Căng thẳng Mỹ-Iran : Nhóm tác chiến tàu sân bay Washington đã vào vị trí, sẵn sàng phản ứng các mối đe doạ
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đã tới vị trí phía bắc biển Arab, sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch triển khai ban đầu để đối phó với mối đe dọa từ Iran.
Tàu USS Abraham Lincoln đi về phía nam trong kênh đào Suez gần Ismailia. Ảnh: Fox News
Ngày 16/5, các quan chức quân sự Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của nước này đã tới vị trí phía bắc Biển Arab, nhằm răn đe Iran, song sớm hai tuần so với kế hoạch.
Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, trên các tàu chiến trong nhóm tàu sân bay nói trên, ngoài hàng chục chiến đấu cơ F-18 Super Hornet còn có hàng trăm tên lửa Tomahawk đang sẵn sàng tấn công.
Thông báo từ phía Mỹ được đưa ra giữa lúc nổi lên thông tin lãnh đạo quân sự quan trọng nhất của Iran đã có cuộc gặp với các lực lượng dân quân Iraq tại Baghdad.
Tuy nhiên, trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan rằng ông không muốn gây chiến với Iran.
Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Trump đã trao đổi với đội quan chức an ninh quốc gia và các phụ tá khác rằng ông muốn giữ căng thẳng với Tehran không trượt vào một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ cũng thể hiện rõ rằng ông sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Tuyên bố này của ông Trump được cho là sẽ làm dịu đáng kể căng thẳng với Iran, bất chấp sự hiện diện của lực lượng quân sự lớn của Mỹ ở vùng biển phía nam nước này.
Video đang HOT
Cận cảnh bề ngang của tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Getty
Báo Guardian (Anh) dẫn hai nguồn tin tình báo cấp cao cho biết Tướng Qassem Suleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, đã triệu tập lực lượng dân quân tại Iraq, vốn nằm dưới tầm ảnh hưởng của Tehran, từ 3 tuần trước trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng leo thang.
Các nguồn tin xác nhận lãnh đạo của tất cả các nhóm dân quân Iraq đang hoạt động dưới “ô bảo hộ” của Đơn vị Huy động Nhân dân Iraq (PMU) đã tham dự cuộc gặp do tướng Suleimani triệu tập. Nguồn tin cho biết tướng Suleimani đã ra lệnh “chuẩn bị cho chiến tranh ủy nhiệm”.
Động thái huy động các lực lượng đồng minh trong khu vực của Iran đã làm dấy lên nỗi sợ hãi tại Mỹ rằng, các lợi ích của Washington ở Trung Đông đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng. Anh ngày 16/5 cũng nâng mức báo động đối với các binh sĩ của nước này tại Iraq.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và 5 cường quốc khác năm 2015, đồng thời áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Tehran nhằm bóp nghẹt nền kinh tế và sức mạnh quân sự của quốc gia này.
Mộc Miên ( Theo Fox News)
Theo doisongphapluat
Có gì trong 'thành phố trên biển' Mỹ vừa đưa đến Vùng Vịnh?
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln đại diện cho việc triển khai sức mạnh quân sự của Washington ở bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đang được triển khai đến Vịnh Ba Tư để chống lại mối đe dọa, dù chưa xác định cụ thể, từ Iran. Đây là đợt triển khai mới nhất của tàu sân bay tới khu vực chiến lược của Mỹ.
Iran vừa bắt đầu ngưng thực hiện một số điều khoản trong hạt nhân năm 2015, đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018 đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và khôi phục các lệnh trừng phạt.
Chi tiết về nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ cho chúng ta một cái nhìn về việc nó phù hợp ra sao với chiến lược của Mỹ và vì sao Washington đưa nó đến Vùng Vịnh.
