Càng “cao cao” lại càng “kẹt kẹt”
Có những tòa nhà cố ý “vượt phép” cho tham vọng “cao cao mãi” thuần túy nghĩa đen bất chấp và thách thức mọi sự phản đối của dư luận, yêu cầu cưỡng chế…
Cứ mỗi lần nghe lại giai điệu “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lòng người viết lại lâng lâng những cảm xúc khó tả, một cảm giác mới lạ đầy nhiệt huyết, trong trẻo và hưng phấn.
Cao cao mãi
Đất nước thanh bình mấy chục năm nay, cái ước mơ “xây cho nhà cao cao mãi” của “con chim vàng nền âm nhạc Việt Nam” cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã dần dần trở thành hiện thực. Nhà cao ốc không còn là xa lạ đối với các cư dân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những đô thị lớn. Một sự đổi thay cơ sở hạ tầng tích cực, rất đáng ghi nhận.
“Cao cao mãi” như hiện nay thì chẳng ích nước lợi dân và ùn tắc, kẹt xe sẽ là… mãi mãi! Ảnh: Phạm Hải (VietnamNet).
Nhưng, phần lớn những nhà cao ốc đã và đang vươn cao khắp cả nước hôm nay đều hình như chỉ đạt được mục tiêu “cao” theo nghĩa đen, còn “cao” theo nghĩa bóng thì vẫn còn nhiều những câu hỏi chưa có lời giải thích thỏa đáng. Đó là câu hỏi về sự hài hòa với quy hoạch xung quanh, về tính hiện đại thân thiện với môi trường, về công năng sử dụng, giao thông đi lại, chất lượng vật liệu bền vững, an toàn cháy nổ, thoát hiểm… Thậm chí có những tòa nhà cố tình “vượt phép” cho tham vọng “cao cao mãi” thuần túy nghĩa đen thách thức sự phản đối của dư luận, yêu cầu cưỡng chế của chính quyền.
Có một điều giống nhau là các cao ốc, nhà cao tầng ở đô thị tập trung “mọc” lên từ những con đường đắc địa, những khu đất vàng trung tâm, những con đường lớn ven sông, ven biển… với mật độ san sát nhau. Trong khi đó ở khu vực ngoại ô ven đô lại quy hoạch theo lối “xôi đỗ” rời rạc tạo nên sự mất cân bằng mật độ dân số từng khu vực, thúc đẩy hiểm họa phân hóa giàu nghèo từ góc nhìn xã hội học.
Video đang HOT
Trong mọi hội thảo về các dự án cao tầng, rất khó có một dự án nào đạt được sự đồng thuận cao của những nhà khoa học chuyên trách, thậm chí có những dự án chưa được cấp giấy phép vẫn cứ mọc lên trong sự hoài nghi của dư luận về các “nhóm lợi ích” quyền thế đứng sau.
Quy hoạch thiếu khoa học
Đà Nẵng, nơi mệnh danh là “đáng sống”, nơi có quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch đô thị tương đối “dài hơi” so với cả nước, vậy mà mới đây cũng để “lọt” một trung tâm thương mại 30 tầng không phép ngang nhiên thi công cách trung tâm hành chính Đà Nẵng chỉ chừng 01 km. Còn cái cao ốc 34 tầng -Trung tâm hành chính – tuy mới khánh thành được hơn 02 năm nay, trong năm 2016 vừa qua, cũng làm dư luận cả nước ngỡ ngàng bởi “tin đồn” di dời với lý do nóng, ngạt khí, công năng sử dụng không phù hợp?
Ai đã từng đến TP Hồ Chí Minh trong giờ cao điểm sẽ thấy nạn kẹt xe ở thành phố này kinh hoàng đến mức độ nào, có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự quy hoạch thiếu khoa học của chung cư cao tầng, của các cao ốc khiến lượng người đổ ra hay dồn về cùng một thời điểm không thể nào kiểm soát nổi.
Còn tại Thủ đô, câu nói “Hà Nội đang trả giá vì băm nát quy hoạch” của vị Chủ tịch đứng đầu thành phố đã thừa nhận thực trạng rất buồn này. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng vừa loan tin treo giải thưởng 200.000 USD cho các ý tưởng, giải pháp tắc đường.
Năm 2016, cũng là năm mà hàng loạt các cao ốc trái “lệnh” bị đình chỉ, cho thấy sự quyết tâm rất cao của Chính phủ với việc mong muốn dẹp loạn cao ốc nói riêng, khát khao đổi mới tầm nhìn quy hoạch nói chung. Muốn như vậy, phải có sự nhất quán đồng lòng, đồng thuận của mọi đơn vị liên đới, từ địa phương tới trung ương. Bởi một cao ốc, một nhà cao tầng ra đời là sự tổng hòa của xã hội và khoa học, của dân sinh và môi trường tự nhiên, của điểm nhấn mỹ quan và các dịch vụ phụ trợ, của huyết mạch giao thông và an ninh công cộng, của truyền thống cộng đồng và tính hiện đại văn minh.
