“Càng lĩnh vực nhạy cảm, lòng tham cán bộ càng bị thách thức”
LS Phan Xuân Xiểm, Hội Luật gia VN, nguyên Vụ trưởng Vụ T.Ư1, UB Kiểm tra T.Ư có cuộc trao đổi với phóng viên quanh vến đề sai phạm của cán bộ.
“60% nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính tôi cho là còn ít so với thực tế. Là bởi không phải ai biết, ai bức xúc với cán bộ sai phạm cũng nộp đơn tố cáo. Họ sợ “không phải đầu cũng phải tai”. Bởi thế mà sai phạm của cán bộ không ít, sai phạm lớn có, nhỏ có. Và những bức xúc của người dân thì chưa bao giờ hết”, Luật sư Phan Xuân Xiểm chia sẻ với phóng viên.
Khiêm tốn đấy!
Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2014. Theo đó, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 60,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội… Là một luật sư từng thực hiện trọng trách kiểm tra nhiều địa phương, ông nghĩ gì về con số này?
Tổng kết này đã nói lên một điều bức xúc cơ bản về những bức xúc của người dân trong việc thi hành pháp luật, tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ công chức. So với thực tế thì có khi con số đó còn khiêm tốn đấy! Tôi đã từng nhiều năm làm công tác kiểm tra tôi thấy, đụng đâu sai đó, sờ đâu sai đó. Cứ kiểm tra là kiểu gì cũng có sai phạm. Chỉ trừ khi không động chạm đến thì mới không sai.
Nói thế thì hệ thống công chức của ta đang có vấn đề quá?
Sai phạm ở đây có nhiều cách hiểu khác nhau. Có những sai phạm nhỏ, chưa đến mức xử lý mà chỉ cần kiểm điểm rút kinh nghiệm phòng ngừa. Sai phạm có nhiều mức độ. Nhưng nói chung đã kiểm tra là phát hiện ra khuyết điểm. Nên 60% kia là bình thường, thậm chí thực tế có thể còn hơn như thế.
Rõ ràng cơ hội để công chức vi phạm là lớn mới dẫn đến thực tế đó?
Có nhiều nguyên nhân, công tác quản lý, giám sát kiểm tra, cơ chế phát hiện sai phạm… còn lỏng lẻo. Quan trọng là thiếu sự giám sát thường xuyên, tạo điều kiện để cán bộ sai phạm. Nhiều khi cán bộ ở địa phương nào, lĩnh vực nào thường “nằm yên” ở đó, ít bị chịu sự kiểm soát, kiểm tra chéo. Sai phạm thường xảy ra do không có sự kiểm tra. 9/10 sai phạm là do thiếu kiểm tra.
Vậy tính tự giác của cán bộ nằm ở đâu?
Con người nói chung mà không có sự kiểm soát giáo dục thì cũng dễ sa ngã. Việc kiểm tra giám sát thường xuyên sẽ khiến cán bộ ít dám sai phạm. Quản lý cán bộ lỏng lẻo thì cán bộ dễ tung hoành ngang dọc, kiểu “một mình một chợ” hoặc không thì thành lập đường dây của mình để làm các việc trục lợi cá nhân. Có những vụ việc đã được khui ra cho thấy cán bộ coi mình là ông trời, mệnh lệnh của mình là tuyệt đối, cấp dưới phải phục tùng. Nên tính tự giác của cán bộ cũng cần phải được trau dồi nhiều nữa. Có mấy người tự nhận mình tham nhũng, vi phạm pháp luật đâu. Nếu thế thì họ đã không vi phạm.
Video đang HOT
LS Phan Xuân Xiểm, Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ T.Ư1, Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Lợi ích quá lớn thì khó tiết chế lòng tham
Trong danh mục các lĩnh vực có nhiều đơn tố cáo nhất, đất đai, tài chính ngân sách, thực hiện chính sách xã hội là những lĩnh vực tập trung nhiều bức xúc nhất. Phải chăng, lĩnh vực càng “màu mỡ” thì càng nhiều bức xúc?
Những lĩnh vực động chạm trực tiếp đến tiền, đến tài sản… đương nhiên là dễ xảy ra sai phạm hơn. Con người ai cũng có lòng tham, nếu không tự tiết chế được, không có cơ chế để kìm kẹp lòng tham đó thì nó sẽ bung ra, đó là một lẽ rất tự nhiên. Chính sách thay đổi thường xuyên, mỗi nơi áp dụng một kiểu dẫn đến người dân bức xúc. Người thực thi pháp luật chưa chuẩn thì gây thiệt hại cho dân.
Do chúng ta chưa có chính sách pháp luật đủ chặt chẽ ở những lĩnh vực đó hay vì liên quan đến lợi ích lớn nên cán bộ bất chấp?
Vì lợi ích với những khoản quá lớn nên đa phần không tiết chế đươc lòng tham. Ở góc độ chính sách thì mặt này hay mặt khác, ít nhiều có những sơ hở. Cán bộ càng tìm hiểu kỹ thì càng tìm ra nhiều kẽ hở đó. Nên đôi khi, biết rõ cán bộ có sai phạm mà không thể xử lý được vì họ đã vận dụng một cách “linh hoạt” các quy định, chính sách hiện hành. Công tác kiểm tra dù có kỹ đến mấy cũng không phát hiện được, hoặc biết mà chẳng thể làm gì.
Vậy là càng ở lĩnh vực “nhạy cảm” thì lòng tham của cán bộ bị thách thức nhiều hơn?
Đúng thế!
Nên chăng có những quy định đặc thù với cán bộ làm việc trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như ông vừa nêu?
Trong các chính sách pháp luật hiện nay có hết rồi. Muốn chấn chỉnh thì phải rà soát lại hết tất cả các quy định đó xem điểm nào chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung. Không cần phải đặt ra tiêu chuẩn riêng vì đạo đức thì khó mà có chuẩn để buộc người ta theo lắm. Chỉ còn cách tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm mang tính răn đe. Cấp trên phải gương mẫu, càng cao càng phải trong sáng. Chứ sếp mà tham thì nhân viên cũng sẽ càng tìm mọi cách để “đục khoét” được nhiều hơn.
Đạo đức quyết định tất cả
Theo ông thì năng lực hay đạo đức quyết định việc công chức vi phạm các quy định?
Có lẽ tất cả là do đạo đức con người. Nếu có đạo đức, làm việc vì dân vì nước, là công bộc của dân thì sẽ không có những sai phạm đó. Đạo đức của người thực thi nhiệm vụ quyết định tất cả. Năng lực, sự thiếu hiểu biết cũng góp phần làm cán bộ vi phạm, nhưng nó chỉ ở một phần trăm rất nhỏ. Khi chúng tôi đi kiểm tra sai phạm thì thấy do năng lực là rất ít, đa phần là do cố ý làm. Đa số họ chỉ lợi dụng sơ hở của pháp luật làm lợi cho mình.
Có khi nào cán bộ sẵn sàng vi phạm quy định để đem lại quyền lợi cho người dân địa phương mình, lĩnh vực mình?
Cũng có những sai phạm với động cơ vì tập thể, nhưng nếu nó có hại cho toàn cục thì vẫn bị xử lý, chỉ có điều thái độ xử lý sẽ khác. Khi xử lý những vụ việc đó, nếu động cơ của cán bộ là vì tập thể thì sẽ xử lý khác, vì tư lợi thì sẽ khác. Đó là góc độ nhân văn của pháp luật. Thế nhưng, thực tế những vụ việc vì tập thể như vậy ít lắm, rất hiếm gặp. Chẳng ai tội gì mang vạ vào thân nếu bản thân mình không được gì.
Từ con số đơn khiếu nại tố cáo công chức nói trên, phải chăng người dân đã tích cực phản ánh những bức xúc hơn, không còn kiểu “bức xúc để đó” nữa?
