Cảng Cam Ranh đã đón 9 tàu quân sự
Từ khi hoạt động, cảng đã tổ chức đón 9 tàu quân sự của các nước vào neo đậu, sử dụng dịch vụ hải cảng, với tổng doanh thu 2,9 tỷ đồng.
Ngày 8/3/2016, Cảng quốc tế Cam Ranh chính thức khai trương sau thời gian hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng của giai đoạn 1.
Từ thời điểm đó, Cảng quốc tế Cam Ranh trở thành một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu trên 2.140m, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Uông Xuân Phúc Sơn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân cảng Petro Cam Ranh, cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cảng đã tổ chức đón 9 tàu quân sự của các nước: Singapore, Nhật, Pháp, Nga, Ấn Độ cập cảng thăm hữu nghị Việt Nam, hoặc sử dụng các dịch vụ hàng hải của cảng.
Cảng Quốc tế Cam Ranh đã cung cấp cho tàu bạn các dịch vụ như: hoa tiêu, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt; lên bờ tham quan du lịch cho thủy thủ đoàn, dịch vụ thể dục thể thao, ăn uống, giải trí… với tổng doanh thu đạt 2,9 tỷ đồng”.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, trong tháng 9 tới đây, Cảng quốc tế Cam Ranh sẽ đón tiếp tàu du lịch quốc tế Legend Of The Seas với hơn 2.000 du khách và thủy thủ đoàn, trong hành trình ghé thăm vịnh Cam Ranh, cũng như các địa điểm du lịch khác của tỉnh Khánh Hòa.
Hai tàu hộ vệ JS ARIAKE và JS SETOGIRI của Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh hồi tháng 4/2016. Ảnh: QĐND
Video đang HOT
Là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. Cảng được chia làm 2 nhóm công trình dưới và trên bờ. Trong đó, nhóm công trình thủy công gồm hệ thống các cầu cảng được bố trí theo phương án bến nhô, cập tàu hai phía để tăng cường năng lực đón tiếp tàu.
Trong giai đoạn này, Cảng quốc tế Cam Ranh tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu, bao gồm cung ứng dịch vụ hàng hải cho tàu quân sự, tàu du lịch; sửa chữa đầu bến cho các loại tàu và cung cấp dịch vụ du lịch cho thủy thủ đoàn, du khách.
Trước sự tấp nập của cảng quốc tế Cam Ranh từ khi đi vào hoạt động, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), từng cho rằng lý do quan trọng nhất khiến Nhật, Nga, Mỹ và nhiều quốc gia khác đều muốn hiện diện tại Cam Ranh đó là vì vị trí địa chiến lược và địa chiến lược của Cam Ranh.
“Cam Ranh là một trong những cảng thuận lợi nhất phục vụ cho sự tiến-thoái, bảo vệ, công-thủ của tàu ngầm, tàu chiến. Từ Cam Ranh có thể vươn ra khống chế toàn bộ Biển Đông. Đó là lý do từ Mỹ đến Nga và các quốc gia khác đều muốn sử dụng Cam Ranh – chốt chặn quan trọng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ.
Trước đó, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, từng cho biết, việc khai thác Cảng Quốc tế Cam Ranh sẽ phục vụ phát triển kinh tế, thương mại, xã hội trước mắt của khu vực xung quanh địa phương.
“Trong logistics, trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc phòng, hậu cần rất quan trọng, trong đó hậu cần cảng biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Việc phát triển cảng Cam Ranh là một bước đi vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, vừa là bước đi có tính toán chiến lược của Đảng và Nhà nước”, TS Trần Việt Thái nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao ý nghĩa về mặt quân sự, quốc phòng an ninh của Cảng Quốc tế Cam Ranh, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp.
Nó khẳng định Việt Nam sử dụng vùng biển của mình vì lợi ích chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không giống như “người bạn lớn” đang có những hành vi ngăn cản, làm khó, nói một đằng làm một nẻo, bị thế giới lên án bởi việc làm cải tạo đảo, xây căn cứ quân sự ở Trường Sa với cái cớ là để có sự thông thương, thuận lợi cho an toàn hàng hải quốc tế”.