"Thành phố di động trên biển"
USS Abraham Lincoln là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Nimitz. Tàu được đưa vào hoạt động từ năm 1989. CVN-72 dài 332 m, gần bằng chiều cao tòa nhà Empire State ở New York.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln đang đi qua kênh đào Suez tiến vào Biển Đỏ. Ảnh: AP.
Boong tàu có diện tích tới 18.210 m2, mang theo các tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet, trực thăng và máy bay khác. Tàu có thể chở theo tới 90 máy bay các loại. Bên trong tàu là các lối đi chật hẹp, cầu thang sắt dẫn qua một loạt mê cung với các không gian làm việc và sinh hoạt của thủy thủ đoàn.
Lincoln cần thủy thủ đoàn tới 6.000 người để vận hành. Nó được ví von như một thành phố di động trên biển. Tầm hoạt động của tàu sân bay chỉ bị giới hạn vì nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.
Lincoln giống như các hàng không mẫu hạm khác của Mỹ, di chuyển trong một nhóm tấn công để bảo vệ lẫn nhau. Đi cùng Lincoln đến Trung Đông có 3 tàu khu trục USS Bainbridge, USS Mason và USS Nitze, lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm USS Leyte Gulf và tàu hộ vệ tên lửa Mendez Nunez của Tây Ban Nha. Tàu sân bay cũng được trang bị súng máy và tên lửa để tự vệ.
Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Iran. Đồ họa: Salamnfws.
Tàu sân bay cho phép quân đội triển khai sức mạnh không quân tới các khu vực khó triển khai máy bay trên đất liền hoặc tốn nhiều thời gian. Nó giúp giảm thời gian chuẩn bị, cho phép máy bay ở trên chiến trường lâu hơn.
Trên tàu sân bay có đủ cơ sở bảo trì và sửa chữa nhỏ, với các chức năng đầy đủ như một căn cứ không quân trên đất liền. Hàng không mẫu hạm phục vụ như một cách để quốc gia sở hữu nó phô diễn sức mạnh quân sự ở các khu vực xa nhà.
Đó là cách mà tàu sân bay Lincoln sẽ làm khi nó đi qua eo biển Hormuz, cửa hẹp để đi vào Vịnh Ba Tư, nơi có một phần ba lượng dầu của thế giới được giao dịch.
Phản ứng của Iran
Eo biển Hormuz dù là tuyến đường thủy quốc tế, nhưng nó đi qua lãnh thổ Iran. Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng bán quân sự dưới sự chỉ huy của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, thường triển khai một đội xuồng tốc độ cao đi theo và cắt qua trước mặt tàu sân bay.
Xuồng tên lửa tốc độ cao của Iran trong một cuộc tập trận. Ảnh: Far News.
Iran cũng có các máy bay không người lái có thể giám sát hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ trên Vịnh Ba Tư. Các cảnh quay như vậy thường xuất hiện thường xuyên trên truyền hình nhà nước Iran trong nhiều tháng để tuyên truyền. Iran cũng thử tên lửa và vũ khí do họ chế tạo khi tàu sân bay Mỹ đã đi qua.
Dù không có đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran kể từ năm 1988, nhưng căng thẳng hiện tại có thể leo thang ngoài ý muốn. Quân đội Iran nhiều lần tập trận mô phỏng đánh chìm tàu sân bay tương tự như Lincoln.
Bất kỳ sự cố nào liên quan đến tàu sân bay Mỹ có thể kéo theo cuộc khủng hoảng với những hậu quả khó lường.
Theo Zing
Hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông đẩy căng thẳng với Iran leo thang Gần đây một nhóm tác chiến tàu sân bay hướng tới Vịnh Ba Tư, "pháo đài bay" B-52 hạ cánh xuống các căn cứ trên sa mạc, Lầu Năm Góc đưa tên lửa Patriot và tàu đổ bộ đến Trung Đông. Những diễn biến dồn dập này khiến Iran không thể ngồi yên. Tàu USS Abraham Lincoln khi di chuyển qua Kênh đào...