Căng thẳng Mỹ-Iran: Australia cân nhắc đưa công dân tại Iraq về nước
Thủ tướng Australia Morrison cho biết quyết định đưa toàn bộ lực lượng quân đội và các nhân viên ngoại giao còn lại của nước này tại Iraq về nước sẽ được đưa ra sau cuộc họp nội các ngày 8/1.
Một căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq trúng rocket phóng từ Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang, cùng các hoạt động quân sự trả đũa mới đây của quân đội Iran vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, hiện Chính phủ Australia đang cân nhắc việc rút toàn bộ lực lượng quân đội và các nhân viên ngoại giao còn lại của nước này tại Iraq về nước.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad khiến tướng Iran Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng.
Ông khẳng định các kế hoạch của Australia tại khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau hành động của Mỹ.
Thủ tướng Morrison cũng cho biết quyết định đưa toàn bộ lực lượng quân đội và các nhân viên ngoại giao còn lại của nước này tại Iraq về nước sẽ được đưa ra sau cuộc họp nội các ngày 8/1.
Ông cũng đã xác nhận tất cả binh lính và nhân viên ngoại giao Australia tại đây hiện đều an toàn.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công đảng đối lập tại Australia, ông Anthony Albanese, khẳng định sự an toàn của công dân Australia là ưu tiên hàng đầu. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và hy vọng Australia không bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự tại Trung Đông.
Quân đội Australia được cử đến Iraq với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện quân đội sở tại, không có nhiệm vụ tham gia nếu có chiến tranh xảy ra trong khu vực.
Các cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran tại đây tiềm ẩn nguy cơ đối với các binh lính hải quân Australia đang làm nhiệm vụ bảo vệ các tuyến hảng hải ở Eo biển Hormuz.
Tháng 8/2019, Australia đã tuyên bố sẽ cử một tàu chiến, máy bay giám sát và nhân viên quốc phòng nước này tới khu vực Eo biển Hormuz.
Ngày 8/1, Văn phòng Thủ tướng Australia xác nhận kế hoạch này vẫn được thực hiện đúng tiến độ./.
Theo Hoàng Linh (TTXVN/Vietnamplus.vn)
Uy lực khủng khiếp của tên lửa "hỏa ngục" Mỹ dùng sát hại Tướng Iran
Không giống như cách hoạt động của các tên lửa thông thường làm nổ tung mục tiêu, Hellfire R9X có lưỡi thép "chém nát" mục tiêu thành từng mảnh nhỏ.
Theo đoạn video do kênh truyền hình Al-Ahad của Iraq công bố, các tên lửa của Mỹ đã lao thẳng vào chiếc xe ô tô chở Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran. Một số phương tiện truyền thông cho biết, tên lửa sử dụng trong cuộc tấn công này là Hellfire R9X phiên bản nâng cấp, hay còn gọi là tên lửa "hỏa ngục" R9X.
Cấu tạo đặc biệt của tên lửa "ninja" Hellfire R9X. Ảnh: military.com.
Tính năng ưu việt của Hellfire R9X
Tập đoàn Lockheed Martin đã bắt đầu phát triển Hellfire R9X từ năm 2011, trong bối cảnh quân đội Mỹ đã quá mệt mỏi với "chiến lược tác chiến phi đối xứng" và việc các phần tử khủng bố sử dụng dân thường làm lá chắn sống.
Trước đó, quân đội Mỹ từng sử dụng nhiều loại tên lửa có độ sát thương thấp như Ratheon, Scalpel hoặc tên lửa Griffin, nhằm giảm thiểu thương vong cho dân thường trong các cuộc tấn công. Tuy nhiên, không một dòng tên lửa nào trong số này có thể đảm bảo việc không gây sát thương ngoài ý muốn. Bất kể kỹ thuật điều khiển và thao tác khéo léo đến mức nào, tất cả các dòng tên lửa trên đều gây thiệt hại phụ khi các mảnh vỡ của chúng văng ra sau vụ nổ. Việc dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích luôn mang đến một hình ảnh xấu, làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.Vì thế Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Lockheed Martin đưa ra giải pháp.
Lockheed Martin đã nâng cấp tên lửa Hellfire có phạm vi sát thương 100m, và thay thế đầu đạn nổ bằng sáu lưỡi thép. Phiên bản nâng cấp có tên gọi Hellfire R9X, dù cách thức hoạt động của nó đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Tên lửa Hellfire R9X được coi là tên lửa "siêu phẫu thuật", tiêu diệt chính xác mục tiêu trong khi giảm tác động đến khu vực xung quanh và hạn chế gây tổn thất sinh mạng ngoài dự kiến.
Thay vì làm nổ tung mục tiêu bằng đầu đạn chứa thuốc nổ như cách hoạt động của các tên lửa thông thường, R9X "chém nát" mục tiêu thành từng mảnh nhỏ, theo nghĩa đen. Tờ Task& Purpose của Mỹ đã gọi loại vũ khí này là "Thiên thạch chứa đầy những thanh gươm".
R9X không sử dụng đầu đạn nổ mà dùng động năng cực mạnh để phá nát các mục tiêu. Điểm đặc biệt của R9X là nó được trang bị 6 lưỡi dao thép dài, được bung ra ngoài ngay trước khi va chạm mục tiêu và có thể cắt đứt mọi thứ trên đường bay. Loại tên lửa này được cho là có khả năng "săn mồi" cực cao, nghĩa là nó có thể tiêu diệt mục tiêu duy nhất trong xe ô tô, trong khi bỏ qua những đối tượng khác (chẳng hạn như lái xe hay hành khách...). Độ chính xác của Hellfire R9X được cải thiện hơn 15% so với phiên bản tên lửa tiêu chuẩn Hellfire. Nhờ hệ thống dẫn đường tối tân bằng tia laser, Hellfire R9X có khả năng nhắm trúng một chiếc ô tô đang di chuyển trên đường hoặc một căn phòng trong nhà mà không chệch ra ngoài. Tuy nhiên, sức công phá của Hellfire là khá lớn vì thế nó vẫn có nguy cơ sát thương con người hoặc phá hủy các vật nằm trong bán kính 9m khi lưỡi thép bung ra.
Phương tiện bị trúng tên lửa Hellfire R9X có một lỗ thủng to trên nóc. Ảnh: Israelfirepower.
Nhược điểm của Hellfire R9X
Dù có nhiều tính năng ưu việt, song Hellfire R9X vẫn có nhược điểm đó là đôi khi bỏ lọt mục tiêu. Không một tên lửa nào có thể thật sự đảm bảo nhắm trúng một mục tiêu đơn lẻ chính xác tới 100%. Nếu như RX9 không đánh trúng mục tiêu trong phạm vi đã được xác định thì các lưỡi thép dù lợi hại đến đâu cũng không có tác dụng. Lấy ví dụ, nếu tên lửa tấn công vào ghế sau, chứ không phải là ghế trước của ô tô - nơi mà đối tượng cần tiêu diệt đang ngồi, thì anh ta vẫn có cơ hội sống sót. Với 1 tên lửa thông thường vốn bao trùm cả bán kính sát thương bằng 1 vụ nổ. thì đây không phải là vấn đề, nhưng RX9 thì lại không có đặc điểm này. Theo các chuyên gia quân sự, để khắc phục nhượng điểm nói trên, Hellfire R9X nên được sử dụng kèm với một quả bom thông minh.
Hiện tại, đang có một cuộc tranh luận trên các diễn đàn quân sự là liệu tên lửa này có thể xuyên thủng tường hay bất cứ vật thể nào khác ngoài xe ô tô hay không. Câu trả lời ở đây là "có" bởi Hellfire R9X nặng hơn 45kg và di chuyển với tốc độ 370km/h. Nó xuyên thủng vật thể giống như việc các mảnh gỗ hoặc thậm chí là ống hút có thể xuyên thủng bức tường trong một trận lốc xoáy.
Trước vụ tấn công sát hại Tướng Iran Soleimani tại Iraq, tên lửa Hellfire R9X đã được Mỹ sử dụng ở Syria, Iraq, Libya, Yemen, Somalia. Vào tháng 1/2019, Mỹ đã dùng tên lửa này để tiêu diệt Jamel Ahmed Mohammed Ali al-Badawiou - kẻ chủ mưu vụ đánh bom chiến hạm USS Cole ở cảng Aden của Yemen khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng vào năm 2000.
Điều mà cho đến nay chưa được biết đến là cách thức tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa Hellfire R9X. Khi hình ảnh về những chiếc ô tô bị tên lửa Hellfire R9X đánh trúng được đăng tải trên mạng xã hội, chúng đã gây tò mò, bởi trông không giống như một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường. Không có vết cháy của một vụ nổ nào, thay vào đó, hình ảnh cho thấy các phương tiện bị thủng một lỗ to ở trên nóc. Cuối cùng, để gạt đi những tranh cãi và sự tò mò của dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải tiết lộ về sự tồn tại của loại tên lửa đặc biệt với những tính năng "độc nhất vô nhị" này./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Israelfirepower
Mỹ giết Tướng Iran: "Hồi chuông cáo chung" cho thỏa thuận hạt nhân Với việc sát hại Tướng Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Với việc ám sát Tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn...