Căng mình giữ lưới điện an toàn mùa nắng nóng
Các tuyến đường dây 500 kV và 220 kV do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý nằm dọc các sườn núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối; nhiều tuyến đường dây đi qua rừng phòng hộ, vùng nguyên liệu mía của các nông, lâm trường… Chính vì vậy, việc quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện tại khu vực này đối mặt với rất nhiều áp lực.
Dùng flycam kiểm tra hành lang tuyến và phát hiện sớm các đám cháy trong hành lang tuyến lưới điện truyền tải – Ảnh: PTC3
Để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trong những tháng hè cao điểm, PTC3 đang dồn lực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, chống cháy trong và ngoài hành lang tuyến mà PTC3 quản lý vận hành.
Ngay từ tháng 10 của năm trước, PTC3 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án chống cháy mùa khô hành lang tuyến cho năm sau nhằm bảo đảm vận hành an toàn lưới truyền tải điện.
Công ty đã xây dựng kế hoạch chi tiết xử lý từng khoảng cột có nguy cơ cháy theo cấp độ cháy được quy định tại Điều 46 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Đồng thời, xác định rõ thời gian xử lý xong từng khoảng cột cụ thể trong các tháng mùa khô đối với từng khu vực để tổ chức thực hiện. Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên từ ngày 15/11 đến hết mùa khô, các tỉnh Duyên hải miền Trung từ ngày 15/2 đến hết mùa khô.
Công ty đã tập trung chỉ đạo các đội truyền tải tiến hành phát quang các cây trong và ngoài hành lang tuyến, chủ động khoanh vùng, thu gom và đốt có kiểm soát cây khô, thực bì hoặc thu dọn, cào lằn ranh, kéo ra xa khỏi hành lang tuyến nhằm giảm tối đa nguy cơ cháy, phù hợp với thời gian chống cháy của từng cung đoạn.
Tính đến tháng 5/2021, các đơn vị thuộc PTC3 đã xử lý chống cháy cho 1.263 khoảng cột đi qua rừng, rừng trồng có nguy cơ cháy với diện tích 4,5 triệu m2 và tổ chức tuần canh chống cháy cho 200 khoảng cột đi qua vùng nguyên liệu mía với diện tích trên 1,8 triệu m2.
Đối với những khu vực xung yếu tại những thời điểm có nguy cơ cháy cao (nhất là với cây mía, cây keo, bạch đàn của người dân sau thu hoạch), PTC3 đã yêu cầu các đơn vị lập lịch cụ thể để cắt cử cán bộ, công nhân trực canh nhằm phát hiện sớm đám cháy, triển khai phương án xử lý thích hợp.
Đặc biệt, PTC3 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như lắp đặt camera để giám sát chống cháy mía, rừng trồng, rừng phòng hộ ở một số đường dây đi qua vùng nguyên liệu mía và rừng trồng.
Tính đến tháng 5/2021, trên toàn lưới điện của PTC3 đã lắp đặt được 109 bộ camera giám sát chống cháy và các đơn vị vẫn đang triển khai lắp đặt. Ngoài ra, PTC3 còn sử dụng các thiết bị bay (UAV, flycam) để bay kiểm tra các đoạn tuyến đường dây nằm trên các đỉnh đồi núi, đi qua khu vực rừng phòng hộ, rừng trồng. Dữ liệu thu thập được từ thiết bị UAV được các cán bộ kỹ thuật phân tích, kiểm tra để phát hiện sớm các khiếm khuyết, nguy cơ và đưa ra định hướng sửa chữa, xử lý kịp thời.
Video đang HOT
“Do công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt ngay từ đầu mùa khô nên trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, trên toàn lưới điện của PTC3 không có sự cố lưới điện do nguyên nhân cháy gây ra”, ông Hồ Công, Phó Giám đốc PTC3 cho biết.
