‘Căng thẳng Mỹ – Iran sẽ làm lu mờ thương chiến Mỹ – Trung’
“Thương chiến Mỹ – Trung thu hút toàn bộ sự chú ý của giới đầu tư trong năm 2019, nhưng có thể bị lu mờ bởi căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong năm 2020″.
Đây là nhận định của nhà phân tích nổi tiếng Alastair Newton, giám đốc Alavan Business Advisory, đồng thời là một cựu quan chức ngoại giao Anh. Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Newton cho biết: “Tôi thực sự nghĩ căng thẳng Trung Đông là vấn đề quan trọng với các nhà đầu tư trong năm nay hơn là thương chiến Mỹ – Trung”.
Chuyên gia Newton dự đoán Iran sẽ tiếp tục trả đũa Mỹ trong thời gian tới vì vụ Washington ra lệnh ám sát tướng Soleimani. Nhiều khả năng căng thẳng Mỹ – Iran sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “không hề quan tâm” đến việc Iran có muốn đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng hay không.
Nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Iran sau vụ Mỹ không kích sát hại tướng Soleimani. Ảnh: Getty Images.
“Chính quyền Iran cũng không muốn đàm phán với ông Trump. Tehran hy vọng ông Trump bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới để có thể giải quyết khủng hoảng với một chính quyền đảng Dân chủ”, ông phân tích.
Trước đó, USA Today cũng dẫn lời nhà phân tích thị trường Ephie Coumanakos của Concord Financial Group dự báo tình hình Iran sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu năm 2020 trở nên bất ổn. Và đây là điều tối kỵ đối với giới đầu tư.
Moody’s Investor Service cũng cho rằng một cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran sẽ tạo ra những cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Chiến tranh – nếu nổ ra – sẽ khiến giá dầu tăng vọt, đe dọa các ngành vận tải, sản xuất và thị trường tiêu dùng.
Theo news.zing.vn
Video đang HOT
Ba vấn đề Iran phải đối mặt sau lời thừa nhận bắn 'nhầm' máy bay Ukraine chở 176 người
Không chỉ đối phó với loạt chỉ trích từ quốc tế, một phiên tòa từ gia đình các nạn nhân, Iran đang phải đau đầu hạ nhiệt làn sóng phẫn nộ trong nước sau khi thừa nhận vô tình bắn hạ máy bay chở 176 người.
Tuần đầu tiên của thập kỷ mới bắt đầu bằng vụ Mỹ không kích hạ sát Tướng Iran Qassem Soleimani. Diễn biến đẩy căng thẳng Mỹ-Iran lên mức chưa từng có, vô tình dẫn đến việc Tehran bắn nhầm máy bay chở 176 người của Ukraine.
Trong một tuyên bố hối lỗi đưa ra trên truyền hình Iran hôm 11/1, chỉ huy đơn vị bắn hạ chiếc phi cơ nói ông ước mình có thể chết đi khi thừa nhận quân đội Iran nhầm chiếc máy bay của Ukraine là một tên lửa hành trình.
Chính quyền Iran ban đầu nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân khi tấn công căn cứ Mỹ để trả thù cho Tướng Soleimani, nhưng giờ đang phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội trong nước.
Hiện trường vụ Iran bắn nhầm máy bay chở khách. (Ảnh: Getty)
Không ít người khóc thương trong đám tang ông Soleimani tuần trước giờ tập trung trước Đại học Amir Kabir hay quảng trường lớn ở Iran giơ các tấm biểu ngữ kêu gọi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từ chức.
Mối quan tâm của quốc gia Hồi giáo chuyển từ đối đầu với người Mỹ sang phản ứng và cách xử lý của chính quyền với những người đứng đằng sau quyết định bắn hạ chiếc máy bay xấu số. Quan hệ giữa Iran và Mỹ cũng dường như hạ nhiệt tạm thời nhưng sự chỉ trích trong nước và quốc tế đang tạo ra áp lực khổng lồ đối với giới chức lãnh đạo Iran.
Áp lực quốc tế
Các nhà phân tích cho rằng các bằng chứng thu thập được khiến Iran khó có thể chối bỏ trách nhiệm bắn hạ máy bay chở 176 người. Hiện tại Iran đang phải tính toán những bước đi tiếp theo. Một số quốc gia bắt đầu hủy các chuyến bay tới Iran trong khi liên tục kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch.
Theo học giả Afshon Ostovar tới từ Trường đào tạo hải quân sau đại học (Mỹ), lựa chọn thừa nhận sai lầm của Iran có thể mở ra một con đường đối thoại.
"Tôi nghĩ họ xoay chuyển theo nhiều cách để giảm sự thù địch", ông này cho hay.
