Căng thẳng cứng người với bộ phim về tội ác diệt chủng
Khán giả gần như không thể thốt lên lời bởi không khí bên trong những trại tập trung thời Thế chiến 2 được tái hiện.
Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.
Son of Saul – một trong những bộ phim được lựa chọn tranh giải Quả Cầu Vàng, của đạo diễn người Hungary László Nemes. Son of Saul kể một câu chuyện cũ về thảm sát người Do Thái, nhưng ở một góc nhìn rất mới.
Đặc biệt, đó là sự lựa chọn giữa việc tìm mọi cách để sống sót và bổn phận làm người. Bộ phim do vậy đã mang đến một phẩm chất nhân văn tuyệt vời trong những giờ phút tuyệt vọng nhất của con người.
Bộ phim lấy đề tài về tội ác diệt chủng trong Thế chiến 2
Tại trại tập trung Auschwitz, có những người tù làm nhiệm vụ đặc biệt, họ được quân đội Đức lựa chọn để “lùa” những người già yếu, trẻ con vào trong phòng hơi ngạt. Những người tù đó phân bố theo các đội nhỏ, mà người quản lý là người được quân đội Đức tin tưởng. Họ thu nhặt trên xác chết những đồ vật có giá trị, họ mang xác chết đi thiêu…
Saul là một trong những người tù đó, anh ở trong đội Sonderkommando. Trong một lần mang chuyển đống xác chết đi thiêu, anh nhận ra một đứa trẻ, là đứa con trai thất lạc từ lâu của mình. Bộ phim không khẳng định đó có đúng là con trai anh hay không, nhưng Saul tin đó là con trai mình. Và trong sự tiếc thương không được phép bộc lộ ra ngoài, Saul muốn được chôn cất con trai mình theo đúng nghi lễ của người Do Thái, tức là tìm một tu sĩ, đọc kinh cầu nguyện và chôn xuống đất chứ không phải bị thiêu chung với rất nhiều xác chết khác.
Nhưng làm sao anh có thể làm được điều đó khi luôn bị giám sát, khi những kẻ phát xít đang canh gác, theo dõi, khi mà sự sống xót của mỗi người còn đang treo trên sợi tóc, huống hồ một nghi thức đúng đắn cho một đứa trẻ đã chết. Vì điều đó, có thể giết chết không chỉ Saul, mà cả đội Sonderkommando
Đạo diễn László Nemes đã xây dựng phân cảnh mở đầu vô cùng ám ảnh. Với chiếc camera mở khẩu độ lớn, lấy nét mỏng được đặt sát sau lưng nhân vật chính để làm mờ hết bối cảnh phía xa, chúng ta không hiểu chuyện gì xảy ngoài những lời nói mang tính dụ dỗ về lời hứa công việc, chỗ nghĩ ngơi cho tất cả mọi người, nhưng trước tiên họ phải cởi bỏ quần áo và phải đi vào một căn phòng mà họ được chỉ dẫn.
Khán giả căng thẳng vì không khí ám ảnh trong bộ phim
Những tiếng thở, những tiếng thì thầm, sự căng thẳng trong khuôn hình với góc nhìn hẹp và mơ. Khán giả mơ hồ nhận biết một điều gì đó sẽ xảy ra, nhưng không thể biết cho đến khi những tiếng hét và khóc vang lên. Sự diệt chủng bắt đầu, kinh hãi và đau đớn. Ta dần dần nhận ra, xa xa, trong sự mờ nhèo đi của khung hình là những xác chết trần truồng.
Những cú máy dài cứ vậy, trên tay cầm của nhà quay phim Mátyás Erdély đi theo nhân vật chính, với đôi mắt luôn lo sợ, hơi thở mệt mỏi, và sự vô cảm trước cái chết trần trụi ở phía trước, ta như chìm trong một không gian kinh hoàng mà bản thân ta thấy sợ hãi vô cùng. Sự tinh tế trong cách quay khiến cho bộ phim hiện ra vừa thực vừa hư. Những thân thế trần truồng nằm chết tức tưởi được làm mờ, những tiếng thì thầm khó hiểu. Những ánh mắt nhìn nhau, vô cảm, những thân xác bị kéo lê vô tội…
Video đang HOT
Nhưng thảm sát chỉ là bối cảnh câu chuyện. Bộ phim đầu tay của đạo diễn László Nemes không nhấn mạnh vào sự kinh dị, mà nhấn mạnh vào tình người. Saul phải lựa chọn giữa người thân và người dưng, lựa chọn làm bổn phận của một người cha, hay vì mạng sống mà bỏ qua điều đó…
Giữa địa ngục của tội ác vẫn lóe lên ánh sáng của tình người
Bộ phim mang lại một cái nhìn đầy nhân văn về con người khi đối diện giữa sống xót hoặc chết. Sự day dứt của Saul, tính quyết đoán của anh, và những sự giúp đỡ dù đầy oán trách của những người tù mà anh làm việc cùng, đã giúp ta nhìn bộ phim ở một cảm xúc rất khác, ngoài sự kinh hoàng của những vụ thảm sát. Cảm giác về lòng nhân đạo của những con người đang ở địa ngục trần gian. Họ phải vô cảm với đồng loại đã chết để được sống sót.