Thách thức lớn từ nguồn năng lượng tái tạo
Khu vực do PTC3 quản lý, vận hành lưới điện truyền tải là nơi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Đến nay, tổng công suất điện mặt trời đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối các công ty điện lực trong khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên đã lên tới 8.224MW, chiếm 41% tổng công suất đặt nguồn điện đấu nối lưới truyền tải và lưới điện phân phối trong khu vực này.
Công nhân PTC3 bảo dưỡng thiết bị TBA 500kV Vĩnh Tân vào ban đêm. Ảnh: PTC3
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng Phòng Điều độ PTC3 cho biết, hiện nay, để hạn chế tình trạng đầy tải và quá tải lưới điện 220 kV, các cấp điều độ phải áp dụng các biện pháp giảm phát hoặc khống chế công suất phát của các nguồn điện khu vực; thay đổi kết dây tách thanh cái, mở vòng lưới điện 220 kV để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây 220 kV còn non tải.
“Tuy nhiên, sau khi giảm huy động nguồn điện, thay đổi kết dây, vẫn còn xảy ra tình trạng vận hành đầy tải, có khi quá tải một số đường dây và trạm biến áp”, Trưởng Phòng Điều độ PTC3 phản ánh.
Do lưới điện vận hành trong tình trạng đầy tải, quá tải nên đặt ra yêu cầu phải tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát thiết bị, MBA, đường dây và hành lang tuyến để kịp thời khắc phục, xử lý các hiện tượng bất thường.
Để bảo đảm truyền tải điện an toàn, ổn định trong năm nay và các năm tiếp theo, PTC3 kiến nghị đẩy nhanh tiến độ đóng điện các dự án truyền tải đang được triển khai. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án truyền tải, nâng công suất máy biến áp trong khu vực.
Trong công tác chủ động phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành với chính quyền địa phương, PTC3 đề nghị UBND các tỉnh có lưới truyền tải điện đi qua khi thành lập ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, cần có thành phần lãnh đạo của đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
PTC3 cũng kiến nghị sửa đổi Điều 15, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo hướng nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện để bảo đảm tính răn đe.
Xây dựng kịch bản đảm bảo truyền tải điện an toàn mùa nắng nóng
Trước mùa nắng nóng năm nay, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị trực thuộc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng các kịch bản nhằm đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định.
Ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Công nhân Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) vận hành trạm biến áp 110kV Khai Quang cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Thưa ông, mùa nắng nóng năm nay, thách thức nào là lớn nhất trong vận hành lưới điện truyền tải của EVNNPT và Tổng công ty đã có sự chuẩn bị như thế nào trước mùa nắng nóng năm nay?
Theo quy luật hàng năm, bắt đầu từ cuối tháng 5, nhiệt độ nhiều nơi trong toàn quốc tăng lên. Trong mấy ngày qua, đặc biệt là các ngày 01, 02, 03/6, nhiệt độ các tỉnh khu vực Bắc, Trung bộ cao kỷ lục dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến và lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Điều này dẫn đến nhiều đường dây truyền tải, nhiều trạm biến áp vận hành trong chế độ đầy và quá tải trong khi nhiệt độ môi trường cao nên nguy cơ sự cố là rất lớn nếu như không có các biện pháp phòng ngừa. Đây thực sự là thách thức không nhỏ với EVNNPT và các đơn vị trực thuộc.
Ngay từ đầu mùa khô 2020-2021, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chỉ đạo các công ty truyền tải và các truyền tải điện khu vực kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ các cung, đoạn đường dây truyền tải trong khu vực mình quản lý, lau rửa sứ, soi phát nhiệt, kiểm tra các mối nối và xử lý ngay các bất thường khi phát hiện, phát quang hành lang tuyến...
Việc bảo trì và thí nghiệm định kỳ cho các trạm biến áp đã được Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện thực hiện ngay từ đầu năm để đảm bảo trong mùa khô này. Các thiết bị truyền tải điện đảm bảo tính sẵn sàng cao nhất, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư và sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện chống quá tải mùa khô năm 2021.
