Căng thẳng cuộc đối đầu giữa lãnh đạo Mỹ, Trung
Chỉ một vài giờ sau các cuộc hội đàm vui vẻ với giới lãnh đạo Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp mặt đối mặt đầy căng thẳng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề vùng phòng không mới đầy tranh cãi mà Bắc Kinh tuyên bố thành lập gần đây ở biển Hoa Đông.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vui vẻ trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Chuyến công du Châu Á của ông Biden lần này được cho là nhằm mục tiêu tìm kiếm cách thức hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ-Trung. Tuy nhiên, chuyến thăm ngày hôm qua (4/12) của Phó Tổng thống Biden đến Bắc Kinh đã diễn ra trong không khí căng thẳng sau khi Trung Quốc gần đây bất ngờ thông báo lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Hành động của Bắc Kinh đã khiến căng thẳng khu vực leo thang. Mỹ cùng với các đồng minh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối gay gắt bước đi mới nhất của Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, khi ông Biden còn chưa đặt chân đến đất Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc đã có bài viết răn đe ông này với nội dung, Phó Tổng thống Mỹ đừng trông mong sẽ làm dịu được căng thẳng trong khu vực nếu tiếp tục đưa ra “những nhận xét một chiều, sai lầm”. Báo chí Trung Quốc cáo buộc Mỹ bênh vực, đứng về phía Nhật Bản trong cuộc tranh cãi về vấn đề vùng phòng không
Cuộc gặp sau đó giữa ông Biden với giới chức Trung Quốc được cho là diễn ra khá căng thẳng và ảm đạm chứ không sôi động và vui vẻ như ở Tokyo .
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Một quan chức Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về mọi lĩnh vực trong quan hệ song phương trong cuộc gặp kéo dài 5,5 giờ đồng hồ.
Đề cập đến vùng phòng không, “Phó Tổng thống Mỹ đã nói chi tiết và rõ ràng về lập trường của chúng tôi. Ông ấy đã thể hiện rằng chúng tôi không thừa nhận vùng phòng không của Trung Quốc và rằng chúng tôi quan ngại sâu sắc về vấn đề này”, vị quan chức giấu tên của Mỹ cho hay. Phó Tổng thống Biden cũng đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng: “Chúng tôi trông chờ Trung Quốc có những bước đi làm dịu căng thẳng”.
Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói rõ quan điểm của Trung Quốc về vùng phòng không và những tranh chấp trong khu vực.
Video đang HOT
Các nhà ngoại giao và giới phân tích tin rằng, chính quyền Mỹ không thể yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ vùng phòng không mà nước này vừa thành lập. Thay vào đó, Mỹ chỉ có thể làm rõ xem liệu Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với máy bay nước ngoài bay vào vùng phòng không mà không tuân theo các quy định của Trung Quốc.
Mỹ, Trung tránh nói về mâu thuẫn
Sau các cuộc gặp gỡ, hội đàm ở thủ đô Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ Biden với vẻ mặt được cho là khá buồn rầu thông báo tại cuộc họp báo rằng, quan hệ Trung-Mỹ có ảnh hưởng lớn đến tiến trình của thế kỷ 21 và và triển vọng hợp tác giữa hai nước là không có giới hạn.
“Sự chân thành sẽ tạo ra niềm tin. Niềm tin là nền tảng cho những thay đổi thực sự – những thay đổi mang tính xây dựng”, ông Biden đã nói như vậy.
Trong khi đó, phát biểu công khai tại cuộc họp báo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi lợi ích của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Mỹ đồng thời nói về sự thay đổi “sâu sắc và phức tạp” ở Châu Á cũng như toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, “những điểm nóng của khu vực vẫn tiếp tục nóng lên và thế giới nhìn chung không phẳng lặng. Vì thế, củng cố hợp tác và tăng cường đối thoại là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho hai nước.
Vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc gây căng thẳng trong khu vực bởi nó bao trùm cả những khu vực gần với Nhật Bản, Hàn Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan và khu vực được Mỹ xem là thuộc quốc tế. Vùng phòng không của Trung Quốc còn bao gồm cả bầu trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – khu vực đang nằm trong tranh chấp quyết liệt giữa Bắc Kinh và Tokyo ..
Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ đã lập các vùng phòng không kéo dài từ đường bờ biển của họ để bảo vệ không phận trước máy bay của kẻ thù. Tuy nhiên, vùng phòng không của Trung Quốc có điều bất thường là nó mở rộng ra bên ngoài và không giống như Mỹ, Trung Quốc đòi hỏi máy bay nước ngoài bay qua vùng phòng không phải thông báo trước cho họ.
Những phát biểu của ông Biden ở Bắc Kinh được đưa ra sau khi ông này đến Nhật Bản và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về vùng phòng không của Trung Quốc, nói rằng “động thái đó gây căng thẳng trong khu vực và làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn cũng như những tính toán sai lầm”.
Chuyến thăm với mục đích ban đầu là nhằm vào vấn đề kinh tế của ông Biden đã bị chuyển thành một chuyến đi có sứ mạng giải tỏa căng thẳng trong khu vực vì vùng phòng không của Trung Quốc.
Cả Phó Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tránh đưa ra những phát biểu công khai về những nội dung chi tiết mà họ bàn thảo trong cuộc gặp ngày hôm qua, đặc biệt là những vấn đề gây mâu thuẫn như vùng phòng không và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Đối ngược với sự thận trọng của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung, tờ China Daily của Trung Quốc lại tiếp tục có bài viết thẳng thừng cáo buộc Washington “nhắm mắt làm ngơ trước những hành động khiêu khích của Nhật Bản”, gọi đó là nguyên nhân gốc rễ gây ra sự căng thẳng. Tờ China Daily cho rằng, “Mỹ đang đổ lỗi lầm cho Trung Quốc về việc đơn phương tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở biển Hoa Đông”.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Đến với Nhật, Mỹ quyết liệt phản đối Trung Quốc
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay (3/12) đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối quyết liệt và mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không mới ở trên bầu trời quần đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Ông Biden đã thể hiện sự đoàn kết chặt chẽ với một Nhật Bản đang lo âu vì căng thẳng leo thang trong khu vực và vì hành động bất thường của đồng minh Mỹ gần đây.
Phó Tổng thống Mỹ Biden (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Abe
Sát cánh bên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở thủ đô Tokyo , Phó Tổng thống Biden cho biết, Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước việc Trung Quốc nỗ lực tìm cách đơn phương thay đổi thế nguyên trạng ở biển Hoa Đông. "Hành động này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm tăng nguy cơ xảy ra những sự cố bất ngờ và những tính toán sai lầm", ông Biden chỉ trích.
Phó Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đồng thời nhấn mạnh Washington có lợi ích trong việc làm dịu căng thẳng trong khu vực.
"Tôi sẽ nêu những vấn đề đó ra một cách rất cụ thể khi có cuộc gặp với giới lãnh đạo Trung Quốc vào ngày kia", ông Biden đã cho biết như vậy.
Những phát biểu mạnh mẽ trên được Phó Tổng thống Biden đưa ra sau khi Nhật Bản đang gây sức ép buộc đồng minh Mỹ phải tích cực hơn trong việc thể hiện lập trường đứng về phía họ khi cuộc tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh liên quan đến vùng phòng không mới của Trung Quốc đang leo thang nghiêm trọng.
Mỹ và Nhật Bản trước đó đã từ chối thừa nhận Vùng Nhận diện phòng không biển Hoa Đông mà Trung Quốc tuyên bố thành lập cách đây hơn một tuần, trong đó bao trùm cả bầu trời ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Mỹ và các đồng minh đều lo ngại, bước đi trên của Bắc Kinh là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm khẳng đinh chủ quyền của nước này ở trong khu vực.
"Viễn cảnh xảy ra những tính toán sai lầm hoặc sai sót trong khu vực là quá cao", ông Biden đã nói như vậy về vùng phòng không của Trung Quốc.
