Căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng đến Pháp và EU
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông sẽ gây nguy hiểm đến các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, vốn lệ thuộc vào việc buôn bán với châu Á, theo Đại sứ Pháp Christian Lechervy, nguyên cố vấn về các vấn đề châu Á của Tổng thống Pháp.
Tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp tại vùng Vịnh Persia để tác chiến chống phiến quân IS, tháng 2.2015. Pháp cho rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng đến kinh tế Pháp lẫn sự lưu thông của lực lượng răn đe hạt nhân của nước này – Ảnh: AFP
Defense News ngày 28.3 cho biết tại hội thảo Những thách thức an ninh của Việt Nam trong năm 2015 tổ chức bởi Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) tại Paris ngày 23.3 qua, Đại sứ Pháp Christian Lechervy, nguyên cố vấn về các vấn đề châu Á của Tổng thống Pháp, nói rằng rủi ro trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ mở rộng đến các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, vốn lệ thuộc vào việc buôn bán với châu Á. Pháp còn có các yếu tố chiến lược gắn chặt với khu vực này.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề đối ngoại và chiến lược của Việt Nam, tham dự hội thảo này, cũng nhận định rằng nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông thì điều này sẽ gây hại cho lưu thông hàng hải đối với Pháp và EU.
Video đang HOT
“Sự lưu thông của các lực lượng Pháp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là tuyệt đối quan trọng cho chiến lược răn đe hạt nhân của chúng tôi. Sự căng thẳng phát sinh từ tranh chấp hàng hải và lãnh thổ là mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi và các đồng minh trong khu vực. Do vậy chúng tôi đang phải làm việc với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ và Úc”, Đại sứ Lechervy nói.
Bà Marie-Sybille de Vienne, phó chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế của Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INLOC) cho rằng Trung Quốc hiện không phải đối mặt với thách thức quân sự nào trong khu vực. Theo bà, Đài Loan không được công nhận là một nước, ngân sách quốc phòng của Việt Nam thì ít hơn so với nhu cầu, chi tiêu quân sự của các thành viên ASEAN là nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. Cả Singapore tuy có công nghệ cao, nhưng cũng không thể thách thức được Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã khuấy động sự quan tâm của công chúng về kế hoạch đưa ra chính sách quân sự tích cực hơn chứ không phải là việc duy trì sự tự vệ để bảo vệ quốc gia, bà Vienne nói.
Bà Vienne cũng nhận xét rằng Việt Nam đang phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, với mức nhập khẩu tăng gấp đôi về giá trị trong năm 2013 so với năm 2009. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 28% trong tổng số hàng nhập khẩu và dự kiến sẽ chiếm hơn 50% vào năm 2020. Sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu này làm Việt Nam khó khăn hơn trong việc đối phó với Trung Quốc.
“Bất cứ khủng hoảng nào ở Biển Đông đều sẽ tác động lớn đến kinh tế các nước châu Âu”, đó là phát biểu của ông Pierre Journoud, giám đốc chương trình Đông Nam Á của IRSEM. Theo ông, tháng 9.2013 Việt Nam và Pháp đã ký hiệp định đối tác chiến lược, do vậy “Chúng ta phải quan ngại sâu sắc về an ninh chung của Việt Nam và đặc biệt là tranh chấp hàng hải”.
Việt Nam và khu vực Thái Bình Dương có một ý nghĩa đặc biệt đối với nước Pháp, nước đã từng chiếm Việt Nam làm thuộc địa trong quá khứ và cũng có lãnh thổ hải ngoại ở khu vực Bắc và Nam Thái Bình Dương, theo Đại sứ Lechervy.
“Chúng tôi là một nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí trong khu vực. Việc Pháp bán tàu ngầm và máy bay chiến đấu cho các nước trong khu vực là có liên quan trực tiếp đến tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, ông Lechervy phát biểu.
Chủ tịch Tập đoàn hàng không Dassault, ông Eric Trappier mới đây tham dự Triển lãm hàng không – hàng hải ở Langkawi (Malaysia) chào hàng tiêm kích Rafale với Malaysia. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Malaysia cho biết nước này quan tâm đến nguy cơ phiến quân trong nước hơn là quốc tế.
Tiêm kích Rafale của Pháp đang được chào hàng ở châu Á, do gắn với tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông – Ảnh: AFP
Nhánh sản xuất trực thăng của Airbus ngày 16.3 qua cho hay sẽ hợp tác với Korea Aerospace Industries (Hàn Quốc) phát triển loại trực thăng vũ trang hạng nhẹ (trọng tải 5 tấn) và trực thăng dân sự hạng nhẹ. Trực thăng quân sự hợp tác Pháp – Hàn sẽ ra mắt vào năm 2022.
Việt Nam đã đặt mua 2 tàu hộ tống của hãng đóng tàu Damen, sẽ trang bị các tên lửa phòng không Mica VL và tên lửa diệt hạm Exocet của Pháp, theo La Tribune cho biết vào tháng 11.2013.
Tập đoàn DCNS năm 2014 đã ký hợp đồng cung cấp 6 tàu hộ tống lớp Gowind cho Malaysia, với việc lắp ráp loại tàu này ở Malaysia.
Sự phát triển kinh tế là nhân tố quan trọng để phát triển quốc phòng. “Vào thế kỷ 18, nguyên soái Pháp Maurice de Saxe từng nói rằng khi bạn chuẩn bị cho chiến tranh, bạn cần 3 thứ: tiền, tiền và tiền”, Đại sứ Lechervy nói.
Theo Thanh Niên