Nhưng họ không bỏ mặc những người đang sống. Saul có thể đã rất vị kỉ khi đặt mọi người vào nguy hiểm chỉ vì một xác chết, nhưng không vì thế mà họ để mặc Saul, họ vẫn giúp đỡ trong sợ hãi. Và tự nhiên, lúc này đây, chết chỉ là một sự lựa chọn như sống, nó không còn quá đe doạ khiến cho ta mất hết nhân tính nữa.
Với góc máy gần như luôn duy trì ở cận cảnh, đi theo hành trình của Saul ở địa ngục nơi mọi thứ điều vô cùng vô nghĩa và kinh hoàng. Khuôn mặt luôn luôn ở trạng thái bình thản, diễn viên Géza Rhrig đã hoá thân vào nhân vật Saul với một khả năng kì diệu.
Saul kiên định với quyết tâm của mình, từ khuôn mặt, ánh mắt và cử chỉ. Camera ở ngay bên cạnh không làm nam diễn viên bối rối, mà như thể, anh đang dẫn khán giả đang sợ hãi đi tìm kiếm “tính người” ở nơi không còn nhân tính này.
Đạo diễn dẫn chúng ta đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn con người đang bị đày đoạ.
Mặc dù là bộ phim đầu tay, nhưng đạo diễn László Nemes đã thể hiện một phẩm chất quyết đoán tuyệt vời. Ông cho chúng ta ngay từ đầu phim biết đây là nơi nào, tội ác kinh hoàng của phát xít Đức, để rồi sau đó, với nhịp độ không giảm, với những cú máy dài liên tục theo bước chân nhân vật, đạo diễn như thể, dẫn chúng ta đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn con người đang bị đày đoạ.
Ta vừa căng thẳng, vừa hoảng sợ, những vừa cảm thấy một thứ tình cảm xen lỏi vào sâu bên trong mình trong mỗi bước đi của Saul, tình cảm của con người dành cho con người.
Son of Saul là một bộ phim có chủ đề không mới, nhưng nó chưa bao giờ cũ để nhắc nhở chúng ta về hoà bình, về sự khoan dung, và đặc biệt là tội ác của chiến tranh, tội ác của những cái chết vô nghĩa lý, mà cho đến tận bây giờ, không ai có thể lý giải nổi, vì sao, phát xít Đức lại làm như vậy với người Do Thái.
Trailer của bộ phim
Theo Danviet
Bộ phim kinh dị được làm từ câu chuyện cổ tăm tối nhất
"Pan's Labyrinth" luôn khiến khán giả nghẹt thở vì những cao trào cảm xúc mà nó mang lại.
Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.
Năm 2006, đạo diễn người Mexico Guillermo del Toro mang Pan's Labyrinth đến LHP Cannes. Với kinh nghiệm làm phim kinh dị của mình, đạo diễn Guillermo del Toro khiến khán giả và cả các nhà phê bình băn khoăn vì không biết, một tác phẩm kinh dị nào xứng tầm với liên hoan phim danh giá này.
Cô bé Ofelia và nhân vật Thần Nông
Guillermo del Toro cùng với Pan's Labyrinth đã ngay lập tức trả lời cho mọi băn khoăn đó. Bộ phim được lấy chất liệu từ những câu chuyện cổ nhưng được xây dựng đầy tăm tối và sợ hãi, khiến khán giả cảm thấy nghẹt thở và choáng váng với những cảm xúc nó mang lại.
Pan's Labyrinth (Mê cung Thần nông) lấy bối cảnh tại Tây Ban Nha vào năm 1944, 5 năm sau cuộc nội chiến dai dẳng và phe độc tài vẫn còn nắm giữ quyền lực, luôn tìm cách để dập tắt những cuộc kháng chiến. Nhân vật chính trong phim là cô bé Ofelia cùng với hai cuộc sống song song, hiện thực đau khổ và thế giới thần tiên kỳ bí của mình.
Với chất liệu là những câu chuyện cổ tích và nhân vật chính là một cô bé 10 tuổi nhưng Pan's Labyrinth không phải là một bộ phim dành cho trẻ con, thậm chí nó cũng hơi quá với nhiều người lớn.
Pan's Labyrinth không phải là một cuộc hành trình vào xứ sở thần tiên ngọt ngào
Câu chuyện trong phim bắt đầu từ khi cô bé Ofelia cùng mẹ chuyển đến ở cùng cha dượng là đại úy Vidal, một tên chỉ huy tàn ác của chế độ độc tài. Vidal ám ảnh với việc phải có một đứa con trai và mẹ của Ofelia đang làm "nhiệm vụ" đó. Sức khỏe của mẹ Ofelia càng ngày càng yếu với sự lớn dần lên của đứa con trong bụng.