Đáp lại, Thủ tướng Abe - người có cuộc gặp với Phó Tổng thống Biden tại khu dinh thự riêng ở thủ đô Tokyo ngày hôm nay, cho biết, cả ông và ông Biden đều xác nhận, sẽ không có nước nào dung thứ cho nỗ lực nhằm thay đổi thế nguyên trạng hiện nay ở biển Hoa Đông. Nhà lãnh đạo Abe đã viện dẫn đến mối quan hệ liên minh bền chặt kéo dài nhiều thập kỷ qua với Mỹ để khẳng định hai nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để xử lý tình hình.
Thủ tướng Abe cũng tìm cách là dịu nhẹ mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Mỹ trong vấn đề vùng phòng không của Trung Quốc. Mặc dù tuyên bố không thừa nhận Vùng Nhận dạng Phòng không biển Hoa Đông của Trung Quốc và từng đưa cả máy bay ném bom B-52 đi thách thức Trung Quốc ở khu vực này nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã khiến Nhật Bản ngỡ ngàng và sốc khi khuyên các hãng hàng không dân sự tuân theo các quy định mà Bắc Kinh đặt ra ở vùng phòng không mới. Hành động của Mỹ được cho là sẽ giúp Trung Quốc tăng thêm tính hợp pháp cho vùng phòng không mà họ vừa mới thành lập ở biển Hoa Đông và làm tổn hại đến lợi ích của Nhật Bản. Tokyo từng hy vọng Mỹ sẽ thể hiện lập trường và hành động thống nhất với họ để có thể gây sức ép mạnh mẽ buộc Bắc Kinh phải hủy bỏ vùng phòng không. Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng.
Tuy vậy, bề ngoài, giới chức Nhật Bản vẫn tỏ ra rằng, mối quan hệ của họ với Mỹ không bị sứt mẻ vì vấn đề vùng phòng không của Trung Quốc. "Chúng tôi đã nhất trí với nhau sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào đe dọa đến sự an toàn của các chuyến bay dân sự", ông Abe cho biết.
Khác với lập trường của Mỹ và thể hiện sự quyết liệt đến cùng, chính quyền Nhật Bản đã kêu gọi các hãng hàng không dân sự của nước này không thực hiện theo các quy định mà Trung Quốc đưa ra ở cái gọi là vùng phòng không.
Mỹ không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc
Trong một nỗ lực nhằm trấn an đồng minh Nhật Bản, chính quyền của ông Obama hôm nay khẳng định, Mỹ chưa bao giờ yêu cầu các hãng hàng không dân sự của họ tuân theo các quy định và yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra ở vùng phòng không. Thay vào đó, Cục Hàng không Dân sự Liên bang chỉ tái khẳng định chính sách tồn tại hiện nay của họ là các phi công nên tuân thủ theo những chỉ dẫn như vậy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Vùng phòng không mà Trung Quốc mới tuyên bố thành lập bao phủ một khu vực rộng gần 1.000 km kéo dài từ bắc tới nam, trên các vùng lãnh hải quốc tế chia cắt giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố, tất cả máy bay đi vào khu vực phòng không của họ phải thông báo trước cho phía Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với những biện pháp phòng vệ của nước này.
Mặc dù đã tham gia cùng với Nhật Bản và các đồng minh khác trong việc từ chối không công nhận vùng phòng không của Trung Quốc nhưng Washington được cho là đang xử lý tình hình một cách rất thận trọng vì lo ngại sẽ tạo ra một "đường nứt" mới trong quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh cường quốc số 1 thế giới đang theo đuổi một thời kỳ hợp tác kinh tế mới với Bắc Kinh.
Việc thể hiện tình đoàn kết, thống nhất giữa ông Biden và ông Abe sẽ được theo dõi một cách chặt chẽ bởi Trung Quốc và các nước Châu Á đang lo ngại về động thái thành lập vùng phòng không của Bắc Kinh. Nhiều nước tin rằng, bước đi mới nhất của Trung Quốc là nhằm để đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực tranh giành chủ quyền trong khu vực.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Mỹ kêu gọi ASEAN và TQ đẩy nhanh đàm phán COC Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/7 đã hối thúc các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán về một bộ quy ước mang tính ràng buộc pháp lý để xử lý các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden Trong bài phát biểu tại Washington về chính sách của Mỹ với...