Bên canh đó, việc thực hiện giám sát online các thiết bị trong trạm biến áp đã được các đơn vị trong EVNNPT thực hiện rất hiệu quả. Điều đó, giúp ích rất nhiều cho việc cảnh báo, ngăn ngừa sự cố.
Trong những ngày nắng nóng vừa qua, các đơn vị truyền tải điện đã sử dụng nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cung cấp điện, từ tăng cường kiểm tra, ứng dụng khoa học công nghệ đến các biện pháp tình thế như: dùng hệ thống phun nước để làm mát cho các máy biến áp trong thời điểm nắng nóng cao nhất. Biện pháp này là thủ công nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt cũng phát huy hiệu quả cao.
Nắng nóng, mang tải cao là một khó khăn lớn đối với lưới điện truyền tải, trong khi dịch COVID-19 lại đang diễn biến phức tạp, EVNNPT đã, đang làm gì để khắc phục tình trạng này?
Đây là thời điểm khó khăn cho quản lý vận hành không chỉ của riêng EVNNPT mà là cả ngành điện. Các thiết bị luôn mang tải cao lại trong môi trường nóng gay gắt, chỉ cần thiếu kiểm tra, giám sát là có thể gây nên sự cố làm mất điện trên diện rộng. Do vậy, lực lượng vận hành không quản ngày, đêm, nắng nóng... phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong khi đó, để phòng dịch bệnh thì các trang phục cho lực lượng vận hành lại làm cái nóng càng thêm ngột ngạt.
Để khắc phục tình trạng trên, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị bố trí, sắp xếp lao động một cách hợp lý, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ như: flycam, camera giám sát, các thiết bị giám sát online... để giảm bớt sức lao động cho anh em công nhân. Đồng thời, các đơn vị tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống.
Ngoài ra, EVNNPT cùng công đoàn các cấp tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời, chăm lo tốt nhất cho đời sống của người lao động.
Với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, tính tuân thủ, tận tâm của cán bộ công nhân viên được xây dựng trong văn hóa doanh nghiệp EVNNPT, tin chắc rằng, mọi khó khăn sẽ được vượt qua, lưới điện truyền tải sẽ được vận hành an toàn.
Để đảm bảo truyền tải điện an toàn mùa nắng nóng cũng như mưa bão, EVNNPT có kiến nghị gì với các địa phương?
Để đảm bảo truyền tải điện an toàn mùa nắng nóng, EVNNPT kiến nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên tuyền và phối hợp với các đơn vị truyền tải kiểm tra đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, không thả diều, vật bay, đốt nương rẫy gần đường dây nhằm giảm thiểu nguy cơ sự cố. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe.
Các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện kiểm tra, xử lý tồn tại, khiếm khuyết lưới điện, xử lý nhanh khi sự cố xảy ra; phối hợp tốt các đơn vị lực lượng vũ trang, phòng cháy chữa cháy, kiểm lâm, dân phòng, các cơ quan, nhân dân địa phương và truyền tải điện trong phòng chống cháy rừng, chống cháy lan, chữa cháy rừng, nương rẫy, nhà xưởng và trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi mưa bão, lũ lụt xảy ra.
Các địa phương tuyên truyền và thực hiện sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tránh quá tải các đường dây và trạm biến áp trong mùa nắng nóng; thông báo cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện về các dự án quy hoạch thực hiện gần đường dây, trạm biến áp để góp ý đảm bảo tránh vi phạm, ảnh hưởng công trình lưới điện.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Hòa liên kết để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía Mấy năm gần đây, việc trồng mía không hiệu quả nên nhiều nông dân đã bỏ trồng mía, chuyển đổi cây trồng khác. Để ổn định vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp mía đường đang liên kết, hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả cây mía. Nhiều hộ trồng mía tại huyện Cam Lâm, phía Nam tỉnh Khánh Hòa vừa...