Căng thẳng cuộc chiến giá phân bón trong nước (bài 5): Dùng phân bón “nhà làm” giảm ngay 30% chi phí
Giá vật tư tăng cao đặt ra yêu cầu giảm lượng phân, thuốc trên cây trồng; song cũng là cơ hội để người trồng sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều mô hình trồng tiêu sạch; hạn chế phân bón và thuốc hóa học.
Dùng phân dê, đạm cá thay thế phân bón hóa học
Từ cuối năm 2007, tỉnh Bình Phước khởi động dự án phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.400 nông hộ trồng tiêu tham gia phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững này.
HTX hồ tiêu Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) với 29ha đang được các thành viên canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.
Ông Phạm Thanh Chung – Giám đốc HTX cho biết, ngày trước, vì muốn thu được lợi nhuận lớn, nhiều nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất.
Vườn hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ của HTX hồ tiêu Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: Trần Khánh
Quá trình lạm dụng này khiến đất đai thoái hóa, sâu bệnh kháng thuốc. Để vườn tiêu sinh trưởng tốt, HTX Lộc Quang ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để tạo hữu cơ có lợi, giúp cây tiêu tăng cường khả năng kháng bệnh và sinh trưởng tốt.
Phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương HTX tận dụng, chế biến thành công các loại phân bón hữu cơ như dịch trứng gà lên men, dịch đạm cá, đậu nành ngâm ủ.
Nguồn phân hữu cơ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, không thua kém các loại phân bón hóa học.
Các thành viên của HTX còn trồng cây cỏ lạc tiên ngay trong vườn tiêu. Lớp cỏ lạc tiên này vừa bổ sung mùn hữu cơ cho vườn tiêu vừa làm thức ăn để nuôi dê. Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu.
Ông Chung cho biết, 1 bao phân dê hiện có giá 60.000 đồng (30-35 kg) và có thể bón được cho hơn 10 trụ tiêu.
Mỗi năm, 1ha hồ tiêu cần dùng 200-250 bao phân dê, tốn khoảng 12-15 triệu đồng. Trong khi đó, 1 đợt bón phân bón hóa học tốn khoảng 15-18 triệu đồng.
Tính tổng cộng, việc tự làm phân hữu cơ hiệu quả hơn rất nhiều.
Video đang HOT
“Chi phí cho phân bón hữu cơ cho 1 vụ tiêu khoảng 35-40 triệu đồng/ha; giảm khoảng 30% chi phí so với mua phân bón hóa học đang tăng cao như hiện nay”, ông Chung nhận xét.
Thành viên HTX hồ tiêu Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) bón dung dịch hữu cơ ngâm ủ cho vườn tiêu. Ảnh: Trần Khánh.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ nông trang Thiên Nông cũng đang trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập). Vườn tiêu của ông rộng 8ha, nằm giữa vùng đệm bao bọc là rừng cao su hơn 15 năm tuổi.
Để đảm bảo hạt tiêu đạt chuẩn hữu cơ, toàn bộ cỏ dại quá lứa trong vườn tiêu được cắt, phát đi chứ không phun thuốc diệt cỏ. Ông Hoàng còn thu mua nguồn cá tạp ở lòng hồ thủy điện Thác Mơ để ủ làm phân bón thay cho phân hóa học.
Toàn bộ vườn tiêu của ông cho sản lượng 6 tấn. Tính ra, năng suất bình quân chưa đạt tới 1 tấn/ha. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu hữu cơ của ông vẫn được các công ty thu mua với giá cao hơn thị trường.
Ông Hoàng khẳng định cách làm của mình là chấp nhận năng suất thấp để đảm bảo chất lượng nông sản.
“Lợi nhuận được bù lại từ việc tiết giảm chi phí vật tư đầu vào; giá bán và đầu ra ổn định”, ông Hoàng nói.
Dùng phân bón hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch
Sau khi được tập huấn, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), đã sử dụng men vi sinh IMO để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn tiêu của mình.
Theo tính toán của người trồng tiêu, nếu làm phân bón với khối lượng hơn 1 tấn cá tạp có thể bón cho 1ha/năm. Mỗi năm, nông dân tiết kiệm được khoảng 50-60 triệu đồng/ha chi phí phân bón.