Theo Đất Việt
Tham mưu trưởng: 'Mỹ muốn dùng dịch vụ ở Cam Ranh'
Hải quân Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để gia tăng khả năng sử dụng (dịch vụ tại) các căn cứ quân sự của Philippines và Việt Nam, bao gồm Cam Ranh.
Đây là tuyên bố của Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson được Reuters dẫn lại. Dù bày tỏ mong muốn như vậy nhưng Đô đốc Richardson vẫn nhấn mạnh, Washington sẽ tiến hành nó một cách thận trọng và không ép buộc bất kỳ đối tác nào, mà để họ thoải mái lựa chọn đảm bảo tốt nhất lợi ích cho các đối tác.
Cảng quốc tế Cam Ranh được khánh thành hôm 8/3. Ảnh: Tuổi trẻ
Cũng theo Reuters, ý định sử dụng dịch vụ ở Cam Ranh của Mỹ xuất phát từ những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, Mỹ đã phát hiện thấy các hoạt động bất thường của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm quyền kiểm soát của Philippines trong cuộc khủng hoảng tháng 4/2012. Những hoạt động này có thể khởi đầu cho việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở khu vực (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.
Đô đốc John Richardson tỏ ra lo ngại, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague về việc Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông có thể trở thành cái cớ khiến Trung Quốc kích hoạt các hành vi leo thang trong khu vực.
Ông cho hay, quân đội Mỹ đã nhìn thấy các hoạt động của Trung Quốc xung quanh Scarborough: "Tôi nghĩ chúng tôi đã thấy một số tàu bè hoạt động, khảo sát đang xảy ra. Đó là một khu vực đáng quan tâm, một khu vực tiếp theo có thể bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo".
Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ nói rằng ông đã bị sốc trước cách quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành. Đồng thời Hải quân Mỹ đã sẵn sàng tăng cường làm việc cùng nhau không chỉ với cơ chế song phương mà còn đa phương.
Ông cũng khẳng định, quân đội Mỹ xem đây là cơ hội tốt để xây dựng và xây dựng lại mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, Philippines và Ấn Độ, những nước đang nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông.
Liên quan đến Cam Ranh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh từ năm 2010 đã khẳng định, cảng Cam Ranh là cơ sở làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam có khả năng kiểm soát tình hình. Hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh.
Tháng 3/2015, trong buổi đối thoại với Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Ted Osius tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington (Mỹ), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh, Việt Nam có chính sách đối ngoại độc lập và chính sách đối tác thân thiện đối với tất cả các nước. Việt Nam không thiết lập quan hệ với nước này để làm tổn hại đến nước khác.
"Chúng tôi tạo điều kiện cho tất cả quốc gia đến Cam Ranh với mục đích sử dụng dịch vụ hậu cần. Tôi phải nói rằng sân bay của chúng tôi, những địa điểm ở đất nước chúng tôi và những hiệp định mà chúng tôi ký kết với nước khác sẽ không bao giờ gây nguy hại cho một bên thứ ba", Đại sư Phạm Quang Vinh nói.
Ngày 8/3 vừa qua, tại căn cứ quân sự Cam Ranh, Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được khai trương. Từ đây, cảng Cam Ranh có nhiệm vụ đón tiếp các tàu quân sự, tàu khách quốc tế; cung cấp dịch vụ hàng hải tại căn cứ quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Trả lời cho câu hỏi Quân đội Nga được trở lại Cam Ranh Các chuyên gia Nga cho rằng, việc Quân đội Nga trở lại Cam Ranh với tư cách đầy đủ là không thể, tình hình bây giờ đã khác rất nhiều. Vừa qua, Nga đã được phía Iran cho phép sử dụng căn cứ không quân của họ để các máy bay Tu-22M3 và máy bay Su-34 của Lực lượng Không quân- Vũ trụ...