Thực ra cũng chỉ là tích cực hơn thôi. Cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện cũng chưa thật sự đảm bảo để khuyến khích người ta khiếu nại tố cáo đâu. Không phải tất cả những người biết có tiêu cực mà họ đi tố cáo hết đâu. Nhiều khi đơn vị nhận đơn tố cáo cố tình né tránh, khiến người nộp đơn chán nản, nghĩ rằng đi tố cáo chỉ mất công thôi chứ chẳng được gì, chẳng thay đổi được gì đâu. Rồi tố cáo thì “chẳng phải đầu cũng phải tai”. Người đang làm việc thì sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Nên cái con số 60% đơn tố cáo nói ở trên theo tôi là vẫn còn ít so với thực tế.
Người tố cáo còn e ngại, sợ bị ảnh hưởng, thế thì làm sao chống được tham nhũng?
Họ lo lắng là đúng chứ, vì mình đã có cơ chế bảo vệ họ đâu. Giả sử một người đang làm việc trong cơ quan, nộp đơn tố cáo một người nào đó. Thế là tổ chức sẽ liên tục hỏi han, truy xét rằng vì sao lại tố cáo như vậy, có cơ sở gì để nói vậy không. Mà không cẩn thận lại thành tội vu khống, mang vạ vào thân. Nên nhiều khi, biết thì để đó thôi.
Xin cảm ơn ông!
Trong báo cáo thẩm tra về Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2014, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận định, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo có 41% số vụ việc khiếu nại và 36,8% số vụ việc tố cáo là đúng hoặc đúng một phần. Điều này cho thấy, công tác quản lý nhà nước cũng như công tác giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Theo Kiến Thức
Đến lúc cần có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng
Việc xác minh đâu là tài sản tham nhũng không hề đơn giản bởi nó đã được ngụy trang, tẩu tán, chuyển hóa để nhằm đối phó trước khi hành vi phạm tội...
ảnh minh họa
Ngày 28/10, Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề "Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam". Đây là hoạt động để chuẩn bị cho Đối thoại "Phòng chống tham nhũng lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ" sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tới đây.
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại Kỳ họp Quốc hội lần này không có thay đổi nhiều. Điệp khúc được lặp lại là "Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công...".
Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. Cách nào thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là bài toán làm đau đầu cơ quan chức năng.
Nguyên tắc xử lý tham nhũng trong Luật Phòng chống tham nhũng quy định rất cụ thể: tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Bộ Luật Hình sự cũng quy định các tội về tham nhũng là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Thế nhưng trên thực tế xét xử, hình phạt bổ sung là tịch thu hoặc thu hồi tài sản hầu như không được áp dụng.
Tội phạm tham nhũng là tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Hiển nhiên, đây là những người không chỉ hiểu biết về pháp luật mà còn có kinh nghiệm công tác, có nhiều mối quan hệ. Do vậy, việc xác minh đâu là tài sản tham nhũng không hề đơn giản bởi nó đã được ngụy trang, tẩu tán, chuyển hóa để nhằm đối phó trước khi hành vi phạm tội tham nhũng được phanh phui.
Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức được coi như là giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Nhưng sau nhiều năm thực hiện, giải pháp này vẫn chỉ là hình thức. Bởi lẽ gần 1 triệu trường hợp kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp tiến hành xác minh, 1 trường hợp bị xử lý kê khai không trung thực. Thông tin được đưa ra từ Thanh tra Chính phủ - cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi con số này có đáng để tin cậy. Nó có phản ánh đúng thực trạng chưa.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định rằng: Trong 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nằm trong nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả kém nhất.
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng, không ít chuyên gia đã hiến kế: nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, tiến tới giao dịch phải được thực hiện qua ngân hàng; cần có một hệ thống pháp luật nghiêm, một cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, không bị ràng buộc, đủ quyền năng. Nhưng trên hết, chúng ta cần một thái độ cương quyết, triệt để từ chính những người đứng đầu đối với hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng./.
Ngọc Chi
Theo_VOV
'Chống tham nhũng chưa đạt, dân bức xúc là đúng' Kết quả chống tham nhũng so với yêu cầu mục tiêu và so với thực tế cuộc sống chưa đạt, người dân bức xúc là đúng', chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Sáng 14-10, tại buổi tiếp xúc của cử tri quận 1 (TP.HCM) với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cử tri Nguyễn Đăng Cường (phường Tân Định) đề nghị...