Ông Lê Văn Chính trồng tiêu ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đã tự lên men vi sinh IMO rồi ủ đạm cá làm phân bón hồ tiêu.
Ông Chính kể, phân đạm IMO từ 200kg cá tạp có tác dụng tương đương 500kg phân urê. Phân urê có tác dụng nhanh những dễ làm chai đất. Trong khi đạm cá hữu cơ cho hiệu quả lâu bền.
“Làm phân bón từ IMO không chỉ hạn chế tồn dư chất hóa học trong các sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất hồ tiêu chuyên canh như xã Lâm San”, ông Chính nói.
Tiêu sạch của nông dân xã Lâm San được HTX Hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) thu mua chế biến để xuất khẩu. Ảnh: Trần Khánh.
Ông Trương Đình Bá – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San cũng là người trồng tiêu ở địa phương. Sau 3 lần phun xịt chế phẩm IMO bảo vệ thực vật, sâu bệnh trên vườn tiêu của ông Bá giảm rõ.
Ông Bá kể, nhiều năm trước, khi chưa có chế phẩm bảo vệ thực vật hỗ trợ, người dân thường sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm phân bón và thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên do cách làm tự phát và cũng không dựa trên nghiên cứu khoa học nào nên hiệu quả mang lại không cao. Người dân lại tiếp tục lạm dụng chế phẩm hóa học.
“Hiện nay, với giải pháp IMO, cách sản xuất nông nghiệp truyền thống được áp dụng một cách chính thống, minh bạch và hiệu quả hơn”, ông Bá nói.
Theo ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc giảm phân bón hóa học bằng cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng là cách cân bằng lại hệ sinh thái, dinh dưỡng và hệ sinh vật đất cho vườn tiêu.
Sản xuất của nông dân phải hướng đến tính chất bền vững. Lợi ích từ IMO hay các giải pháp hữu cơ sinh học khác là giảm tối đa chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, chủ động nguồn đầu tư để tạo ra sản phẩm sạch.
Cơ hội tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện Việt Nam đang đứng đầu ASEAN về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Lượng phân bón hữu cơ sản xuất và sử dụng trên đồng ruộng cũng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.
Theo ông Hoàng Trung, việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học trước kia tỷ lệ rất thấp và chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất cũng như sử dụng các loại vật tư này. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, tình hình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học đã khác hẳn, tỷ trọng tăng lên rất nhanh.
Phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học bứt tốc nhanh
Hiện chúng ta đã có 18,2% số sản phẩm trong danh mục là thuốc BVTV sinh học, riêng thuốc BVTV sinh học được đăng ký sử dụng cho cây rau chiếm khoảng 50% tổng số thuốc sinh học. Hàng năm, cả nước sử dụng từ 15.000-20.000 tấn thuốc BVTV sinh học. Việt Nam đang đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học.
Các công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký và ứng dụng tại Việt Nam như: Thuốc BVTV sinh học nano, Chitosan, sản xuất chế phẩm virus nhân đa diện NPV, sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất chế phẩm nấm đối kháng, thuốc sinh học sản xuất chiết xuất từ thảo mộc.
Bà con nông dân tỉnh Bắc Ninh sử dụng thuốc BVTV sinh học. Ảnh: K.L
Các doanh nghiệp lớn cũng đang nghiên cứu, đưa vào các công nghệ tiên tiến hơn, không phải theo công thức 1/10 nữa mà có thể 1/15 đến 1/20, hàm lượng dinh dưỡng trong phân rất cao. Lúc đó, thay vì mỗi lần vào vụ mới phải gồng gánh 3-4 tấn, nông dân chỉ cần vài bao là có thể đáp ứng cho sản xuất.
Với phân bón hữu cơ, trước năm 2016, cả nước chỉ sử dụng từ 0,8-1 triệu tấn nhưng đến nay chúng ta đã tăng vượt bật cả về sản lượng và số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ. Cả nước hiện có khoảng 5.500 sản phẩm phân bón hữu cơ đã được lưu hành với tổng sản lượng năm 2020 đạt 2,63 triệu tấn.