Mỗi công trình cao ốc, nhà cao tầng phải được chọn giống, gieo mầm, chăm sóc từ những “nhóm lợi ích” có tâm, có tầm, biết đặt lợi ích cao nhất chính là nhân dân, là đất nước. Chứ “cao cao mãi” như hiện nay thì chẳng ích nước lợi dân và ùn tắc, kẹt xe sẽ là… mãi mãi!
(Theo Vietnamnet)
Vỡ quy hoạch taxi khiến kẹt xe càng nghiêm trọng
TPHCM hiện có 11.060 xe taxi truyền thống và 15.344 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng. Như vậy, lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động trên địa bàn thành phố là hơn 26.400 chiếc, con số này vượt xa hạn mức taxi theo quy hoạch. Đây là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay thành phố có 21 doanh nghiệp taxi với số lượng 11.060 xe. Sở GTVT TP cũng đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các loại xe từ 9 chỗ trở xuống là 15.344 chiếc cho 274 đơn vị.
Như vậy, lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động trên địa bàn thành phố là 26.404 xe, đã làm phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố. Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020, số lượng taxi tại TPHCM không vượt quá 12.700 xe.
Lượng taxi tăng nhanh chóng là một trong những nguyên nhân khiến kẹt xe ngày càng gia tăng (ảnh minh họa)
Ngoài ra, TPHCM xuất hiện khá nhiều các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp hành khách dễ dàng gọi xe. Có thể kể đến những cái tên như Uber, GrabTaxi. Theo đó, một lượng lớn ô tô cá nhân tại TPHCM tham gia chạy taxi. Lợi thế cạnh tranh của Uber, GrabTaxi chính là giá rẻ, mang lại nhiều sự lựa chọn cho hành khách.
Sau này, Grabtaxi được Bộ GTVT "chọn mặt gửi vàng" cho phép thí điểm triển khai ứng dụng phần mềm gọi xe tại TPHCM và một số địa phương khác. Với sự phát triển ồ ạt lượng xe tham gia taxi "công nghệ" như Uber, Grab đã khiến lượng taxi tại TPHCM tăng nhanh chóng, đó là chưa kể lượng xe taxi "dù". Thiếu bến bãi, taxi chủ yếu sử dụng phần mặt tiền của nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, lòng đường... để đón trả khách. Xe đậu tràn lan trên các tuyến đường trung tâm, gây cản trở giao thông.
TPHCM đã xúc tiến đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm ở khu trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho đến nay TPHCM chưa có bãi đậu xe ngầm nào. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở khu trung tâm cũng rất hạn chế.
Với hạ tầng giao thông hạn chế, số lượng ô tô tham gia giao thông ngày càng nhiều, nhất là taxi đã khiến tình hình giao thông thành phố vốn chật chội ngày càng thêm hỗn loạn, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
Các tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải. Trong ảnh: đường Trường Sơn
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, trong khi quỹ đất dành cho giao thông không tăng thì số phương tiện lại tăng rất nhanh. Lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tính đến ngày 15/11/2016 là 7,85 triệu (chưa tính xe biển số tỉnh) trong đó xe máy là 7,24 triệu chiếc. Số lượng xe đã tăng hơn 60% so với năm 2010.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban An toàn giao thông TPHCM, trước đây, bình quân 1 ngày tăng 1.000 xe gắn máy, 100 xe ô tô nhưng sang năm 2016, số ô tô tăng 180 chiếc/ngày, có ngày tới 250 chiếc.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng kiến trúc đô thị không phù hợp với xe ô tô, giao thông công cộng. Bởi lẽ, phần lớn diện tích của TPHCM là phát triển tự phát từ thời chiến tranh, không theo quy hoạch; phần lớn là cấu trúc đường hẻm, chỉ có một số khu vực trung tâm thành phố có cấu trúc bàn cờ, có đường ô tô. Những cấu trúc như thế không phù hợp cho giao thông công cộng mà phù hợp với xe gắn máy.
Quốc Anh
Theo Dantri
TP HCM yêu cầu khởi động lại đề án lệch ca - lệch giờ Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa, dù đụng chạm nhưng vẫn phải nghiên cứu triển khai việc lệch ca - lệch giờ để giảm ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng. Ông Lê Văn Khoa vừa giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo và các đơn...