Các quan chức Iran cũng thời đẩy tội lỗi sang Washington, viện dẫn lý do căng thẳng với Mỹ sau vụ sát hại tướng Soleimani khiến quân đội Iran đặt trong tình trạng báo động cao vào thời điểm bắn nhầm máy bay Ukraine.
"Lỗi con người ở thời điểm khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ đã dẫn đến thảm họa", Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter.
Yếu tố pháp lý
Ngoài Iran, Ukraine và Canada là những quốc gia mất nhiều công dân nhất trong vụ tai nạn. Ngay sau lời thừa nhận của Iran, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu Iran điều tra và bồi thường đầy đủ cho các nạn nhân, chủ yếu là người người Iran, người Canada và người Ukraine thiệt mạng chỉ vài giờ sau khi Tehran tấn công vào căn cứ Mỹ tại Iraq.
Theo Carl Tobias, chuyên gia luật tại Đại học Richmond, gia đình các nạn nhân có thể kiện Iran về trách nhiệm pháp lý.
"Các cáo buộc hình sự và trách nhiệm pháp lý đối với việc để không phận mở cũng có thể khả thi mặc dù chúng sẽ rất phức tạp vì có liên quan tới quyền tài phán" , ông này cho hay.
Trong một kịch bản tương tự vào năm 1988, quân đội Mỹ bắn hạ chuyến bay 655 của Iran Air bay qua eo biển Hormuz, khiến 290 người thiệt mạng. Mỹ ban đầu chối bỏ trách nhiệm nhưng sau đó thừa nhận một tàu tuần dương của hải quân nước này đã nhầm máy bay là tên lửa của Iran.
Mỹ từ chối chấp nhận trách nhiệm pháp lý hoặc đưa ra lời xin lỗi. Người Iran giận dữ, kiện Washington ra Tòa án Công lý Quốc tế. Mỹ sau đó buộc phải chi 61,8 triệu USD cho gia đình các nạn nhân.
Ông Ostovar cho rằng Iran có thể xem xét trường hợp này, nhấn mạnh việc họ nhanh chóng thừa nhận lỗi lầm so với sự chối bỏ trách nhiệm của Mỹ hoặc xem xét lấy ai đó ra làm "con dê tế thần" trong vụ việc.
Làn sóng giận dữ trong nước
Dù giới chức Iran đưa ra một loạt tuyên bố bày tỏ sự hối tiếc sau vụ việc, cơn giận dữ của người dân nước này vẫn còn đó.
Đám đông biểu tình trước cửa Đại học Amir Kabir. (Ảnh: EPA-EFE)
Tehran cố gắng kéo lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei của họ khỏi tình huống này, nói rằng ông chỉ được biết về vụ việc hôm 10/1 và lập tức kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch. Nhưng chừng đó là không đủ. Trong một động thái phản đối chính quyền hiếm hoi, người dân Iran tổ chức biểu tình kêu gọi ông Khamenei từ chức và gọi Lực lượng vệ binh Cách mạnh Hồi giáo (lực lượng bắn hạ máy bay) là nỗi xấu hổ của đất nước.
Theo bà Suzanne Maloney, Phó Giám đốc Chương trình chính sách đối ngoại tại viện Brookings, một trong những điều gây tổn thương nhất với người dân Iran là chính phủ của họ xuất phát từ một cuộc tấn công không gây thương vong nào cho nước Mỹ thù địch lại vô tình tước đi mạng sống của chính công dân mình.
Vụ việc này cùng chất xúc tác là các cuộc biểu tình vài tháng gần đây liên quan tới giá xăng dầu hay cái chết của hàng chục người do dẫm đạp trong đám tang tướng Soleimani khiến người Iran thêm hoài nghi về chính phủ của họ.
Người Iran có vẻ đã phát ngán với các lệnh trừng phạt của Mỹ, các cuộc đấu khẩu với Washington, các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực hay chính nạn tham nhũng trong nước.
"Đặt đám tang của Tướng Soleimani bên cạnh các cuộc biểu tình chống chính quyền, dường như người Iran đã chán ngấy cả Trump và những người cầm quyền của chính họ hay những bi kịch không hồi kết trong cuộc sống hàng ngày của họ", nhà phân tích Trung Đông Vali Nasr cho hay.
SONG HY (Nguồn: Washington Post)
Theo vtc.vn
Tình báo Mỹ công bố ảnh hiện trường mới nhất vụ dùng tên lửa bắn chết tướng Iran Sau vụ tấn công tướng Iran Qassem Soleimani, tình báo Mỹ tại Iraq đã lập tức có mặt và chụp ảnh hiện trường. Những bức ảnh mới nhất được công bố, cho thấy thi thể của ông Qassem Soleimani đang nằm trong đống đổ nát và sự khốc liệt của vụ tấn công. Hình ảnh mới nhất cho thấy hậu quả cuộc tấn...