Căng thẳng leo thang ở biển Hoa Đông
Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản vì kế hoạch quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp và dọa có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ
Kế hoạch quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc quần đảoSenkaku ở biển Hoa Đông của Chính phủ Nhật Bản đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc và Đài Loan.
Bắc Kinh cảnh báo Tokyo
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm 7-7 tiết lộ ông đang cân nhắc việc quốc hữu hóa một vài đảo thuộc quần đảo Senkaku để tăng cường khả năng kiểm soát đối với các đảo này. Bốn trong số 5 đảo chính của Senkaku đang thuộc sở hữu tư nhân. Chính phủ Nhật Bản đang thuê 4 hòn đảo này để ngăn chúng bị bán cho những “khách hàng” đáng ngờ.
Các nghị sĩ và nhà hoạt động Nhật Bản quan sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong một chuyến đi hôm 10-6. Ảnh: AP
Video đang HOT
Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố quần đảo trên (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) thuộc về lãnh thổ nước này và không phải là “thứ đem ra mua bán”. Ông Lưu nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp cần thiết để “kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với Điếu Ngư cùng các đảo nhỏ kế cận”.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo Nhật Bản về kế hoạch nói trên. Một bài xã luận của tờ China Daily cho rằng kế hoạch nói trên đã phát đi một “tín hiệu xấu”. Bài viết khẳng định: “Nếu Nhật Bản tiếp tục có những động thái khiêu khích, Trung Quốc sẽ có lý do chính đáng để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Tương tự, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) kêu gọi “những hành động cứng rắn hơn” bên cạnh việc phản đối thông qua kênh ngoại giao. Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng tuyên bố sẽ không “nhường một tấc đất nào” đối với quần đảo mà vùng lãnh thổ này cũng nhận là của mình.
Nằm trong vùng nước có nguồn thủy sản dồi dào, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không người ở này thường xuyên là điểm nóng trong quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo tranh chấp đã leo thang sau khi Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara vào tháng 4 thông báo kế hoạch quyên tiền của người dân để mua quần đảo Senkaku. Bất chấp sự lên án của Bắc Kinh, Tokyo đã quyên góp được hơn 1,3 tỉ yen (tính đến đầu tháng 7) cho việc mua lại quần đảo nói trên, dự kiến có giá từ 2-3 tỉ yen.
Nguy cơ chiến tranh Trung – Nhật
Ông Kazuhiko Togo, một nhà ngoại giao Nhật Bản về hưu, hôm 4-7 cảnh báo rằng một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản sớm muộn gì cũng xảy ra nếu vấn đề tranh chấp lãnh thổ vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo website tin tức Want China Times (Đài Loan), nhận định trên đã khiến báo chí Nhật Bản đồng loạt đăng tải nhiều tin bài về sự hiện đại hóa và phát triển của quân đội Trung Quốc. Chẳng hạn như tạp chí Ships of The World đã đăng một bài viết chi tiết về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cùng với thông tin chi tiết về những tàu chiến khác của nước này.
Về phía Trung Quốc, sự quan tâm nói trên khiến không ít người liên tưởng đến cuộc chiến đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong 2 năm 1894-1895. Vào thời điểm đó, hải quân Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt đứng thứ 8 và 11 thế giới về mặt quy mô. Dù vậy, một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh Trung – Nhật nữa trong tương lai do những xu hướng chính trị ở Nhật Bản. Vì thế, họ cho rằng Bắc Kinh không nên quá lo lắng về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông
Trong một động thái có thể nhằm răn đe Nhật Bản, Hải quân Trung Quốc thông báo kế hoạch tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông trong ngày 10-7. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, một lệnh cấm tàu thuyền đi lại trong vùng biển xung quanh đã được ban hành trước thềm cuộc tập trận kéo dài 5 ngày này. Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận này là cần thiết để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư.
Theo NLD
"Nhật nên học hỏi Việt Nam trong đối ngoại với Trung Quốc"
Báo Sankei Shimbun mới đây đã viết 1 bài cổ vũ chính phủ Nhật Bản nên học hỏi phương thức ngoại giao của Việt Nam trong các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Theo tờ Sankei Shimbun, Nhật Bản nên học tập phương thức ngoại giao vừa cứng rắn vừa mềm mỏng của Việt Nam với Trung Quốc vào xử lý tranh chấp ở quần đảo Senkaku giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Bài báo nói rằng "tấm gương" cho Nhật Bản hiện nay chính là Việt Nam. Dù thua kém về sức mạnh quân sự nhưng trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam không hề tỏ ra lép vế trước Trung Quốc. Việt Nam đã sử dụng ngoại giao đa phương làm phương tiện tấn công sắc bén. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục mua mới và nâng cấp vũ khí từ Nga, hợp tác khai thác dầu khí ở các giếng dầu trên biển Đông, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế quốc phòng với Mỹ...
Những thành tựu về quan hệ ngoại giao giúp Việt Nam tăng thêm sức mạnh về nhiều mặt nhưng quan hệ song phương Việt - Trung không hề bị gián đoạn hoặc xấu đi. "Vậy tại sao chính quyền của Thủ tướng Noda Noshihiko lại không học tập theo cách làm của Việt Nam?" - tác giả đề xuất.
Tàu tuần dương của Trung Quốc (Ảnh: SINA)
Tác giả bài viết trên Sankei Shimbun cho rằng các chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc hết sức đa dạng, diễn ra trên các mặt trận truyền thông, kinh tế hay thậm chí bằng vũ lực.
Tranh cãi chủ quyền ở biển Đông chưa tìm ra hướng giải quyết vì nhiều nguyên nhân, mà vấn đề chính trong đó, theo Giáo sư danh dự Paul Dibb - trường đại học Quốc gia Úc - là do "Trung Quốc không tôn trọng luật biển quốc tế". Tờ Sankei Shimbun tiếp tục dẫn lời giáo sư Dibb cho rằng trong mối quan hệ với các nước liên quan, Bắc Kinh chưa từng ký kết hiệp định đề phòng sự cố trên không và trên biển; cũng như không tỏ ra quan tâm đến vấn đề này.
Tờ báo cũng dẫn lời ông Rommel C. Banlaoi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố, bạo lực và hòa bình (PIPVTR) của Philippines: "Với chủ trương tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông, việc thành lập thành phố Tam Sa là một trong những chiến lược tăng cường sức mạnh chi phối tình hình của Bắc Kinh". Một nguồn tin khác của Philippines nói: "Với thái độ cứng rắn, Trung Quốc sẽ tăng cường các hành động biểu dương lực lượng trên Biển Đông".
Còn bài xã luận trên trang tin The Want China Times viết rằng nếu Việt Nam bắt đầu tiến hành tuần tra thường xuyên xung quanh quần đảo Trường Sa, nhất là sau khi vừa thông qua luật biển của Việt Nam, căng thẳng với Bắc Kinh có thể tăng lên, dễ dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự tại Biển Đông.
Theo NLD
Dân Nhật góp 1 tỉ yen mua đảo tranh chấp với Trung Quốc Người dân Nhật Bản đã quyên góp được gần 1 tỉ yen (tương đương 1,25 triệu USD) để mua lại quần đảo tranh chấp Senkaku (còn gọi là Điếu Ngư) giữa nước này và Trung Quốc. Các quan chức Tokyo thông báo hôm 24-5. Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara Theo công bố cách đây không lâu, chính quyền thành phố Tokyo cho biết...