"Nếu không thay đổi, năm 2021 chúng ta sẽ tăng sản lượng phân bón hữu cơ lên được khoảng 3 triệu tấn và tiếp tục tăng dần lên 5 triệu tấn vào những năm tiếp theo. Đây là chủ trương rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giá các loại vật tư, trong đó có phân bón tăng rất cao" - ông Hoàng Trung nói.
Cùng với sản xuất hữu cơ quy mô công nghiệp, Bộ NNPTNT và các địa phương cũng đã tăng cường và khuyến khích các nông hộ sử dụng nguyên liệu là các nguồn phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất 15,6 triệu tấn phân bón hữu cơ.
Trong bối cảnh phải thích ứng với đại dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng, biến đổi khí hậu, ông Hoàng Trung nhận định, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Phân bón hữu cơ sẽ thay thế dần phân bón vô cơ để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và có tác dụng lâu bền.
Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam có khoảng 280 triệu tấn chất thải hữu cơ từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, từ đó tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng
Với chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ, Bộ NNPTNT, trong những năm qua, Cục BVTV đã tham mưu, xây dựng nhiều chương trình để hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhiều hơn. "Bộ NNPTNT đã đặt hàng và ưu tiên nguồn kinh phí để các trường, các viện nghiên cứu ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Đây là hướng ưu tiên của Bộ về góc độ khoa học, công nghệ. Khi doanh nghiệp có sản phẩm mới, hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu cho địa phương, giới thiệu cho nông dân để sử dụng và khối lượng sẽ tăng lên" - ông Hoàng Trung nói.
Mới đây, ngày 21/10, Cục BVTV tiếp tục ký kết kế hoạch hợp tác với 15 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai kế hoạch hành động hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Đến nay, riêng lĩnh vực phân bón, Cục BVTV đã ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ giai đoạn 2019-2025 với 28 doanh nghiệp xây dựng các mô hình mẫu, tập huấn nông dân sử dụng phân bón trên rất nhiều cây trồng khác khau, đặc biệt là các cây trồng chủ lực như lúa, rau ăn trái, rau màu và cây công nghiệp.
Từ các mô hình này, Cục BVTV, các hiệp hội sẽ đồng hành, giám sát cùng doanh nghiệp để đánh giá và hướng dẫn người dân bón phân, thuốc BVTV một cách hợp lý, cân đối và tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. "Đầu tiên người dân phải nhận thức được nếu chúng ta sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học thì sẽ đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ được sức khỏe của chính mình" - ông Hoàng Trung nói.
Một giá trị lớn khác khi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học là các sản phẩm nông sản sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Nói đến an toàn thực phẩm của sản phẩm của ngành trồng trọt, đó là vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Khi chúng ta sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học thì chúng ta đã loại bỏ yếu tố đó, chỉ quan tâm một số độc tố, các vi sinh... Những yếu tố này chúng ta hoàn toàn kiểm soát được.
Theo ông Hoàng Trung, khi chất lượng nông sản được nâng lên, lợi nhuận cuối cùng sẽ tăng. Nó sẽ bù đắp lại phần giá thuốc BVTV sinh học hiện nay hơi cao và sử dụng không thuận tiện như thuốc BVTV hóa học. Tuy nhiên, thuốc BVTV sinh học lại có tác dụng bền vững, cải tạo đất và hơn nữa bảo vệ môi trường.
Đối với phân bón hữu cơ, về giá thành không phải là đắt so với phân bón vô cơ, nhưng do phải sử dụng một lượng lớn nên công vận chuyển sẽ cao hơn. "Với công thức 1/10, tức là 10 tấn nguyên liệu sản xuất ra 1 tấn phân bón hữu cơ, phân có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên tiện dụng trong vận chuyển và đưa vào sản xuất" - ông Trung thông tin.
Tăng vùng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu tại Sóc Trăng Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như giảm diện tích rau màu kém hiệu quả, tăng vùng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu, tăng diện tích lúa đặc sản, thay thế các loại cây trồng có giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định bằng loại cây trồng...