được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Washington sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên vào bất cứ thời điểm nào tại bất kỳ địa điểm nào, đồng thời khẳng định đề nghị mới nhất của Mỹ sẵn sàng nhóm họp mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đề xuất đối thoại và các bình luận tích cực của các quan chức dưới quyền, Tổng thống Biden ngày 21/6 thông báo quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên thêm 1 năm. Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden sẽ có quan điểm chung dung giữa cách tiếp cận trực tiếp của cựu Tổng thống Donald Trump và chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Triều Tiên có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu không hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19 Quan chức cấp cao của Mỹ mới đây đã cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập nếu không hợp tác điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: Getty Images Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Cố vấn...