Một ngày nọ, Ofelia được một con bọ kỳ lạ dắt vào khu rừng gần nhà. Tại đó, Ofelia gặp Pan (Thần Nông) - sinh vật nửa người nửa dê trong truyền thuyết. Pan dắt Ofelia vào mê cung và kể cho cô câu chuyện về nàng công chúa bị thất lạc khỏi vua cha của mình. Nàng công chúa phải thực hiện 3 nhiệm vụ để có thể trở về sống hạnh phúc vĩnh viễn tại vương quốc.
Thế là cuộc hành trình của Ofelia trong mê cung kỳ dị bắt đầu. Cô bé phải thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, gặp gỡ những nhân vật quái đản, dị hợm. Những con quái vật nhai đầu người, những tên quỷ dữ tợn có con mắt nằm ở bàn tay. Xen lẫn trong thế giới u ám đầy sợ hãi dưới lòng đất của Ofelia là cuộc sống đẫm máu ở hiện tại, nơi tên đại úy Vidal ngày ngày ra sức bắn giết, tiêu diệt những người ở phe chống đối.
Phần lớn thời gian trong Pan's Labyrinth đều khiến khán giả cảm thấy nghẹt thở. Cảm xúc như một đám khói mắc nghẹn trong cuống họng, không cách nào có thể giải thoát. Sự sợ hãi, phẫn nộ, hoang mang và mất mát lòng tin cứ đan xen trong tâm trạng của người xem, cùng với sự hồi hộp theo dõi hành trình của Ofelia.
Tạo hình nhân vật dị hợm và đáng sợ
Mỗi nhân vật, mỗi phân đoạn trong phim đều khiến mọi người phải dừng lại suy ngẫm. Một câu chuyện cổ tích không chỉ nhằm để kể, mà còn để răn dạy. Loài người phải trả giá bởi lòng tham và sự tác ác của chính mình.
Mạch phim chậm, đôi lúc còn khiến cảm xúc của khán giả ngày càng u tối. Giữa sự chậm rãi bình thản của mạch phim là những sự xoáy sâu vào nỗi đau và sự bất hạnh. Con người ta luôn mơ ước về một thế giới đẹp đẽ hơn nhưng để có thể đến được với điều đó, phải bước qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách, thậm chí còn phải dẫm lên cả máu của người khác để mở cánh cổng thiên đàng.
Pan's Labyrinth còn khiến người xem như rơi vào một cái hố đen tăm tối của cảm xúc với kết thúc quá buồn thảm. Cái chết của cô bé Ofelia như dập tắt mọi ánh sáng le loi trong đường hầm của mê cung, khiến mọi chuyện đi vào bế tắc. Nhưng nhìn nhận theo một chiều hướng tích cực, Ofelia đã đánh đổi cả mạng sống của mình cho đứa em trai cùng mẹ khác cha, như một cách ươm hạt mầm hy vọng mới vào hiện thực.
Cái chết của Ofelia đưa câu chuyện phim đến một hồi kết tăm tối
Cách đạo diễn xây dựng những nhân vật trong phim cũng khiến khán giả nhớ mãi không quên. Không phải chỉ là những nhân vật huyền bí, quái đản trong mê cung mà còn cả chính những con người ở hiện tại. Nhân vật cực ác trong phim là đại úy Vidal, sinh ra từ cái chết của cha và luôn ám ảnh về cái chết. Ước nguyện cả đời của Vidal chính là có một đứa con trai để có thể tiếp nối "truyền thống" của mình. Đứa con trai đã trở thành một ám ảnh đến mức bệnh hoạn của Vidal.
Thực ra Pan's Labyrinth không phải là một câu chuyện thần thoại. Nó chính là tấm gương phản ánh lại cuộc chiến tranh tàn nhẫn và khốc liệt ở bên ngoài. Tất cả những thử thách của Thần Nông trong mê cung là tấm gương phản chiếu lại những gì xấu xa tồi tệ nhất mà cuộc chiến tranh và những con người cai trị tàn bạo đang thực hiện.
Nạn nhân của những cuộc chiến này chính là người dân vô tội, như mẹ của Ofelia bị hút máu dần dần bởi cuộc chiến, như bác sĩ Ferreiro cả đời chỉ muốn cứu sống những người khác, bất kể tư tưởng khác biệt như nào, hay là chính những đứa trẻ, như Ofelia và em trai, bị giết bởi chính cuộc chiến.
Nhân vật Vidal với thứ nguyện ước ám ảnh quái đản
Ngoài nội dung, thứ mang lại cảm xúc cho Pan's Labyrinth là hình ảnh. Tạo hình các nhân vật và những cảnh quay tuyệt đẹp của bộ phim là điểm cộng cho bộ phim này. Cũng chính nhờ vậy, Pan's Labyrinth đã giành được 3 giải Oscar, trong đó có các giải thưởng về hình ảnh, quay phim và hóa trang.
Trailer phim
Theo Danviet
Quặn lòng với phim về tình yêu giữa quý ông và máy tính Bộ phim dành giải Oscar cho kịch bản xuất sắc nhất kể về tình yêu giữa một người đàn ông và máy tính của chính mình. Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu...