Căng thẳng Mỹ – EU về bê bối nghe lén tiếp tục leo thang
Pháp và Áo hôm qua đã triệu Đại sứ Mỹ yêu cầu giải thích về tiết lộ của Snowden nói rằng Washington đã gài thiết bị theo dõi các văn phòng và Đại sứ quán các nước châu Âu, báo hiệu cuộc tranh cãi ngoại giao giữa châu Âu và Mỹ đang gay gắt hơn.
Đại sứ Mỹ tại Áo William Eacho trả lời phỏng vấn báo giới sau khi được triệu lên Bộ Ngoại giao nước chủ nhà.
Trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ William Eacho, Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger bày tỏ quan ngại của nước này trước vụ bê bối do thám ngày càng lan rộng và có nguy cơ làm tổn hại quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Theo Ngoại trưởng Spindelegger, Mỹ cần nhanh chóng làm rõ vụ việc này.
Đáp lại, Đại sứ Mỹ chỉ cam kết sẽ truyền đạt quan ngại của Vienna đến “nhà chức trách hữu quan”.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Pháp cũng đã bị triệu đến Bộ Ngoại giao nước này để “lĩnh hội” về quan ngại của Pháp cho rằng hoạt động gián điệp của Mỹ là “không thể chấp nhận được” trong quan hệ giữa các đối tác và đồng minh.
Video đang HOT
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã có những tuyên bố gay gắt về vụ việc này.
“Mỹ cần chấm dứt ngay hoạt động theo dõi các nước Liên minh châu Âu (EU). Đây là hoạt động &’không thể chấp nhận được’ trong quan hệ giữa các đối tác và các đồng minh”, ông Hollande nói sau khi cho biết Paris có “đủ bằng chứng” để yêu cầu Washington phải giải thích.
Ông cũng cảnh báo các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ về Khu vực Thương mại Tự do (FTA) sẽ không thể tiến hành nếu không có bảo đảm rằng Mỹ phải chấm dứt hoạt động gián điệp này.
Đây là động thái mới nhất liên quan đến những tiết lộ của Snowden về vụ bê bối nghe lén điện thoại và giám sát Internet của chính phủ Mỹ.
Trước đó, nhiều nước châu Âu cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động mờ ám của các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đối với các cơ quan ngoại giao của họ ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Italia đã chính thức yêu cầu Mỹ giải thích nghi vấn nghe lén các cơ quan ngoại giao của Italia tại Washington và New York.
Tổng thống Đức Joachim Gauck cũng yêu cầu làm rõ vụ việc và kêu gọi thiết lập các khung pháp lý quốc tế đối với mạng Internet và các hình thức giao tiếp xuyên quốc gia khác.
Mặc dù chính phủ Mỹ đã cam kết sẽ nhanh chóng giải tỏa quan ngại của các đối tác và đồng minh châu Âu thông qua kênh ngoại giao, song theo một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây, các thành viên EU đang tham vấn lẫn nhau về hành động đáp lại nếu những thông tin về hoạt động gián điệp của Mỹ được kiểm chứng. Một trong những khả năng đó là hoãn vòng đàm phán thứ nhất về FTA Mỹ – EU dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Trong khi đó, EU đang cho tiến hành rà soát an ninh toàn diện ở tất cả các tòa nhà, trụ sở của liên minh này. Ngoài ra, liên minh gồm 28 thành viên này cũng đang kiểm chứng thông tin được các phương tiện truyền thông trong khu vực công bố cuối tuần qua nói rằng các cơ quan mật vụ Mỹ đã thâm nhập mạng thông tin của các cơ quan đại diện EU ở Washington và New York, cũng như trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels (Bỉ).
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng lên tiếng phản đối hành động của Mỹ, nhấn mạnh tất cả các cơ quan ngoại giao, gồm cả LHQ và các tổ chức quốc tế khác, được bảo đảm nguyên tắc bất khả xâm phạm theo các công ước quốc tế, trong đó có Công ước Vienna.
Theo Dantri
Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp thăm Việt Nam
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy sẽ có buổi nói chuyện với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại TPHCM vào ngày 2.11.
Trước đó, ngày 31.10, Chủ tịch EC sẽ tới Hà Nội và có các buổi làm việc tại đây.
Chuyến đi chính thức lần này của ông Herman Van Rompuy được cho là quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và đã ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện.
Trong bảy tháng đầu năm 2012, thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam đạt 15,47 tỉ USD, tăng 20,39% so với cùng kỳ năm ngoái.
EC và các nước thành viên EU hiện là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số vốn ODA cam kết từ năm 1996 đến 2013 hơn 13 tỉ USD.
Theo TNO